Mãi bên nhau bạn nhé
Mãi bên nhau bạn nhé
Có lẽ, không có kết thúc hạnh phúc mà chỉ có kết thúc bạn có thể quên và không thể quên.
1. Khi ai đó ra đi, họ luôn mang một phần của bạn đi cùng. Khi bạn mời ai đó vào cuộc sống của mình, bạn sẽ cho họ quyền được sáng tạo bạn theo cách của họ. Khi thương tiếc một chuyện tình cũ, bạn không chỉ nhớ họ, bạn còn nhớ "Bạn khi được ở bên họ". Nỗi nhớ một người luôn đi kèm một nỗi nhớ về mình. Bạn tiếc người, và tiếc nuối cảm giác mình khi bên người.
 
Cơn nhói của những người mới chia tay là họ lại phải tập làm quen lại với việc nhìn thế giới một mình: Đặc quyền của yêu là được nhìn mọi thứ qua con mắt của 2 người. Nhìn 1 quán ăn ngon, bạn nghĩ: "Oh, tối rủ anh ấy đi ăn mới được"; Nhìn thấy một chỗ mới, bạn lại tưởng tượng "Oh, tháng sau mình đi cùng nhé". Hết yêu, bạn phải từ bỏ cảm giác được sống trong thế giới kép đó.
 
Có lẽ đó là lý do mà sau chia tay, bạn thường hay thay đổi bản thân: đổi kiểu váy, cắt tóc ngắn, đổi một số câu cửa miệng, do con người cũ không còn lý do tồn tại vì người kia không ở đó để chứng kiến nó tồn tại. (Vì thế mà đánh mất tình yêu hay đi kèm với đánh mất bản thân). Bởi vậy, quên một người không bao giờ dễ dàng vì khi từ bỏ người kia, bạn cũng phải từ bỏ một phần của chính mình.
 
Khi tình yêu bắt đầu, một phiên bản mới của bạn được tạo ra, và khi kết thúc, bạn sẽ phải quyết định có bỏ đi nó hay không. Để giải phóng bạn khỏi người ấy, bạn phải giải phóng bạn khỏi chính mình trước. Không chỉ là 'có gì ở họ mà bạn không thể quên', mà là 'có cái gì từng ở trong bạn mà bạn không thể buông'.
 
 
2. Khi một thứ được tạo ra, khả năng 'mất đi' sẽ được sinh ra đồng thời (có sinh ắt có diệt). Khi bạn mua 1 chiếc Iphone, bạn sẽ mua luôn một khả năng rằng "nó sẽ có thể biến mất". Khi một người đến, họ sẽ tạo luôn ra khả năng "họ sẽ đi". Lời hứa (Mãi bên nhau bạn nhé) là cách để chúng ta tạm quên đi khả năng xấu xí kia. Có những người sợ yêu vì họ dự tính trước được nỗi buồn: kiểu gì chả đau, cô đơn sẽ tốt hơn mày ạ.
 
Với những kẻ vẫn cứ lao đầu vì yêu, chia tay nhưng lại không thể quên, họ bị mắc kẹt giữa quá khứ hoàn thành và hiện tại tiếp diễn: giữa cuộc đời đang phải sống và cuộc đời đã từng có. Một phần của họ không chịu rời bỏ khỏi người kia và một phần khác cứ cố vượt qua: giống như chân phải cứ cố bước lên trước và chân trái cứ tiếp tục trượt về sau.
 
Vấn đề không chỉ là lôi họ ra khỏi cuộc đời bạn, mà là lôi bạn ra khỏi cuộc đời họ. Về trước cần thời gian để quên đi, về sau cần sự từ bỏ để dừng lại.
 
3. Mỗi người bước vào, rồi bước ra khỏi cuộc đời bạn sẽ luôn để lại một chỗ trống. Không gian đó sẽ giống như một căn phòng với đầy những kỷ vật của riêng 2 người mà bạn không biết làm gì với chúng ngoài việc khóa lại, và đôi lúc ghé thăm. Bạn có thể sống như thể những phòng này không từng tồn tại, hoặc bạn có thể sống như thể chúng vẫn đợi người trở về.
 
Con người luôn gặp khó khăn trước sự mất mát. Bạn yêu bao nhiêu khi họ ở lại, thì bạn sẽ ghét họ bấy nhiêu khi họ ra đi. (Chúng ta cần người khóc thuê oán trách, than vãn người đã mất để kết nối lại với chính cảm giác đau buồn, đôi khi là uất hận bị che dấu của mình: Tại sao lại bỏ tôi? Tự khóc được là một năng lực.)
 
Tình yêu là một câu chuyện luôn rất dễ để viết lời mở đâu, nhưng rất khó để viết lời kết. Có lẽ, không có kết thúc hạnh phúc mà chỉ có kết thúc bạn có thể quên và không thể quên.
Tags: