Loanh quanh Sài gòn: Cuốn sách nặng tình về hòn ngọc Viễn Đông
Loanh quanh Sài gòn: Cuốn sách nặng tình về hòn ngọc Viễn Đông
“Ai lại không yêu mảnh đất mà mình đã trưởng thành, đã vui sống ổn định mỗi ngày? Chính vì yêu lấy nó nên bao giờ ta cũng mong muốn nơi ấy ngày càng hoàn thiện hơn, đáng sống hơn."

 1.

Ôn cố tri tân. Lịch sử của một dân tộc là một trong những hành trang quan trọng nhất nhằm dẫn thế hệ đương đại đi về phía tương lai. Đi có ý thức và không chệch hướng. Có nhiều cách học sử: Học từ sách, học từ thực tế quan sát các di tích và tìm về những nơi đã diễn ra những sự kiện đó…

Tập sách "Loanh quanh Sài Gòn" của Lê Công Sơn (NXB Tổng hợp TP HCM, 2020) là học theo cách thứ hai, nhằm bổ sung cho cách học thứ nhất. Những gì đã được các nhà sử học ghi trên giấy trắng mực đen, nay với tư cách nhà báo, anh đã có điều kiện soi rọi lại từ thực tế, qua đó phát hiện những chi tiết mà không phải ai cũng tường tận.

Với cách học này, không chỉ hữu ích cho riêng anh mà còn cho người yêu thích lịch sử nước nhà. Phải nói rằng chính quan sát, kiểm chứng từ thực địa, anh đã có một vài đóng góp như nói lại cho đúng đôi điều mà lâu nay nhiều người hiểu chưa đúng. Thú vị là ở chỗ đó. Cũng từ thực tế, anh mô tả cho ta thấy một vài di tích qua thăng trầm thời gian, nay thế nào? Và với tư cách nhà báo, anh đã góp phần gióng lên tiếng chuông báo động nhằm chấn chỉnh, phục hồi lại các chứng nhân của lịch sử đang xuống cấp theo thời gian.

"Loanh quanh Sài Gòn", cái nhan đề khiến ta nghĩ đến sự nhàn nhã, cưỡi ngựa xem hoa theo phong cách tài tử, thư giãn của tâm thế người dạo mát mỗi chiều. Không đâu, tập sách của anh với từ "loanh quanh" là nhằm thể hiện khiêm tốn với những gì nhìn thấy đã và đang diễn ra tại vùng đất này, về mặt di tích lịch sử, chứ không mở rộng không gian. Xét ra, chủ đề của tập sách này chính là chỗ đó.

2.

Không riêng gì người Sài Gòn, với cả nước thì Dinh Thống Nhất vẫn là một địa chỉ không thể quên, bởi nó đã từng đóng vai trò quan trọng của chính trường miền Nam.

Tại đây những sinh hoạt đời thường của nhân vật chóp bu như Thiệu, Kỳ... nào ai biết đến, chính sử nào ghi; nhưng Lê Công Sơn bật mí: “Phòng ngủ của vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu nằm tại góc dinh, một mặt hướng ra mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1), một mặt nhìn ra khu vườn cây xanh rợp mát phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, toàn bộ trang trí theo phong cách của thập niên 70 thế kỷ 20.

Vật liệu sử dụng đa phần bằng gỗ, màu sắc chủ đạo là màu vàng. Chiếc giường ngủ đặt giữa phòng cũng đơn giản, không hoa văn nhiều. Bên trên đầu giường treo bức phù điêu bằng gỗ có hình hai con rồng chụm đầu vào nhau, ôm trọn lấy chữ Phúc. Bên cạnh giường đặt tấm ảnh của bà Nguyễn Thị Mai Anh là vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ngay cửa ra vào phòng ngủ là bộ bàn ghế salon dùng để uống trà, bên trên tường treo trang trọng tấm ảnh của cả gia đình Tổng thống đã cũ kỹ theo thời gian. Nối thông với phòng ngủ có phòng vệ sinh được trang trí đặc biệt bằng gạch men màu vàng chanh và phòng để quần áo, giày dép.

Bàn trang điểm của bà Mai Anh khá gọn gàng, ngăn nắp có gương sáng cao lớn để dễ soi. Khu vực để quần áo của vợ chồng Tổng thống gần đó khoảng 20 bước chân, gồm nhiều tủ đứng bằng gỗ kê dọc bên tường. Toàn bộ trang phục tiếp khách, ngoại giao của Tổng thống đều được chọn ủi sẵn, phù hợp với từng lễ nghi mắc sẵn ở giá để ông tùy nghi sử dụng”.

Ai dám nói những chi tiết này không cần thiết, nếu cần phục dựng, tìm hiểu dĩ vãng một thời?

Còn nhớ đoạn kết trong bộ phim Ván bài lật ngửa, lúc diễn ra đảo chính năm 1963 Ngô Đình Nhu và Đại tá Nguyễn Thành Luân gặp nhau cuối đường hầm trong Dinh Gia Long. Sau đó, ông Luân quay ngược trở lên. Phim chuyển sang cảnh Diệm, Nhu bị giết. Có phải đó là nơi có con đường thông đến Chợ Lớn, hoặc thông ra bờ sông Thủ Thiêm? Với những gì đã chứng kiến tận mắt, Lê Công Sơn khẳng định: “Tất cả đều là những thêu dệt, sự thật chỉ là hầm dùng để cố thủ, đề phòng những trường hợp bất trắc, đảo chính, chứ không phải đường thoát”

Những chi tiết lý thú này đầy ắp trong tập sách - anh viết về trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Bệnh viện Nhi Đồng 2, chợ Bến Thành, trưa tại Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà... giúp cho ta cảm nhận nhẹ nhàng, dễ nhớ và bổ sung thêm hiểu biết về các di tích xưa.

Ai không từng nghe nói Quốc vương Noro Sihanouk (Campuchia) từng học tại ngôi trường nay là trường THPT Lê Quý Đôn, ta lại biết thêm chi tiết “Năm 2009, nhân dịp sang thăm Việt Nam, Quốc vương Norodom Sihanouk có ngỏ ý ghé về thăm lại trường xưa và trồng cây lưu niệm. Tuy nhiên sau đó do sức khỏe không cho phép, nên Quốc vương đành lỗi hẹn. Sau này khi Quốc vương mất, Đại sứ quán Campuchia tại nước ta có đến tặng một tấm bia kỷ niệm ghi dấu tích rằng nhà vua có học tại trường và tấm bia này đã được đặt trang trọng ngay vị trí dự định trồng cây lưu niệm trước phòng truyền thống”. Nêu ra chi tiết để cho thấy Lê Công Sơn đã cập nhật hóa thêm nhiều thông tin mới mà trước đó chưa có.  u cũng là một đóng góp, dù nhỏ dù lớn thì cũng là một cách thể hiện tấm lòng đối với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay cả thông tin đã cũ, anh cũng cho biết thêm chi tiết mới. Chẳng hạn với nhiều người có thể là lần đầu biết đến một chi tiết lạ lùng về ngôi nhà thờ cổ nhất Sài Gòn “La Sainte Enfance, khởi công xây dựng năm 1862: “Sơ Anna cho biết: “Không hiểu sao bàn ghế và gạch ở nhà nguyện không cần lau nước mà chỉ cần chùi bằng sáp là đã bóng loáng. Phần vôi vữa kết dính giữa các viên gạch chắc như đá. Muốn thay viên nào thợ phải đục cả tiếng đồng hồ. Phần tường nhà, trần, móng nền, dù nằm ngay sát bờ sông nhưng theo thời gian vẫn chẳng có gì thay đổi, tòa nhà hoàn toàn không có hiện tượnglún nứt như một số công trình bây giờ.

Nhờ vậy, tập sách Loanh quanh Sài Gòn có nét hấp dẫn của nó.

3.

Đọc sử, học sử là nhằm hướng về phía tương lai, vì thế - di tích liên quan đến sử, bao giờ cũng cần trùng tu, gìn giữ cho đời sau, nếu không làm sao thế hệ sau có thể quan sát hiện vật từ thực địa? Mà đây chính là “nhân chứng” sống động, không gì thuyết phục hơn, sống động hơn trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở chiều hướng “về nguồn”.

Có lẽ do ý thức như thế, Lê Công Sơn là một trong nhiều trí thức hiện nay đã lên tiếng về việc xuống cấp của các di tích lẽ ra cần được gìn giữ cấp bách hơn nữa trong thời đại này. Tiếc thay, qua các bài viết, anh đã khiến chúng ta nhói lòng khi biết có những di tích đang tàn lụi một cách oan uổng. Nói như câu thơ Kiều: “Oan này còn một kêu trời, nhưng xa”.

Nào phải trời đâu. Mọi việc phải nhìn từ trách nhiệm của chính chúng ta ngày hôm nay, nếu không sẽ có lỗi với con cháu mai sau. Lê Công Sơn đặt ra những vấn đề bức thiết như ngôi đình cổ Thông Tây Hội đã 300 tuổi sẽ về đâu, di tích cấp quốc gia Lăng Ông Bà Chiểu đã xô bồ, mưa dột tứ bề, rồi chùa cổ Giác Viên sẽ ra làm sao, VV... Không là tiếng than vãn ngoài cuộc, anh đã tìm gặp những nhà quản lý để tìm ra câu trả lời.

Với tâm thế của một người tìm hiểu vấn đề tường tận, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bạn đọc, Lê Công Sơn đã thổ lộ cho ta thấy sự bất cập gần như nghịch lý: Vì sao đã thổ lộ cho ta thấy sự bất cập gần như nghi một di tích được xếp hạng thì đơn vị đó lại lo? Trớ trêu chưa?

Sở dĩ trong bề bộn sự việc mà Lê Công Sơn đã đề cập đến, không phải ngẫu nhiên tôi quan tâm đến thông tin này, chỉ vì nghĩ rằng Loanh quanh Sài Gòn còn góp thêm tiếng nói khi chúng ta đi tìm giải pháp tháo gỡ trong bối cảnh hiện nay.

4.

Ai lại không yêu mảnh đất mà mình đã trưởng thành, đã vui sống ổn định mỗi ngày? Chính vì yêu lấy nó nên bao giờ ta cũng mong muốn nơi ấy ngày càng hoàn thiện hơn, đáng sống hơn. Với trách nhiệm công dân và cũng nhằm thể hiện về nơi chốn nghĩa hiệp đã cưu mang từ ngày anh từ vùng quê Quế Sơn (Quảng Nam) - mảnh đất xứ Ngũ phụng tề phi vào phương Nam lập nghiệp - nhà báo Lê Công Sơn đã có được Loanh quanh Sài Gòn. Qua tập sách này, càng đọc cũng là dịp chúng ta càng yêu thêm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh khi biết thêm những vấn đề thuộc lịch sử của một mảnh “đất lành” mà anh đã nặng tình, chăm chút qua từng trang viết.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc

Tags: