Lênh đênh trên cánh đồng buồn thương bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
Lênh đênh trên cánh đồng buồn thương bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
Khép lại tập truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, tôi vẫn cảm tưởng mình đang ở trên chiếc ghe nhỏ chập chùng, lênh đênh sóng nước, không biết đi về đâu, mà cũng chẳng rõ khi nào mình sẽ ngã xuống dòng nước đen thẳm sâu bên dưới.

Xuyên suốt tập truyện ngắn "Cánh đồng bất tận" là nỗi niềm đau đáu thầm lặng của những mảnh đời chông chênh ở đất Cà Mau đầy nắng gió. 

“Tôi thích những mối tình câm, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn, và mỗi khi có dịp (như đi qua chỗ ngồi cũ, con đường cũ, gương mặt cũ…), ta bỗng thấy nhói ran. Chắc là khó chịu lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình…”

Ấn bản Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Những nỗi niềm buồn thương, bi ai thắt lòng

Ấy là người cha đi tìm con gái suốt 12 năm trời, là những người phụ nữ mãi ngóng trông mối tình xưa cũ, là người đàn ông phải giả mê cờ đến mụ người để từ bỏ tình cảm của mình, là người chồng luôn mong mỏi được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc trên gương mặt vợ, là người đàn bà làm nghề tiếp rượu từ chối đổi đời vì đứa con gái nhỏ. Và ấy cũng là những gia đình không trọn vẹn, những đứa trẻ bơ vơ, cùng những con người tốt bụng hóa ác. 14 câu chuyện, 14 cuộc đời được viết ra dưới ngòi bút của một người con miền sông nước tận cùng Tổ quốc, đậm chất miền Tây, khiến người đọc cảm nhận được cái thật nhất, xót xa nhất nằm trong những trang giấy.

Các nhân vật trong "Cánh đồng bất tận" chẳng có mấy nơi để thổ lộ nỗi lòng. Họ dù có sống giữa cộng đồng cũng chỉ thấy lạc lõng, cô độc. Vậy nên họ cứ "nhói ran", rồi mang theo trái tim đầy thương tổn từ bi kịch cuộc đời mình mà sống tiếp. Họ bày việc ra để cố quên đi những cảm xúc đang trực trào bên trong, như người đàn bà đêm nào cũng đeo ghe trước nhà người cũ, cúi mặt tập trung thêu thùa, đến sáng lại gỡ hết ra, rồi lặp lại như thế. Cái gì cũng dở dang, ai ai cũng chẳng trọn vẹn. Những câu chuyện được kể nhiều khi khiến ta ngỡ ngàng, tự hỏi phải chăng tác giả chỉ đang tưởng tượng, phóng đại thôi không. Song giọng văn xuề xòa, thản nhiên, không câu nệ của Nguyễn Ngọc Tư lại như một cái giật tay, kéo ta vào thế giới của những nỗi đau dai dẳng này mà rằng, chúng có thật lắm chứ. Tại sao lại không khi trí óc ta đã nhìn thấy gương mặt khắc khổ của ông Năm đi trộm trâu chỉ để được lên TV nói một câu "Về nghe con, ơi Cải", khi trái tim ta đã cảm nhận được nỗi đau đáu nhớ thương, mãi ngóng trông về sông nước dù đã đi lấy chồng của Giang?

Phân cảnh trong bộ phim được chuyển thể từ Cánh đồng bất tận

Những nỗi lòng này, mặc dù được trải dài và miêu tả đa dạng ở toàn bộ tập truyện ngắn, song đa phần có cùng điểm chung là đều kéo dài thêm sự chông chênh, vô định của nhân vật ở đoạn kết. Nhiều kết thúc mở của Nguyễn Ngọc Tư khiến ta phải đặt câu hỏi: con thuyền số phận của các nhân vật cứ tiếp tục lênh đênh sóng nước cuộc đời như vậy, đến khi nào họ mới tìm được bình yên? Hay là chẳng bao giờ nữa?

Tột cùng đau thương

"Cánh đồng bất tận" - truyện ngắn cuối cùng - là đỉnh cao bi kịch của tập truyện, song cũng thuộc nhóm số ít những câu chuyện có kết thúc dễ chịu hơn. Không còn bí bách, mờ sương, mà đã xuất hiện hy vọng, mong ước về một tương lai tốt đẹp.

So với 13 câu chuyện trước đó, "Cánh đồng bất tận" đi sâu hơn vào nỗi đau của con người (và vì thế cũng dài hơn). Dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, nỗi đau không chỉ khiến người ta sầu muộn, cô độc, bơ vơ, mà còn khiến một người tốt trở nên gai góc, trơ lì đến ác độc. Đó chính là người cha của Nương và Điền. Người đàn ông ấy vốn chịu thương chịu khó, chăm lo gia đình, yêu vợ hết mực, nhưng vì bị vợ phản bội mà đổi tính đổi nết. Ông để mặc hai đứa con lớn lên như cỏ dại, bơ vơ, có nơi nương tựa cũng như không. Ông quyến rũ những người đàn bà khác, khiến họ bỏ hết mọi thứ (có người bán quán, người lại từ biệt chồng con) để chạy theo thứ tình yêu mới mẻ đầy mê say, rồi bỏ rơi họ như rũ bỏ một món đồ đã hỏng. Nương và Điền lớn lên trong một "gia đình" như vậy, còn từng chứng kiến cảnh mẹ phản bội cha, đã bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều. Rồi cô gái điếm tên Sương xuất hiện, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống ấy.

Có ý kiến cho rằng Sương đã phá tan tành gia đình vốn đã méo mó của hai chị em, vì Sương không những lên giường với người cha mà còn có hành động tình tứ, ve vãn con trai ruột của ông là Điền. Tôi lại nghĩ gia đình này từ lâu đã mục ruỗng từ bên trong, chỉ chờ có tác động nhẹ như làn gió thổi qua cũng dễ dàng đổ sập. Và Sương không khác gì làn gió ấy, tưởng như cô còn là một lời cảnh tình về quả báo đang đến gần.

"Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ..."

Cái quả báo ấy đến, bất ngờ và nặng nề như ngày hai chị em Nương - Điền phát hiện mẹ có quan hệ với người đàn ông khác. Quả báo ấy giáng một đòn mạnh vào người cha, khi ông nhận ra ông đã bỏ mặc hai đứa trẻ này lâu đến nỗi đứa con gái đã quên đi sự có mặt của ông mà buột miệng cầu cứu người em trai đã bỏ nhà ra đi của mình. Mọi nỗ lực dựng lại mối quan hệ trước đó dường như đổ sông đổ biển, cũng là đỉnh điểm của bi kịch gia đình này. Khi quả báo ấy qua đi, Nương sống sót, và chấp nhận tương lai có một đứa con của riêng mình. Cô không bỏ đi như người mẹ năm ấy, cô đã quen với việc chấp nhận rồi. Và trong thâm tâm, cô tự nhủ sẽ đặt tên con là Thương, là Nhớ, Dịu, Xuyến, Hường,... và cố gắng giúp nó có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, kết thúc một tập truyện đầy bi thương dai dẳng.

Khép lại tập truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, tôi vẫn cảm tưởng mình đang ở trên chiếc ghe nhỏ chập chùng, lênh đênh sóng nước, không biết đi về đâu, mà cũng chẳng rõ khi nào mình sẽ ngã xuống dòng nước đen thẳm sâu bên dưới.

Thu Trang

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Từ những thì thầm

Biên Sử Nước - Liệu trái tim Đức Ngài có thể giúp ta tái sinh lại một cuộc đời khác?

 
 
Tags: