Không cần sống ảo, bạn vẫn có thể sống deep và chất
Không cần sống ảo, bạn vẫn có thể sống deep và chất
Bạn đẹp, bạn giỏi, bạn hot nhất vịnh Bắc Bộ, nhưng nhiều khi vẫn cảm thấy bức bối, nhìn lên thì chẳng bằng ai. Tại sao vậy?

Cứ khoảng mỗi tháng một lần, tôi bắt gặp một nhân vật mà từ sâu thẳm bên trong họ tưởng như phát ra ánh hào quang sáng chói. Họ có thể xuất thân từ bất cứ tầng lớp, giai cấp nào và con người họ tốt đẹp đến toàn diện. Họ biết lắng nghe và khiến bạn cảm thấy vui vẻ và được trân trọng. Bạn luôn trông thấy họ chăm sóc người khác và vì vậy, tiếng cười của họ du dương như tiếng nhạc còn hành xử của họ thì luôn ăm ắp ơn nghĩa. Họ không bận tâm xem công việc mình đang làm vĩ đại đến chừng nào. Họ thậm chí còn không màng tới chính bản thân họ dù chỉ là một phút giây. 

Mỗi ngày gặp được những con người ấy là một ngày tươi sáng với tôi. Nhưng thú thật, tôi thường thấy buồn hơn là vui: thì ra tôi đã đủ sức chạm tới nấc thang danh vọng, nhưng lại chưa được như họ. Tôi chưa rèn luyện được một tinh thần hào sảng đến như vậy, hoặc chưa thể có được chiều sâu trong nhân cách.

Một vài năm về trước, tôi ngộ ra tôi muốn thấy một góc của những con người ấy phản chiếu trong chính bản thân mình. Tôi ngộ ra để có thể thực hiện mục tiêu đó, tôi phải làm việc vất vả hơn để cứu rỗi tâm hồn mình. Tôi phải trải qua một chuyến phiêu lưu luân lý để nhào nặn nên những giá trị tốt đẹp như vậy. Tôi phải biết cách cân bằng cuộc sống tốt hơn.

Tôi chợt nhận ra hai hệ giá trị đức tính: đức tính lí lịch và đức tính nhân văn. Đức tính lí lịch là những kỹ năng bạn mang đi bán ở thị trường. Còn đức tính nhân văn là những thứ sẽ được xướng lên ở điếu văn trong đám tang của bạn – dù bạn tốt bụng, dũng cảm, thật thà hay chung thủy.

Liệu bạn có những tình cảm đằm sâu như vậy?

Chúng ta đều biết rằng đức tính nhân văn thì quan trọng hơn đức tính lí lịch. Nhưng nền văn hóa và hệ thống giáo dục của chúng ta lại đang dành nhiều thời gian dạy những kỹ năng và chiến thuật bạn cần để xây dựng sự nghiệp viên mãn hơn là những thành tố bạn cần để tỏa sáng như thế. Nhiều người trong chúng ta nằm lòng cách vun vén sự nghiệp bên ngoài hơn là cách bồi đắp nhân cách bên trong.

Nhưng nếu bạn sống cốt để chạy theo những thành tích hào nhoáng bên ngoài, năm tháng trôi qua và những ẩn khúc thẳm sâu nhất trong bạn bị bỏ ngỏ và ngổn ngang nằm đó. Bạn cạn vơi vốn từ vựng về đạo đức. Bạn thật dễ trôi tuột vào sự tầm thường của tự mãn với đạo đức của bản thân. Bạn đánh giá bản thân theo một chuẩn mực dễ dãi. Bạn tự nhủ mình không hề làm tổn thương ai và mọi người đều có vẻ yêu mến bạn. Bạn thấy mọi thứ chẳng có vấn đề gì nhưng thực chất bạn đang vô thức đồng hành với quán tính của tẻ nhạt, tách biệt khỏi những tầng ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc sống và những cực lạc của đạo đức cao thượng nhất. Dần dần, một khoảng cách đáng hổ thẹn đang dần nới rộng giữa cái tôi thực sự và cái tôi lý tưởng của bạn, giữa bạn và những tâm hồn ngời sáng bạn bắt gặp đôi dịp ngoài kia.

Và một vài năm về trước, tôi bắt đầu hành trình khám phá cách tôi luyện của những người tốt từ thẳm sâu ấy. Tôi không biết bản thân có thể bước tiếp con đường của họ tới đỉnh cao của phẩm giá (với cương vị một học giả, tôi được trả tiền để tỏ vẻ thông thái và đạo mạo hơn những gì mình có). Nhưng ít nhất tôi muốn biết con đường đó ngóc ngách ngang dọc ra sao.

Tôi nảy tới kết luận rằng trở thành những nhân vật tuyệt vời không phải do “trời sinh” mà là do “mình sinh”, là do tự thân mình phấn đấu mà nên – và rằng những người tôi ngưỡng mộ đã tu được phẩm giá ẩn sâu và thanh cao đến mức không thể trộn lẫn với tí giả tạo nào, và được bồi tụ từ những cốt cách đạo đức và chí khí gọt giũa mà thành.

Nếu muốn phô trương, chúng ta có thể nói rằng những thành tựu này chất chồng lại thành một danh sách khung phẩm giá đạo đức, một bản yêu sách những trải nghiệm mà một cá nhân cần có trên chặng đường vươn tới cuộc sống nội tâm giàu sang nhất có thể. Dưới đây sẽ lướt nhanh một vài trong số đó:

 

 

Sự khiêm nhường

 

 

Chúng ta đang sống trong nền văn hóa của cái Tôi phóng đại. Sự tầm thường đòi hỏi bạn phải thổi phồng giá trị bản thân. Truyền thông xã hội muốn bạn truyền tải những thước phim nổi bật nhất của cuộc đời bạn. Bố mẹ và thầy cô hẳn sẽ luôn đinh ninh về một vẻ đẹp tuyệt trần toát lên từ bạn.

Nhưng tất cả những người bạn nhiệt thành ngưỡng mộ lại rất trung thực về nhược điểm của họ. Họ tự nhận thấy lỗi lầm chính yếu của mình, đó có thể là sự ích kỷ, hoặc khao khát sự đồng thuận từ người khác đến cuồng nộ, hay sự hèn nhát, lãnh đạm hay bất cứ điều gì khác. Họ truy tìm đến cùng xem những lỗi lầm ấy bằng cách nào dẫn đến những hành xử gieo rắc nỗi nhục cho họ. Họ đã tu luyện được bản tính khiêm nhường sâu đến gốc rễ, được định nghĩa hay nhất dưới dạng tự nhận thức bản thân mạnh mẽ từ con mắt lấy người khác làm trọng.

 

 

Tự đấu tranh

 

 

Thành công bên ngoài đạt được qua cuộc chiến khốc liệt với người khác. Nhưng nhân cách bên trong được vun đắp qua việc đối đầu với mặt trái của chính mình. Như Dwight Eisenhower chẳng hạn, từ sớm đã nhận ra cái sai chết người nhất của mình chính là tính tình cáu kỉnh. Ông chú trọng vào vẻ ngoài ôn hòa và vui vẻ yêu đời vì ông biết mình cần xuất hiện với phong thái lạc quan và đĩnh đạc. Ông làm những thứ ngớ ngẩn chỉ để kiềm chế bản tính nóng giận của mình. Ông liệt kê tên những kẻ mình ghét, viết chúng vào mấy mẩu giấy nhỏ rồi xé nát và ném vào sọt rác. Trải qua quãng đời đối mặt với chính mình, ông đã nuôi dưỡng được khí chất trầm ổn. Ông ép bản thân phải mạnh mẽ vượt qua điểm yếu của mình.

 

 

Tự lực cánh sinh

 

 

Người đời thường tặng nhau cuốn “Oh, the Places you’ll go!” làm quà tốt nghiệp. Cuốn sách ngụ ý rằng cuộc sống là một hành trình tự thân. Chúng ta chinh phục các kỹ năng, những chuyến phiêu lưu trải nghiệm và những thử thách trên hành trình bản thân bước tới thành công. Quan điểm về chủ nghĩa cá nhân cho thấy nhân cách cũng phản ánh nội lực ý chí. Nhưng con người trên con đường tiến tới chiều sâu nhân cách hiểu rằng không ai tự mình có thể tôi luyện lên bậc thầy. Ý chí cá nhân, luân lý và niềm trắc ẩn thì không đủ vững mạnh để liên tiếp đánh bại sự ích kỷ, kiêu hãnh và tự lừa dối bản thân. Chúng ta đều cần sự yểm trợ từ bên ngoài.

Con người cất bước trên chặng đường này phác họa cuộc sống là quá trình của cống hiến. Nhân cách được định nghĩa qua độ sâu của gốc rễ con người bạn. Vậy bạn đã phát triển những mối liên kết bền chặt làm điểm tựa trong lúc sóng gió và thúc đẩy bạn hướng thiện? Trong lĩnh vực tri thức, một cá nhân có nhân cách sẽ lĩnh hội một triết lý chín chắn về những thứ nền tảng. Trong lĩnh vực xúc cảm, người đó được ôm trọn những tình cảm không toan tính. Khi làm việc, người đó luôn tận tụy với những nhiệm vụ có thể kéo dài cả đời cũng chưa xong.

 

 

Tình yêu

 

 

Dorothy Day sống cuộc sống bê tha khi còn trẻ: rượu chè, say xỉn, một đôi lần cố gắng tự tử, theo đuổi khát khao rồi bế tắc trong việc tìm đường hướng. Nhưng việc con gái của cô ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn ở người phụ nữ này. Cô chia sẻ về sinh mạng đó như thế này, “Nếu tôi viết được cuốn sách vĩ đại nhất, soạn được bản giao hưởng vĩ đại nhất, vẽ được bức họa tráng lệ nhất hoặc tạc khắc được khối hình tinh tế nhất, niềm phấn khởi ấy không thể sánh với niềm sung sướng vào khoảnh khắc họ đặt đứa bé trong vòng tay tôi.”

Tình yêu đó làm lu mờ cái Tôi. Nó gợi nhắc sự giàu có thực sự của bạn chỉ có thể kiếm tìm ở người khác. Quan trọng nhất, tình yêu này thúc đẩy phản ứng trong bạn. Nó đặt bạn vào trạng thái mưu cầu và tràn ngập hạnh phúc khi phụng sự những gì bạn thích. Tình yêu mà Day dành cho con gái trào dâng xa hơn và cao hơn. Cô viết: “Không con người nào có thể đón nhận hoặc chất chứa cơn lũ của tình thương và hạnh phúc như tôi thường cảm nhận thấy sau khi sinh con. Điều này nảy sinh nhu cầu tín ngưỡng và sùng bái.”

Cô trở thành người theo đạo Thiên Chúa, phát hành một tờ báo, xây nhà định cư cho người nghèo, sống chan hòa với họ, ấp ủ những nghèo đói sẻ chia như một cách để dựng xây cộng đồng, để không chỉ “làm việc tốt”, mà còn để “là người tốt”. Món quà vô giá của tình yêu, có những lúc, vượt qua cả bản tính ái kỷ bủa vây lấy tất cả chúng ta.

 

 

Đi theo tiếng gọi bên trong

 

 

Chúng ta dấn thân vào sự nghiệp với nhiều lý do: tiền bạc, danh vọng, sự đảm bảo. Nhưng có mấy người nâng nhu cầu sự nghiệp lên thành tiếng gọi chân chính của đời mình. Những trải nghiệm này như vỗ về bản thân họ. Tất cả những gì có nghĩa lý là sống cho xứng với những chuẩn mực vốn có tuyệt đối trong công việc.

Frances Perkins là một phụ nữ trẻ tuổi, một nhà hoạt động vì tiến bộ từ đầu thế kỷ XX. Cô lịch thiệp và có đôi phần quý phái. Nhưng một ngày, cô đi ngang qua nhà máy Triangle Shirtwaist đang bốc lửa, và chứng kiến hàng tá công nhân áo vải thà chết chứ không muốn bị thiêu sống. Cảnh tượng đó khiến cô chấn động lương tri và tinh lọc nên hoài bão của cô sau này. Đó chính là tiếng gọi lồng trong tiếng gọi trong cô.

Sau đó, cô biến mình thành người phát ngôn cho quyền của công nhân lao động. Cô sẵn sàng làm việc với bất cứ ai, đàm phán với bất cứ ai, đẩy xa giới hạn của ngại ngần. Thậm chí cô còn thay đổi vẻ ngoài của mình để giúp ích cho những bước tiến của bản thân. Cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong nội các Mỹ, làm việc dưới thời Franklin D. Roosevelt, và nổi lên như là một trong những nhân vật quần chúng vĩ đại của thế kỷ XX.

 

 

Chấp nhận

 

 

Hầu hết đời người đều có khoảnh khắc ta trút bỏ mọi nhãn mác và biểu tượng chức quyền, mọi sĩ diện gắn liền với cái danh ngôi trường mình học hoặc gia đình mình sinh ra. Họ suy nghĩ vượt ra xa tư duy theo thuyết vị lợi và cán nát rào cản của nỗi sợ.

Khi còn trẻ, tiểu thuyết gia George Eliot (tên thật là Mary Ann Evans) là một người bừa bãi, đói khát tình cảm, phải lòng bất cứ anh chàng nào cô bắt gặp nhưng lại bị từ chối. Cuối cùng, giữa những năm tuổi 30, cô gặp một chàng trai tên là George Lewes. Lewis ly thân nhưng chưa ly hôn vợ anh (trên danh nghĩa pháp lý). Nếu Eliot cặp kè với Lewis thì cô sẽ bị dư luận xã hội gán mác người thứ ba. Cô sẽ mất hết bạn bè, bị gia đình từ mặt. Cô mất một tuần để đưa ra quyết định, nhưng vẫn quyết định đi lại với Lewis. “Những nối kết nhẹ nhàng mà dễ vỡ là điều tôi không khát khao trên lý thuyết, cũng không theo đuổi ở thực tại. Phụ nữ mà hài lòng với những mối quan hệ như vậy sẽ không hành xử như tôi đã làm”, cô viết.

Lựa chọn của cô mới tuyệt làm sao. Nhân cách của cô luôn vững vàng. Bản năng cho thấu cảm luôn rộng mở. Cô sống trong sự ổn định, dâng trọn tình yêu cho Lewes, thứ tình cảm thứ hai đến với con người khi đã có tuổi, trầy trật và vướng vào mớ trách nhiệm. Anh luôn ủng hộ và đưa cô lên hàng ngũ những tiểu thuyết gia lừng lẫy nhất của mọi thời đại. Họ cùng nhau biến cảnh túng thiếu thành động lực cho thủy chung vĩnh hằng.

Người phát biểu tại mấy lễ trao bằng tốt nghiệp luôn hô hào giới trẻ hãy nghe theo tiếng gọi của đam mê. Thành thật với chính mình. Đây là nhân sinh quan khởi nguồn bằng cái Tôi và kết thúc cũng bằng cái Tôi. Nhưng con người trên hành trình tỏa sáng không tìm kiếm sứ mệnh nghề nghiệp bằng việc hỏi, tôi muốn cái gì từ cuộc đời? Họ hỏi, cuộc đời muốn cái gì từ tôi? Làm thể nào để tôi móc nối tài năng thiên bẩm của mình với một trong những đòi hỏi cháy bỏng của thế giới này?

Cuộc đời họ thường trôi theo mạch đấu tranh, nhận thức và hối cải. Họ cũng có lúc đớn đau và khổ sở. Nhưng họ chuyển hóa những nốt trầm ấy thành cơ hội để tự nhận thức toàn diện bản thân – bằng cách duy trì một tờ báo hoặc làm nghệ thuật. Theo Paul Tillich, nỗi khổ đau đưa con người bạn đến gặp bản thân bạn và gợi nhắc rằng bạn không phải là con người mình hằng đinh ninh. 

Những ai bước trên con đường này nhìn nhận khoảnh khắc của khổ đau như những mảnh ghép nhỏ của một câu chuyện lớn hơn. Họ không thực sự sống vì hạnh phúc, như vẫn thường được định nghĩa. Họ nhận thức về cuộc sống như  một vở kịch đạo đức và cảm thấy mĩ mãn  khi và chỉ khi họ vào guồng nỗ lực tranh đấu đại diện cho các lý tưởng.

Đây là chân lý cho những người vấp ngã. Họ lê lết qua năm này tháng nọ, có đôi chút trượt khỏi thế cân bằng. Nhưng họ đối mặt với bản chất không hoàn hảo của mình bằng một sự thành thực không nhạt phai, đối lập với sự câu nệ. Nhận thức được về giới hạn của mình, người vấp ngã chí ít còn có kẻ thù để vượt qua và vượt xa cùng một vòng tay rộng mở, sẵn sàng đón nhận và sẻ chia giúp đỡ. Bạn bè luôn ở đó để cho con người này những cuộc trò chuyện sâu sắc, sự yên ấm và lời khuyên bảo. 

Hoài bão ngoại tại không bao giờ là thỏa mãn vì luôn tồn tại thứ lớn hơn chờ bạn chinh phục. Nhưng những người lầm lỡ thường được trải nghiệm những cung bậc hạnh phúc. Hạnh phúc tiềm ẩn ở việc tự do lựa chọn nổi loạn với các tổ chức, quan niệm và con người. Hạnh phúc còn chứa đựng trong vấp ngã cùng nhau. Niềm vui mỹ học là khi chúng ta chợt nhìn thấy hành động tốt đẹp, khi chúng ta vô tình bắt gặp ai đó lặng lẽ, khiêm tốn và lương thiện và khi chúng ta nhìn thấy dù mình có già đến đâu thì còn cả núi việc đang chờ ta ở phía trước. 

Người vấp ngã không làm nên cuộc đời mình bằng việc phấn đấu giỏi hơn người khác mà là giỏi hơn so với chính mình trước kia. Bất ngờ thay, còn có cả những khoảnh khắc siêu nghiệm của bình yên sâu kín. Trong phần lớn cuộc đời họ hoài bão nội tại và ngoại tại đều mãnh liệt và đối trọng nhau. Nhưng sau cùng, vào lúc hạnh phúc hiếm hoi, thì tham vọng công danh lắng lại, bản ngã nghỉ ngơi, người vấp ngã trông về một buổi dã ngoại hoặc bữa tối hay thung lũng và bị choán ngợp bởi niềm biết ơn vô hạn, và chấp nhận sự thật rằng cuộc sống đã thiết đãi mình hào phóng hơn nhiều so với những gì mình đáng nhận.

Đó là những tượng đài chúng ta hằng muốn dựng xây.

Xem thêm: Trích chương 1 cuốn sách The road to character

Trạm Đọc

Theo NYTimes

Tags: