Kinh nghiệm từ chuyên gia để thoát khỏi hội chứng “sợ ngày thứ hai”
Kinh nghiệm từ chuyên gia để thoát khỏi hội chứng “sợ ngày thứ hai”
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một ngày đầu tuần tồi tệ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng và có thể kéo “mood” cả tuần xuống rất thấp. Có rất nhiều lý do về mặt tâm lý và sinh lý để giải thích cho hiện tượng này, từ việc cảm thấy gò bó và căng thẳng trong công việc đến cả những thay đổi tự nhiên về mặt sinh học ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh hoạt của cơ thể.

May mắn thay, có rất nhiều cách để thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “sợ ngày thứ hai”. Cùng lắng nghe một số một số bí quyết để giảm thiểu bớt áp lực tinh thần trong ngày đầu tuần từ những chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tâm thần trên khắp thế giới nhé.

Chuẩn bị kỹ lưỡng từ tuần trước

Ảnh: wiwawiwacomics

Dành một ít thời gian để chuẩn bị trước cho ngày thứ hai cả về tinh thần, thể chất lẫn những việc nhỏ nhất. Có thể bắt đầu từ việc kiểm tra lại các email được gửi đến từ thứ sáu tuần trước. Bởi theo John Mayer, nhà tâm lý học lâm sàng tại Chicago, cho rằng:

Vào một thời điểm nào đó, tốt nhất là vào ngày chủ nhật, hãy xem xét tổng quan lịch trình cho tuần mới và chuẩn bị tốt với những gì mình cần phải đối mặt. Việc này sẽ làm giảm đi rất nhiều những căng thẳng đáng sợ diễn ra vào tuần mới.

Theo đó, chuyên gia giải thích thêm:

Hãy để ý kỹ đến nhịp độ sinh học của bạn, nhất là việc thức và ngủ vào lúc nào. Đừng thức khuya cả ngày chủ nhật để chơi Video Game và lướt Twitter và mong rằng mình đủ tỉnh táo để thức dậy vào ngày thứ hai. Bởi thời gian biểu ngày chủ nhật sẽ quyết định nhịp sinh học của toàn bộ các ngày còn lại trong tuần. Đồng thời cũng nên hạn chế tiệc tùng bia rượu vào tối hôm trước.  Chẳng ai có thể bắt đầu một tuần mới đầy năng lượng với cơ thể say mèm.

Bắt đầu ngày làm việc sớm

Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh ở New York cho biết:

Với những ai đang phải vật lộn hàng tuần để bắt kịp ngày thứ hai thì việc thức dậy sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho họ.

Chuyên gia cho rằng bạn nên đến văn phòng (hoặc ngồi vào bàn làm việc tại nhà nếu là một freelancer) sớm hơn những ngày khác trong tuần, uống một tách cà phê, đọc tin tức buổi sáng và nếu có thể hãy tán gẫu với những đồng nghiệp khác trước khi bắt đầu công việc.

Hafeez cho rằng những hành động này sẽ “đánh thức” tâm trí để cơ thể thích nghi được với nhịp độ làm việc của tuần mới.

Khi thấy bản thân đủ tập trung để bắt đầu công việc, hãy giải quyết những phần việc đơn giản ít đòi hỏi tư duy trước và nâng dần lên những công việc phức tạp hơn.

Tặng cho bản thân thứ mình muốn

"Tôi không ghét thứ Hai. Tôi SỢ thứ Hai!"

Becky Stuemfig, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại California cho biết:

Để giảm bớt áp lực mang tên ngày thứ hai. Chúng ta có thể bắt đầu từ việc tặng cho bản thân một thứ gì đó mình mong đợi để tạo sự hưng phấn. Đó có thể là những việc nhỏ như cho phép bản thân thưởng thức một buổi sáng sang chảnh hoặc một ly Starbucks cho ngày đầu tuần.

Lên kế hoạch “tự thưởng” cho bản thân đầu tuần có thể giúp bạn kiểm soát được rất nhiều thứ, bao gồm cả những áp lực. Ở California việc tham gia các lớp tập luyện hoặc “hội Pizza” đầu tuần là một cách tương đối phổ biến. 

Hoặc nếu không, bạn có thể cho phép mình nghỉ ngơi nhiều hơn vào buổi sáng thứ hai. Sắp xếp lịch trình công việc nhẹ hơn vào mỗi thứ hai nếu có thể để biến đầu tuần thành ngày đáng mong đợi thay vì “một nỗi ác mộng” không ai muốn chạm vào.

Hãy chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của bản thân

Khi thức dậy và bắt đầu công việc tuần mới, hãy chú ý hơn đến suy nghĩ của bản thân mình.

Hàng nghìn người trong số chúng ta mặc kệ cảm xúc của bản thân mình để bắt đầu làm việc, thế nhưng nếu có thể hãy lắng nghe suy nghĩ đầu tiên vừa xuất hiện khi thức dậy. Bỏ qua những bước này có thể khiến ngày thứ hai của bạn càng tồi tệ hơn vì thiếu sự chuẩn bị về mặt tâm lý.

Hafeez lưu ý rằng những suy nghĩ tiêu cực thường ít hoặc không liên quan gì đến cuộc sống thực tế của mỗi người. Vậy nên khi bản thân chấp nhận sự thật rằng những nỗi ám ảnh không đủ và không thể có khả năng thay đổi cuộc sống, mọi thứ dần sẽ tự biến mất theo thời gian.

Cuối cùng, việc quan trọng nhất chính là giữ bản thân tránh xa khỏi những cảm xúc tiêu cực đại loại như Điều này sẽ không hiệu quả, Trông bản thân mình thật ngu ngốc… Và thay vào đó, hãy thử hoán đổi để tâm trí được tiếp nhận những cảm xúc tích cực hơn, chẳng hạn như: Mình đã từng làm rất tốt trước đây, mình hoàn toàn có thể làm tốt thêm một lần nữa, tôi sẽ chứng minh được… Bằng cách này, chúng ta có thể kiểm soát suy nghĩ để tạo ra những nguồn năng lượng tích cực cho cơ thể.

Đặt thời gian cho mạng xã hội

Stuempfig khuyên rằng:

Mọi người nên hạn chế tiếp xúc với các trang mạng xã hội vào tối chủ nhật và sáng thứ hai, vì thông tin xuất hiện trong giai đoạn này thường có xu hướng tiêu cực, cường điệu hóa ngày thứ hai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ. Năng lượng tiêu cực có thể xuất hiện bằng nhiều cách khác nhau ngay cả khi đó chỉ là những status hài hước vào đầu tuần và điều này rất dễ kéo tâm trạng làm việc tuần mới của mọi người xuống tận đáy.

Hãy cố gắng tạo ra một ranh giới giữa bạn và công nghệ để giữ tinh thần cho tuần mới. Trong trường hợp công việc của bạn phải giải quyết một lượng email khổng lồ vào mỗi đầu tuần, hãy cân nhắc đến việc ưu tiên trả lời email nào trước và email nào có thể giải quyết vào ngày hôm sau thay vì giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc.

Luôn phải nhớ rằng, cần giữ năng lượng tỉnh táo vào mỗi ngày thứ hai để giữ nguồn năng lượng ổn định cho cả tuần làm việc. Có một số phương pháp có thể cân nhắc như massage vào đầu tuần hoặc thiền định…

Stuempfig cho rằng: Làm những việc mang lại cảm giác sang trọng có thể giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của mỗi người. Đó có thể là uống cốc cà phê được chuẩn bị trong 1 chiếc ly sứ đặc biệt hoặc cũng có thể là đi bộ 20 phút trước khi bắt đầu ngày mới, tận hưởng buổi trưa hoặc sắp xếp một buổi Facetime với bạn bè vào mỗi tối thứ hai.

Noel McDermott, một chuyên gia tâm lý trị liệu tại Anh lại cho rằng mọi người có thể thử tìm đến các công cụ trị liệu tâm lý để đối phó với cảm giác căng thẳng ập đến vào mỗi đầu tuần.

Giống như một đứa trẻ đang buồn bã, bạn có thể đánh lừa bộ não của mình để nhìn vào những thứ khác và không tập trung vào nỗi đau, nỗi sợ hãi hay buồn bã. Điều bạn thích nhất là gì, có một ai hay một nơi nào đó mang lại cho bạn cảm giác an toàn mỗi khi nghĩ đến hay không? Nếu có hãy tập trung nghĩ về những điều đó thay vì nỗi sợ hãi.

Đánh giá mức độ hạnh phúc của bạn tại nơi làm việc

Stuempfig cho rằng: Nếu bạn thường xuyên phàn nàn về công việc của mình hoặc cảm thấy buồn chán và không có hứng thú, thì có thể đã đến lúc nên tạo ra những tình huống, thử thách mới cho chính mình. Đó không nhất thiết phải là một công việc mới mà có thể là xem xét lại toàn bộ công việc của mình và nghĩ cách làm sao để có thể hoàn thành nó một cách thú vị hơn.

Hãy tự đánh giá xem bản thân có đang bị kiệt sức vào mỗi cuối ngày hay không. Nếu câu trả lời là có, hãy tìm một nhà tư vấn nghề nghiệp hoặc nhà trị liệu để hiểu sâu hơn về cách bạn có thể tìm thấy ý nghĩa từ các ngày trong tuần.

Hãy đối mặt với nó, cuộc sống thật ngắn ngủi và nếu bạn không tìm thấy niềm vui trong 8 giờ mỗi ngày tại nơi làm việc, bạn sẽ không bao giờ hài lòng với cuộc sống của mình. Thứ hai thường thể hiện cách chúng ta cảm nhận về phần còn lại của những ngày trong tuần. Nếu bạn cảm thấy khó khăn với ngày thứ hai, cố gắng nghĩ sâu hơn để tìm ra nguyên nhân và giải quyết nó từng chút một.

Nhìn vào một tuần thay vì một ngày

Mayer gợi ý rằng chúng ta có thể lập những kế hoạch “ngoạn mục” vào một ngày thứ hai. Đấy có thể là việc chuẩn bị cho buổi hẹn họ với Crush vào tối thứ sáu. Theo cách này bạn sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào ngày thứ hai hơn thay vì chán nản chúng.

Chuyên gia cũng chia sẻ rằng không nên sắp xếp những nhiệm vụ “bất khả thi” vào các ngày đầu tuần mà hãy cân nhắc giải quyết những công việc khó nhằn vào thứ tư hoặc thứ năm, thời điểm bạn có nhiều năng lượng nhất trong cả tuần làm việc. Và trên hết, không được phép để những điều tuyệt vời nhất đổ dồn vào các ngày cuối tuần bởi hành động này chỉ khiến ngày thứ hai trở nên tồi tệ và chán nản hơn.

Chấp nhận rằng ngày thứ hai có thể rất tệ

Bạn ghét thứ Hai, biết đâu thứ Hai cũng ghét bạn!

Chấp nhận một điều gì đó có thể khiến bản thân dễ đối mặt với chúng hơn là trốn tránh. Đây là biện pháp cuối cùng dành cho bạn khi tất cả những phương án khác đều không còn tác dụng.

Theo Meg Gitlin, một chuyên gia trị liệu tâm lý cho biết: Hãy chấp nhận rằng thứ hai là dấu hiệu của một ngày cuối tuần tốt lành. Nhắc nhở với bản thân, căng thẳng là một phần của cuộc sống năng động và chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để xử lý chúng. Hãy nhớ về những khó khăn trước đây mà bạn từng phải vượt qua và những thành tựu mà bạn đã đạt được đáng tự hào đến nhường nào.

Trên đây là tổng hợp ý kiến của rất nhiều chuyên gia tâm lý học để giải quyết nỗi ám ảnh mang tên “ngày thứ hai” từ khắp mọi nơi trên thế giới. Ý kiến các chuyên gia có thể trái ngược nhau đôi chút bởi những quan điểm này dùng để giải quyết cho những trường hợp hoàn toàn khác nhau. Mong rằng sau bài viết này, bạn có thể tìm được ra phương pháp phù hợp nhất để đối đầu với con quái vật “ngày thứ hai” của riêng mình.

Thiên Anh / theo Huffpost

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

[Trạm Nghiền Ngẫm] Put yourself in someone’s shoes: Đã tới lúc ngừng tích cực độc hại

Tầm quan trọng của tuổi thiếu niên buồn bã

6 lợi ích của thói quen viết mỗi ngày