Làm sao để đọc những cuốn sách khó trên tầm của bạn và tăng trí thông minh
Làm sao để đọc những cuốn sách khó trên tầm của bạn và tăng trí thông minh
Trong một thời kỳ mà hầu như không ai đọc sách, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng chỉ cần cầm một cuốn sách lên đã là một cuộc cách mạng. Điều đó có thể đúng, nhưng chưa đủ. Đọc để dẫn đầu đồng nghĩa với việc tự thúc đẩy bản thân đọc những cuốn sách “trên tầm của bạn”

 

Để làm được những điều vĩ đại, bạn phải đọc để dẫn đầu

 

Đây là lời khuyên tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được về việc đọc tới từ một nhà sản xuất phim bí ẩn và cũng là một nhà quản lý tài năng, người đã bán được hơn 100 triệu album và kiếm về hơn 1 tỷ đô la Mỹ doanh thu phòng vé. Một ngày nọ, anh ấy nói với tôi rằng: “Ryan này, việc đọc nhiều là không đủ. Để làm nên những điều tuyệt vời, cậu phải đọc để dẫn đầu”.

 

Điều mà anh muốn nói là: trong một thời kỳ mà hầu như không ai đọc sách, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng chỉ cần cầm một cuốn sách lên đã là một cuộc cách mạng. Điều đó có thể đúng, nhưng chưa đủ. Đọc để dẫn đầu đồng nghĩa với việc tự thúc đẩy bản thân đọc những cuốn sách “trên tầm của bạn”.

 


Hẳn bạn đã biết những cuốn sách mà khi đọc bạn cảm thấy những từ ngữ như bị lẫn vào nhau và bạn không hiểu chuyện gì đang diễn ra chứ? Đó chính là những cuốn sách mà một nhà lãnh đạo cần phải đọc. Đọc để lãnh đạo hay để nghiên cứu đòi hỏi bạn phải đối xử với bộ não của mình như thể nó là cơ bắp: bắt nó “nâng” những vấn đề nặng kí với sự tập trung và quyết tâm cao độ.

Đối với tôi, điều đó có nghĩa là hãy dấn thân vào những chủ đề không quen thuộc với bạn và vật lộn với nó cho đến khi bạn hiểu ra được điều gì đó, tránh đi những cuốn “dễ đọc”. Điều đó đồng nghĩa với việc đọc Feynman thay vì Friedman, những cuốn tiểu sử thay vì sách kinh doanh, và những tác phẩm cổ điển thay vì đương đại.

  

Cách đọc này đã làm nên điều kì diệu cho tôi: ở tuổi 19, tôi là một nhà điều hành tại Hollywood, năm 21 tuổi tôi trở thành giám đốc marketing cho một công ty đại chúng, năm 24 tuổi tôi đã viết được 5 cuốn sách bán chạy nhất và kí được hợp đồng với nhà xuất bản lớn nhất thế giới. Tôi có thể đã là một kẻ bỏ ngang chương trình học nhưng tôi đã có được những người thầy tốt nhất thế giới: những cuốn sách khó.

 

Căn hộ của tôi có rất nhiều những cuốn sách mà nếu chỉ đọc lí thuyết sẽ rất khó để hiểu. Để hiểu chúng không phải là một chuyện dễ dàng, nhưng với những quy tắc dưới đây, tôi đã làm được. Những quy tắc này được áp dụng ngay khi bạn chuẩn bị đọc một cuốn sách mới.

 

 

Trước khi mở trang đầu tiên…

 

Vượt ra khỏi tư duy kiểu trường học

 

Cách mà bạn được học để đọc ở trường bị bóp méo bởi tầm quan trọng của những bài kiểm tra. Những bài kiểm tra thông thường ít khi chứng tỏ được rằng bạn hiểu hay bạn quan tâm tới tài liệu, mà thiên về việc chứng tỏ bạn đã dành thời gian để đọc chúng. Cách đơn giản nhất để kiểm tra là nhặt những điều tầm thường trong văn bản và hỏi bạn những câu kiểu như: “Hãy đặt tên cho đoạn văn” hay “Những nhân vật chính trong Chương 4 là ai?”. Dần dần việc đọc kiểu này hình thành nên một thói quen. Hãy nhớ rằng: bạn đọc cho chính bạn.

Giả sử bạn đang đọc cuốn “Lịch sử Chiến tranh Peloponnese”. Trong cuốn sách có một cuộc xung đột giữa Corinth và Corcyra không đáng nhớ cho lắm, mặc dù cuộc chiến này đã làm dấy lên xung đột giữa Athens và Sparta.

 (Để viết được những dòng này, tôi đã phải tự tra lại những cái tên, bởi tôi chỉ nhớ rằng chúng bắt đầu với chữ C)

Điều mà bạn nên nắm bắt được là khi hai bên chiến đấu để giành sự hỗ trợ từ Athen, một bên đã chọn cách nói “bây nợ ta một ân huệ”, bên còn lại ám chỉ những lợi ích mà việc giúp đỡ họ sẽ đem lại. Hãy đoán xem bên nào giành chiến thắng? Địa điểm, tên, ngày tháng, đều là những chi tiết không quan trọng. Những bài học mới là vấn đề.
 

Trích dẫn từ Seneca (một triết gia người La Mã):

 

Chúng ta không có thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu rằng liệu anh ta [Ulysses] gặp phải cơn bão khi đi giữa Ý và Sicily hay ở một nơi nào đó ở thế giới ngoài kia - khi mà hàng ngày chúng ta phải đối mặt với những cơn bão của chính chúng ta, những cơn bão tinh thần, và bị những cám dỗ dẫn vào những rắc rối mà Ulysses chưa từng được biết.

 

 

 Hãy quên hết tất cả mọi thứ, chỉ cần nhớ tới thông điệp ấy và cách để áp dụng nó vào cuộc sống của bạn.

 

Đọc trước Phần kết

Khi bắt đầu đọc một cuốn sách, tôi gần như sẽ luôn tìm ngay tới Wikipedia (hoặc Amazon, hoặc một người bạn) và đọc trước Phần kết. Ai mà quan tâm chứ? Mục đích của bạn, với tư cách là một người đọc, là hiểu TẠI SAO điều gì đó xảy ra, còn phần CÁI GÌ chỉ là thứ yếu.

  

Bạn nên biết trước phần kết - hoặc tìm ra những khẳng định cơ bản của cuốn sách - vì nó sẽ giúp bạn tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng nhất:

1. Ý nghĩa của nó là gì?

2. Bạn có đồng ý hay không?

 50 trang đầu tiên của cuốn sách không nên là một hành trình khám phá đối với bạn. Bạn không nên lãng phí thời gian của mình tìm hiểu xem tác giả đang muốn nói gì qua cuốn sách.

Thay vào đó, năng lượng của bạn cần phải được sử dụng vào việc tìm hiểu xem điều tác giả nói tới có đúng không và bạn được lợi gì từ đó. Thêm nữa, nếu bạn đã sẵn sàng biết chuyện gì sẽ xảy ra, bạn có thể nhận diện được những điềm báo và những manh mối ngay từ lần đọc đầu tiên.

 

Đọc các đánh giá

Hãy tìm hiểu từ những người đã đọc cuốn sách ấy, những điều họ cảm nhận về cuốn sách là cực kì quan trọng. Cho dù là ở Amazon hay ở New York Times, hãy cứ đọc các bài đánh giá để có thể suy luận ra ý nghĩa văn hóa của tác phẩm và giá trị của cuốn sách đối với người khác. Việc biết trước những chủ đề chính sẽ khiến bạn mong chờ chúng xuất hiện và rồi thực sự trân trọng khi chúng được hé lộ.

 

 

Khi đọc sách

 

Đọc phần Mở đầu/ Giới thiệu/ Chú thích/ Phần trước

Việc đọc một cuốn sách tưởng như là 200 trang nhưng thực ra lại có 80 trang giới thiệu của người dịch thực sự khó chịu, nhưng việc đó lại quan trọng. Mỗi khi bỏ qua phần đó, tôi lại phải quay lại và bắt đầu từ đầu. Hãy đọc phần mở đầu, đọc toàn bộ những thứ dẫn vào quyển sách - thậm chí hãy đọc cả những chú thích của người biên soạn ở cuối các trang. Việc này thiết lập nền tảng và giúp bạn tăng cường kiến thức trước khi đi vào nội dung sách.

 

Hãy nhớ rằng: bạn cần mọi lợi thế có thể để đọc được một cuốn sách trên tầm của bạn. Đừng bỏ qua những thứ được thêm vào có chủ ý để tăng bối cảnh và màu sắc cho tác phẩm.  

 

Tìm kiếm thông tin

Nếu bạn đang đọc để dẫn đầu, bạn sẽ gặp phải những khái niệm hoặc từ ngữ không quen thuộc. Đừng tỏ ra là bạn hiểu, hãy cứ tra cứu chúng. Tôi thích sử dụng Definr hoặc dùng điện thoại để tra cứu trên Wikipedia. Nếu đang đọc về Lịch sử Quân đội, một nền tảng hiểu biết về những cuộc chiến tranh thường cần thiết. Wikipedia là một nơi tuyệt vời cung cấp bản đồ và cho bạn thêm hiểu biết về các địa hình.

 

Đã có lần tôi cố gắng đọc một cuốn sách về Nội Chiến và bị bế tắc. Sau 10 tiếng xem phim tài liệu của Ken Burn, những cuốn sách đã trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều (bạn thấy không, bạn hoàn toàn có thể tra cứu thông tin bằng cách xem TV). Tuy vậy, đừng bị sa lầy vào tên những thành phố hay cách đánh vần của những cái tên, cái mà bạn đang tìm kiếm là bức tranh toàn cảnh - những kết luận.
 

Đánh dấu các đoạn

Tôi rất thích Post-It-Flags. Tôi đánh dấu từng đoạn gây hứng thú cho tôi, khiến tôi động não, suy nghĩ, và quan trọng với cuốn sách. Khi tôi không có vật gì để đánh dấu, tôi sẽ gấp góc dưới trang lại. (Thực ra tôi đã gấp góc dưới của mọi trang sách cuốn  Heraclitus’ Fragments). Nếu có điều gì cần phải tra cứu, tôi sẽ gấp góc trên của trang để quay trở lại đó sau. Tôi luôn mang một chiếc bút và viết ra bất cứ suy nghĩ/ cảm xúc/ mối liên hệ nào tôi cảm thấy với một đoạn văn.

 

Việc viết ra cảm nghĩ như thế nên được làm ngay lúc ấy, đừng nghĩ “sau này mình ghi cũng được” vì để một khoảng thời gian sau, bạn sẽ mất đi niềm hứng khởi. Đừng sợ rằng bạn sẽ làm hỏng cuốn sách với những đánh dấu và ký hiệu - sách rất rẻ. Thêm nữa, bạn sẽ nhận được nhiều hơn với khoản tiền bạn đã bỏ ra bằng cách này.

 

 

Sau khi hoàn thành…

 

Đọc lướt lại cuốn sách

Tôi có một quy trình giống nhau với mọi cuốn sách tôi đọc. Sau khi đọc xong một cuốn, tôi sẽ chờ 1-2 tuần rồi quay lại đọc lướt cuốn sách với một tập thẻ cỡ 4x6. Khi gặp những đoạn văn tôi thấy hữu ích, tôi sẽ chép tay đoạn văn ấy lên những tấm thẻ này.

 

Điều này có vẻ lạ lùng, nhưng nó là một chiến thuật cổ được sử dụng bởi tất cả mọi người, từ Tobias Worff, tới Montaigne, hay cả Raymond Chandler (người đã từng nói: “Khi phải dùng tất cả sức lực để viết ra những con chữ, bạn sẽ mong những con chữ ấy làm nên được điều gì đó giá trị”). Mỗi tấm thẻ này sẽ được sắp xếp theo chủ đề và lưu giữ lại trong hộp thẻ của tôi.

 

Kết quả của 4-5 năm làm việc này? Hàng ngàn thẻ trong cả tá những chủ đề - Tình yêu, Giáo dục, Những trò đùa, Suy nghĩ về Cái chết. Tôi quay lại với những mẩu tri thức này khi tôi viết, khi tôi cần sự giúp đỡ hay khi tôi cần giải quyết một vấn đề kinh doanh. Chúng đã trở thành một tài nguyên vô hạn.

 

Ở mỗi một danh mục, hãy đọc một quyển sách

Có một quy tắc này tôi cố gắng để tuân theo. Trong mọi cuốn sách tôi đọc, tôi cố gắng tìm cuốn sách tiếp theo cho mình trong những chú thích cuối trang hoặc tài liệu tham khảo. Đây là cách bạn xây dựng kiến thức nền cho một chủ đề - cách mà bạn truy dấu một chủ đề tới tận căn nguyên gốc rễ.

 

Áp dụng thực tế

Bạn đánh dấu một đoạn văn là có lý do. Tại sao phải chép lại một câu trích dẫn khi bạn sẽ không nhớ và sử dụng chúng chứ? Hãy dùng chúng trong các cuộc hội thoại; ám chỉ tới chúng trong các bài viết, trong email, trong thư từ và trong cuộc sống hàng ngày.

 

Còn cách nào khác mà bạn có thể thấm nhuần được chúng?

 

Nguồn trích dẫn của bạn càng giúp bạn nhiều trong cuộc sống, bạn càng thấy có động lực là làm đầy chúng lên. Bạn có thể thử thêm một dòng vào bài báo cáo bạn đang làm, tìm kiếm sự an ủi ở chúng trong những lúc khó khăn hoặc thêm chúng vào những trang Wikipedia. Hãy làm điều gì đóTôi sẽ dẫn lời của Seneca lần nữa:

 

Lời khuyên của tôi là thế này: những điều mà chúng ta nghe các triết gia nói và những điều chúng ta đọc từ những thứ họ viết nên được áp dụng trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta nên tìm đến những lời dạy hữu ích, những câu nói mạnh mẽ và cao thượng mà có khả năng áp dụng thực tế ngay tức khắc thay vì học từ những cách biểu đạt xa xôi, xưa cũ, những ẩn dụ bị phóng đại, những số liệu của các diễn văn. Và hãy thấm nhuần những lời dạy ấy để biến chúng thành kết quả cho bản thân mình.

 

Hãy nhớ rằng: chúng ta đọc để tìm đến những bài học thực tế. Mục đích của chúng ta là cảm nhận những gì ta đã đọc và biến những từ ngữ ấy thành hiện thực.

 

Kết lại: Tất cả là tùy thuộc ở bạn

Dĩ nhiên, không có việc gì dễ dàng cả. Mọi người luôn hỏi tôi về những cuốn sách tôi mang theo người có phải sách cho trường học không bởi chúng chằng chịt những ghi chú, đánh dấu và những trang gấp. Vì sao một người lại vất vả vào một việc mà họ tự làm cho bản thân thôi? Đó là vì tôi yêu thích nó, bởi vì đó là điều duy nhất ngăn cách tôi với sự thiếu hiểu biết.

 

Đây là những kĩ thuật khiến tôi vượt xa hàng năm trời so với bạn bè đồng trang lứa. Nó là cách mà bạn có thể thực hiện một mình và xây dựng sức mạnh thay vì để một số người huấn luyện cá nhân nào đó quyết định điều bạn được và không được làm.

 

Việc này cũng khá tốn kém. Tôi đã mua hàng ngàn cuốn sách và đầu tư hàng giờ đồng hồ để học chúng. Nhưng lấy một tấm bằng MBA sẽ tốn kém cỡ nào? Hoặc tham dự TED? Tôi nghĩ sẽ sáng suốt hơn khi đầu tư vào những cuốn sách với giá trị vượt thời gian của 5,000 năm qua hơn là một hoặc hai buổi hội thảo, nếu bạn làm đúng cách và tự thúc đẩy bản thân.

 

Vậy nên hãy thử đi: Tự nghiên cứu, chăm chỉ đọc mà không bị sa lầy vào những tiểu tiết, và rồi thực hành để kết nối, áp dụng và biến chúng thành sự thật. Đó là công việc của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn có khả năng đọc những cuốn sách mà bạn tự gắn nhãn chúng là “trên tầm” và mọi người sẽ theo chân bạn. Nếu bạn chịu khó, những sự nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng như Petrarch đã nói:

Những cuốn sách mang tới niềm hạnh phúc tới cốt tủy của một con người. Chúng tâm tình với ta, tư vấn cho ta và dự phần vào cuộc sống của ta bằng một sự thân mật sống động và mãnh liệt.

 

Vậy nên, hãy thưởng thức hành trình của bạn!

 

Theo Medium

Mai Chiêu (biên dịch)

Tags: