Làm thế nào để yêu đậm sâu nhưng không u mê?
Làm thế nào để yêu đậm sâu nhưng không u mê?
Các cặp đôi đang yêu luôn luôn trào dâng những khao khát lớn lao. Tuy vậy, chính ham muốn lại là ngọn nguồn khiến họ rơi vào khổ đau. Vậy liệu con người có thể yêu sâu đậm nhưng vẫn luôn giữ được quan điểm khách quan hay không?

Con người thường gắn bó với nhau trong các nhóm. Bố mẹ nuôi dưỡng con cái suốt nhiều năm. Các thành viên trong gia đình luôn có ý thức đùm bọc lẫn nhau. Hầu hết mọi người đều duy trì những mối quan hệ bền chặt với các cá nhân khác, đây là điều mà các nhà sinh học gọi là các mối quan hệ lâu dài.


Trong bao mối quan hệ ấy, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra các mối quan hệ lành mạnh hơn những mối quan hệ khác. Và đây cũng chính là mảnh đất để các nhà khoa học nghiên cứu. Họ đang tìm hiểu về cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ sao cho thân thiết và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, họ đã tiến hành nhiều thí nghiệm và xem từng yếu tố đã khiến các mối quan hệ nảy nở hay “khô héo” ra sao.

Vào những năm gần đây, một vài nhà khoa học nghiên cứu về các mối quan hệ gây bất ngờ khi chuyển sự chú ý sang lĩnh vực Phật giáo. Chúng tôi nói “bất ngờ” là vì một trong những giáo lý quan trọng nhất của Phật giáo là mạnh mẽ buông bỏ tâm chấp trước (“tâm chấp trước” hiểu nôm na là coi trọng thứ không đáng coi trọng, cầm thứ chẳng đáng cầm mà xem đó là hạnh phúc). Nhưng một mối quan hệ lại luôn chứa tâm chấp trước. Vậy làm thế nào để hoá giải mâu thuẫn này? Và khoa học cho ta biết điều gì về hiện tượng này?

 

 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của não bộ không phải là tư duy

 

 

Hãy bắt đầu với một số khái niệm cơ bản về mặt sinh học. Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn cảm thấy ổn khi người yêu luôn ở bên bạn. Hẳn là bạn không cảm thấy có gì ngạc nhiên khi nghe như vậy. Tuy nhiên, bạn có thể không biết rằng, cảm giác dễ chịu ấy là kết quả của quá trình điều chỉnh hệ thần kinh của hai người.


Quá trình ấy bắt đầu với não bộ của bạn. Trái ngược với những gì chúng ta vẫn cho là hiển nhiên rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của não bộ là tư duy. Nhưng sự thực lại không phải như vậy. Công việc chính của não bộ là duy trì hoạt động của hệ thống sinh học trong cơ thể, qua đó, các cơ quan, hormones và hệ thống miễn dịch có thể vận hành trơn tru và cân bằng. Não bộ có thể làm như vậy bằng cách dự đoán và đáp ứng nhu cầu của cơ thể 24/7. Chẳng hạn, nếu bạn cần đứng dậy, não bộ sẽ dự đoán và thực hiện các thay đổi cần thiết trong áp lực máu để bạn không bị ngất xỉu. Nếu não của bạn dự đoán, bạn đang thiếu muối thì bạn thường ăn các đồ mặn…

Quá trình liên tục này giống như bạn đang vận hành một ngân sách cho cơ thể. Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung đến ngân sách tài chính, bạn phải theo dõi các khoản chi, tiêu để tài khoản của bạn luôn trong tình trạng có thể thanh toán được. Bộ não của bạn cũng làm nhiệm vụ tương tự như vậy nhưng thay vì tiền, bộ não phải vận hành các yếu tố như nước, muối và glucose. Nếu ngân sách tài chính bị thiếu hụt (chẳng hạn như, khi bạn vay tiền để mua xe hơi), bạn phải trả lại số tiền bạn vay và nếu tất cả mọi thứ đều ổn thì qua thời gian, ngân sách của bạn sẽ trở lại cân bằng.

Điều này cũng xảy ra tương tự với ngân sách cơ thể bạn: bạn có thể vận hành cuộc đua đến cạn kiệt sức lực nhưng sau đó phải bổ sung hoặc trả lại các nguồn lực bằng cách nghỉ ngơi, ăn hoặc uống. Mục đích của não bộ là duy trì một ngân sách cơ thể cân bằng trong hầu hết thời gian và trả lại các khoản nợ phát sinh. Quá trình này luôn được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có thể thấy, cân bằng ngân sách là một nỗ lực đáng kể của não bộ.

Bây giờ mới là phần tuyệt vời nhất. Con người góp phần làm cân bằng “ngân sách cơ thể” cho đối phương. Khi một đứa bé chào đời, người lớn sẽ giúp cơ thể của em bé cân bằng thông qua việc cho em bé ăn, bế ẵm và trò chuyện cùng bé. Người lớn dạy em phải đi ngủ đúng giờ. Họ chơi với em và đọc sách cho em nghe. Những hoạt động đó đã làm đầy ngân sách của cô bé và giúp cơ thể em phát triển bình thường. Đây là cơ sở sinh học của sự gắn kết giữa một đứa trẻ và người nuôi nấng em. Cuối cùng, đứa trẻ sẽ dần tự điều chỉnh hệ thống thần kinh, tự cân bằng ngân sách cơ thể.

Sự gắn bó giữa người lớn cũng hoạt động tương tự như vậy. Hầu hết mọi người đều có thể mặc quần áo, lấy đồ ăn và biết khi nào nên mặc thêm áo để giữ ấm cơ thể. Nhưng chúng ta cũng phải xử lý khối lượng lớn công việc ở cơ quan. Vì thế, đôi khi, chúng ta không thể tránh được cảm giác thiếu ngủ, không có thời gian luyện tập, ăn quá nhiều thực phẩm sống, ở và làm việc trong điều kiện ồn ào, đông đúc hoặc tranh cãi với những kẻ ngốc. Quản lý ngân sách cơ thể trong tình huống này là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Chính vì vậy, chúng ta cần những người xung quanh giúp đỡ để duy trì cho bản thân mình một “ngân sách” có thể chi trả được và duy trì một cơ thể luôn khoẻ mạnh.

 

 

Cái giá phải trả cho các mối quan hệ

 

 

Một số nhà khoa học nghiên cứu về nỗi cô đơn đã đưa ra thống kê rằng, sau 7 năm, 30% những người cô đơn tham gia cuộc nghiên cứu có nguy cơ tử vong cao hơn những người còn lại. Đây là tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh béo phì. Một bộ não cô đơn thường phải dành nhiều năng lượng để giữ cân bằng và luôn phải hoạt động trong tình trạng thiếu hụt suốt một thời gian dài. Vì vậy, bộ não xem cơ thể như đang bị bệnh. Nếu quá trình này kéo dài, con người dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, trầm cảm, ung thư hoặc các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá.


Khi ở trong các mối quan hệ êm ấm, con người thường sống thọ hơn. Bạn và người yêu luôn điều chỉnh hệ thống thần kinh của nhau theo hướng đôi bên cùng có lợi một cách vô thức. Nhịp tim, nhịp thở luôn ở trạng thái bình thường. Trong khi đó, vào những khoảnh khắc căng thẳng, chỉ cần một cái ôm, sự âu yếm trìu mến hoặc một lời nói tử tế của đối phương cũng đủ làm giảm bớt gánh nặng cho “ngân sách cơ thể” của bạn. Sẻ chia những điều không như ý muốn là cơ sở cho sự gắn kết.

Liều thuốc hữu hiệu nhất cho hệ thần kinh của bạn chính là người ấy. Tuy vậy, thật không may, điều tệ hại nhất đối với hệ thần kinh cũng là người ấy. Tình trạng “sáng nắng chiều mưa” với người yêu có thể tạo ra nhiều áp lực đối với sức khoẻ và cuộc sống của bạn. Vậy điều gì khiến một mối quan hệ trở nên tốt đẹp hoặc đi vào bế tắc và cách thức vận hành những mối quan hệ như vậy ra sao? Phật giáo đã đưa ra rất nhiều gợi ý bổ ích giúp bạn không phải chịu đựng những tổn thương khi yêu.

 

 

Làm thế nào để tránh những tổn thương khi yêu

 

 

Phật giáo có lịch sử tồn tại đến hàng ngàn năm. Vài người nghĩ, Phật giáo là một tôn giáo, trong khi, những người khác lại xem Phật giáo là một bộ quy tắc ứng xử trong cuộc sống. Dù Phật giáo được quan niệm như thế nào đi chăng nữa thì hàng triệu người ở phương Tây vẫn có thể nhận ra rằng, họ không cần là một Phật tử nhưng vẫn có thể hiểu và làm theo một vài lời khuyên của đạo Phật. Rất nhiều sách đã giải thích về cách áp dụng đạo Phật để cuộc sống con người trở nên hạnh phúc hơn.

 

Quan điểm chính của đạo Phật là vạn vật liên tục xoay vần. Bất cứ sự vật nào, chẳng hạn như một bông hoa tulip màu đỏ, luôn có sự vận động, thay đổi sau mỗi giây phút trôi qua. Màu sắc của bông hoa thay đổi tuỳ thuộc vào lượng ánh sáng nó nhận được. Độ sáng của cánh hoa phụ thuộc vào độ ẩm không khí. Nếu bị đặt sai vị trí, chẳng hạn như bông hoa tulip lại được trồng ở vườn rau thì các bông hoa ấy sẽ trở thành cỏ dại. Điều đó cũng xảy ra tương tự với con người. Bản chất con người tại thời điểm hiện tại chịu một phần ảnh hưởng từ hoàn cảnh họ đang sống.

Nếu bạn tin rằng, bạn sẽ không bao giờ thay đổi thì theo nền tảng triết lý của đạo Phật, đây chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ cho con người. Nỗi đau khổ không chỉ là cảm giác không thoải mái về mặt thể chất như ốm đau mà còn là cảm giác lo âu về danh dự của bản thân hoặc bạn không thể đáp ứng các tiêu chuẩn do người khác đưa ra.

Đạo Phật cảnh báo rằng, cách nghĩ bản ngã không bao giờ thay đổi chỉ là ảo tưởng. Thay vào đó, bản ngã luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Trong một hoàn cảnh nhất định, bạn là người thân thiện nhưng ở vào một hoàn ảnh khác, bạn lại là kẻ nhút nhát, thô lỗ. Khi bạn cho rằng, mình rất thực tế, có khả năng chịu đựng và làm mới bản thân thì chính điều này đang khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ. Bạn sẽ luôn khao khát những vật chất thúc đẩy điều hư cấu trên. Bạn sẽ khao khát sự giàu có, quyền lực. Bạn sẽ bám víu vào lời khen và sự tôn trọng từ người khác, ngay cả khi họ đang nói dối.

Nhưng vấn đề thực tế ở đây không phải là những gì người khác lừa dối bạn mà chính suy nghĩ đó đang lừa dối bạn. Cảm giác thèm ăn là những chiếc còng tay bằng vàng, mang đến niềm vui bất ngờ nhưng cũng khiến con người tin vào những ảo ảnh không có thực, khiến bạn tổn thương và gây ra những nỗi khốn khổ không dứt, cảm xúc tiêu cực và bạn biến thành nô lệ cho những sự tồn tại mong manh và phi thực tế.

Ý tưởng về một bản ngã thay đổi không ngừng cũng được tâm lý học hiện đại nhắc đến. Ở mỗi thời điểm nhất định trong cuộc đời, bạn lại đang đảm nhiệm những vai trò khác nhau: đôi khi bạn là một người bạn, lúc khác lại là cha mẹ hoặc chính là con trẻ hoặc là người yêu. Đôi khi bạn là một nhạc sĩ, nghệ sĩ, một đầu bếp. Đôi khi, bạn lại chỉ là bạn mà thôi. Các nhà tâm lý học xã hội mô tả sự đa dạng này giống như trạng thái đa bản ngã, dựa trên nghiên cứu tiên phong trong những năm 1980 do nhà tâm lý học xã hội Hazel Markus thực hiện. Ông là người đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, mọi người đều có một bản ngã khác nhau trong những dịp khác nhau.

Tất cả những ý tưởng đó không chỉ áp dụng cho chính bản thân bạn mà còn cho nhiều người khác. Khi bạn tái hợp với ai đó, bạn dễ ngộ nhận rằng, người đang ở bên bạn trong thời khắc này cũng sẽ mãi như vậy theo thời gian và không có gì thay đổi. Tư duy đó được xem như rào cản đối với lòng từ bi, một đức tính đẩy khả năng chịu đựng của con người lên một mức cao hơn. Thay vào đó, đạo Phật cho rằng, bạn cần cố gắng nhìn nhận người khác theo đúng những gì họ vốn có trong hiện tại, kể cả với người yêu bạn.

Chúng ta cứ nghĩ rằng, mong mỏi gắn bó dài lâu với ai đó khiến tinh thần chúng ta phấn chấn hơn. Nếu không có những hy vọng kiểu như thế, tâm hồn chúng ta sẽ khô héo và cuộc đời chúng ta rồi cũng lụi tắt. Nhưng Phật giáo còn cho thấy, nếu ta cứ giữ tâm chấp trước trong các mối quan hệ thì điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối bởi vì tâm chấp trước khiến chúng ta khó nhận ra bản thân mình và người khác một cách rõ ràng.

Gợi ý đầu tiên của đạo Phật giúp chúng ta thoát khỏi tâm chấp trước là đừng cố gắng thay đổi đối phương. Bạn đã bao giờ nghe một người bạn phàn nàn về người yêu của họ chưa, chẳng hạn, một người than thở với bạn rằng, “Anh ta không phải là người đàn ông mà tôi vẫn nghĩ” hoặc “Bây giờ cô ấy là một người hoàn toàn khác”? Trong các thuật ngữ của đạo Phật, bạn bè của bạn đang khốn khổ bởi vì họ cứ cho rằng, người yêu luôn có trách nhiệm hợp tác với họ. Đây là câu chuyện thường thấy. Hai người gặp nhau, dần quen biết nhau và họ trao cho nhau những cảm xúc mãnh liệt.

Đạo Phật còn đưa ra một giải pháp khác. Niềm đam mê, ham muốn và cảm xúc không phải là lúc nào cũng xấu nếu bạn hiểu đối phương là ai. Tiến lên phía trước và tận hưởng những đợt sóng tình cảm mãnh liệt nhưng đừng cho rằng, người yêu sẽ luôn mang đến cảm xúc này cho bạn. Thay vào đó, bạn chỉ nên hiểu rằng, cảm xúc ấy là dấu hiệu cho thấy, bạn đã chọn đúng người vào thời điểm hiện tại. Và việc bạn cần làm là hãy mở lòng để học hỏi những điều mới.

Khoa học cho rằng, các mối quan hệ luyến ái sẽ tiến triển tốt hơn khi bạn và người yêu luôn nghĩ về nhau trong những ảo tưởng phi thực tế. Điều đó có nghĩa là, bạn luôn phóng đại hoặc thậm chí tưởng tượng ra nhiều điểm tốt đẹp của đối phương. Kỳ lạ thay, những ảo tưởng tích cực ấy lại khiến mối quan hệ giữa hai bạn trở nên tốt đẹp hơn. Các cặp đôi luôn ngây ngất trong men say hạnh phúc. Ấy vậy mà, theo quan điểm của đạo Phật, kiểu ảo tưởng này thường nảy sinh từ những cảm xúc cá nhân. Về dài hạn, điều này có thể dẫn đến những kỳ vọng xa rời thực tế và nỗi thất vọng tràn trề.

Vì thế, chúng ta hãy chú tâm đến mặt tiêu cực và không ảo tưởng. Mọi người thường hài lòng hơn với cuộc hôn nhân khi họ tìm thấy những tính cách tốt của vợ hoặc chồng mà bản thân họ không có. Để có thể nhận ra được đức tính ấy, chúng ta hãy quan sát người mình yêu dưới thứ ánh sáng nhân từ nhất.

Để duy trì một mối quan hệ lành mạnh, đạo Phật còn khuyên rằng, chúng ta không nên chỉ xem đối phương trong mỗi mối quan hệ với ta. Bạn có thể biết một vài người có khả năng giải quyết những việc người khác cần để đổi lại thứ họ muốn. Chẳng hạn, nếu bạn nhận được lời mời cho một công việc mới, người yêu của bạn có thể muốn bạn phải thương lượng để có một mức lương cao hơn. Người yêu muốn bạn làm như vậy không phải vì điều đó làm bạn hạnh phúc mà bởi vì bạn là nguồn cung cấp tài chính cho người thương. Tuy nhiên, trong một mối quan hệ lành mạnh hơn, người yêu sẽ luôn tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, kinh nghiệm và nhu cầu của bạn.

Lời khuyên thứ ba xuất phát từ tư tưởng của đạo Phật là mối quan hệ đó được xây dựng dựa trên sự đồng điệu tâm hồn giữa hai người. Điều đó có nghĩa là hai người có thể cùng nhau thực hiện những mục tiêu chung. Trong khoa học, việc tương trợ lẫn nhau được gọi là sự phụ thuộc có mục tiêu.

Sự phụ thuộc này thực sự mang đến lợi ích cho các mối quan hệ. Chẳng hạn, giả sử đối phương tới gần bạn và khoác tay lên vai bạn. Động tác này thể hiện rằng, anh ấy hay cô ấy thích đi chung với bạn hoặc đơn giản là thích ở gần bạn, hoặc đó cũng có thể là lời gợi ý qua đêm. Dù hàm nghĩa là gì đi nữa, miễn bạn và người yêu hiểu cử chỉ của đối phương thì các bạn đang tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Sự phụ thuộc lẫn nhau có nghĩa là, những dự đoán trong não bộ của bạn và người thương đều tương thích với nhau.

Tuy nhiên, sự tương hợp giữa hai người vẫn là chưa đủ nếu người yêu của bạn đang cố gắng thay đổi bạn: họ đang cố gắng sở hữu bạn chứ không phải biết ơn bạn hoặc phản đối bạn thay vì trò chuyện cùng bạn. Và bạn nên tỉnh táo nhận ra rằng, ngay cả khi các bạn đang chìm đắm trong cảm giác vui vẻ thì mối quan hệ của hai bạn vẫn tiềm ẩn nhiều rắc rối. Tuy vậy, sự phụ thuộc lẫn nhau còn nói lên rằng, hai bạn đang cùng nhau sáng tạo nên chuyện tình giữa hai người, chia sẻ những trải nghiệm mà chỉ những diễn viên trong câu chuyện của cả hai mới làm.

Theo Aeon

Minh Phương

Tags: