Làm dịu mát bằng những cuốn sách: Tuổi thơ ai như tuổi thơ mình
Làm dịu mát bằng những cuốn sách: Tuổi thơ ai như tuổi thơ mình
"Ta già ta hóa trẻ con' (Nguyễn Duy). Một trong những dấu hiệu “hóa trẻ con” của tôi là bây giờ hầu như chỉ ưa thích đọc truyện viết cho thiếu nhi

Mùa dịch COVID-19, trời nóng, càng nóng hằng ngày với tin tức giãn cách nơi này phong tỏa nơi kia, tôi làm dịu mát bằng những cuốn sách. Đọc và thấy hứng thú với ba tác phẩm, nên viết ít dòng chia sẻ với độc giả.

 

Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa là tác phẩm mới nhất trong bộ sách bốn cuốn viết về tuổi học trò và nhà trường ở Sài Gòn.

Cuốn thứ nhất viết về Trường trung học Petrus Ký; cuốn thứ hai về sinh hoạt của thiếu nhi ở một khu phố quận 6 Sài Gòn; hai cuốn gần đây tập trung khai thác những câu chuyện ở Trường tiểu học Bình Tây. Cộng bốn cuốn dày đến gần 1.300 trang sách.

Đó là hai ngôi trường tác giả học suốt 12 năm phổ thông, thành ra chuyện ông kể luôn gây cảm tưởng là chuyện thật, dù chắc hẳn không ít chi tiết do ông “bịa” ra.

Truyện của Lê Văn Nghĩa là bức tranh náo hoạt về đời sống gia đình và học đường dưới cái nhìn của đứa bé trong cuộc. Ông giỏi hóa thân vào nhân vật nên đọc văn ông cứ như nghe trẻ con kể chuyện, tự nhiên mà hấp dẫn.

Đó là chuyện làm báo tập trong lớp được thầy cô khen ngợi, chuyện trốn tránh khám bệnh nha khoa học đường, chuyện bạo lực đường phố, chuyện tò mò giới tính…

Bao trùm lên tác phẩm là tình thầy trò, tình bè bạn. Cô An Khê nghiêm khắc mà bao dung, ứng xử với học trò đúng tâm lý sư phạm. Học trò thì ngỗ nghịch, ăn nói thô vụng nhưng chia nhau từng que càrem, từng cái bánh bao, bảo vệ nhau trước cái xấu.

Lê Văn Nghĩa không rao giảng đạo đức bằng văn học; nhưng những trang viết về trò Ty vì hái chùm ruột giúp bạn mà bị ngã, vì bênh vực bạn mà bị đánh đến mức thành “người cõi trên”; hay những trang tả nhóm bạn đi viếng bà cụ bán bánh mì thịt nướng mà cảm hóa được đứa cháu bất trị của bà; đó là những trang văn thấm đẫm tình nhân ái và ý nghĩa giáo dục.

2. Cũng viết về tuổi thơ như Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa, Qua khỏi dốc là nhà của Phan Thúy Hà mang một dáng vẻ khác. Cuốn trước là văn hư cấu, cuốn sau là văn phi hư cấu pha chất tự truyện.

Cuốn trước viết về tuổi thơ đô thị miền Nam thời trước 1975; cuốn sau viết về tuổi thơ ở một xóm nghèo miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) thời hậu chiến.

Tôi đọc hết bốn cuốn sách gây dư luận của Phan Thúy Hà, cuốn nào cũng ngồn ngộn chất liệu đời sống xã hội và có giá trị chứng từ. Qua khỏi dốc là nhà, cuốn thứ hai của chị được xuất bản nhưng tôi đọc sau cùng, lại là cuốn ám ảnh tôi nhất.

Thúy Hà chỉ cần kể lại chân thật các sự kiện, hơi trần trụi, cũng đủ làm ta xúc động. Thật lạ, một giọng kể bình thản, với những câu văn ngắn, không tỉa tót mà vẽ được những bức tranh đời bất hạnh “đã rèn luyện ý chí nhưng cũng làm cho chúng ta bạc nhược”.

Có cảm tưởng như Phan Thúy Hà dùng không hết chất liệu mình có được, nên chị phải dồn nén thành tỉnh lược trong từng câu văn, từng đoạn chuyển cảnh. Chỉ riêng bảy trang sách kể chuyện mẹ con Hà nuôi lợn nái, với một cây bút khác có thể xây dựng thành một truyện vừa hấp dẫn.

Thương sao cảnh cô gái bé nhỏ trên đường làng cầm dây kéo con lợn đực về phối giống; cảnh mấy chị em ngồi khóc con lợn cụt đuôi sắp sinh lại bị xe ôtô cán chết; cảnh mẹ đi chợ về, không cầm lòng vui sướng reo to với các con, mẹ bán con lợn con được 28 nghìn để có thể mua được bảy yến gạo!

Cuộc sống nghèo khổ đã luyện cho những đứa con, khi cha đi chiến đấu, tinh thần tự lập và đỡ đần cho mẹ, rèn tính cách mạnh mẽ, vượt khó, cố gắng học giỏi để vào đại học. Trong văn Phan Thúy Hà, tiếng cười ít hơn tiếng khóc, niềm vui ít hơn nỗi buồn, nhưng niềm vui lớn nhất là tuổi thơ bần hàn không làm mấy chị em gục ngã mà quyết đứng lên thay đổi số phận mình.

3. Cũng giàu yếu tố tự truyện, tác phẩm Ngày ấy ở Yên Trung của Ngô Xuân Hội đưa người đọc về với một tuổi thơ xa hơn, những năm 1960 ở làng quê huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Cũng như nhân vật chính của Phan Thúy Hà, nhân vật xưng tôi của Ngô Xuân Hội nhìn ngắm và ghi nhận thế giới xung quanh mình bằng đôi mắt non tơ nhưng tâm hồn thì già trước tuổi. Đó là làng quê nhìn bên ngoài tưởng như trì đọng nhưng luôn có những mạch nước ngầm chảy bên trong vừa xói mòn, vừa bồi đắp nên phong hóa nông thôn.

Nhân vật của Ngô Xuân Hội hái trộm ổi, bẻ trộm ngô, gây chuyện đánh nhau, nhưng rồi cũng hòa giải với nhau rất nhanh.

Văn Ngô Xuân Hội bình dị, pha chất hài hước, làm ta cảm động bằng chính câu chuyện của nó. Chuyện bốn cậu học trò mặc áo tơi đi bộ giữa trời mưa lên thị xã xem chiếu bóng, được chị nhân viên soát vé và bác trưởng rạp cho coi thêm một suất phim Vua Sáo.

Chuyện ông Chắt Uyên chịu mang tiếng cưới bà Lam chửa hoang để cứu bà tránh búa rìu dư luận. Rồi bà Lam bỏ quê lên kiếm sống trên Quỳ Hợp, những mong các con hết cảnh ăn sắn thay cơm, ngậm ngùi chia tay ông Chắt Uyên khi món nợ ân tình chưa trả.

Truyện Lê Văn Nghĩa có nhân vật Ty – thần đồng toán học giải toán nhanh như chớp làm bất ngờ các thầy cô; truyện Ngô Xuân Hội có Đảo – thần đồng văn chương, học thuộc 3.254 câu thơ Kiều chỉ trong vòng một tháng, nhờ đó mà thoát được hình phạt của người thầy giáo khắc nghiệt.

Chỉ mấy năm sau, người học sinh có trí nhớ tuyệt vời đó vào chiến trường với những bạn cùng lứa và đã ngã xuống vì bom đạn Mỹ.

4. Tuy nhiên, đọc xong ba tác phẩm nói trên, trong tôi vẫn còn một nỗi băn khoăn – không phải băn khoăn với các tác giả mà băn khoăn về chính sở thích văn học của mình.

Hình như mình vẫn thích những thiên truyện kể chuyện đời thực, thiếu một chút “mơ”, một chút “bay”. Ngôn ngữ đời thường giàu yếu tố địa phương và tiếng lóng biết có dễ dẫn đưa câu chuyện đến bạn đọc nhỏ tuổi ở những vùng miền khác nhau.

Độc giả lớn tuổi có thể thích những thiên truyện nhiều trải nghiệm này, còn độc giả trẻ con ngày nay thì sao, họ có thích không?

Ta già ta hóa trẻ con, nhưng là trẻ con của một thời đã xa, gần gũi với tuổi thơ mình, nhưng chắc có khoảng cách với trẻ con thời Internet, thời COVID-19 bây giờ.

Nghĩ vậy, tôi mong sao các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, trong mùa hè này, giới thiệu cho các em đọc những tác phẩm tôi vừa kể để xem các em hồi ứng như thế nào mà tiên liệu con đường phát triển đa dạng của văn học (viết cho) thiếu nhi.

Đọc Ngày ấy ở Yên Trung và Qua khỏi dốc là nhà, tôi nhớ những cuốn sách từng đọc trước đây: Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Chuyện làng ngày ấy của Võ Văn Trực…

Hóa ra, đời sống nông thôn còn biết bao điều để kể lại mà không chỉ độc giả trẻ, lớp người đọc U70 như chúng tôi vẫn có thể thấy đó là những phát hiện.

Theo HUỲNH NHƯ PHƯƠNG/ Báo Tuổi Trẻ

 

Tags: