Làm mới những tác phẩm một thời
Làm mới những tác phẩm một thời
Nhiều đơn vị xuất bản khai thác lại sách cũ. Những tác phẩm văn chương một thời được in lại với hình thức trang trọng, giúp bạn đọc hôm nay dễ dàng tiếp cận kho tàng văn học Việt.

Năm 2021, làng sách chứng kiến việc in lại những tác phẩm văn chương kinh điển, đã lâu không in lại, thậm chí phát hiện tác phẩm của tác giả nổi tiếng trước đây.

 “Việc khai thác lại sách cũ không phải là hướng đi mới mẻ, nhưng nó đặc biệt nở rộ trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây”, ông Vũ Trọng Đại - Chủ tịch HĐQT Công ty sách Omega Plus - nhận định.

Một số danh tác được in với hình thức trang trọng. Ảnh: Nhã Nam.

Dòng sách “bền”

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - đánh giá việc in lại sách xưa hướng tới những tác phẩm đã ra đời từ rất nhiều năm trước và bị bỏ quên một khoảng thời gian dài vì bất kỳ lý do nào đó. Nhưng ở hiện tại, chúng vẫn còn giá trị về nội dung tư tưởng, phù hợp với nhu cầu bạn đọc ngày nay.

Các tác phẩm văn học được in lại trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. Ảnh: Đông A.

Theo ông Hoàng, văn hóa, lịch sử là những phạm trù không có sự hữu hạn về thời gian. Các đơn vị xuất bản khi in lại sách xưa đã có công tìm kiếm, giúp độc giả có thể dễ dàng tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử của một giai đoạn tiêu biểu nào đó trong quá khứ.

“Xét cho cùng thì công tác xuất bản nhằm đưa tri thức của nhân loại đến bạn đọc. Khi thấy tri thức ở một tác phẩm nào đó có giá trị thì dù cũ hay mới, họ đều tìm cách khai thác. Ở bất kỳ thời điểm nào, con người ta đều muốn tìm hiểu về văn hóa, đạo đức, con người một thời”, ông Hoàng nói.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Ngần - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - đánh giá các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng có một sức sống lâu bền đã được khẳng định qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Do đó, in lại các đầu sách này là cách làm phong phú đề tài và dòng sách của đơn vị xuất bản, để phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều thế hệ độc giả.

Bà Ngần cho rằng sách kinh điển in lại rất khó tạo ra “cú hích” bán chạy như những cuốn “hot trend” hiện nay, nhưng nó là "dòng sách bền", như một thứ “lương khô dự trữ cho nhà xuất bản”. Vì thế, ngày càng có nhiều đơn vị xuất bản tham gia vào xu hướng này.

Ông Vũ Trọng Đại (Omega Plus) còn nhận định in lại sách xưa đem đến giá trị nhất định về mặt thương hiệu cho đơn vị xuất bản.

“Mảng sách về tư liệu, văn hóa, lịch sử, phong tục không chiếm thị phần lớn trong thị trường. Khi in lại sách xưa, chúng tôi không trông đợi vào giá trị thương mại. Omega Plus luôn có chiến lược cân bằng giữa những mảng sách khác nhau. Mảng đem lại doanh thu cao sẽ bù đắp hiệu quả kinh doanh của mảng sách xưa”, ông Đại nói.

Nội dung cũ, hình thức mới

Ông Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - nói việc kinh doanh sách cũ căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Nếu một cuốn sách xưa có số lượng độc giả quá ít, đơn vị xuất bản đó cũng sẽ cân nhắc in lại với số lượng rất hạn chế, chỉ để phục vụ giới nghiên cứu hoặc sưu tầm.

“Chơi sách cũ những năm gần đây trở thành trào lưu cho những người trân trọng quá khứ. Họ nhìn sách cũ như một di sản văn hóa. Trong trường hợp này, các đơn vị xuất bản sẽ giữ nguyên nội dung bản in gốc, thậm chí để cả các lỗi morasse trong sách (nếu có) và có chú thích, dẫn giải hoặc lời nói đầu, chỉ làm mới bìa cho sang trọng”, ông Lâm cho hay.

Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - bà Ngô Thị Thu Ngần - cũng cho rằng với nhiều đầu sách xưa, các độc giả có thể đã đọc vài lần trước đó. Nhưng giờ đây, họ mua để lưu trữ trong tủ sách cá nhân nên sẽ phải lựa chọn cuốn đẹp và bắt mắt nhất. Do vậy, hình thức sách khi in lại cũng được chú trọng.

Với Omega Plus, việc in lại sách xưa hướng tới mục đích “tái phát hiện và làm mới”, nên đơn vị này cũng mong muốn mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị nội dung cũ dưới hình thức mới, khiến chúng trở nên gần gũi hơn với độc giả thông qua cách trình bày, vẽ bìa, bổ sung minh họa.

Thời gian qua, Công ty Văn hóa Đông A cũng triển khai nhiều bộ sách xưa theo hướng làm mới. Có thể kể đến bộ Văn học cổ điển bìa metalize với các cuốn Quo vadisKhát vọng sốngNhững ngôi sao Eger; bộ Văn học cổ điển dành cho thiếu nhi với các cuốn Túp lều bác TomĐảo giấu vàngCông chúa nhỏ… Đặc biệt, gần đây, Đông A triển khai tủ sách Văn chương và Mỹ thuật.

Bà Lê Thị Hoài An - đại diện Đông A - nói các tác phẩm văn học được lựa chọn in lại đã khẳng định giá trị qua thời gian, trong nước hoặc trên thế giới. Chúng có nội dung quen thuộc nên việc làm mới về mặt hình thức khi tái bản là điều cần thiết.

Các ấn phẩm trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật đều có bổ sung minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại như Thành Chương, Thành Phong, Hoàng Phượng Vỹ…

Trước đó, Đông A cũng thực hiện nhiều minh họa mới cho các tác phẩm văn học kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Với các tác phẩm văn học nước ngoài, đơn vị này cũng làm mới phần hình thức. Cuốn Bố Già của Mario Puzo (ấn bản kỷ niệm 50 năm xuất bản lần đầu) có tranh minh họa của 12 hoạ sĩ đương đại, cuốn Những ngôi sao Eger của Gárdonyi Géza có sự tham gia của họa sĩ Phạm Ngọc Tân.

“Nhiều cuốn sách được Đông A in lại với giấy chất lượng cao, hình thức trang nhã, đẹp mắt, không những đáp ứng niềm vui đọc sách mà còn thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa”, bà Hoài An nói.

Với phần văn bản các cuốn trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật, đơn vị này tìm tòi và giới thiệu các văn bản sớm nhất trong trường hợp tác phẩm xuất bản đã lâu, với mục đích giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận tác giả ở một góc nhìn gần hơn, nhất là khi nhiều ấn phẩm có thể đã thất lạc do chiến tranh hoặc qua nhiều lần chỉnh sửa của thế hệ sau.

 Theo Zing News.

 

Tags: