“Lịch sử chiến tranh Peloponnese”: Tác phẩm kinh điển phản ánh chân thực cuộc chiến vĩ đại đã định hình lại thế giới Hy Lạp cổ đại
“Lịch sử chiến tranh Peloponnese”: Tác phẩm kinh điển phản ánh chân thực cuộc chiến vĩ đại đã định hình lại thế giới Hy Lạp cổ đại
Cuộc Chiến tranh Peloponnese (431– 404 TCN) giữa các thành bang ở Hy Lạp cổ đại do Sparta và Athens đứng đầu, được xem là cuộc chiến lớn nhất tính từ thời Hy Lạp sơ khai đến thế kỷ 5 trước Công nguyên. Có thể nói, cuộc chiến vĩ đại này đã góp phần định hình lại thế giới Hy Lạp cổ đại: Athens, thành bang hùng mạnh nhất ở Hy Lạp trước cuộc chiến, đã bại trận kéo theo sự sụp đổ của cả chế độ dân chủ chủ nô, còn Sparta chiến thắng với sự lên ngôi của chế độ toàn trị.
Vừa là một vị tướng trực tiếp tham gia cuộc chiến lại vừa trải qua hơn 20 năm lưu vong qua nhiều thành bang ở Peloponnese, Thycydides có cơ hội sưu tầm, xem xét các câu chuyện liên quan đến cuộc chiến này từ nhiều phía nên ông đã viết nên “Lịch sử Chiến tranh Peloponnese”. Theo lời Thycydides, ông cho ra đời tác phẩm này không phải là để nhận được “những tràng pháo tay hoan nghênh trong chốc lát” mà là để truyền lại “một tài sản vĩnh tồn”.

Với tinh thần đó, ông đã tường thuật lại 21 trong tổng số 27 năm của cuộc chiến. Điều đáng tiếc là ông qua đời khi tác phẩm chưa được hoàn thành. Giờ đây, 8 phần của cuốn sách đã được Công ty Sách Omega tập hợp trọn vẹn trong một cuốn sách dày hơn 700 trang.

 

Hai đóng góp lớn lao của tác phẩm

 


Đóng góp đầu tiên phải kể đến, đó là ông đã vượt lên trên các tác giả cùng thời về tính chân thực và phương pháp nghiên cứu sử liệu. Với mục tiêu giúp các đời sau có “quan niệm rõ ràng về quá khứ”, ông luôn đặt tính chính xác của câu chuyện lên vị trí hàng đầu.

Ông từng chia sẻ rằng: “Về việc thuật lại các sự kiện, chẳng những không cho phép bản thân mình khởi thảo nó từ những tư liệu đầu tiên có được trong tay, tôi thậm chí còn không tin vào những cảm tưởng của chính mình mà câu chuyện một phần dựa trên những gì tôi tận mắt thấy, một phần dựa trên những gì người khác đã thấy hộ tôi, độ chính xác của câu chuyện thuật lại này luôn được thử thách bằng những cuộc thẩm tra chi tiết nhất và nghiêm ngặt nhất có thể”.

Động cơ cho những nỗ lực không biết mệt mỏi đó là vì ông nhận thức rõ vai trò của quá khứ đối với hiện tại và tương lai: “Tôi e rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm nó bớt phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích bởi những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác về quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại thì cũng phải có sự tương đồng…”.

Đóng góp quan trọng thứ hai không thể không kể đến là “Lịch sử chiến tranh Peloponnese” đã trở thành tác phẩm kinh điển của ngành chính trị học, đặc biệt là nhánh quan hệ quốc tế. Với tư cách là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực, ông đã trình bày đầy thuyết phục về nguyên nhân của cuộc chiến vốn luôn bị bưng bít. Theo ông, chính sự gia tăng sức mạnh, chủ yếu là tiềm lực hàng hải của Athens và nỗi lo sợ của người Spatar là nguyên nhân thực sự khơi mào cho cuộc chiến này.

Pericles, thủ lĩnh của Athens, đã thông báo với người dân rằng, họ không có lựa chọn nào khác vì khi họ đã có một đế chế thì họ buộc phải dấn thân chấp nhận những mạo hiểm lớn hơn để duy trì đế chế đó. Như vậy, có thể lý giải rằng, Athens hành động rất lý trí song lại mắc kẹt trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.

Các tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh là một đặc điểm của chính trị quốc tế. Đó chính là tình trạng vô chính phủ, tức sự thiếu vắng một chính phủ tối cao đứng trên các quốc gia. Trong tình trạng vô chính phủ, một quốc gia tăng cường an ninh cho mình lại có thể khiến các quốc gia khác cảm thấy mất an ninh. Kết quả là những nỗ lực riêng biệt nhằm tăng cường sức mạnh và an ninh của mỗi quốc gia cuối cùng lại khiến cả hai lâm vào tình trạng mất an ninh. Không một quốc gia nào hành động chỉ vì lòng tự hào hay giận dữ mà vì cảm giác lo sợ trước mối đe doạ xuất phát từ sự lớn mạnh của quốc gia còn lại.

 

Vấn đề đạo đức có tồn tại trong thế giới thực?

 


Dù đã ra đời từ hơn 2.000 năm trước, những luận điểm của người Athens và người Melos trong cuộc đối thoại về mối quan hệ giữa nước mạnh và nước yếu, giữa chiến tranh và hoà bình, giữa lựa chọn đồng minh và kẻ thù… vẫn còn hết sức tương thích với hiện thực chính trị quốc tế ngày nay.

Điểm đáng chú ý nhất ở cuộc đối thoại giữa người Athens và người Melos là vấn đề đạo đức. Năm 416 trước Công nguyên, phát ngôn viên của Athens nói với người Melos rằng, họ có thể chiến đấu đến chết hoặc có thể đầu hàng. Khi người Melos quyết tâm chiến đấu vì tự do của mình, người Athens đã đáp lại rằng, “Kẻ mạnh sẽ làm những gì mà quyền lực họ cho phép còn kẻ yếu phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận”. Về bản chất, Athens đã chỉ ra rằng, trong một thế giới hiện thực, đạo đức khó mà tìm được chỗ đứng. Chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh.

Quan điểm viết sử của Thucydides được xem như đã đạt đến đỉnh cao của sử học Hy Lạp thời cổ đại. Thành tựu của ông không chỉ có ảnh hưởng lớn đến các sử gia thời cổ đại mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến giới sử học phương Tây thời hiện đại.

Minh Phương

Tags: