Khủng hoảng khi ra trường: Sinh viên, bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp?
Khủng hoảng khi ra trường: Sinh viên, bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp?
“Tiền thanh niên là khoảng giai đoạn cuộc đời khi mà tất cả mọi hướng đi đều khả thi, khi mà có ít những điều chắc chắn về tương lai, khi không gian cho sự tự do khám phá những khả năng của cuộc sống của chúng ta là lớn hơn so với bất kì giai đoạn nào khác của cuộc đời”

Ở tuổi 18, G. Stanley Hall rời khỏi nhà ở thị trấn nhỏ bé Ashfield, Mass để đến học ở Đại học Williams, chỉ cách 35 dặm, với mục tiêu “được làm gì đó và trở thành gì đó trong thế giới này”. Mẹ anh muốn anh trở thành bộ trưởng, nhưng chàng trai trẻ Stanley thì không chắc về kế hoạch đó. Anh coi bốn năm đại học là một cơ hội để khám phá những điều mới mẻ.

Mặc dù Hall học rất xuất sắc ở Đại Học Williams, cha mẹ anh, những người nông dân hiền lành cho rằng việc học của anh luôn tiềm ẩn đôi chút thất thường. Anh không nghĩ mình có những tố chất để trở thành một mục sư, nhưng lại ghi danh vào Đại chủng viện Tin Lành ở New York sau khi tốt nghiệp. Thành phố lớn này thật khiến người ta say đắm, và việc sống ở đây khiến anh bỏ ngang việc theo đuổi tôn giáo của mình. Để rồi sau khi nhận chắc được một khoản vay, anh bay sang Đức, học triết học, đi du lịch, thăm thú các nhà hát, quán bar và vũ trường ở Berlin.

"Chính xác thì con đang làm gì ở đó?" Bố anh nghiêm khắc hỏi. Hall thêm cả ngành sinh lí học và vật lí vào việc học tập của mình và nói với cha mẹ rằng anh đang nghĩ đến việc lấy bằng Tiến sĩ Triết học. “Nhưng Tiến sĩ Triết học thì làm cái gì?” Mẹ anh thắc mắc.

Bố mẹ muốn anh về nhà và kiếm một công việc thực sự, và ngay cả Hall, người “hầu như chưa hề động tay vào thế giới để biết được nơi nào tôi có thể làm được cái gì” luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Anh chẳng còn đồng nào trong túi và nợ nần chồng chất, nên đã quyết định quay trở về nhà sau khi bố mẹ anh từ chối trợ cấp tài chính. Năm đó anh 27 tuổi. 

Câu chuyện của Hall tương đồng với câu chuyện của nhiều thanh niên ngày nay. Họ đi học đại học, chống cự lại các áp lực buộc phải lựa chọn một ngành học liên quan đến nghề cụ thể, rồi trôi dạt sau khi tốt nghiệp, rơi vào cảnh túng bấn và vô phương. Nhưng đây là điều khác biệt: Stanley Hall lớn lên trong một nước Mỹ hoàn toàn khác, một nước Mỹ giữa những năm 1800.

Chúng ta nghĩ kiểu chạy đà cuộc sống tốn thời gian này còn khá mới mẻ, nhưng ngay từ thế kỉ 19 và đầu 20, khi mà nền kinh tế mở ra với ít hơn những lựa chọn nghề nghiệp, đã có những cử nhân sau khi tốt nghiệp, vẫn còn lang thang trong suốt thập kỉ thứ ba của đời mình. Tất nhiên Hall là một ngoại lệ hiếm hoi thời ấy, phần lớn thanh niên thế hệ ông thường bước vào đời trưởng thành ngay sau trung học. Nhưng câu chuyện của ông còn có thể làm giảm bớt nỗi lo lắng của những bậc cha mẹ ngày nay về việc con cái họ vật vờ mãi trên con đường nghề nghiệp và tự lập: Stanley Hall đã thành công rực rỡ.

Cuối cùng thì ông cũng hoàn thành xong một bằng cao học Tâm lý, giảng dạy tại Đại học Antioch, Harvard và Johns Hopkins, và trở thành chủ tịch của Đại học Clark ở Massachusetts, nơi ông bắt đầu quan tâm và nghiên cứu về giai đoạn ở giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Ông thành lập Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và vào năm 1904 viết một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn về một giai đoạn của cuộc đời mà ông gọi là “vị thành niên”. 

Ông miêu tả giai đoạn chuyển tiếp của mình – giữa tuổi 14 và 24 – đầy những ‘’sóng gió và căng thẳng”. Nhưng thực tế, tuổi vị thành niên đầu những năm 1900 đã ngắn hơn so với Hall tưởng tượng. Thanh thiếu niên đã có thể kiếm được một công việc toàn thời gian lâu dài ngay sau trung học, kéo theo việc kết hôn rồi làm cha làm mẹ một cách rất nhanh chóng. Phải đến khoảng giữa thế kỉ cuối cùng, thị trường việc làm mới bắt đầu yêu cầu thêm bằng cấp đại học, và đi kèm với một số chính sách công khuyến khích giáo dục đại học, các thể loại tuyển sinh bùng nổ.

Thời kì hậu chiến đọng lại trong tâm trí chúng ta một ý nghĩ mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay: Thanh thiếu niên tốt nghiệp khỏi trung học, kiếm một tấm bằng đại học, đảm bảo một công việc, chuyển khỏi nhà bố mẹ - tất cả hoàn thành vào tuổi 22 hoặc hơn.

Nhưng vào khoảng những năm 1960, khi mà người ta bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho đại học, xu hướng nhanh chóng ổn định cuộc đời đã chấm dứt. Những năm 1970 đánh dấu trọn vẹn thập kỉ cuối cùng cho việc một phần lớn dân số vẫn có thể có thành công về mặt tiền bạc mà không cần tấm bằng đại học. Thời kì suy thoái những năm 1980 giết chết sản xuất nhanh chóng, và trong thập kỉ tiếp theo của tiến bộ công nghệ, mức lương trả cho việc đi học đại học bắt đầu tăng nhanh như tàu tốc hành. Vào năm 1983, mức lương chênh lệch giữa một người có bằng cử nhân nhiều hơn so với một người lao động phổ thông là 42%. Hiện nay, nó đã vượt quá 80%.

Sự gia tăng khổng lồ giữa sinh viên đại học và sau đại học đã đẫn đến sự trì hoãn trong việc vượt qua bước ngoặt của tuổi trưởng thành, mãi mãi thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự chuyển đổi từ ghế nhà trường sang bàn làm việc. Vào những năm 1980, những cử nhân đại học đã có thể độc lập tài chính và đạt được mức lương trung bình vào năm 26 tuổi, nhưng đến năm 2014, mức lương đó nằm ngoài khả năng của những người trẻ hơn 30.

                                     

“Tiền thanh niên là khoảng giai đoạn cuộc đời khi mà tất cả mọi hướng đi đều khả thi, khi mà có ít những điều chắc chắn về tương lai, khi không gian cho sự tự do khám phá những khả năng của cuộc sống của chúng ta là lớn hơn so với bất kì giai đoạn nào khác của cuộc đời”, Tiến sĩ Arnett Đại học Clark viết. 

Đối với những “tiền trưởng thành” ngày nay, Tiến sĩ Arnett nói, một tấm bằng đại học có thể là yếu tố lớn nhất quyết định việc họ có một sự nghiệp bền vững hay không, nhưng nó lại không phải là yếu tố duy nhất phân biệt giữa người thành công và những kẻ lông bông. Nếu không thì những cử nhân ngày nay sẽ chẳng thất nghiệp hay đôi khi yên phận với những công việc không đòi hỏi bằng đại học.

Như vậy, Cách họ sống những năm học đại học cũng vô cùng quan trọng. Trong chuyến hành trình trưởng thành của mình, họ hoặc chạy cấp tốc, hoặc đi lang thang, hoặc vô định hướng.

 

Người chạy cấp tốc: sẵn sàng, sẵn lòng và sẵn có 

 

Những kẻ chạy cấp tốc bắt đầu nhanh chóng ngay khi vừa bước vào cổng trường đại học. Họ chọn một chuyên ngành sớm và gắn bó với nó, tham gia các chương trình thực tập ở vị trí và mức độ ấn tượng hơn từng năm. Một số có những công việc hoàn hảo xếp hàng đợi sẵn chỉ chờ tốt nghiệp xong; số khác như những tia la-se chiếu thẳng vào mục tiêu, chuyển từ công việc này đến công việc khác và leo dần lên từng nấc thang sự nghiệp. Họ có rất ít hoặc không hề có nợ nần thời sinh viên, tháo bỏ mọi ràng buộc về tiền lương trong việc lựa chọn những cơ hội nghề nghiệp.

Nhưng tốc độ không chỉ là yếu tố duy nhất định nghĩa nhóm này. Một số chậm hơn nhưng rất chắc chắn, hình ảnh những tòa nhà chọc trời là biểu trưng cho những người này, những người theo đuổi một sự nghiệp thành công qua việc đầu tư vào nguồn lực con người của riêng họ, có thể ở trường Đại học hay Cao học, trước khi bước chân vào thị trường lao động.

 

Lily Cua ở một trung tâm khởi nghiệp Washinton D.C, tạo được nhiều tiếng vang. 

Lily Cua là một “người chạy cấp tốc” điển hình. Ngay trước khi nhận tấm bằng ngành tài chính ở Đại học Georgetown, cô đã được bảo đảm một vị trí tư vấn viên tại Pricewaterhouse Coopers (Pwc, một trong bốn ông lớn kiểm toán hàng đầu thế giới, cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG). Công việc đến với cô qua một cách khá phổ biến ngày nay, đó từ những khóa thực tập mùa hè chuyển sang vị trí chính thức. Người tuyển dụng cô, một cựu sinh viên Georgetown, bị ấn tượng bởi khả năng tiếng Trung và điểm số cao của cô – những dấu hiệu, anh nói với cô, cho thấy rằng cô đã sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ đòi hỏi trình độ cao. Vào cuối mùa hè cô gái Cua đã được đề nghị một công việc toàn thời gian, 10 tháng trước khi tốt nghiệp. “Tôi không mơ ước được làm việc ở đó”, cô thừa nhận. Nhưng cô biết nó sẽ là một bệ phóng vững chắc. “Tôi muốn học được những kĩ năng tôi không được dạy ở đại học. Tôi muốn làm việc với những người cực kì thông mình. Tôi muốn được dẫn dắt bởi những người sẽ hướng dẫn được cho tôi.”

Tôi gặp Cua tại một trung tâm khởi nghiệp ở Washington D.C, nơi đã hỗ trợ được khoảng 200 dự án khởi nghiệp. Việc này đối với một “người chạy cấp tốc” như cô, chẳng khác nào đang bò. Sau hai năm làm việc với PwC, cô bỏ ngang để khởi tạo một doanh nghiệp cùng một vài người quen từ thời đại học. Công ty của cô đã gây quỹ được 500,000$ cho một thị trường trực tuyến dùng để trao đổi đặc quyền và lợi ích mà những chủ lao động có thể cung cấp cho công nhân của mình. Quyết định rời bỏ một công ty nằm trong top các công ty lớn nhất của Fortune 500 đã “ám ảnh một thời gian dài”, cô nói, nhưng cô nhận ra là đầu 20 tuổi, khi mà chưa có gia đình hay các khoản thế chấp, là thời điểm thích hợp nhất để chấp nhận rủi ro. Thời điểm này vẫn còn dễ để bắt đầu lại và đứng dậy sau vấp ngã.

Điều này khiến những “người chạy cấp tốc” chẳng ngại đổi việc thường xuyên. Kiểu nhảy việc này thường được nhìn nhận là thiếu cam kết hay định hướng – nó có thể đúng là như vậy – nhưng nó cũng thúc đẩy cơ hội cho những công việc thỏa mãn hơn và có lương cao hơn trong những năm sau đó.

Henry E. Siu gọi đó là “đi mua sắm công việc” để kiếm được cái tốt hơn. Tiến sĩ Siu, một giáo sư của Đại học Kinh tế Vancouver, tại Đại học British Columbia, là một thành viên của một nhóm các nhà kinh tế học, đã tiến hành nghiên cứu trên các số liệu thống kê thất nghiệp trong vòng 30 năm ở Mỹ.  Trong nghiên cứu năm 2014, nhà kinh tế học này tìm ra rằng sự chuyển việc càng nhiều ở những năm 20 tuổi dễ dẫn đến việc kiếm được nhiều tiền hơn sau đó.

Trường đại học tốt hơn hết là nên chuẩn bị cho các cử nhân tâm thế của những “chân chạy việc”, Tiến sĩ Siu nói với tôi, điều này có nghĩa là họ có thể làm được nhiều dạng công việc từ cao đến thấp, đến cả các công việc thuộc các ngành nghề khác nhau. Đàn ông và phụ nữ trong những độ tuổi 20 đã từng thường xuyên nhảy việc. Điều làm hiện nay khác biệt là số lượng, Tiến sĩ Siu nói, cứ ba người lại có một người thay đổi ngành nghề của họ hằng năm, so với thế hệ trước chỉ có 1/10 người thôi. 

“Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng phức tạp với nhiều hơn các sự lựa chọn nghề nghiệp” Tiến sĩ Siu quan ngại - nằm ngoài khả năng lựa chọn của bất kì ai khi họ vẫn còn đang đi học. Thử các nghề khác nhau là một trong các lí do khiến tuổi 20+ cần đoạn đường chạy dài hơi hơn để tiến tới được cột mốc cuộc đời của họ.

 

Những kẻ lang thang: trên con đường bấp bênh

 

Khi tôi hẹn Valerie Lapointe đi uống cà phê, cô ấy còn đang học GRE. Việc kiếm việc bị đình trệ, và cô đã quyết định làm việc mà những cử nhân hiện nay thường làm khi họ cảm thấy bế tắc: quay lại trường học để kiếm thêm một tấm bằng nữa. 

Bằng thạc sĩ đã trở thành một bằng “cử nhân” mới. Năm 2013, những năm gần đây nhất, khoảng 760.000 tấm bằng Thạc sĩ đã được trao, tăng 250% kể từ năm 1980. Gần 30% những người tốt nghiệp xong đại học lại quay trở lại trường sau khoảng hai năm rời khỏi nó. Cao học cho họ cách tổ chức và hướng đi.

Valerie Lapointe ở Đại học Northwestern, nơi ở tuổi 25, cô bắt đầu học cao học. 

Vừa nhấm nháp cà phê, Lapointe, cười thoáng qua nhanh như những câu chuyện đùa của cô, châm biếm sự liên quan trong hoàn cảnh của chúng tôi. Sau tất cả, những quán cà phê đã trở thành biểu tưởng của những người vẫn còn đang lang thang qua những năm đôi mươi của mình. Người thợ pha chế cà phê với tấm bằng cử nhân ở Starbucks là một kiểu mẫu thất nghiệp. 

“Tôi đã nộp đơn cho tất cả các thể loại công việc từ ở đây cho đến tận thế giới bên kia. Khi mà anh thất nghiệp, anh thậm chí có thể ngồi nộp đơn xin việc cả ngày.” Cô ví von sự kiếm việc của mình như là đi hẹn hò. “Anh trông tuyệt vời trên giấy, họ phỏng vấn anh, nhưng họ chẳng bao giờ gọi lại cho anh hết. Rồi anh sẽ quen với những lời từ chối.”

Lapointe lớn lên ở một vùng ngoại ô trù phú ở Bắc Virginia. Cô tốt nghiệp trung học ở thứ hạng đầu với điểm trung bình 3.9/4 vào năm 2008, một năm được đánh dấu bởi sự bùng nổ vì số lượng người đang trong độ tuổi 18 khắp cả nước khiến cuộc cạnh tranh vào đại học theo nguyện vọng rất khốc liệt, đồng thời cũng là năm xảy ra khủng hoảng kinh tế nên có rất nhiều cử nhân thất nghiệp khi ra trường.

“Tôi chẳng biết tôi muốn làm gì với đời mình lúc tôi bắt đầu vào đại học,” cô nói. Tôi hỏi cô tại sao cô không nghỉ một năm (take a gap year) chỉ dành để tìm hiểu sở thích hay khám phá những loại ngành nghề khác nhau trong một trường cao đẳng cộng động ở địa phương. “Bố mẹ tôi chẳng bao giờ băn khoăn về việc tôi có ngay lập tức vào đại học hay không, họ chỉ lo về việc đó là trường nào mà thôi” Cô nói. “Đối với bố mẹ tôi, mọi thứ đều có câu trả lời, nhưng tại sao tôi lại không thấy như họ?" 

Tôi đã được nghe những câu chuyện tương tự từ rất nhiều nhưng cử nhân có phụ huynh đã trải qua giáo dục đại học – bốn năm đại học đó đã từng là con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp trung học. Trong khi chờ đợi cơ hội ở Đại học James Madison, Lapointe đã vào Đại học Mary Washington, một trường đại học công ở trung nam Virginia. Không chắc chắn về chuyên ngành muốn theo đuổi, cô theo học các khóa học tổng quát kín cả hai năm học đầu tiên. Rồi cô vào học một lớp về báo chí, và tại đây cô đã thực sự cảm thấy sự kết nối. 

Nhưng Mary Washington lại không đào tạo ngành báo chí. Lapointe chọn theo học nhiều lớp viết nhất có thể, đồng thời tham gia viết cho báo sinh viên. Cô nghĩ đến việc chuyển trường để học ngành mình thích nhưng lại đang trên đà nỗ lực tốt nghiệp trong vòng ba năm thay vì bốn để tiết kiệm tiền. 

Cô nói: “Vào thời điểm tôi tìm ra thì đã quá muộn.”

Thế là, cô trở thành một “kẻ lang thang”, một phần của số đông những thanh niên chật vật trong suốt trong những năm sau khi tốt nghiệp. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân đại học đã giảm xuống khoảng 4% từ 7% năm 2011, nhưng nhìn chung vẫn còn cao. Gần một nửa số cử nhân mới ra trường thất nghiệp, hoặc làm một công việc không yêu cầu bằng cử nhân.

Số liệu đó diễn tả những gì mà Lapinte đã gặp phải. Cô nhận giữ trẻ trong thời gian quay về sống ở nhà. Cho đến khi bắt tay vào tìm kiếm một công việc thực sự ở lĩnh vực mà cô yêu thích một năm rưỡi sau khi tốt nghiệp, cô thậm chí còn phải cạnh tranh thêm với một lứa cử nhân nữa vừa ra trường. Cô đầu tư vào một chương trình mùa hè có thể giúp cô có những kĩ năng cần thiết cho một vị trí thực tập ngành truyền thông, hy vọng sẽ có những tiến triển. Nhưng không. Một công ty sản xuất video đuổi việc cô sau ba tháng. Sau đó cô trải qua một chuỗi những công việc vụn vặt ở những chỗ làm tạm thời.

“Tôi đã biết rằng sẽ có khó khăn, nhưng không ngờ nó lại khó khăn đến mức này”. Vào Facebook đôi khi cũng khiến cô cảm thấy tụt hậu ngày một xa, khi thấy bè bạn đăng những khoảnh khắc nổi bật của cuộc sống thường ngày. ”Tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ sống hạnh phúc hơn thế này.”

Cuối cùng thì, mùa thu năm ngoái ở tuổi 25, cô bắt đầu học cao học ở Northwestern, với một học bổng bán phần. Cô nói: “Cho nên bây giờ, cuộc sống thật là tốt, tuy nợ thì ngày một chồng lên nhau, nhưng tôi đang hy vọng khả năng kiếm việc sẽ cải thiện khi học xong. Tôi thực sự cảm thấy có đầu-óc-nghề-nghiệp nhiều hơn hồi còn học đại học, do đó giờ tôi đang ở một tâm thế tốt hơn để có thể tận dụng được các dịch vụ nghề nghiệp và cơ hội thực tập, và tối đa hóa nguồn lợi trường lớp có thể cho tôi.”

Nhiều người trẻ đang bị chệch hướng một cách tương tự. Họ ổn định với bất cứ công việc nào mà trả lương, phần lớn không thuộc lĩnh vực của họ, bởi vì áp lực tài chính. Một số những cơ hội thực tập hoặc công việc ý nghĩa bị bỏ qua bởi vì họ thấy chúng hèn mọn hoặc đồng lương quá ít ỏi (hoặc thậm chí phần lớn, là chả có đồng nào). Một số đi học tiếp và càng sa chân thêm vào nợ nần/vấn đề tài chính.

Có lẽ điều quan trọng nhất đối với “những kẻ lang thang” là xu hướng tăng lương thường đến trong khoảng 10 năm đầu tiên đi làm. Ba phần tư mức lương gia tăng trên đầu người thường vào 10 năm đầu tiên, theo Richard A. Settersten Jr., giám đốc Trung tâm sức khỏe gia đình và trẻ em Hallie E. Ford, Đại học Oregon State.

Lisa Kahn, một nhà kinh tế học ở Yale, tìm ra rằng sinh viên tốt nghiệp đại học có điều kiện kinh tế yếu sẽ kiếm được ít hơn kể cả sau hàng chục năm. Ví dụ như lớp đại học tốt nghiệp ngay trước cuộc suy thoái năm 2008, bây giờ kiếm được ít hơn một phần ba so với những người tốt nghiệp chỉ một vài năm sớm hơn, và có nền tàng kinh tế tốt hơn để bắt đầu. Cử nhân mới ra đường không đi “mua sắm công việc” nhiều trong thời kì kinh tế khó khăn, Tiến sĩ Kahn giải thích, và chuyện mua sắm công việc đòi hỏi phiếu lương nhiều hơn trong những năm quan trọng đầu tiên.

Những kẻ lang thang dài hơi hơn thì trôi dạt suốt những năm đôi mươi, và càng khó khăn hơn cho họ để bắt kịp.

 

Những kẻ tụt hậu: Trôi dạt qua những năm đôi mươi.

 

Vào một buổi tối mùa thu khô giòn của năm 2014, tôi đang ở Portland, bang Ore., thành phố nơi “những người trẻ đi nghỉ hưu”. Với những ngọn núi, những mùa đông ôn hòa, danh tiếng từ những không gian ngoài trời, và những yếu tố đặc trưng riêng biệt, Portland đã trở thành nam châm hút những “kẻ tụt hậu” – những người dành cả thời đôi mươi đi tìm kiếm chân lí đời mình.

 

Josh Mabry trong xưởng gỗ anh lập lên từ garage nhà mình ở Portland, Ore.

Trong một khu công nghiệp bên Bờ Đông, tôi gặp Josh Mabry. Anh sắp bước sang tuổi 30, diện một bộ rằn ri quân đội và cánh tay đầy những hình xăm. Sau cả thập kỉ với những công việc ngõ cụt và những khởi đầu sai lầm tại một số các trường cao đẳng khác nhau, cuối cùng anh ổn định với một thứ mà anh thích: chế biến gỗ. Mabry luôn luôn thích những công việc sử dụng tay. Bố anh và cả ông nội nữa cũng là thợ mộc. Nhưng anh dừng việc học nghề lại khi đang học lớp bảy. Những lời của tham vấn viên định hướng đã đẩy anh đến với việc học cao lên. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, anh theo cô bạn gái tới Eugene, đi xuống phía Nam khoảng 2h xe, và đăng kí học lớp thiết kế đồ họa ở Cao đẳng Cộng đồng Lane. Nhưng Mabry vướng vào các vụ ăn chơi rồi bỏ học. “Tôi đã bị phân tán” anh thừa nhận.

Chuyện này đã định hình mười năm tiếp theo của Mabry. Anh thử học ở hai trường cao đẳng khác, hai năm với nghề hàn và lâm nghiệp. “Tôi muốn có thật nhiều kĩ năng, không phải mấy thứ trên giấy.” Anh đến Trung Mỹ khoảng tám tháng, sau đó trở về nhà làm công việc pha chế rượu hợp đồng. Và rồi, ở tuổi 29, anh nhìn thấy một tờ rơi quảng cáo khóa học làm mộc, làm cơ khí và vải bọc đệm. Mabry bắt đầu làm những đồ đạc nhẹ và các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ. Anh lập một website và bây giờ đang bán online những sản phẩm của mình . 

“Tôi biết rằng khi sang tuổi 30, tôi cần phải tìm ra cái gì đó cho bản thân,” anh nói. “Cuối cùng thì tôi cũng vạch ra được vài lối đi.”

Nhiều “kẻ tụt hậu” vật lộn để tìm ra các lựa chọn khả thi sau khi hoàn thành xong trung học. Họ ở lại nhà và tìm một công việc (không được tốt cho lắm) hoặc gia nhập quân đội. Chẳng lạ gì mà hơn 95% học sinh trung học năm cuối nói rằng họ có kế hoạch đi học đại học; vào năm họ tốt nghiệp, thống kê của chính phủ cho thấy, khoảng 65% trong số họ thực sự đã làm theo kế hoạch. 

Và nếu họ học cao lên, phần lớn trong số họ phải vật vã mới hoàn thành được, hoặc chẳng bao giờ học xong. Có khoảng 12.5 nghìn người thuộc độ tuổi đôi mươi tích lũy được vài tín chỉ đại học nhưng chẳng có lấy một tấm bằng, cho đến giờ, số lượng những người rời đại học trước khi nhận bằng chiếm phần lớn nhất trong số 31 nghìn người trưởng thành hiện nay, theo số liệu của National Student Clearinghouse. Bằng các cách khác nhau, những thanh niên này không hề dư giả hơn so với những thanh niên không hề đi học đại học. Những ông chủ, cuối cùng thì, chẳng bao giờ quảng cáo họ muốn “một-vài-đại-học” cả. Họ muốn một tấm-bằng-đại-học.

Người ta nói rằng những đứa trẻ sinh ra ngày nay có tuổi đời dài hơn, do chúng có thể thiết lập các con đường dẫn đến tuổi trường thành với nhiều chỗ trống hơn cho các cơ hội khác nhau. Chúng ta không nên nghĩ về Đại học như một con đường vật chất bắt buộc phải đi qua một lần trong đời nữa – kiểu như là, năm nay tôi 18, đây là thời điểm tôi sẽ đi học đại học. Tất nhiên, những người làm giáo dục tiếp tục nhấn mạnh lên các gia đình quy trình một-cách-thỏa-mãn-tất-cả. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh văn hóa siêu cạnh tranh của chúng ta, thì việc nghĩ khác cách đi so với các bậc phụ huynh đang nghĩ về giáo dục bậc cao là bất khả thi. Kết quả là: Kiếm tìm một con đường dẫn đến một sự nghiệp viên mãn, đồng thời với một cuộc đời có ý nghĩa đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Tôi có cơ hội đến thăm lớp dạy Tư duy phản biện của Tiến sĩ Settersten ở Đại học Oregon State, hôm đó, cuộc thảo luận trong phòng học lạc đến một cuộc thảo luận về rốt cục thì các sinh viên, phần lớn là sinh viên năm cuối, muốn làm gì tiếp theo trong cuộc đời. Nhiều người nói họ dự định học tiếp lên cao học.

Tiến sĩ Settersten hỏi có bao nhiêu người trong số các sinh viên biết các giáo sư của họ đủ nhiều để hỏi xin một lá thư giới thiệu cho đơn xin việc. Chỉ có một số ít cánh tay giơ lên. Ông lớn giọng tự hỏi: Tại sao không thấy nhiều sinh viên đến thăm mình ở văn phòng trong giờ làm việc, một cách thật dễ dàng để xây dựng một mối quan hệ một – một với một vị giáo sư, người phải dạy hàng trăm sinh viên một kì?

Điều làm tôi sửng sốt là những gì mà chúng trả lời tôi, ‘Không ai nói với chúng em điều đó trước đây’,” Ông nói với tôi sau đó. “Chúng học đến năm cuối rồi mà vẫn không biết cách xử sự trong các tổ chức để đạt được điều gì đó.” Ít hơn một nửa số sinh viên năm cuối ,trong báo cáo hằng năm của Cuộc điều tra Quốc gia về sự gắn bó của Sinh viên, nói rằng họ có nói chuyện thường xuyên với khoa về kế hoạch nghề nghiệp của mình.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Settersten tập trung vào câu hỏi: Ngày nay như thế nào là trở thành một người lớn? Không giống như phần lớn phụ huynh và học giả, ông không tỏ ra lo lắng nhiều về quãng thời gian đủ cho sự trưởng thành về tinh thần đang bị kéo dài ra, lí giải rằng thời khóa biểu đang chạy chậm hơn và thay đổi khác đi so với 50 năm trước rất nhiều. Những mốc thời gian truyền thống như kết hôn và trở thành cha mẹ bây giờ trở thành điểm cao nhất của tuổi trường thành, thay vì điểm khởi đầu như trước đây. 

Tôi hỏi ông về những sinh viên có phần thiếu định hướng trong lớp ông; liệu ông có lo lắng cho chúng không? “Chắc chắn rồi,” ông trả lời. “Khi tôi nghĩ về cuộc sống trưởng thành, một trong những điểm nổi bật của nó là nó không thể đoán trước được.”

Điều đáng nói là các trường đại học đã và đang cố gắng biến trải nghiệm của bốn năm đại học trở nên dễ đoán định hơn, bằng cách thêm vào một loạt các dịch vụ tư vấn và tiện nghi, để đảm bảo tất cả đều được sẵn sàng cho sinh viên tốt nghiệp đúng hạn và có một công việc sau đó.  Nhưng họ cũng ngăn cản sinh viên khỏi việc rèn giũa khả năng tự đứng lên từ thất bại, một khả năng mà họ rất cần như một người lớn để quản lí rủi ro và thành công trong những sự nghiệp không thể đoán định trước 

Ở đại học, “có những thứ bạn được dạy và có những thứ bạn phải tự học,” Tiến sĩ Settersten nói. “Nhiều trường hợp gặp phải sau đại học không liên quan đến những việc xảy ra trong phòng học. Nó liên quan đến điều hướng cuộc sống và xây dựng các mối quan hệ.”

Những cử nhân vẫn còn nấn ná ở chặng đầu của sự nghiệp thường là những người không học đại học một cách nghiêm túc. Họ đặt các bối cảnh xã hội lên trước kiến thức, tránh các ngành học và khóa học nghiêm ngặt, theo cuốn sách “Sự trôi dạt trong học vấn: Học hỏi giới hạn tại các trường đại học,” cuốn sách xuất bản năm 2011 của Richard Arum và Josipa Roksa đã chỉ ra có rất ít sinh viên thật sự học ở trường.

Điều gì xảy ra sau khi họ tốt nghiệp? Những người thể hiện học vấn kém thường dễ bị thất nghiệp hơn sau khi tốt nghiệp, bị mắc kẹt trong những công việc tay nghề thấp, hoặc bị sa thải, đào thải. Các nhà xã hội học đã chỉ ra, học ở đâu không ảnh hưởng nhiều năm lên hai năm đầu tiên sau khi học xong bằng việc họ đã sống như thế nào trong những năm sống trong trường. “Lựa chọn quan trọng nhất sinh viên chọn cho mình là liệu họ có đang ở trên con đường đầy những buổi tiệc giao lưu trong suốt những năm đại học hay toàn tâm toàn ý đầu tư sự chú ý, tập trung vào theo đuổi học tập.”

Qúa nhiều sinh viên, ông nói, coi đại học như một kì nghỉ kéo dài bốn năm. Sinh viên những năm 1961 cống hiến toàn bộ 24 tiếng mỗi tuần để học ngoài giờ lên lớp. Đến năm 2003, con số đó tụt xuống còn 14 giờ. “Tất nhiên là có những sinh viên thuộc số ngoại lệ, chỉ có điều là số đó thì không có nhiều.”

 Ông cũng quan ngại về thứ mà ông gọi là giao lộ mênh mông của đại học. “Hệ thống này không hiệu quả đối với phần lớn sinh viên và tôi cảm thấy vô cùng lo lắng về khả năng thành công của chúng về lâu về dài.”

Trạm Đọc lược dịch

Theo Nytimes