Kìm hãm sung sướng, Tiến đến thành công
Kìm hãm sung sướng, Tiến đến thành công
To Eat Or Not To Eat? Tương lai của bạn phụ thuộc vào khả năng tự kiểm soát như thế nào.
Những năm cuối thập niên 60, Carolyn Weisz, bé gái 4 tuổi với mái tóc nâu dài, được mời vào một phòng "đồ chơi" tại Trường Mầm Non Bing, trong khuôn viên Đại học Stanford. Căn phòng khá bé, chỉ có một chiếc bàn và một chiếc ghế. Carolyn được căn dặn ngồi trên ghế và lựa chọn món ăn em thích nhất giữa một khay kẹo dẻo, bánh ngọt và bánh quẩy. Carolyn chọn kẹo dẻo.
 
Dù rằng bây giờ đã 44 tuổi, Carolyn vẫn còn nguyên sự yếu lòng trước những viên kẹo phồng tẩm siro ngô và gelatin. Cô nói: "Tôi biết mình lẽ ra không nên ham chúng. Nhưng chúng ngon quá!" Một nhà nghiên cứu khi đó đã đưa ra cho Carolyn lựa chọn: em có thể ăn luôn chiếc kẹo dẻo, hoặc nếu em sẵn sàng đợi anh ra ngoài một vài phút, em sẽ được cho hai cái kẹo dẻo khi anh quay lại. Anh cũng dặn rằng nếu cô bé rung chiếc chuông trên bàn khi anh không có mặt, anh sẽ quay lại ngay và khi đó cô bé có thể ăn chiếc kẹo dẻo nhưng chỉ được ăn một cái thôi. Rồi anh bước ra khỏi phòng.
  
 
 
 
Mặc dù Carolyn không nhớ chính xác thí nghiệm hồi nhỏ đó, và các nhà khoa học cũng không công bố thông tin nào về các đối tượng tham gia, cô tin vào khả năng kìm hãm sự sung sướng của mình.
    
 
"Tôi luôn luôn giỏi trong việc chờ đợi," Carolyn nói với tôi. "Nếu bạn đưa ra cho tôi một thử thách hay bài toán nào đó, tôi sẽ tìm cách để giải nó, kể cả khi tôi phải bỏ lỡ bữa ăn yêu thích của mình." Mẹ của cô, Karen Sortino, còn chắc chắn hơn: "Từ lúc nhỏ, Carolyn đã là đứa rất kiên nhẫn. Tôi chắc chắn cô bé sẽ đợi." Nhưng anh trai cô Craig, người cùng tham gia thí nghiệm, lại thể hiện kém hơn. Craig, lớn hơn Carolyn 1 tuổi, vẫn còn nhớ cảm giác dằn vặt khi phải chờ đợi. "Đến một lúc nào đấy, tôi nhận ra rằng mình chỉ còn lại một mình", anh nhớ lại. "Và vì thế tôi bắt đầu vơ lấy tất cả đống kẹo." Craig nói anh cũng phải trải qua thí nghiệm tương tự với những chiếc đồ chơi nhỏ bằng nhựa - anh sẽ có cái thứ hai nếu anh kiềm chế - và anh lục lọi cái bàn mà ở đó anh phát hiện sẽ có những món đồ chơi khác. "Tôi lấy mọi thứ có thể," anh nói. "Tôi hốt sạch đồ. Sau đó, tôi để ý cô giáo khuyến khích tôi không nên vào phòng thí nghiệm nữa."
 
 
Những cảnh quay ghi lại thí nghiệm này, được thực hiện trong một vài năm, trông rất đau xót, khi những đứa bé phải vật lộn mới có thể kìm hãm được sự thèm muốn dù chỉ trong một chút. Một số bé che mắt mình lại bằng tay hoặc quay mặt lại để chúng không nhìn thấy khay kẹo. Những bé khác bắt đầu đá bàn hoặc giặt bím tóc của mình, hay vần vò chiếc kẹo dẻo như thể chúng là những con thú nhồi bông tí hon. Một bé trái với đầu tóc được chải gọn gàng, dò xét căn phòng kĩ càng để đảm bảo không ai nhìn thấy em. Sau đó cậu lấy chiếc Oreo, khéo léo tách hai miếng bánh quy để liếm lớp kem trắng trước khi để chúng lại vào khay. Vẻ mặt thỏa mãn hiện lên trên mặt cậu.
  
Đa số các em bé hành xử như Craig. Chúng chật vật để cưỡng lại đồ ăn và có thể chịu đựng trung bình trong vòng dưới 3 phút. "Một vài em bé ăn kẹo dẻo ngay lập tức", Walter Mischel, giáo sư tâm lý học trường Stanford đứng đầu thí nghiệm, nhớ lại. "Chúng còn không thèm rung chuông. Những bé khác sẽ nhìn chằm chằm vào chiếc kẹo dẻo và rung chuông sau 30 giây." Tuy nhiên, khoảng 30% trẻ giống như Carolyn. Chúng thành công trong việc kìm hãm sự sung sướng cho tới khi nhà nghiên cứu quay lại, 15 phút sau. Những em bé này phải vật lộn với cám dỗ nhưng đã tìm ra cách để chống cự.
 
Mục tiêu ban đầu của thí nghiệm nhằm xác định quá trình nhận thức giúp một số người có thể dằn lòng trước sự sung sướng trong khi những người khác dễ dàng bỏ cuộc. Sau khi công bố nhiều bài viết về nghiên cứu tại trường mầm non Bing vào đầu những năm 70, Mischel chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu nhân cách. "Dần dần thì cũng hết thứ bạn có thể làm với những đứa bé cố gắng không ăn kẹo dẻo."
 
Nhưng thi thoảng Mischel có hỏi ba cô con gái của ông đều từng học tại Bing về những người bạn cùng học mẫu giáo với họ. "Cũng chỉ là vài cuộc trò chuyện phiếm trong bữa tối" ông nói. "Tôi sẽ hỏi chúng, bạn Jane giờ sao rồi? Bạn Eric thì sao? Chuyện học tập trên trường của các bạn thế nào?" Mischel bắt đầu để ý có mối liên hệ giữa khả năng học tập của trẻ khi đến độ tuổi thành niên và khả năng chờ đợi lấy chiếc kẹo dẻo thứ hai. Ông bảo các cô con gái của mình đánh giá năng lực học tập của bạn chúng từ thang 0 tới 5. So sánh những đánh giá này với bộ dữ liệu ban đầu, ông nhìn thấy một mối tương quan. "Đó là lúc tôi nhận ra mình phải làm việc này một cách nghiêm túc," ông nói. Bắt đầu từ năm 1981, Mischel gửi một bảng hỏi cho tất cả các phụ huynh, giáo viên, và cố vấn học tập của 653 đối tượng đã từng tham gia vào thí nghiệm kẹo dẻo có thể tiếp cận được, mà giờ chúng đã học cấp 3. Ông khảo sát về mọi tính cách ông có thể nghĩ đến, từ khả năng lên kế hoạch và lường trước mọi việc tới "xử lý vấn đề tốt" và hòa đồng với bạn bè. Ông cũng xin điểm thi SAT của họ.
 
 
Ngay khi Mischel bắt đầu phân tích các kết quả, ông nhận ra những người kiềm chế kém, những trẻ rung chuông sớm, dường như có các vấn đề hành vi nhiều hơn, cả ở trường lẫn ở nhà. Chúng có điểm thi SAT thấp hơn. Chúng chật vật trong những tình huống áp lực, thường có vấn đề tập trung và khó duy trì tình bạn. Đứa trẻ nào có thể đợi 15 phút có điểm SAT cao hơn trung bình 210 điểm so với những đứa chỉ có thể đợi 30 giây.
 
Carolyn Weisz là một ví dụ điển hình của những người có khả năng kiềm chế cao. Cô học Đại học tại Stanford, lấy bằng tiến sĩ ngành Tâm lý học xã học tại Princeton. Bây giờ cô là phó giáo sư tâm lý tại Đại học Puget Sound. Trong khi đó, Craig chuyển tới Los Angeles và dành cả sự nghiệp của mình để làm "đủ thể loại việc" trong ngành giải trí. Anh hiện đang giúp viết và sản xuất một bộ phim. Craig nói: "Chắc rồi, tôi ước gì mình đã có thể là một người kiên nhẫn hơn. Nhìn lại thì chắc chắn đã có những lúc đức tính này có thể giúp tôi đưa ra lựa chọn tốt hơn trong sự nghiệp hay những thứ khác."
 
Mischel và các đồng nghiệp của ông tiếp tục theo dõi các đối tượng đến gần 40 tuổi. Ozlem Ayduk, Phó Giáo sư tâm lý tại Đại học California tại Berkeley, thấy rằng những người trưởng thành kiềm chế kém có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn và dễ gặp vấn đề với ma túy hơn - nhưng chỉ có thể dựa vào  khả năng tự đánh giá của mọi người thì cũng thật khó chịu. "Thường sẽ có khoảng cách giữa những gì mọi người sẵn sàng kể với bạn và cách họ hành xử trên thực tế," ông giải thích. Và do đó, năm 2008, Mischel, giờ là giáo sư trường Columbia, và một nhóm cộng tác bắt đầu nhờ những đối tượng từng tham gia thí nghiệm Bing trước kia ghé thăm Stanford để làm thí nghiệm với máy chup cổng hưởng từ (fMRI) trong vài ngày. Carolyn nói rằng cô sẽ tham gia vào thí nghiệm quét não mùa hè năm đó; Craig đã hoàn thành một bảng khảo sát cách đây vài năm, nhưng vẫn chưa được mời đến Palo Alto. Những nhà khoa học đang hi vọng có thể xác định được vùng não bộ khiến một số người kìm hãm được sự sung sướng và kiểm soát tính khí của họ. Họ cũng thực hiện một vài cuộc kiểm tra gene để tìm kiếm những đặc tính di truyền ảnh hưởng đến khả năng chờ đợi chiếc kẹo dẻo thứ hai.
 
Nếu Mischel và nhóm của ông thành công, họ sẽ phác thảo ra được mạng thần kinh cho khả năng tự kiểm soát. Trong hàng thập niên, các nhà tâm lý đã tập trung vào trí thông minh thô như biến số quan trọng nhất để dự đoán thành công trong đời. Mischel lập luận rằng trí thông minh chỉ là chân phụ so với khả năng tự kiểm soát: kể cả những đứa trẻ thông minh nhất vẫn cần làm bài tập về nhà. "Thứ chúng tôi thực sự muốn đo với chiếc kẹo dẻo không phải là ý chí hay khả năng tự kiểm soát," Mischel nói. "Nó quan trọng hơn thế nhiều. Tình huống đó buộc lũ trẻ phải tìm ra cách để xoay chuyển tình huống sao cho thuận lợi với mình. Chúng muốn một chiếc kẹo dẻo nữa, nhưng làm sao để có? Ta không thể kiểm soát thế giới này, nhưng ta có thể kiểm soát thái độ của mình về nó."
 
 
 
Walter Mischel là một có vóc dáng mảnh dẻ, thanh lịch với chiếc đầu cạo trọc, và khuôn mặt nhiều nếp nhăn sâu. Ông trò chuyện với chất giọng ầm ầm của dân Brooklyn và ông thường vừa nói vừa diễn, vì vậy khi miêu tả bài toán kẹo dẻo ông biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của một đứa bé 4 tuổi đang mất kiên nhẫn. "Nếu bạn muốn biết tại sao một số đứa trẻ có thể đợi và một số khác thì không, thì bạn phải nghĩ như cách chúng nghĩ," Mischel nói.
 
Mischel sinh ra ở Vienna, năm 1930. Cha của ông là một doanh nhân khá thành công với niềm đam mê với các quán café và Esperanto, trong khi mẹ ông hay dành nhiều ngày nằm dài trên ghế với túi đá chườm trên trán để làm dịu những dây thần kinh yếu ớt của bà. Gia đình này cho rằng mình đã hoàn toàn hòa nhập, nhưng khi quân phát xít xâm chiếm Áo năm 1938, Mischel nhớ lại mình đã bị Đội thiếu niên tiền phong Hitler (Hitler Youth) sỉ nhục ở trường và phải nhìn cha mình, bước đi khập khiễng do bệnh bại liệt từ nhỏ, bị ép đi cà nhắc trên đường phố trong bộ pajamas. Một vài tuần sau chiếm đóng, trong lúc gia đình đang đốt các chứng cứ về nguồn gốc Do Thái của mình trong bếp lò, Walter tìm thấy một tờ chứng nhận công dân Mỹ đã bị quên lãng từ lâu cấp cho ông nội vài thập niên trước đây, vì vậy mà cứu được gia đình mình.
 
Gia đình ông định cư của Brooklyn, nơi bố mẹ của Mischel mở một cửa hàng tạp hóa. Mischel học trường Đại học New York, nghiên cứu thơ ca dưới sự dẫn dắt của Delmore Schwartz và Allen Tate, và học lớp vẽ với Philip Guston. Ông cũng bị cuốn hút bởi phân tâm học và những phương pháp xác định nhân cách mới, mà Thí nghiệm Rorschach (The Roschach test) là một ví dụ. "Vào lúc đó, nó như một chiếc máy chụp X-quang tâm lý," ông nói. "Bạn có thể hiểu một người chỉ bằng cách cho họ xem một bức tranh." Mặc dù ông bị thúc ép tham gia ngành kinh doanh ô của chú mình, cuối cùng ông lại chọn theo đuổi bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại trường Ohio State.
 
Nhưng Mischel nhận ra rằng các lý thuyết học thuật chỉ có tính ứng dụng nhất định, và ông bị sốc bởi sự phù phiếm của hầu hết ngành khoa học tính cách. Ông vẫn bực tức trước sự ngây thơ của các sinh viên cao học, những kẻ dựa vào những bài kiểm tra vô nghĩa để chẩn đoán. Năm 1955, Mischel được trao cơ hội nghiên cứu những nghi lễ "nhập vong" ở tín ngưỡng Orisha ở Trinidad, và ông nắm lấy ngay cơ hội. Mặc dù nghiên cứu của ông đáng lẽ ra phải sử dụng Thí nghiệm Rorschach để khám phá những liên kết giữa vô thức và hành vi của những người bị nhập hồn, Mischel sớm chuyển hướng quan tâm tới một dự án khác. Ông sống ở góc đảo có người gốc Đông Ấn và châu Phi chia nhau sinh sống; ông nhận thấy mỗi nhóm lại định nghĩa nhóm còn lại bằng những khuôn mẫu phổ quát. "Người Đông Ấn sẽ miêu tả người châu Phi là những kẻ tham vui bốc đồng, luôn sống cho hôm nay mà không biết ngày mai," ông nói. "Trong khi đó, những người châu Phi lại nói người Đông Ấn không biết hưởng thụ cuộc sống, chỉ biết giấu tiền dưới thảm và không biết chiều mình."
 
Mischel nhặt ra những đứa trẻ nhỏ từ hai nhóm sắc tộc và cho chúng lựa chọn: chúng sẽ có một thanh sô cô la nhỏ ngay lập tức, hoặc nếu chúng đợi một vài ngày, chúng sẽ có một thanh sô cô la to hơn. Kết quả của Mischel không thể chứng minh cho định kiến nhóm [đề cập bên trên] - các biến số khác, như việc đứa trẻ có sống với cha hay không, hóa ra lại quan trọng hơn - nhưng thực sự chúng đã khiến ông quan tâm tới câu hỏi về sự kiềm chế sự sung sướng. Tại sao một số đứa trẻ sẵn sàng đợi mà một số khác thì không? Đâu là nguyên do khiến chúng chờ đợi? Không giống những nhóm tính cách lớn được đánh giá bởi các bài kiểm tra nhân cách, khả năng tự kiểm soát bản thân, theo Mischel, là có thể đo lường được.
 
Năm 1958, Mischel trở thành Phó Giáo sư tại Khoa Quan hệ xã hội tại trường Harvard. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là phát triển một khóa khảo sát về "đánh giá tính cách", nhưng Mischel đã sớm kết luận rằng, mặc dù các lý thuyết thời đó cho rằng các đặc điểm tính cách nhất quán với nhau, dữ liệu hiện có không dẫn chứng cho giả thuyết này. Tính cách, ít nhất theo quan niệm thời đó, không thể đánh giá được một cách chắc chắn. Một vài năm sau, ông được thuê làm tư vấn cho một đánh giá tính cách do Peace Corps khởi xướng. Những tình nguyện viên trước đây của tổ chức đã gây ra một số scandal quốc tế đáng xấu hổ - một người gửi một bức thư trong đó cô thể hiện sự kinh tởm trước thói quen vệ sinh của đất nước cô giúp đỡ - vì vậy chính quyền Kennedy muốn 1 quá trình sàng lọc để loại bỏ những người không phù hợp cho những nhiệm vụ quốc tế. Các tình nguyện viên được đánh giá những tính cách tiêu chuẩn, và Mischel so sánh kết quả với đánh giá năng lực hoạt động của họ trong lĩnh vực. Ông không tìm thấy bất cứ sự tương quan nào; các bài kiểm tra mất thời gian này chẳng dự đoán được điều gì. Đến lúc này, Mischel nhận ra vấn đề không nằm ở các bài đánh giá, mà nằm ở giả định của chúng. Các nhà tâm lý học đã dành nhiều thập niên tìm kiếm các tính cách tồn tại không phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng nếu tính cách không thể tách rời khỏi bối cảnh thì sao? "Nó đi ngược lại với cách chúng ta vẫn nghĩ từ thời Hy Lạp cổ đại," ông nói.
 
Trong khi Mischel bắt đầu phủ định những phương pháp nghiên cứu trong ngành của mình, Khoa tâm lý Đại học Harvard lại đang gặp vấn đề lớn. Năm 1960, nhà tâm lý học tính cách Timothy Leary giúp khởi động Dự án Harvard Psilocybin, hầu hết là tự thí nghiệm. Mischel nhớ rằng các bàn của sinh viên cao học được nhường chỗ cho những tấm đệm, và rất nhiều gói chứa chất hóa học Ciba, ở Thụy Sĩ được gửi đến qua hòm thư. Mischel không có ác cảm gì với dân hippie, nhưng ông muốn tâm lý học hiện đại phải chặt chẽ và theo thực nghiệm. Và vì vậy, năm 1962, Walter Mischel chuyển đến ở Palo Alto và làm việc tại trường Stanford.
 
 
Trong Walter Mischel có gì đó rất mâu thuẫn - một nhà tâm lý học đã dành vài thập niên để chỉ trích tính xác đáng của các bài kiểm tra tính cách, lại sáng tạo nên thí nghiệm kẹo dẻo, một bài kiểm tra đơn giản mà lại hoàn toàn dễ dự đoán trước. Tuy nhiên, Mischel nhấn mạnh rằng không có bất cứ mâu thuẫn nào. "Tôi luôn luôn tin rằng trong một người có những sự nhất quán mà ta có thể xem xét," ông nói. "Chúng ta chỉ cần biết nhìn đúng cách." Một trong những nghiên cứu kinh điển của Mischel đã ghi lại hành vi hiếu chiến của trẻ em trong nhiều tình huống khác nhau ở trại hè New Hampshire. Hầu hết các nhà tâm lý cho rằng hiếu chiến là một tính cách ổn định, nhưng Mischel thấy rằng cách phản ứng của trẻ phụ thuộc vào cách chúng tương tác với nhau như thế nào. Cùng một đứa trẻ, có thể vừa mới cáu lên đánh bạn khi bị trêu, nhưng cũng lại rất sẵn sàng chịu hình phạt từ người lớn. Một đứa khác có thể phản ứng một cách khó chịu với lời cảnh báo của cố vấn học tập, nhưng lại chơi thân với bạn ngủ chung giường. Tính hiếu chiến được đánh giá tốt nhất theo hướng mà Mischel gọi là "mẫu hình nếu-thì." Nếu một đứa trẻ nào đấy bị bạn bè trêu chọc, thì nó sẽ trở nên hung hăng.
 
Một trong những ẩn dụ ưa thích của Mischel cho mô hình tính cách này, còn được biết đến với cái tên Chủ nghĩa tương tác, là về một chiếc ô tô gây ra tiếng rít inh tai. Người thợ máy khắc phục vấn đề này thế nào? Ông bắt đầu bằng việc cố gắng xác định những điều kiện cụ thể gây ra tiếng ồn. Liệu có tiếng rít khi chiếc xe đang tăng tốc, hay khi nó chuyển số, hay khi nó đi chậm lại? Trừ khi người thợ máy có thể đặt tiếng rít xe vào một bối cảnh, ông sẽ không bao giờ có thể tìm ra phần hỏng hóc. Mischel cảnh báo các nhà tâm lý học hãy tư duy như người thợ đó, và quan sát các phản ứng của mọi người dưới một điều kiện nhất định. Cái khó là làm sao để thiết kế một bài kiểm tra có thể mô phỏng chính xác thứ gì đó liên quan tới hành vi được cần được dự báo. Cuộc tìm kiếm một bài kiểm tra tính cách thực sự có ý nghĩa đã dẫn Mischel sử dụng lại quy trình ông đã từng sử dụng với các trẻ nhỏ gần 10 năm trước. Bây giờ, thí nghiệm đó còn liên quan mật thiết hơn bởi vì ông đã có ba cô con gái. "Những đứa trẻ nhỏ sống cực kì bản năng," Mischel nói. "Chúng sinh ra đã không thể chờ đợi điều gì - bất cứ cái gì chúng muốn là chúng đòi. Nhưng rồi, khi tôi nhìn chính con mình, tôi đã ngạc nhiên trước cách chúng dần dần học cách kiềm chế và nhờ đó làm được rất nhiều thứ khác."
 
Một vài năm trước đó, năm 1966, Khoa tâm lý Đại học Stanford đã thành lập Trường mầm non Bing. Các lớp học được thiết kế như một phòng thí nghiệm sống, với các tấm kính một chiều giúp các nhà nghiên cứu có thể quan sát trẻ. Tháng 1 năm 2009, Jennifer Winters, Phó Giám đốc của trường, dẫn tôi thăm quan toàn nhà. Mặc dù Bing vẫn là một trung tâm nghiên cứu còn hoạt động - những đứa trẻ nhanh chóng học được cách lờ đi các sinh viên đang ghi chép vội vã vào vở - Winters không chắc liệu thử thách kẹo dẻo của Mischel có thể được lặp lại ngày nay. "Gần đây chúng tôi đã thử làm một phiên bản khác, và những đứa trẻ rất háo hức vì có đồ ăn trong phòng chơi," bà nói. "Ngày nay có rất nhiều kiểu dị ứng và loại hình ăn kiêng đặc biệt nên chúng tôi tránh sử dụng thức ăn trong các thí nghiệm."
 
Mischel đã hoàn thiện quy trình của ông bằng cách kiểm tra con gái ông ở bàn bếp. "Khi bạn điều tra sức mạnh ý chí ở một đứa trẻ 4 tuổi, một chi tiết nhỏ cũng thể tạo ra khác biệt lớn lao," ông nói. "Chiếc kẹo dẻo nên to cỡ nào? Chiếc bánh nào có hiệu quả tốt nhất?" Sau một vài tháng căn chỉnh kiên trì, Mischel đã nghĩ ra cách thiết kế thí nghiệm để phản ánh giống nhất sự khó khăn của việc trì hoãn sự sung sưỡng. Vào mùa xuân năm 1968, ông thực hiện những lần thử đầu tiên tại trường Bing. "Tôi biết bọn tôi đã thiết kể chuẩn khi rất nhiều đứa muốn nghỉ chơi ngay khi bọn tôi giải thích các điều kiện cho chúng," ông nói. "Chúng biết việc này sẽ rất khó khăn."
 
 
Vào lúc đó, các nhà tâm lý học cho rằng khả năng chờ đợi của trẻ phụ thuộc vào việc chúng yêu thích chiếc kẹo dẻo tới đâu. Nhưng họ sớm nhận ra rằng đứa trẻ nào cũng muốn được cho thêm. Vậy, điều gì quyết định khả năng tự kiểm soát của chúng? Kết luận của Mischel, dựa trên hàng trăm giờ quan sát, đó là kĩ năng thiết yếu "phân bổ sự tập trung một cách có chiến lược." Thay vì bị ám ảnh với chiếc kẹo dẻo - "kích thích nóng" - những đứa trẻ kiên nhẫn tự sao lãng mình bằng cách bịt mắt, giả vờ chơi trò trốn tìm dưới bàn, hay hát bài từ chương trình "Sesame Street." Ham muốn của chúng không mất đi - chỉ đơn thuần quên mất mà thôi. "Nếu bạn tập trung vào chiếc kẹo dẻo và sự hấp dẫn của nó, thì bạn sẽ ăn chúng," Mischel nói. "Chìa khóa ở đây là tránh tơ tưởng đến nó ngay từ đầu."
 
Ở người lớn, kĩ năng này thường được gọi là siêu nhận thức, hay khả năng suy nghĩ về cách mình suy nghĩ, nó giúp mọi người vượt qua những khuyết điểm của mình. (Khi Odysseus trói mình vào cột buồm, ông đã sử dụng một số kĩ năng siêu nhận thức: biết rằng mình sẽ không thể cưỡng lại được tiếng hát của các nàng tiên cá, ông đã cột chặt mình để không thể bị khuất phục.) Bộ dữ liệu lớn của Mischel từ rất nhiều các nghiên cứu đã giúp ông nhìn ra rằng trẻ em, nhờ hiểu rõ cơ chế của tự kiểm soát, có thể kìm hãm sự sung sướng tốt hơn. "Điều thú vị về những đứa trẻ 4 tuổi là chúng chỉ mới tìm ra quy tắc suy nghĩ," Mischel nói. "Những đứa trẻ không thể kiềm chế thường sẽ hiểu ngược quy tắc. Chúng sẽ nghĩ cách tốt nhất để kháng cự lại chiếc kẹo dẻo sẽ là nhìn thẳng vào chúng, để mắt tới mục tiêu. Nhưng đó là một ý tưởng rất tệ. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ rung chuông ngay lúc tôi rời khởi phòng."
 
Theo Mischel, cách nhìn này về sức mạnh ý chí cũng sẽ giúp giải thích tại sao thử thách kẹo dẻo là một bài kiểm tra có tính dự đoán rất mạnh. "Nếu bạn có thể đối phó với những cảm xúc "nóng", thì có thể ngồi ôn S.A.T thay vì xem TV," Mischel nói. "Và cũng có thể tiết kiệm tiền cho tuổi già. Đây không chỉ là chuyện về chiếc kẹo dẻo."
 
Những công trình sau này của Mischel và đồng nghiệp phát hiện ra rằng những sự khác biệt này có thể quan sát được ở các đối tượng chỉ mới 19 tháng tuổi. Chỉ cần nhìn cách lũ trẻ ở tầm tuổi mới tập đi phản ứng lại khi bị tách khỏi mẹ nó, họ thấy rằng có những đứa ngay lập tức òa khóc, bám lấy cửa, nhưng có những đứa có thể vượt qua sự lo âu của mình bằng tự sao lãng, thường là bằng cách chơi đồ chơi. Khi các nhà khoa học đưa chính những em bé đó vào thử thách kẹo dẻo lúc 5 tuổi, họ thấy rằng những bé từng khóc trước đây cũng rất vất vả để kiềm chế món ăn đầy hấp dẫn.
 
Khả năng kiềm chế xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ cho thấy nó có thể nguồn gốc từ gene. Mischel không đồng tình với kết luận vội vàng này. "Nhìn chung, cố chia tách bản chất tự nhiên và việc dưỡng dục cũng giống như cố chia tách tính cách và bối cảnh," ông nói. "Hai tác động này liên quan chặt chẽ với nhau." Ví dụ, khi Mischel đưa thử thách kiềm chế sự sung sướng cho các bé xuất thân từ các gia đình thu nhập thấp ở Bronx, ông để ý thấy khả năng kiềm chế của họ ở dưới mức trung bình, ít nhất là so với những trẻ ở khu Palo Alto. "Khi bạn lớn lên trong nghèo khó, bạn không thể luyện tập sự kiềm chế nhiều," ông nói. "Và nếu bạn không thực hành bạn sẽ không bao giờ có thể tìm ra cách để đánh lạc hướng bản thân. Bạn sẽ không phát triển những chiến lược kiềm chế tốt nhất, và chúng sẽ không thành bản năng thứ hai của bạn được." Nói cách khác, con người học cách sử dụng trí óc cũng giống như cách họ học dùng máy vi tính vậy: qua phép thử sai.
 
 
Nhưng Mischel cũng tìm ra một lối tắt. Khi ông và đồng nghiệp của mình dạy lũ trẻ một số mẹo suy nghĩ đơn giản - như giả vờ rằng cái kẹo chỉ là một hình ảnh, bao quanh bởi một chiếc khung tưởng tượng - ông cảm thiện khả năng tự kiểm soát của chúng lên đáng kể. Những trẻ không thể đợi được 60 giây giờ có thể đợi tới 15 phút. "Tất cả những gì tôi làm là cung cấp một số mẹo hướng dẫn sử dụng trí óc," Mischel nói. "Một khi bạn nhận ra rằng sức mạnh ý chí chỉ là chuyện học cách kiểm soát sự chú ý và suy nghĩ của mình, bạn có thể thực sự bắt đầu tăng cường chúng."
 
Marc Berman, một sinh viên cao học hay cười, nói về nghiên cứu của anh với sự hồ hởi của một sinh viên năm nhất lần đầu học triết. Berman làm việc tại phòng nghiên cứu của John Jonides, một nhà tâm lý và khoa học thần kinh tại trường Đại học Michigan, người đứng đầu thí nghiệm quét não với các đối tượng Bing ban đầu. Anh biết rằng không thể kiểm tra khả năng tự kiểm soát của những người này quá lộ liễu. "Chúng tôi không thể đưa những người này chiếc kẹo dẻo," Berman nói. "Họ biết mình là một phần của nghiên cứu dài hơi về kiểm soát sự sung sướng, vậy nên nếu bạn đưa cho họ một thử thách kiềm chế rõ ràng, họ sẽ cố gắng hết sức để chống lại cám dỗ. Kết quả sẽ là hàng đống người từ chối không chạm đến chiếc kẹo dẻo."
 
Điều này có nghĩa là Jonides và nhóm của anh phải tìm ra cách để đo ý chí gián tiếp. Dựa trên giả định rằng khả năng kiềm chế ăn kẹo dẻo phải phụ thuộc vào năng lực xua tan suy nghĩ về chiếc kẹo, họ quyết định một chuỗi các thử thách đo đạc mức độ kiểm soát nội dung của trí nhớ ngắn hạn - một lượng tương đối giới hạn những thông tin chúng ta có thể xem xét một cách có nhận thức trong một khoảng thời gian ngắn. Theo Jonides, đây là cách tự kiểm soát biểu hiện ngoài đời thực: đó là năng lực điều hướng sự chú ý của mình sao cho các quyết định của ta không bị điều hướng bởi suy nghĩ sai lầm.
 
Mùa hè năm 2008, các nhà khoa học chọn 55 đối tượng, chia đều giữa những người kiềm chế tốt và kém, và đưa cho mỗi người một chiếc máy tính xách tay cài sẵn các thí nghiệm về trí nhớ ngắn hạn. Hai trong số các thí nghiệm này được đặc biệt quan tâm. Đầu tiên là một bài tập gọi là "thử thách đè nén." Những đối tượng được cho 4 từ ngẫu nhiên, 2 từ in màu xanh và 2 từ màu đỏ. Sau khi đọc những từ này, họ được dặn quên từ màu xanh đi và chỉ nhớ những từ màu đỏ. Tiếp đến các nhà khoa học đưa ra một chuỗi các "từ mồi" và hỏi các đối tượng liệu những từ mồi này có phải là từ họ được yêu cầu phải nhớ hay không. Mặc dù thử thách này có vẻ như không liên quan đến sự kiềm chế sung sướng, nó kiểm tra cơ chế tương tự. Thú vị là, những nhà khoa học thấy rằng những người trì hoãn tốt thể hiện tốt hơn đáng kể trong bài tập đè nén này: họ ít có xu hướng nghĩ rằng mình nên nhớ những từ họ được yêu cầu phải quên đi. 
 
Trong thử thách thứ hai, còn được biết đến là bài toán Đi/Không Đi (Go/No Go), các đối tượng được xem một loạt các khuôn mặt với nhiều biểu cảm khác nhau trình chiếu nhanh. Đầu tiên họ được dặn ấn dấu cách bất cứ nào họ nhìn thấy biểu cảm cười. Công việc này không mất sức cho lắm, bởi vì các khuôn mặt cười tự động kích hoạt hành vi tiến tới (approach behavior). Tuy nhiên, sau một vài phút, những người tham gia lại được dặn ấn dấu cách khi họ nhìn thấy những khuôn mặt cau có. Bây giờ họ bị buộc phải hành động ngược lại với bản năng. Các kết quả cho thấy những người trì hoãn tốt là những thành công nhất trong việc không nhấn nhầm nút khi có mặt cười.
 
Khi tôi bắt đầu kể với các nhà khoa học về những thử thách này hè 2008, họ rõ ràng là đang lo ngại sẽ không tìm ra sự khác biệt hành vi nào giữa những người trì hoãn tốt và kém. Phải tới tận đầu tháng 1/2009, họ mới có đủ dữ liệu để bắt đầu phân tích (không có gì bất ngờ khi phải mất thời gian hơn để lấy lại laptop từ những người kiểm soát kém), nhưng họ sớm nhận ra những khác biệt lớn giữa hai nhóm. Biểu đồ dữ liệu cho thấy trong khi thời gian kiềm chế của những đứa bé 4 tuổi giảm xuống, số lỗi chúng mắc phải khi lớn cũng tăng lên đáng kể.
 
Mảng hành vi và gene của dự án được giám sát bởi Yuichi Shoda, giáo sư tâm lý tại Đại học Washington, một trong những sinh viên cao học của Mischel. Ông đã đi theo các "đối tượng kẹo dẻo" này hơn 30 năm: ông biết mọi thứ về họ từ thành tích học tập và kĩ năng xã hội tới khả năng đối phó với sự thất bại và stress. Nguyên nhân về gene đến nay vẫn còn chưa chắc chắn. Mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã tìm kiếm nguồn gốc của tính cách từ khi Dự án giải mã gene người hoàn thành năm 2003, rất nhiều các gene liên quan vẫn còn được đặt nghi vấn. "Chúng ta là những sinh vật cực kì phức tạp," Shoda nói. "Kể cả khía cạnh đơn giản nhất trong tính cách vẫn được lèo lái bởi hàng tá các gene khác nhau." Tuy nhiên, kể cả những khác biệt nhỏ trong mã hóa gene có thể tác động tới năng lực kiềm chế - và đây là khả năng lớn - Shoda không hi vọng khám phá được những khác biệt: đơn giản là mẫu thử quá nhỏ.
 
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu ghé thăm nhà các đối tượng đầu tiên, ban gồm cả Carolyn Weisz để hiểu hơn các hoàn cảnh gia đình có thể định hình khả năng tự kiểm soát như thế nào. "Họ biến bếp của tôi thành một phòng thí nghiệm," Carolyn nói với tôi. "Họ dựng một chiếc lều nhỏ để kiểm tra con gái lớn nhất của tôi về thử thách kiềm chế với vài chiếc bánh. Tôi nhớ mình đã hi vọng con bé có thể chờ được."
 
Trong khi Mischel theo sát các dữ liệu phân tích được từ chiếc máy tính và những lần quét não, ông chỉ quan tâm nhất về việc điều gì sẽ đến tiếp theo. "Tôi không quan tâm lắm vào việc nhìn vào trong não bằng một cỗ máy hiện đại." ông nói. "Câu hỏi thực tế là chúng ta có thể làm gì với dữ liệu fMRI này mà trước đó không làm được?" Mischel đang xin tài trợ từ N.I.H để tìm hiểu các loại bệnh tâm lý, như hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn thiếu chú ý, trên mặt kiểm soát và định hướng sự tập trung. Mischel và nhóm của ông hi vọng xác định được các mạng thần kinh chính yếu liên quan đến hàng loạt các loại bệnh này. Nếu mạng thần kinh đó tồn tại, thì những mẹo nhận thức giúp gia tăng thời gian kiềm chế ở trẻ 4 tuổi cũng có thể giúp người lớn đối phó với các triệu chứng. Mischel đặt biệt phấn khích bởi ví dụ một nhóm người thất bại trong thử thách chiếc kẹo dẻo nhưng lớn lên lại có khả năng kiềm chế tốt. "Đây là nhóm tôi quan tâm nhất," ông nói. "Họ đã đổi đời."
 
Mischel cũng đang chuẩn bị một nghiên cứu quy mô lớn với hàng trăm học sinh tại Philadelphia, Seattle, và thành phố New York để xem liệu các kĩ năng tự kiểm soát có thể dạy được không. Mặc dù trước đây ông đã cho thấy nếu được dạy một số mẹo suy nghĩ đơn giản như tưởng tượng chiếc kẹo dẻo là một đám mây, trẻ em có thể cải thiện thành tích của mình trước thử thách kẹo dẻo; nhưng ông vẫn chưa rõ liệu những kĩ năng mới này có duy trì về lâu về dài. Nói cách khác, liệu những mẹo đó chỉ có tác dụng trong thí nghiệm hay liệu trẻ có thể học áp dụng chúng tại nhà khi phải lựa chọn giữa làm bài tập và xem TV?
 
Angela Lee Duckworth, Phó Giáo sư tâm lý tại Đại học Pennsylvania, đang đứng đầu chương trình. Cô quan tâm tới chủ đề này đầu tiên khi còn là giáo viên dạy toán cấp 3. "Phần lớn đó là trải nghiệm cực kì nản," cô nói. "Tôi dần dần tin rằng cố dạy đại số cho học sinh tuổi này khi chúng chưa có khả năng tự kiểm soát là một bài tập khá vô ích." Và vì vậy, ở tuổi 32, Duckworth quyết định trở thành một nhà tâm lý. Một trong những dự án nghiên cứu chính của cô xem xét mối quan hệ giữa khả năng tự kiểm soát và điểm trung bình. Cô thấy rằng khả năng kìm chế sự sung sướng - học sinh lớp 8 được lựa chọn giữa 1 đô la ngay bây giờ hoặc 2 đô la trong tuần sau - là chỉ số dự đoán thành tích học tập tốt hơn nhiều I.Q. Cô nói rằng nghiên cứu của cô cho thấy "trí thông minh thực sự quan trọng, nhưng không quan trọng bằng khả năng tự kiểm soát."
 
 
Năm 2008, Duckworth và Mischel được David Levin tiếp cận. Ông là đồng sáng lập của KIPP, 1 tổ chức gồm 66 trường công tự chủ (public charter school) khắp nước Mỹ. Các trường KIPP nổi tiếng với lịch học dài - học sinh đến lớp từ 7:25 sáng đến 5h chiều - và sự cải tiến đáng kể điểm kiểm tra học sinh trong thành phố. (Hơn 80% học sinh lớp 8 tại các học viện KIPP ở Nam Bronx có điểm ngang hoặc trên điểm phân lớn ở môn đọc và toán, gần gấp đôi trung bình của thành phố New York.) "Điểm cốt lõi trong cách tiếp cận của KIPP là sự nhấn mạnh vào tính cách để thành công," Levin nói. "Các nhà giáo dục thích nói về các phẩm chất khi trẻ học mẫu giáo - chúng ta gửi về nhà trẻ những tờ thông báo về việc "hòa đồng với bạn trong lớp" hay "phát biểu khi chưa đến lượt." Nhưng rồi, đến lúc các kĩ năng này có ý nghĩa, ta lại ngừng phát triển chúng. Chúng ta chỉ ngồi than phiền."
 
Tự kiểm soát là một trong những "phẩm chất" căn bản được KIPP nhất mạnh - ví dụ Học viện KIPP ở Philadelphia phát cho học sinh chiếc áo phông in slogan "Đừng ăn chiếc kẹo dẻo." Tuy nhiên, Levin vẫn không chắc chương trình sẽ hiệu quả tới đâu - "Chúng ta biết cách dạy trẻ kĩ năng toán, nhưng thật khó để đo sức mạnh tính cách," ông nói - vì vậy ông đã liên hệ với Duckworth và Mischel, hứa với họ quyền tiếp cận thoải mái đến các học sinh của KIPP. Levin cũng giúp đưa các trường khác tham gia thí nghiệm, bao gồm trường Riverdale Country School, 1 trường tư ở Bronx,  Evergreen School cho học sinh giỏi ở Shoreline, Washington; và trường Mastery Charter Schools, ở Philadelphia.
 
Trong một vài tháng qua, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các thử nghiệm mẫu tại lớp học khi họ cố tìm ra cách hiệu quả nhất để giới thiệu khái niệm tâm lý phức tạp cho các em. Bởi vì nghiên cứu sẽ tập trung vào học sinh từ 4 đến 8 tuổi, các bài giảng trong lớp sẽ dựa nhiều vào việc học tập lẫn nhau, như cho các em mầm non xem video một em bé tự đánh lạc hướng bản thân thành công khỏi thử thách chiếc kẹo dẻo. Họ đã thu được một số kết quả ban đầu tương đối đáng khích lệ - chỉ sau một vài tiết học, các em biểu hiện sự cải thiện trong thấy khi đối mặt với những trạng thái "cảm xúc nóng" - nhưng họ vẫn thận trọng khi dự đoán kết quả của nghiên cứu dài hơn này. "Khi bạn thực hiện các nghiên cứu giáo dục ở quy mô lớn, sẽ có 99 lý do đâu đâu khiến nghiên cứu có thể thất bại," Duckworth nói. "Có thể là một giáo viên không cho các con xem video, hoặc là có buổi dã ngoại đúng lúc kiểm tra. Đó là những thứ làm tôi lo lắng."
 
Bất an chính của Mischel là kể cả khi kế hoạch giảng dạy của ông chứng tỏ sự hiệu quả, nó vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các biến số mà các nhà khoa học không thể kiểm soát, như môi trường ở nhà. Ông biết rằng chỉ dạy mẹo tư duy cho trẻ là không thể đủ - thách thức thật sự là biến những mẹo này thành thói quen, và điều này đòi hỏi nhiều năm luyện tập. "Đây là lúc mà cha mẹ cần vào cuộc," Mischel nói. "Họ có ép bạn kiềm chế hàng ngày hay không? Họ có khuyến khích bạn đợi chờ hay không? Họ có nhấn mạnh giá trị của sự kiên nhẫn không?" Theo Mischel, kể cả những thói quen bình thường nhất của trẻ nhỏ - như không ăn bim bim trước bữa tối, hay tiết kiệm tiền mừng tuổi, hay chờ đợi đến sáng Giáng sinh - thực sự là những bài tập thông minh để rèn luyện trí não: chúng ta đang dạy chính mình cách nghĩ để chiến thắng những ham muốn. Nhưng Mischel không thỏa mãn với cách tiếp cận tùy tiện đó. "Chúng ta nên đưa kẹo dẻo cho mỗi trẻ mầm non," ông nói. "Ta nên nói, 'Con nhìn thấy chiếc kẹo dỏe này không? Con không cần phải ăn nó luôn. Con có thể đợi. Ta sẽ chỉ cách.'"
 
Trạm Đọc (Read Station)
Theo New Yorker