Lịch sử của sách - Sự tiến hóa của sách và quá trình thay đổi nhận thức của con người về sách
Lịch sử của sách - Sự tiến hóa của sách và quá trình thay đổi nhận thức của con người về sách
Cuốn sách “Lịch sử của sách” – tác giả James Raven là bức tranh mô tả toàn diện lịch sử 5.000 năm của sách, từ tấm bảng đất nung của người Sumer tới kho sách điện tử khổng lồ eBookstore của Google, từ tiệm sách Hookham ở London tới “đế chế xuất bản toàn cầu” như Springer Nature ở Đức.
Lịch sử của sách
(27 lượt)
Từ hàng ngàn năm nay, sách vẫn luôn là một trong những phương tiện lưu trữ quan trọng nhất đối với loài người. Nghiên cứu về tiến trình lịch sử của thư tịch không chỉ là một nghiên cứu trong giới hạn vài trăm năm; phải đào sâu hàng ngàn năm lịch sử, từ cổ chí kim, phải lần theo dấu vết của từng nền văn minh mới có thể có cái nhìn toàn cảnh và chính xác nhất về hành trình song hành với sự tiến hoá của nhân loại của sách.

Bằng Lịch sử của sách, nhà sử học hàng đầu về sách James Raven mang đến một cái nhìn mới mẻ, toàn diện và sâu sắc về quá trình hình thành của sách, một trong những tạo tác văn hoá có tầm quan trọng bậc nhất đối với xã hội loài người. Bằng các nghiên cứu dày công về thư tịch, cổ thư và bản thảo từ khắp nơi trên thế giới, tác giả khẳng định: sách chính là một phần quan trọng của văn minh nhân loại. Nó vừa là tạo tác của những nền văn minh, lại vừa góp phần làm nên những nền văn minh ấy.

Lịch sử của Sách - Ấn bản được Quảng Văn chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam

 

Từ câu chuyện về lịch sử tiến hoá của tạo tác quan trọng bậc nhất đối với văn minh loài người...

Trong cuốn sách của mình, James Raven cho thấy: bản thân khái niệm "sách" cũng là vấn đề chưa từng được thống nhất giữa các xã hội. "Sách" có thể là một cuộn giấy làm từ cói thời cổ đại, một cuộn thẻ tre Trung Hoa, một tập hợp các trang viết bằng giấy da hay cả một file dữ liệu (e-book). Tuy vậy, trên tất cả, “sách” được nhìn nhận là một phương thức truyền thông, là hoạt động sáng tạo và truyền bá rộng rãi các ý nghĩa thông qua những dạng thức hình hoạ, đọc được, di động được và có thể sao chép được. Những nội dung và “văn bản” nằm trong sách vẫn có khả năng tái tạo và có khả năng chia sẻ, lưu trữ và bảo tồn, ngay cả khi các nhà xuất bản và các độc giả sau này khó hiểu hay thậm chí không thể hiểu được ý nghĩa của chúng. 

Trải qua hàng triệu năm hình thành và tiến hoá, cùng với những thay đổi lớn lao trong việc phát triển ngôn ngữ, cách thức và hình thức lưu trữ thông tin, con người đã có những thay đổi rõ rệt trong việc tạo ra và xuất bản sách. Mặc dù cách thức tạo ra sách đã phát triển theo sự phát triển của xã hội người, cho dù viết tay, in trên trang hay số hóa trực tuyến, sách vẫn sống mãi, vượt qua cả không gian và thời gian.

James Raven khẳng định: sách đã ra đời ở nhiều khu vực trên thế giới hàng ngàn năm trước, trong thời đại của các văn bản chép tay và in ván khắc. Ngay từ khi chữ viết đầu tiên được loài người phát triển, khoảng 3000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã viết trên nhiều bề mặt khác nhau, bao gồm kim loại, da, đất sét, đá và xương. Tới thế kỷ 4 trước Công nguyên, người Ai Cập đã biết sử dụng bút sậy để viết trên các cuộn giấy cói làm từ cây Papyrus - những cây lau sậy mọc nhiều ở thung lũng sông Nile. Từng tờ giấy cói được dán hoặc khâu lại với nhau làm thành cuộn giấy, có thể dài từ 1,5 tới 6 mét.

Vẻ đẹp cuốn hút của giấy... bề mặt trắng ngần mở ra khoảng trống mênh mông cho điều hay ý đẹp (...); thật mềm mại để có thể cuộn lại với nhau mà khi mở ra sẽ trải thành dải rất dài; trên đó, những con chữ thăng hoa... nơi lời văn được gìn giữ trong an toàn, được lắng nghe mãi mãi, chẳng bao giờ đổi thay.

Tiếp theo đó, giấy da ra đời, bền hơn giấy cói và có thể viết được ở cả hai mặt. Đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, người La Mã tạo ra codex bằng cách khâu các tấm giấy cói hoặc giấy da với nhau và buộc chúng giữa các tấm bìa gỗ. Codex, bởi vậy, về cơ bản có cấu trúc giống như sách ngày nay. Nhờ ưu điểm dễ mang theo hơn so với giấy cuộn Papyrus, kiểu sách này trở nên phổ biến, đi cùng với sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo - những bản Kinh thánh giờ đây đã có thể mang tới mọi nơi một cách tiện lợi.

Ấn bản Codex cổ xưa

Vào thế kỷ 15, cuộc Cách mạng Gutenberg đã tạo nên một làn sóng chấn động, hoàn toàn thay đổi cách thông tin được lưu thông trên toàn cầu. Vào thời Trung cổ, sách là thứ sản phẩm quý hiếm, thậm chí là mất hàng nghìn giờ làm việc để tạo thành một cuốn sách, và không có hai cuốn sách nào giống hệt nhau. Trước khi công nghệ in ấn được phát minh, người ta có thể mất ít nhất một năm để viết tay Kinh thánh. Cuộc cách mạng ngành in ấn đã thay đổi gần như toàn bộ hệ thống các phương thức sản xuất, phân phối và đọc sách. Nhờ phát minh ra máy in, sách được sản xuất nhanh hơn, có mức giá rẻ hơn, do đó trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Khi hàng loạt cửa hàng in ấn xuất hiện trên khắp châu Âu, ý tưởng về hình thức của một cuốn sách bắt đầu hoàn toàn thay đổi.

Julian Gutenberg và mô hình máy in do ông sáng chế. Ảnh: Wikimedia.

Nhờ những thay đổi nền tảng vào thế kỷ 15, ngành công nghiệp xuất bản dần phát triển, giúp các tác giả sản xuất và phân phối các bản sao tác phẩm của mình. Từ đó, những đế chế xuất bản lớn, như "đế chế toàn cầu" Springer Nature ra đời.

Vào thế kỷ 20, cùng với sự xuất hiện và phát triển thần kỳ của Internet, sách bìa mềm đã hồi sinh ngành xuất bản bằng cách cung cấp các tác phẩm văn học ở dạng di động, trực tuyến, với mức giá tương đối rẻ. Ý tưởng về sách một lần nữa được thay đổi: không chỉ có thể tồn tại ở dạng bản cứng, sách còn có thể được xuất bản ở dạng bản mềm (e-books), có thể được truy cập bằng Internet.

Đồng hành với sự tiến bộ và văn minh của loài người là sách.

… tới câu chuyện về hành trình tiến hoá lịch sử nhân loại

Trong hàng ngàn năm, sự tiến hoá của sách luôn song hành với sự tiến hoá của lịch sử nhân loại. Sách là một trong các vật phẩm hiếm hoi mà từ khi ra đời đã tồn tại và tiến hoá liên tục với xã hội loài người. Từ người Ai Cập cổ đại tới trí thức nhà Minh, từ các chức sắc Inca tới kỹ sư công nghệ ở Silicon Valley, nhân loại ở mọi thời kỳ đều làm nên thư tịch và rồi phát triển, tiến hoá cùng thư tịch. Cùng với quá trình tạo ra các loại thư tịch của con người, chính sự tiến hoá của sách lại góp phần mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi thay của xã hội người. Bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hoá; sự tiến hoá của chúng là lịch sử thu nhỏ của sự chuyển giao các nền văn minh. Đi theo mỗi cuốn sách không chỉ là một phả hệ tri thức nó truyền tải, mà còn là lịch sử kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tư tưởng của một thời đại. Sách vượt qua biên giới, tham dự vào các làn sóng quốc tế, vào những sự kiện làm thay đổi bộ mặt toàn cầu: hiện đại hoá, đế chế thực dân, chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, số hoá,...

James Raven không ngần ngại khẳng định:

sách, tự bản thân nó, vừa chứng kiến lại vừa tự mình tham gia vào những bước chuyển lớn lao của văn minh nhân loại. Sách có sức mạnh ảnh hưởng tới sự tiến hoá của xã hội. Chúng không chỉ phản ánh thay đổi của kênh biểu đạt tri thức mà còn là sự thay đổi trong thế giới quan, góc nhìn chính trị, sự thúc đẩy tinh thần, tôn giáo, ý thức hệ... của loài người sau hàng nghìn năm, theo đặc thù từng khu vực trên thế giới và mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh sự tiến hoá của sách là quá trình thay đổi nhận thức của con người về sách, về các chức năng và quyền lực của thực hành sách. Cuộc cách mạng in ấn ở Châu Âu đã khẳng định rõ nét cách thức tương tác của văn hoá đọc, thư tịch với bước tiến văn minh. Thí dụ, việc tiếp cận các văn bản cổ điển đã thúc đẩy thời kỳ Phục hưng ở châu Âu, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ biết chữ ở phụ nữ thời kỳ bấy giờ, đồng thời tạo tiền đề cho sự xuất hiện của văn học đại chúng. Ở quy mô lớn hơn, sách trở thành công cụ chủ đạo để khuếch đại các diễn ngôn, đại tự sự tạo nền móng cho xã hội loài nguời, dù là Kinh Qu'ran hay cuốn sách "đỏ" Mao Tuyển. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng thư tịch tạo ra một loạt thực hành mới của loài người về thư viện, lưu trữ, biên mục, sách vở, bùng nổ tri thức, văn hoá Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng, bách khoa toàn thư và thậm chí là cả chiến tranh tôn giáo.

Nhìn chung, sách tham gia vận hành xã hội loài người, cách mạng khoa học, kỹ thuật, ý thức hệ, cách mạng văn hoá, tư tưởng, chính trị, xã hội,... Từ ý nghĩa này, sách đã góp phần định hình các xã hội và thúc đẩy hay níu giữ sự tiến hoá của chúng. Sách, ở nhiều góc độ, cũng là một động lực thay đổi lịch sử.

Một cuốn sách tôn vinh giá trị tột cùng của sách

Sách đã thay đổi lịch sử loài người nhiều hơn chúng ta tưởng, và hành trình khám phá những thay đổi đó mới chỉ bắt đầu.

Với nỗ lực bền bỉ và nhiệt huyết nghiên cứu một lĩnh vực chỉ vừa bắt đầu đời sống hiện đại của nó vào những năm 1980, James Raven đã cung cấp một hướng dẫn mới mẻ và dễ tiếp cận để nghiên cứu về sách và hành trình hoàn thiện qua ngàn năm của nó từ phương Đông tới phương Tây, đi tới ngọn nguồn của lịch sử, đánh dấu những dấu mốc huy hoàng, đặt sách ở đúng vị trí của nó đối với văn minh loài người. Lịch sử của sách cho thấy cách lịch sử của sách vượt qua mọi ranh giới, giao nhau với các nghiên cứu văn học, lịch sử, truyền thông, thư viện, bảo tồn. Từ đó, Raven khẳng định việc nghiên cứu lịch sử của sách một cách đầy đủ và chi tiết đang đóng góp như thế nào vào các cuộc tranh luận về trí thức và văn hóa đại chúng, chủ nghĩa thực dân và việc truyền đạt các ý tưởng.

Với lượng kiến thức phong phú, dễ tiếp cận về lĩnh vực lịch sử của sách từ thời cổ đại đến hiện đại, Lịch sử của sách là cuốn sách cần phải có cho tất cả những ai quan tâm đến một trong những đồ tạo tác văn hóa quan trọng nhất của xã hội.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu sau hơn qua cuốn sách Lịch sử của sách của tác giả James Raven do Quảng Văn chuyển ngữ và phát hành tại đây

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
 
 
Tags: