Lỗ Tấn nói về việc đọc sách
Lỗ Tấn nói về việc đọc sách
Cho nên, tôi nghĩ rằng, nghiên cứu văn học là một việc, còn làm văn chương lại là một việc khác.
Nói đến đọc sách, tựa hồ đó là một việc rất rõ ràng, chỉ cần đem sách ra đọc là được rồi. Nhưng không hề đơn giản như vậy.
 
Ít nhất là có hai kiểu: một là đọc sách vì công việc, và hai là đọc sách vì sở thích. Gọi là đọc sách vì công việc, ví dụ như học sinh vì phải lên lớp, giáo viên vì phải giảng bài, nếu không mở sách ra đọc thì sẽ khá nguy hiểm. Tôi nghĩ, trong các bạn đang ngồi ở đây, nhất định có một số bạn có kinh nghiệm thế này: có người không thích toán, có người không thích vật lý, nhưng không thể không học được, nếu không, sẽ không thể hoàn thành chương trình, không thể lên lớp, và nó sẽ phương hại đến sinh kế tương lai của các bạn. Bản thân tôi cũng như vậy. Vì tôi làm thầy giáo, nên cũng có lúc không thể không đọc loại sách mà mình không thích, nếu không như vậy, chỉ e rằng không bao lâu sẽ ảnh hưởng ngay đến bát cơm của mình. Chúng ta đã thành thói quen, cứ nói đến đọc sách, bèn cảm thấy đó là một việc rất cao thượng, kỳ thực việc đọc sách như thế này, cũng chẳng khác gì việc một ông thợ mộc mài lưỡi cưa, ông thợ may sửa kim chỉ cả. Chẳng những không có gì là cao thượng, mà có khi còn rất đau khổ, rất đáng thương. Việc bạn muốn làm, thì lại không cho bạn làm, còn việc bạn không muốn làm, thì lại không làm không được. Đó là vì giữa công việc và sở thích không thể hợp nhất được lại với nhau. Nếu như mọi người đều có thể làm những việc mà mình yêu thích, mà ai nấy vẫn có cơm ăn, thì hạnh phúc biết bao. Song, xã hội hiện nay còn chưa làm như vậy được, cho nên phần lớn những người đọc sách hầu như chỉ là đọc một cách miễn cưỡng và đau khổ vì công việc của mình mà thôi.
 
Bây giờ, tôi xin nói đến việc đọc sách vì sở thích. Đó là việc xuất phát từ tự nguyện, không hề bắt buộc, tách rời hoàn toàn khỏi những quan hệ lợi ích. Tôi nghĩ, việc đọc sách vì sở thích, cũng giống như người mê bài bạc vậy, ngày nào cũng chơi, tối nào cũng chơi, liên tục chơi, có khi bị cảnh sát bắt rồi, nhưng sau khi được thả ra lại tiếp tục chơi. Các bạn nên biết rằng, một người thực sự mê bài bạc thì mục đích của họ không phải ở kiếm tiền, mà ở cái thú của bài bạc. Bài bạc thì có cái thú thế nào, tôi là người ngoại đạo, cũng không hiểu lắm. Nhưng tôi có được nghe những người mê bài bạc nói, nó lý thú ở chỗ từng lá từng lá bài anh bốc lên, đều luôn biến hóa vô cùng. Tôi nghĩ, phàm những người mê đọc sách, có thể tay không rời quyển sách, thì nguyên nhân cũng là như vậy. Trong mỗi một trang sách, anh ta đều thấy một thú vị vô cùng sâu sắc. Tất nhiên, nó cũng có thể giúp mở mang tinh thần, tăng thêm tri thức nữa. Nhưng tôi không đề cập đến những điều này, vì nếu tính đến những điều ấy, thì cũng giống như những con bạc có ý định ở việc kiếm tiền rồi, việc này, trong đám con bạc mà nói, thì cũng bị coi là hàng hạ phẩm.
 
Nhưng, ý tôi, hoàn toàn không phải là khuyên các bạn nên bỏ học, để đi đọc những cuốn sách mà mình thích đọc. Thời điểm ấy còn chưa đến. Cũng có thể trước sau không bao giờ đến, mà nhiều nhất chỉ là, sau này có thể tìm cách khiến cho mọi người nảy sinh thêm nhiều hơn hứng thú với những việc mình không làm không được mà thôi. Tôi đang nói rằng, các bạn thanh niên thích đọc sách, rất có thể đọc thêm những cuốn sách ngoài những cuốn bổn phận phải đọc của mình, tức là những cuốn ngoài sách học ở trường, chứ không phải chỉ có ôm chặt lấy những cuốn giáo khoa. Nhưng xin chớ hiểu lầm, tôi không hề nói rằng, tỷ như trong giờ ngữ văn, nên đọc trộm những cuốn như “Hồng lâu mộng” giấu dưới ngăn bàn. Mà là nói rằng, trong lúc rảnh rỗi sau khi đã làm xong bài tập, các bạn có thể đọc xem các loại sách khác, dù rằng có cuốn không liên quan gì đến chuyên môn của mình cả, cũng nên rộng đọc. Ví như người học Vật Lý, thì nên đọc thêm sách văn học, người học Văn Học, thì nên đọc thêm sách khoa học, xem xem những nghiên cứu của người khác về lĩnh vực ấy rốt cuộc là như thế nào. Như vậy, thì với những người khác, việc khác, có thể có những hiểu biết sâu hơn. Trung Quốc hiện nay có một cái tật rất lớn, đó là người ta hầu như đều cho rằng những gì mà mình học mới là thứ học vấn hay nhất, tuyệt nhất, quan trọng nhất, còn những cái khác đều vô dụng, đều không đáng để nói. Những người làm những việc không đáng để nói ấy, rồi tương lai tất chết đói. Kỳ thực là, thế giới không hề giản đơn như vậy, thứ học vấn nào cũng đều có chỗ dùng của nó, muốn xác định xem cái nào mới là hàng đầu là rất khó. Cũng may rằng, chúng ta có đủ mọi kiểu người, chứ giả như trên thế giới tất cả đều là nhà văn, chỗ nào cũng chỉ thấy nói đến nếu không phải là “phân loại văn học” lại là “cấu tạo của thơ”, thì không biết sẽ vô vị đến đâu.
Nhưng những điều tôi vừa nói trên, chỉ là những hiệu quả kèm theo có được mà thôi. Khi đọc sách theo sở thích, thì bản thân người ta tự nhiên không tính toán đến những cái đó, cũng giống như đi chơi công viên vậy, cứ thoải mái mà đi, vì thoải mái đi, cho nên không thấy mệt, vì không thấy mệt, cho nên cảm thấy thú vị. Nếu như một quyển sách cầm đến tay, mà trong lòng luôn nghĩ rằng, “Mình đang đọc sách đây!”, “Mình đang ra sức đây!”, như vậy sẽ rất dễ mệt mỏi, và vì thế mà giảm mất cả thú vị, hoặc giả sẽ biến thành một việc khổ sở.
 
Tôi thấy thanh niên ngày nay, vì hứng thú mà đọc sách là có, và tôi cũng luôn luôn gặp những câu hỏi khác nhau của họ. Bây giờ, tôi xin nói một chút về những điều suy nghĩ của mình, nhưng chỉ giới hạn ở phương diện văn học, bởi vì tôi không hiểu lắm về những lĩnh vực khác.
 
Thứ nhất, là chúng ta thường không có sự phân biệt rõ giữa văn học và văn chương. Thậm chí có người đã bắt tay vào làm công việc phê bình văn chương, cũng không tránh khỏi lỗi ấy. Thực ra, nói một cách đại khái, cái này rất dễ phân biệt. Những người nghiên cứu về lịch sử hay lí luận văn chương, là những nhà văn học, nhà nghiên cứu; Còn những người làm thơ, viết kịch, tiểu thuyết, là những người làm văn chương, mà như thời xưa vẫn nói là văn nhân, và bây giờ thì gọi là nhà sáng tác. Nhà sáng tác không hiểu chút nào về văn học sử hay lý luận văn học cũng không hề gì cả, và nhà văn học không làm nổi một câu thơ cũng không sao. Thế nhưng trong xã hội Trung Quốc vẫn hiểu rất sai lầm rằng, anh viết được mấy thiên truyện ngắn, thì liền cho rằng anh nhất định phải hiểu được khái luận về tiểu thuyết, làm được mấy câu thơ mới, liền muốn anh phải nói về nguyên lý của thơ. Tôi cũng thường gặp những bạn thanh niên muốn viết tiểu thuyết, bèn trước tiên đi mua sách về cách thức viết tiểu thuyết và lịch sử văn học để đọc. Cứ như tôi thấy thì, dẫu các bạn ấy có đọc nát mấy cuốn sách đó, cũng không có tác dụng gì với việc sáng tác của các bạn ấy cả.
 
Trên thực tế, hiện nay cũng có một số người làm văn chương, có khi cũng đi làm thầy giáo. Nhưng đó là bởi vì công việc sáng tác ở Trung Quốc không kiếm ra tiền, không nuôi nổi bản thân mình. Nghe nói, những tiểu thuyết gia ở Mỹ viết một truyện vừa, cũng có giá tới hai ngàn Mỹ kim. Còn Trung Quốc, người khác tôi không biết thế nào, chứ bản thân tôi thì truyện ngắn gửi tới nhà sách lớn, mỗi truyện được trả hai mươi đồng. Vì thế đương nhiên, phải tìm một việc khác, ví dụ như làm thầy giáo, diễn giảng văn học. Nghiên cứu thì phải dùng đến lý trí, phải bình tĩnh lạnh lùng, còn sáng tác thì cần tình cảm, chí ít cũng phải có chút lửa nóng, và thế là chợt nóng chợt lạnh, làm cho đầu óc quay cuồng – Đó cũng là nỗi khổ của vấn đề công việc và sở thích không thể hợp làm một vậy. Nếu chỉ có khổ thì cũng coi như thôi không nói nữa, nhưng kết quả còn là chẳng việc gì làm được ra hồn cả. Chứng cứ của nó là, các bạn thử giở lịch sử văn học thế giới ra xem, những người trong đó, cơ hồ chẳng có ai là kiêm làm giáo viên cả.
 
Lại còn một cái hỏng nữa, ấy là khi đã làm giáo viên rồi, không tránh khỏi sẽ có những chỗ tránh né. Giáo viên phải có khuôn khổ của giáo viên, không thể tùy ý nói những điều mình muốn nói. Nói như vậy, có thể sẽ có người phản bác rằng: Vậy ông cứ thoải mái nói những điều mình muốn nói là được rồi, hà tất phải cẩn trọng như thế. Nhưng đó chỉ là những câu nói cho có khi chưa vào việc mà thôi, một khi xảy ra việc rồi, tự nhiên kẻ ấy cũng sẽ theo số đông mà công kích anh vậy. Mặt khác, bản thân người thầy giáo, dẫu rằng có tự cho mình phóng khoáng đến mức nào, thì trong ý thức rốt vẫn không tránh khỏi luôn có một khuôn khổ. Cho nên, ở nước ngoài, những cái gọi là “Tiểu thuyết giáo sư” cũng không ít, nhưng không có mấy ai khen hay, ít ra là nó luôn khó tránh khỏi có những chỗ khoe khoang học thức khiến người ta chán ớn.
 
Cho nên, tôi nghĩ rằng, nghiên cứu văn học là một việc, còn làm văn chương lại là một việc khác.
 
Thứ hai, tôi thường được hỏi rằng: Muốn làm về văn học, thì nên đọc sách gì? Đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời. Trước đây cũng có mấy vị tiên sinh đã kê ra danh mục dài một loạt các loại sách cho thanh niên đọc. Nhưng cứ như tôi thấy, cái đó không hề có tác dụng gì, bởi vì tôi cảm thấy đó đều là những cuốn sách mà bản thân vị tiên sinh kê danh mục sách ấy muốn đọc, hoặc giả chưa hẳn đã muốn đọc. Tôi cho rằng, nếu muốn theo cách cũ, thì chẳng gì bằng tạm căn cứ vào “Thư mục vấn đáp” của Trương Chi Động mà đi tìm theo. Còn nếu muốn theo cách mới, nghiên cứu văn học, thì tự mình trước hết hãy đọc các loại sách sổ tay, như “Khái luận Văn học mới” của Honma Hisao, “Biểu tượng của sầu khổ” của Kuriyagawa Hakuson, “Luận chiến văn nghệ Nga Xô” của Voronsky, sau đó hãy tự mình thử suy nghĩ, mà tiếp tục đọc rộng thêm. Bởi vì, lý luận của văn học không giống như toán học, hai lần hai nhất định là bốn, cho nên chúng rất trái khác nhau. Như cuốn sách thứ ba kể trên, chính là tranh luận giữa hai phái văn chương của Nga, – tôi xin nói thêm một câu, gần đây nghe nói, đến tiểu thuyết của Nga cũng không có mấy người xem, dường như cứ thấy một chữ “Nga” là giật mình, kỳ thực những sáng tác mới của Nga Xô đã từng có ai giới thiệu đâu, hiện nay có mấy cuốn được dịch in, thì đều là những tác phẩm trước cách mạng, mà tác giả của nó ở bên nước ấy đều đã bị coi là phản cách mạng rồi. Nếu muốn thử đọc những tác phẩm văn nghệ, thì trước hết nên đọc những cuốn tuyển chọn của các danh gia, từ đó cảm thấy tác phẩm của ai khiến bản thân mình thích đọc nhất, rồi sau sẽ tìm đọc tập riêng của tác giả đó, tiếp theo nữa lại từ lịch sử văn học xem xem vị trí lịch sử của tác giả ấy. Nếu như muốn biết một cách tường tận, thì xem một vài cuốn truyện ký của người ấy, là có thể hiểu rõ được đại lược rồi. Nếu chuyên chỉ có đi hỏi người khác, thì mỗi người có một sở thích khác nhau, rốt sẽ chỉ là ông chẳng bà chuộc vậy.
 
Thứ ba, tôi xin nói mấy câu về việc phê bình. Hiện nay, vì các xuất bản phẩm quá nhiều, – kỳ thực là có bao nhiêu đâu, nhưng vì độc giả không khỏi có chỗ phân vân, bèn trông đợi ở việc phê bình, vì vậy mà các nhà phê bình cũng được dịp nổi lên. Cái gọi là phê bình này, đối với độc giả, chí ít là những độc giả tương cận với tôn chỉ của nhà phê bình ấy, là hữu dụng vậy. Nhưng ở Trung Quốc hiện nay, nhẽ nên tạm thời có một cách nói khác. Thường thường có người nhầm tưởng rằng, nhà phê bình nắm quyền sinh sát với việc sáng tác, chiếm vị trí tối cao trong văn đàn, vì vậy anh ta bèn bỗng nhiên biến thành nhà phê bình. Trên linh hồn anh ta đã treo một cây đao. Nhưng sợ rằng lập luận của mình còn chưa kín kẽ, thì anh ta bèn chủ trương chủ quan. Cũng có lúc anh ta sợ quan sát của mình người khác không coi trọng, thì lại chủ trương khách quan. Có lúc anh ta nói bài viết của mình căn bản là hoàn toàn đồng tình, có lúc lại đem người bị phê bình mắng nhiếc đến không còn đáng một đồng. Phàm những bài viết phê bình của Trung Quốc, tôi càng xem càng thấy mơ hồ, nếu như cho nó là thật, thì sẽ không còn lối nào mà đi nữa. Người Ấn Độ đã sớm biết việc này, nên có một câu chuyện ví dụ rất phổ biến, thế này: Có một ông già cùng đứa con trai dắt theo một con lừa chở hàng đi chợ bán. Bán hàng xong, đứa con cưỡi lừa về, còn ông già đi theo sau. Người đi đường bèn trách cứ người con, rằng không có hiểu biết gì, để cho ông già tuổi cao phải đi bộ. Hai người họ bèn đổi chỗ cho nhau, người cha cưỡi lừa, người con đi bộ. Nhưng người đi đường lại nói ông già nhẫn tâm, bắt con đi bộ. Ông già vội đỡ cả đứa con cùng lên yên ngồi. Người đi đường trông thấy thế lại nói rằng cha con ông tàn ác, kéo cả hai người lên lưng con lừa. Vì vậy hai cha con ông già lại cùng nhau xuống đi bộ cả. Đi chưa được bao lâu, thì lại thấy có người chê cười họ, bảo họ ngốc nghếch, để con lừa đi không mà không cưỡi. Thế là, ông già đành quay sang than thở với đứa con rằng: Chúng ta chỉ còn mỗi một cách thôi, đó là hai cha con ta khiêng con lừa này mà đi! Bất luận là đọc, hay là viết, nếu như lại đi hỏi ý hết người nọ người kia, thì kết quả cuối cùng thường sẽ là khiêng lừa mà đi vậy.
 
Nhưng tôi hoàn toàn không phải là muốn mọi người không đọc phê bình, chỉ là nói rằng, sau khi đọc rồi, vẫn phải tự mình đọc cuốn sách ấy, tự mình suy nghĩ, tự mình làm chủ. Đọc các loại sách khác cũng vậy, vẫn phải tự mình suy nghĩ, tự mình quan sát. Nếu chỉ đọc sách, sẽ biến thành một cái tủ sách, dẫu cho tự mình cảm thấy thú vị, nhưng thú vị ấy kỳ thực đã dần dà trở nên khô cứng, dần dà chết đi rồi. Trước đây, tôi từng phản đối việc các bạn thanh niên ẩn mình vào trong các phòng nghiên cứu, chính là vì ý này. Đến nay, có một số học giả, vẫn còn đem câu nói ấy coi là một tội trạng của tôi đấy.
 
Nghe nói, ông Bernard Shaw ở nước Anh, có nói một câu với ý thế này: Thứ tệ nhất trên thế gian này là những kẻ đọc sách. Bởi vì, họ chỉ biết xem tư tưởng nghệ thuật của người khác, mà không dùng cái của chính bản thân mình. Đó cũng chính như Schopenhauer nói là: để kẻ khác phi ngựa trong não mình. Khá hơn một chút là những người suy nghĩ. Bởi vì, họ có thể dùng sức sống của chính bản thân mình, nhưng vẫn không tránh khỏi có những điều nghĩ suông. Cho nên, tốt hơn cả là những người quan sát, họ dùng con mắt của chính mình để đọc bộ sách sống của thế gian này.
 
Câu ấy rất chính xác, kinh nghiệm thực tế luôn đúng đắn hơn nhiều so với đọc, nghe, hay nghĩ suông. Trước đây tôi đã từng ăn trái vải khô, trái vải đóng hộp, trái vải đã qua nhiều năm, và từ những thứ này suy tưởng về những trái vải tươi. Đến nay, sau khi đã ăn rồi, thì thấy nó hoàn toàn khác với những điều tôi đã suy tưởng. Nếu như tôi không đến Quảng Đông mà ăn trái vải tươi, thì vĩnh viễn tôi sẽ không biết điều ấy. Nhưng đối với câu nói của Shaw, tôi vẫn muốn có thêm một lời bàn trung lập. Vì Shaw là người Ái Nhĩ Lan, lập luận của ông không tránh khỏi có chút chưa thỏa đáng. Tôi cho rằng, giả như tìm lấy một người quê mùa chưa từng trải ở Quảng Đông, bảo anh ta đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, hoặc một nơi nào đó, sau đó hỏi xem anh ta quan sát được những gì, thì e những điều anh ta quan sát được sẽ rất hạn chế, bởi vì anh ta chưa từng rèn luyện qua kỹ năng quan sát. Cho nên, muốn quan sát, thì trước tiên vẫn phải trải qua quá trình suy nghĩ và đọc sách.
 
Tóm lại, ý tôi rất đơn giản: Chúng ta hãy tự mình đọc sách, tức là đọc sách như một sở thích, thỉnh giáo người khác đại để sẽ chẳng tác dụng gì, chỉ nên trước tiên đọc rộng rãi nhiều thể loại, sau đó chọn lựa và đi vào một hoặc vài lĩnh vực tương đối chuyên sâu mà mình yêu thích. Nhưng, chuyên chỉ đọc sách cũng có tệ bệnh của nó, vì vậy tất yếu phải tiếp xúc với hiện thực xã hội, khiến cho những cuốn sách mà mình đọc được sống trở lại.
 
Châu Hải Đường dịch  | Nguồn : tapchisonghuong
 
Tags: