Làm thế nào để giữ uy tín khi mua bán sách trên mạng xã hội?
Làm thế nào để giữ uy tín khi mua bán sách trên mạng xã hội?
Mạng xã hội dường như đã trở thành kênh bán hàng chủ lực cho nhiều người bán sách hiện nay. Tại các sàn thương mại điện tử, hoạt động mua bán hàng online nở rộ và trở thành một thói quen của mọi dân công sở không chỉ ở khu vực thành thị mà còn nhiều nơi khác nữa.

Khoảng 10 năm về trước khi các forum hoạt động mạnh mẽ, nhiều diễn đàn điện tử là nơi mua bán, trao đổi sách rất đông của những người yêu thích sách vở. Nhưng hiện nay, các hội nhóm, người bán sách nhỏ lẻ từ những diễn đàn mạng dần “chuyển nhà” lên Facebook. Từ đó, đặt ra câu hỏi lớn cho người bán, kẻ bán: Làm thế nào để giữ uy tín khi mua bán sách trên mạng xã hội?

Đa dạng tiện ích để mua bán sách

Với những tiện ích, tính năng đa dạng tăng sự tương tác và tăng quyền cho cá nhân sử dụng, các trang mạng và fanpage phát triển ồ ạt. Chức năng luân chuyển sách từ người mua, kẻ bán được thực hiện trực tiếp qua mạng xã hội.

Mạng xã hội mở ra hướng kinh doanh sách mới cho người buôn sách chuyên và không chuyên với nhiều tiện ích về tương tác, giao dịch online. Còn người mua có thêm kênh mua sắm mà không mất thời gian di chuyển; dễ chọn sách, tương tác trực tiếp với người bán.

Khi sản phẩm là sách được đăng lên fanpage hoặc trang cá nhân, người mua dễ dàng xem được tình trạng, nội dung sách, giá sách qua những dòng chia sẻ thông tin của người bán cùng hình chụp cuốn sách. Đồng thời, người mua dễ dàng nhanh chóng tương tác, trao đổi với người bán qua comment hay inbox.

Ngoài các trang cá nhân bán sách nở rộ, các fanpage liên quan đến sách cũng được lập để làm nơi trao đổi thông tin về sách, chia sẻ tình yêu với sách hoặc bán sách. Có thể kể đến các trang fanpage như: Sachxua.net, Nam Kỳ Thư Quán, CLB Người chơi sách phiên bản giới hạn Việt Nam...

Fanpage sachxua.net được nhiều người bán sách lựa chọn để đăng bán sách cũ. Ảnh: Trần Đình Ba.

Không chỉ là bán sách, mà còn kèm uy tín

Sách được bán trên các trang cá nhân thường tập trung vào loại sách cũ cách nay khoảng 5-10 năm hoặc lâu hơn và một mảng quan trọng nữa là sách xưa trước 1975.

Thời gian gần đây, với việc phát triển mạnh mẽ của trào lưu chơi sách bản đặc biệt, bản giới hạn, nhiều trang bán thể loại sách cũ, sách quý cũng nổi lên.

Với những trang bán này, cùng trách nhiệm trong giao dịch, giá cả phải chăng, chất lượng sách, thì sự nhiệt tình, am hiểu sách vở của người bán có thể tạo được tiếng tăm, uy tín với người mua và cộng đồng đọc sách.

Nhờ đặc trưng dễ tương tác, kết nối, nên những ai bán sách qua mạng uy tín sẽ được người trong giới tín nhiệm, truyền tin cho nhau. Nhờ thế, những trang bán sách như Lê Văn Hợp (Sách Cũ Hà Thành), Hoàng Ngọc Viên, Thu Trang Kiều... (Hà Nội), Mai Tuấn Hùng, Sachcu Hungkim... (TP.HCM) được nhiều người mua tin tưởng bởi sự nhiệt tình, am hiểu sách vở và uy tín.

Fanpage Sách cũ Hà Thành của Lê Văn Hợp tổ chức đấu giá sách có thủ bút nhà văn, nhà thơ nổi tiếng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Fanpage Sách cũ Hà Thành của Lê Văn Hợp tổ chức đấu giá sách có thủ bút nhà văn, nhà thơ nổi tiếng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: Trần Đình Ba.

Chiều ngược lại, những trang bán sách mập mờ, treo đầu dê bán thịt chó (bán sách fake, sách mất trang, sách scan), thổi giá... sẽ bị cộng đồng sách để ý, thậm chí là đưa lên "bóc phốt" việc làm ăn thiếu uy tín, cảnh báo mọi người tránh xa.

Khi khách mua đã quen với chủ trang bán sách, họ còn có thể được nhận sách trước, trả tiền sau. Hoặc có thể đặt sách và được người bán giữ sách đến khi lượng đặt đến một giá trị tiền nhất định thì mới giao dịch.

Khi đã quen mua bán với nhau, người mua thậm chí có thể trả chậm, nợ lâu người bán vì lúc này không chỉ đơn thuần là mua bán nữa, mà đã là quen biết, bạn bè sách vở, phải giữ chữ tín với nhau vì mua bán sách cũng kèm văn hóa sách trong đó.

Với khách quen, mối ruột, chủ trang bán sách cũng dần dà biết được gu sách của khách, từ đó có thể để chế độ ưu tiên, hoặc báo cho khách khi có sách thuộc lĩnh vực, chủ đề mà khách quan tâm.

Việc này vừa giúp người mua đỡ bị "hụt" cuốn sách mình yêu thích, người bán lại thể hiện được sự quan tâm tới khách, cũng như tăng khả năng bán hàng nhanh hơn.

Với người mua sách là dân công sở, mạng xã hội vừa là kênh tương tác bạn bè, vừa là nơi họ có thể chọn được những tác phẩm mình quan tâm và nhờ đó, hoạt động bán sách trên mạng được duy trì và phát triển như hiện tại.

Việc mua bán sách đang dần trở nên quen thuộc của mọi đối tượng, độ tuổi khác nhau nhờ mạng xã hội bạn sẽ lựa chọn được những cuốn sách phù hợp với mong muốn và sở thích của mình. Và với mạng xã hội, người bán nhờ đó cũng sẽ tìm ra được phương pháp tiếp cận người dùng nhanh nhất, tạo lòng tin đối với khách hàng.

Trạm đọc (Read Station) theo Zing News

Tags: