"Lịch sử tư tưởng Trung Quốc" qua phỏng vấn với tác giả Anne Cheng
Lịch Sử Tư Tưởng Trung Quốc
(0 lượt)

Q: Thông qua cuốn thông sử tư tưởng này, độc giả Việt Nam được tiếp cận lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ góc nhìn châu Âu. Theo bà, “cái nhìn từ bên ngoài” này có những ưu điểm gì so với truyền thống viết lịch sử tư tưởng triết học Trung Quốc cũ? 

A: Ngay từ phần Dẫn nhập cuốn sách, tôi đã khẳng định quan điểm châu Âu là tiên quyết, đó không phải là quan điểm kinh viện truyền thống Trung Quốc, cũng không phải là lịch sử tư tưởng Trung Quốc được giới thiệu ở Mỹ. Cần nhắc lại rằng thể loại “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” mới chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, nghĩa là mới tầm một thế kỷ với sự xuất hiện của Hồ Thích qua công trình Trung Quốc triết học sử đại cương năm 1919 và Phùng Hữu Lan với Trung Quốc triết học sử ấn hành năm 1934. Cuốn sách của Phùng Hữu Lan đã được biết đến rất rộng rãi nhờ bản dịch tiếng Anh của Derk Bodde có nhan đề A History of Chinese Philosophy, do Princeton University Press ấn hành năm 1953 và từ đó nó đã trở thành một công trình kinh điển cho thể loại này. Khác với Phùng Hữu Lan với mục đích chính là chứng minh rằng Trung Quốc đã có luận lý học, siêu hình học… trước châu Âu, mục đích của tôi cũng không phải là kiểu “Chính trị học về sự thừa nhận”, tôi dùng lại cụm từ này của Charles Taylor trong công trình The politics of recognition ấn hành năm 1994. Tôi triển khai việc giới thiệu văn bản và các nhà tư tưởng Trung Quốc như nguyên trạng vốn có trong mỗi lĩnh vực chuyên sâu của từng học giả mà không đưa ra các phán xét về giá trị, cũng không để chứng minh tính thượng đẳng hay hạ đẳng so với các tác gia Hy Lạp và châu Âu.

Cuốn sách "Lịch sử tư tưởng Trung Quốc" cung cấp cho độc giả "cái nhìn từ bên ngoài"

Q: Sau gần 50 năm, kể từ thời Cách mạng văn hóa (1966 - 1976) với phong trào “phê Nho phê Khổng”, theo bà, việc nghiên cứu lĩnh vực lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang lên [và trở lại] ở Trung Quốc hiện tại gặp những trở ngại và khó khăn gì? 

A: Tôi luôn bị choáng váng bởi nghịch lý to lớn đánh dấu Trung Quốc vào thế kỷ trước và hậu quả của nó còn đến ngày nay. Như mọi người đều biết, Cách mạng văn hóa đã phá hủy những gì thuộc về “xã hội cũ” và “tứ cựu” [tư tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán], những thứ được dán nhãn Nho giáo. Mọi người đều nhớ đến cảnh phá hoại một cách đầy bạo lực các di sản vật thể, thư tịch và cả việc tấn công con người của đội Hồng vệ binh. Những Hồng vệ binh này tàn phá văn hóa khi họ còn trẻ nhưng khi 60-70 tuổi và còn đang công tác, cũng chính những người này lại phục dựng tượng Khổng Tử khắp nơi trong nước và trích dẫn Luận ngữ mọi lúc mọi nơi. 

Sau khi phá hủy một cách máy móc các di sản văn hóa truyền thống khi còn trẻ, cũng chính những người này hiện nay lại tự nhận mình là những người kế thừa “5.000 năm văn minh tiếp diễn” và là những người đảm bảo cho sự trường tồn các giá trị văn hóa và sự hùng tráng của một Trung Quốc vĩnh hằng. Tại sao lại có một sự quay đầu ngoạn mục đến như vậy? Bởi vì trong thời gian đó, Trung Quốc đã trở nên giàu mạnh và xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, họ cần phải vá víu những lỗ hổng của hệ tư tưởng Mao nhằm làm lu mờ và lãng quên đi những sang chấn tinh thần của 70 năm về trước.

- Trích bài phỏng vấn tác giả Anne Cheng trên Tuổi trẻ Cuối Tuần -

Tags: