Mạng người đáng giá bao nhiêu?
Mạng người đáng giá bao nhiêu?
“Không có nhận thức nào về đạo đức lại không dẫn tới điều gì đó bất tiện.” – Denis Diderot.

 

Một thí nghiệm tiến thoái lưỡng nan

 

 

Có năm người công nhân đang làm việc trên đường ray. Và một chiếc xe điện đang lao về phía họ mà họ chẳng hề hay biết. Bạn đứng đó, sắp sửa chứng kiến một thảm kịch khủng khiếp. Liệu bạn có dám kéo chiếc cần công tắc ở bên cạnh mình để đẩy chiếc xe sang đường ray khác, nơi chỉ có một người đang làm việc? Hay bạn sẽ không làm gì cả?

Bạn sẽ hành động, hay đứng nhìn đây?

Lựa chọn đầy căng thẳng mà bạn vừa đọc là một biến thể của “Vấn đề xe đẩy” - một thí nghiệm mang tính biểu tượng trong triết học. Hóc búa, lố bịch và ám ảnh một cách kỳ lạ, kịch bản giả định này đã định hình sâu sắc quan niệm của chúng ta về cặp phạm trù đúng và sai. Trong suốt 40 năm qua, “Vấn đề xe đẩy” thu hút sự chú ý của hàng loạt những cá nhân xuất chúng, từ các nhà đạo đức học, tâm lý học hay ngay cả các kỹ sư. Nó thúc đẩy họ trả lời những câu hỏi mang tính căn bản: Chúng ta hành động ra sao, và nên hành động như thế nào? Nhưng khi thí nghiệm này tiến đến mốc tuổi đời gần nửa thế kỷ, người ta lại đặt câu hỏi rằng có phải nó đang bộc lộ những hạn chế nhất định?

 

 

Từ những học thuyết đầy trừu tượng

 

 

Những thí nghiệm tư duy đã trở nên quen thuộc qua các bài diễn thuyết từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Hầu hết chúng không được biết đến rộng rãi, trừ một vài thực nghiệm đã vượt ngoài khuôn khổ học thuật và trở thành những trụ cột văn hóa mạnh mẽ - như Con mèo của Schrödinger hay Song đề Tù nhân – dù với những nguyên nhân khó lý giải.

Thật ngạc nhiên khi những người đầu tiên phổ biến và phân tích Vấn đề xe đẩy lại là phụ nữ - những đại diện thiểu số trong giới triết gia. Ví dụ về chiếc xe điện được nhắc đến lần đầu vào năm 1967 bởi nhà triết học nổi tiếng Philippa Foot, trong một buổi trao đổi về vấn đề nạo phá thai tại Đại học Oxford. Vài năm sau đó, Judith Thomson, một triết gia tại Viện Công nghệ Massachusetts đã chính thức đưa ra thuật ngữ “Vấn đề xe đẩy” và phát triển thêm hai biến thể nổi tiếng của thí nghiệm này: “Cầu vượt” và “Công tắc”.

Biến thể "nặng đô" của thí nghiệm xe đẩy sẽ làm không ít người phải do dự

Trong bối cảnh của thí nghiệm Cầu vượt (hay còn được gọi là Gã béo), chiếc xe điện vẫn lao về phía năm người công nhân. Nhưng lần này bạn sẽ đứng sát mép một chiếc cầu vượt phía trên đường ray. Đứng cạnh bạn là một người đàn ông mập mạp, người nếu vô tình ngã xuống dưới có thể ngăn lại được tai nạn thảm khốc kia. Liệu bạn có dám đẩy anh ta? Nghiên cứu của bà Thomson thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng triết học tới nỗi một nhánh nghiên cứu mang tên “Xe đẩy học” đã hình thành trong những năm 1970 – 1980.

Nghịch lý xe đẩy phân tách khá sinh động hai quan niệm đạo đức khác nhau: Lựa chọn hành động sẽ đem lại kết quả chung tốt nhất (giết một người để cứu năm người) hay tuân thủ tuyệt đối những quy chuẩn (không bao giờ được giết người). Khác biệt giữa hai lựa chọn này, dù mong manh, vẫn giúp chúng ta làm rõ những khái niệm liên quan, như việc chủ ý giết người với việc để họ chết mà không làm gì. Ngày nay, chủ đề này cũng được nhắc tới trong nhiều cuộc tranh biện về luật pháp hay chính sách công, và “Vấn đề xe đẩy” đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là một trong những công cụ hiệu quả trong giảng dạy triết học.

Vấn đề xe đẩy là cách để chúng ta nhìn nhận lại thế giới

Nhưng tới cuối những năm 90, thí nghiệm xe đẩy có vẻ đã đánh mất giá trị thời đại của mình. Nhiều triết gia bắt đầu hoài nghi về ý nghĩa của kết quả thí nghiệm, nhất là khi nó được đúc kết từ một tình huống quá kỳ quặc và đặc thù.

 

 

Cho tới những thử nghiệm xã hội

 

 

“Vấn đề xe đẩy” có lẽ đã không thể vượt ngoài khuôn khổ học thuật nếu như không có sự xuất hiện của Joshua Greene – một sinh viên Triết học, người đã tái hiện thí nghiệm qua các công nghệ hiện đại của khoa học thần kinh. Anh tập hợp những người tham gia và cho họ đối mặt với tình huống xe đẩy dưới nhiều biến thể khác nhau. Sau đó Greene sử dụng một máy quét để tìm hiểu sự thay đổi trong não bộ của từng người. Ngay lập tức, anh phát hiện rằng câu trả lời của mỗi người liên quan chặt chẽ với cảm xúc của họ khi đối mặt với lựa chọn. Quyết định kéo cần gạt là do hoạt động của vỏ não trước trán (nơi cân nhắc lý tính), trong khi quyết định không đẩy người đàn ông mập đến từ hoạt động của các vùng tâm não (nơi phản ứng cảm xúc mạnh mẽ).

Phân tích của Greene, sau khi được công bố năm 2001 đã truyền cảm hứng cho hàng trăm cuộc thử nghiệm khác cùng sử dụng “Vấn đề xe đẩy” để nghiên cứu các lựa chọn luân lý. Ngoài ra, nó còn thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia lĩnh vực khác như xã hội học, kinh tế học hay nhân chủng học. Họ cùng đưa ra kết luận: sự nhạy cảm về trực giác và những cảm xúc bản năng khiến ta dễ đưa ra quyết định “không được giết người”. Điều này trái ngược với quyết định “chọn năm lấy một”, vốn có sự cân nhắc thiệt hơn. Bên cạnh đó, Greene cũng chỉ ra rằng số người quyết định “đẩy người đàn ông mập” ít hơn hẳn số người đơn thuần “gạt cần”. Lý do là vì trong chúng ta đều tồn tại một cơ chế lập trình trước về mặt cảm xúc, khiến cá nhân ta không muốn gây nguy hiểm trực tiếp cho người khác (đẩy người), trong khi lựa chọn “gạt cần” có vẻ khách quan hơn, bâng quơ hơn.

Nhà đạo đức học Peter Singer từng trích dẫn nghiên cứu trên để củng cố cho một số luận điểm của ông, rằng chúng ta nên đầu tư hơn cho những vấn đề mang tầm vĩ mô, như đói nghèo hay bệnh dịch vốn đang hoành hành khắp thế giới. Ông lập luận rằng chúng ta không nên trốn tránh những nghĩa vụ đạo đức của mình với ai đó, chỉ vì họ sống ở quá xa để kích hoạt cơ chế cảm xúc trong não chúng ta.

Ta có nên hành xử vô cảm với ai đó chỉ vì khoảng cách địa lý quá xa vời?

Bất chấp những kết luận mà Peter Singer cùng nhiều học giả khác đã đúc kết, vẫn có nhiều nhà tâm lý học (cũng như các triết gia trước đó) bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với “Vấn đề xe đẩy”. Điển hình là vào năm 2014, nhà tâm lý học Đại học California – Irvine, Christopher Bauman cùng các đồng nghiệp đã tổng kết quan điểm của họ qua một bài báo. Họ đề cập việc các tình nguyện viên thường bật cười khi nghe về tình huống xe đẩy và cho rằng những người tham gia không thực sự nghiêm túc với thí nghiệm. Một phần lý do là vì câu chuyện này không thực tế. Phần lớn chúng ta sẽ không vô tình đứng cạnh một chiếc công tắc tại một vùng đất xa lạ, hay buộc phải quyết định có nên đẩy ngã một người đàn ông khỏi cầu không.

 

 

Và cả những ứng dụng đột phá

 

 

Tạm gác lại những tranh cãi trong nghiên cứu, thời gian gần đây, thí nghiệm xe đẩy đã được ứng dụng trong một lĩnh vực thực tế hơn: công nghệ xe không người lái. Chris Gerdes – một giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Stanford và giám đốc trung tâm nghiên cứu tự động hóa của họ đã dành nhiều năm xây dựng các thuật toán để lập trình các phương tiện giao thông tự động. Họ kỳ vọng các thuật toán này sẽ giúp ô tô tự xử lý các tình huống khẩn cấp, đưa ra lựa chọn khả thi và phù hợp.

Khi tôi có cơ hội trao đổi với Gerdes, ông vừa trở về từ một buổi chạy thử xe trên đường phố California. Gerdes giải thích rằng có rất nhiều tình huống xung đột lợi ích mà chiếc xe không người lái sẽ phải đối mặt. Khi chiếc xe không thể tránh khỏi việc xảy ra va chạm, nó sẽ lựa chọn va chạm như thế nào? Đây chính là lúc “Vấn đề xe đẩy” phát huy vai trò của mình.

Bài toán lập trình cho những chiếc xe không hề đơn giản

“Các vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt không chỉ xoay quanh lĩnh vực kỹ thuật, mà còn cần tới những khía cạnh về triết học,” Gerdes chia sẻ. “Nếu trong trường hợp không tránh khỏi việc có người mất mạng – chắc chắn sẽ có những tình huống như vậy – chúng tôi muốn chiếc xe có thể đưa ra một lựa chọn hợp tình hợp lý.” Ông cũng nghĩ thí nghiệm xe đẩy giúp nêu bật hiện thực rằng: “Ai trong chúng ta cũng có lúc phải đưa ra những lựa chọn không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người”.

Chris Gerdes hiện đang làm việc với giáo sư triết học Patrick Lin để đưa tư duy đạo đức trở thành một phần quan trọng trong quá trình thiết kế xe hơi. Lin, song song với việc giảng dạy tại Đại học Cal Poly, đã dành một năm làm việc với đội ngũ của Gerdes và tiến hành nhiều buổi diễn thuyết về tầm quan trọng của đạo lý trong sản xuất xe hơi tự động tại Google, Tesla…v.v. “Vấn đề xe đẩy” là một trong những ví dụ ông thường sử dụng để minh chứng cho việc không phải vấn đề nào cũng được giải quyết bằng cách phát triển những kỹ thuật phức tạp. Tuy vậy, ông chia sẻ: “Không có nhiều kỹ sư ý thức hoặc hiểu hết được việc lập trình xe sao cho tuân thủ những quy chuẩn đạo đức cũng quan trọng như tuân thủ pháp luật.”

Không chỉ về mặt kỹ thuật, xe không người lái còn phải tuân theo những quy phạm đạo đức

Nhưng Lin cho rằng “Vấn đề xe đẩy” cũng có thể là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó là công cụ tuyệt vời để các kỹ sư dễ hình dung vấn đề, nhất là khi họ không có nền tảng về đạo đức học. Mặt khác, tình huống có phần bất thường và kỳ cục sẽ khiến người nghe không thể đưa ra lựa chọn linh hoạt khi đứng trước những nghịch cảnh tâm lý khác. Lin phát hiện ra việc giữ nguyên câu chuyện gốc (xe điện đâm vào công nhân ở một vùng đất vắng vẻ đáng ngờ) có thể dẫn đến phản tác dụng, vì vậy ông thường biến đổi nội dung cho phù hợp như sau:

Bạn đang lái một chiếc xe tự động với chế độ thủ công – bạn không tập trung lắm, và rồi chợt nhận ra mình đang lao về phía một nhóm năm người đang đứng trước khu chợ nông sản. Chiếc xe của bạn đã nhận thấy va chạm sắp xảy ra và quyết định hành động. Nếu lựa chọn duy nhất là quẹo gấp về bên phải và đâm vào một người, thay vì tiếp tục lao về đám đông kia, chiếc xe nên làm gì?

Viễn cảnh nào sẽ xảy ra?

Có lẽ bằng một sự ngẫu nhiên mà thí nghiệm xe đẩy đã len lỏi vào thế giới của xe hơi không người lái. Nó giúp chúng ta nhận thức những trở ngại về đạo đức và pháp lý, những điều chúng ta phải đối mặt khi sử dụng robot. Khi người lao động dần được thay thế bằng người máy, rất nhiều quyết định không còn mang tính tức thời hay cụ thể nữa. Thay vào đó, chúng ta có khả năng dự đoán trước các phương án xử lý khi lập trình máy móc. Đối với những triết gia như Lin, đây là một ví dụ tuyệt vời cho việc đưa học thuyết vào thực tế. Và những thí nghiệm tư duy như “vấn đề xe đẩy” - dù có bị coi là lỗi thời hay quá trừu tượng – có thể giúp chúng ta tiên liệu trước những tình huống có thể xảy ra. Vào hồi tháng 9.2015, Giáo sư Lin và Gerdes đã tổ chức một buổi hội thảo về đạo đức và xe tự lái, với kỳ vọng nhiều công ty và phòng thí nghiệm đang phát triển các công nghệ tương tự sẽ nắm bắt được tinh thần của hội thảo.

 

 

Một nhìn nhận cấp tiến

 

 

Ngoài việc giúp phát triển công nghệ hoàn thiện hơn, “Vấn đề xe đẩy” còn có thể được vận dụng như một công cụ để phát triển bản thân. Sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu hành vi của các giáo sư cùng ngành, triết gia – nhà tâm lý học Eric Schwitzgebel rút ra kết luận: Sở hữu kiến thức triết học uyên bác không đồng nghĩa với việc họ sẽ hành xử cao đẹp hơn trong đạo đức. Thực tế nếu đem so sánh với những người tương đồng về nền tảng xã hội, họ cũng không đóng góp nhiều hơn cho từ thiện, hay phản đối gay gắt hơn việc tiêu thụ thịt động vật. Dù không phủ nhận vai trò của “Vấn đề xe đẩy” trong nghiên cứu, nhưng để thí nghiệm thực sự phát huy giá trị, Schwitzgebel mong muốn mọi người thay vì cứ đào sâu nó như một học thuyết triết học, hãy suy ngẫm về nó như một lựa chọn thực tế ngoài cuộc sống.

Không chỉ là một mô hình thí nghiệm, "vấn đề xe đẩy" còn là lựa chọn thực tế của mỗi chúng ta

“Các nhà tâm lý học và triết học thực nghiệm như chúng ta cần cẩn trọng khi phân tích và giảng dạy về thí nghiệm xe đẩy, vì nó không phải là một tình huống dễ bắt gặp trong thực tế. Nhưng không thể phủ nhận nó là một hình tượng vừa sinh động mà lại rất khái quát, rất sâu sắc.” Chính những điều ấy đã giúp “Vấn đề xe đẩy” trở thành công cụ đắc lực trong khảo sát và điều tra khoa học. Song song với việc phát triển thêm các biến thể thực tế hơn, thí nghiệm xe đẩy đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy giá trị của mình vì “những nghiên cứu về hành vi đạo đức luôn cấp thiết trong nghiên cứu về xã hội loài người.”

Tạm kết: Sẽ rất khó để kết luận những ứng dụng trên đã làm hồi sinh thí nghiệm “vấn đề xe đẩy”, dù đích thân tác giả của nó – bà Judith Thomson đã viết cho tôi: “Tôi không cho rằng thí nghiệm xe đẩy đã hết giá trị.” Còn đối với những người đang tự hỏi tại sao chúng ta không chỉ đơn giản là hét lên để những người công nhân tránh ra khỏi đường ray, lời khuyên của tôi dành cho các bạn là: Học thuyết thì luôn gây tranh cãi, còn tin nó hay không lại là quyền của bạn.

Theo The Atlantic

Minh họa: Yukai Du

Vân Anh (biên dịch)

Tags: