Khi phụ nữ viết về chiến tranh: Lịch sử của cảm xúc
Khi phụ nữ viết về chiến tranh: Lịch sử của cảm xúc
“Làm ơn mang cho quý bà đây một tách trà”, có tiếng gọi người phục vụ. “Bà ấy vừa đoạt giải Nobel đấy.”

Svetlana Alexievich, người đoạt giải của giải Nobel Văn chương năm nay đã sáu mươi bảy tuổi, đang ngồi ở một cái bàn có mười người, trước một nhà hàng ồn ã tại Berlin khi bà tổ chức họp báo giải Nobel hai tuần trước. Alexieviech có vóc người chắc nịch, cao hơn 1m80 một chút, với mái tóc ngang vai được nhuộm một màu nâu đỏ đậm hơn ngày xưa. Cô phục vụ gật đầu một cách kính cẩn, chỉ vào một chồng sách trên bàn chứng tỏ cô đã biết. Người Đức đang phản đối một hiệp định giao thương giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu, và trung tâm thành phố này đã ngừng mọi giao thông. Sau khi trả lời câu hỏi suốt một tiếng – đa số câu hỏi là về chính trị Nga và Belarus – Alexievich đã đi bộ hàng dãy nhà trong gió lạnh, trước khi ẩn náu tại nhà hàng này cùng với một nhóm bạn và nhà sản xuất.

 

Ảnh: @The New Yorker

 

Giải Nobel Văn chương của năm nay lần đầu tiên được trao cho một tác giả chỉ làm việc với những người thực. Sách của bà nói về khủng hoảng lịch sử - Thế chiến II, chiến tranh Xô Viết ở Afghanistan, thảm họa hạt nhân tại Chernoby, và sự sụp đổ của nước Nga Xô viết – qua lời kể của những cá nhân bình thường. Đây là lịch sử bằng lời được bóc tách đến từng lớp, thật đến mức có thể làm người đọc thêm tin tưởng và cảm thông với nỗi đau. Ở đoạn mở đầu “Tiếng vọng từ Chernobyl”, xuất bản năm 1997 tại Nga, một người phụ nữ trẻ tả cảnh cô ấy nhìn thấy chồng mình, một người lính cứu hỏa, qua đời vì nhiễm độc bức xạ: Tại nhà xác, họ hỏi tôi “Cô có muốn nhìn xem chúng tôi mặc gì cho anh ấy không?” Có! Họ khâm liệm anh ấy trong quần áo lao động với chiếc mũ của lính cứu hỏa. Họ không thể đi giày cho anh ấy vì chân anh đã sưng phồng. Quần áo cũng phải được cắt bớt vì họ không thể mặc được cho anh ấy – cơ thể đã không còn nguyên vẹn nữa. Tất cả đều là – vết thương. Hai ngày cuối cùng ở bệnh viện – tôi nhấc tay anh ấy và thấy xương đang lung lay, gần như chao liệng, cơ thể đã rời khỏi nó. Từng mảnh phổi, mảnh gan trào ra từ miệng anh ấy. Anh ấy đã ho ra chính lục phủ ngũ tạng của mình. Tôi quấn băng trên tay đưa vào miệng anh ấy và lấy hết chúng ra. Nói về điều đó hay viết về điều đó là không thể, và không thể sống tiếp với chúng nữa. Tất cả đều là của tôi. Tình yêu của tôi. Họ không thể tìm nổi một đôi giày vừa chân anh ấy. Anh ấy đã được chôn với chân trần.

 

Alexievich bảo tôi, “Chúng ta đang sống với sự tầm thường. Đa số với mọi người thì thế là đủ - nhưng bạn vượt qua nó bằng cách nào? Bạn rũ bỏ sự tầm thường đó như thế nào? Bạn phải khiến mọi người tìm đến tầng sâu của chính họ.” Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, bà Sara Danius, ca ngợi Alexievich đã sáng tạo một thể loại văn học mới: “lịch sử của cảm xúc – hoặc bạn cũng có thể gọi là lịch sử của tâm hồn.”

 

Sách của Alexievich được xuất bản khắp thế giới nhưng chủ yếu là bởi các nhà xuất bản nhỏ. “Tiếng vọng từ Chernobyl” ra mắt cách đây mười năm tại Mỹ nhờ Nhà sách Dalkey Archive, một nhà xuất bản nhỏ phi lợi nhuận.(Dịch giả là anh trai tôi, Keith Gessen). Bà đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải National Book Critics Circle Award (Giải thưởng của Hội phê bình sách toàn quốc) năm 2005, Peace Prize (Giải Hòa bình) của German Book Trade (Hội Xuất bản Đức). Nhưng giải thưởng gần đây nhất của bà trước giải Novel là French Prix Médicis Essai, dành riêng cho các tác giả tài năng nhưng chưa có mấy danh tiếng.

 

Alexievich viết bằng tiếng Nga và sinh ra ở Belarus, một nước dân số ít hơn mười triệu người, được lãnh đạo bởi Alexander Lukashenko -  một cựu sĩ quan Xô viết – từ năm 1994. Belarus vẫn luôn gắn bó mật thiết với Nga, và bằng cách nào đó là nước Xô Viết nhất trong mười lăm nước hậu Xô Viết – nền kinh tế phần lớn quản lý bởi chính phủ và tự do ngôn luận và hội họp bị hạn chế gắt gao. Suốt một thời gian dài, sách của Alexievich được đưa vào Belarus từ Nga và được đem bán ở chợ đen. Những năm gần đây, khi Lukashenko đã bắt đầu cố gắng thúc đẩy quan hệ với phương Tây, sách của bà đã được cho phép bán trong hiệu sách.

 

Alexievich đã sống gần hết thời gian trưởng thành trong một căn hộ nhỏ - hai phòng và một bếp - ở một tòa nhà mười tầng thời hậu Xô viết ở trung tâm thủ đô Minsk. Cha mẹ bà đã qua đời, và con gái bà – thực ra là con gái của người chị quá cố của bà, được bà nhận nuôi khi cô bé lên bốn – đang dạy ở một trường dạy nghề trao đổi tự do (trade school) ở Minsk, cũng đang nuôi con gái của chính cô. Một người bạn lâu năm sống ở căn hộ kế bên.

 

Mấy năm gần đây, Alexievich đã cố tìm một căn hộ to hơn, nhưng bà không nỡ từ bỏ ánh sáng rực rỡ và cảnh đẹp sông Svisloch nên đã mong tìm một chỗ mới trong cùng tòa nhà với cửa sổ quay ra hướng đó. Ý nghĩ sắp chuyển nhà khiến bà sợ hãi. Một giải thưởng tiền mặt – ít hơn một triệu đô một chút – sẽ không có ích gì đâu, bà bảo tôi như vậy, vì không có ai để ủy thác những thay đổi của bà: không có ai ở Minsk có mắt nghệ thuật như bà cả. Bà thích những hình khối cứng rắn, đường kẻ đơn giản và không hỗn loạn ồn ào.

 

Alexievich là người đầu tiên nhận giải Nobel nhờ sách được viết hoàn toàn dựa trên phỏng vấn. Điều này khiến một vài tác giả ca ngợi Hội đồng vì đã tôn vinh một nhà báo. Tiêu đề của tờ Los Angeles Times thông báo về giải thưởng đã gọi Alexievich là một phóng viên, một tên hiệu khiến bà cảm thấy bị sỉ nhục. “Tôi đã luôn biết từ lúc mới lên năm, rằng tôi muốn trở thành một nhà văn”, chứ không phải nhà báo, bà nói. Trong ngành xuất bản ở Nga, ranh giới giữa văn học giả tưởng và không giả tưởng thường mờ ảo – sách của bà thường được xếp vào hàng proza, cùng với các tiểu thuyết văn học khác – nhưng lằn ranh giữa báo chí và văn học là bất khả xâm phạm.

 

Cha mẹ bà là giáo viên ở quê, bà là con cả trong ba người con của một gia đình bắt đầu từ cảnh nghèo khốn khổ rồi mãi sau mới đạt mức khiêm tốn, kể cả khi tính theo chuẩn mực xã hội Xô viết lúc bấy giờ. Bà đăng kí theo học ngành báo chí của Đại học Belarus, vì đó là trường có khả năng nhất khi bà nghĩ đến một trường dạy viết. Một thế hệ trước đó, trong thời của Stalin, cha bà bỏ học gia nhập hồng quân, và sau đó khi một người thân bị bắt ông đã từ bỏ sự nghiệp báo chí.

 

Bà từng làm việc ở một tờ báo, làm thơ và kịch và kịch bản, nhưng luôn luôn tìm kiếm cơ hội để - theo như bà nói là – “tạo nên một văn bản mới.” Bà được truyền cảm hứng từ thầy của mình, tác giả người Belarus Ales Adamovic, người đã chọn thể loại lịch sử qua lời kể. Điều khác duy nhất là bà không đủ kiên nhẫn để tác giả tham gia quá nhiều vào lời kể (authorial intrusion) như Adamovich. Tác phẩm đáng nhở nhất của ông là“The Book of the Siege” kể chuyện thời Leningrad bị vây hãm từ 1941 đến 1944, viết cùng Daniil Granin, một người tự do thời Xô viết khác. “Có một chuyện về cậu bé này và mẹ của cậu, sống cùng một căn hộ với một người phụ nữ hay ăn cắp”, Alexievich kể cho tôi. “Cậu bé và mẹ đang chết đói.” Như Alexievich nhớ lại, cậu bé biết trong chỗ đồ giấu giếm của người phụ nữ kia có một nửa miếng thịt viên và cậu đấu tranh mãi có nên lấy nó hay không. “Và bất chợt sau đó là ba trang toàn nghiền ngẫm bản chất của giới trí thức Nga. Có điều này tôi luôn tự nhủ là ‘Đừng lại gần miếng thịt viên. Bạn sẽ thua mất.’”

 

Alexievich muốn bỏ qua giọng văn tác giả, bỏ qua cả những bối cảnh và thứ tự thời gian thường thấy. Bà muốn truyền tải chính xác nhất có thể những tiếng nói nghe thấy từ thuở ấu thơ, khi phụ nữ trong làng quây quần những buồi chiều ngồi kể chuyện Thế chiến II. Luôn luôn người kể chuyện là phụ nữ, vì đại đa số đàn ông đã bị giết trong chiến tranh, và một vài người còn lại thường không đủ tỉnh táo vì say rượu. Alexievich được sinh ra ba năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Xô Viết-Ukraina, lớn lên ở Xô Viết-Belarus, nơi bọn Nazi đã diệt trừ người Do Thái, người Di-gan (Gypsies), người Xla-vơ (Slavs) khi đốt cháy trụi làng mạc.

 

Khi bà bắt đầu thu thập tư liệu cho cuốn sách đầu tiên, bà bảo tôi rằng bà đã tìm những người phụ nữ có những câu chuyện giống chuyện bà nghe hồi bé và hỏi họ “về những thứ mà tôi muốn biết”. Bà nói chuyện với những người phụ nữ đã từng ở quân đội. “Tôi không có hứng thú gì với số người chết hay tại sao họ chết; tôi chỉ muốn biết cảm xúc của một người phụ nữ”. Thêm vào đó, “Tôi còn trẻ, nên họ kể tôi những chuyện người lớn hơn kể cho người trẻ hơn.” Tập trung chú ý vào người phụ nữ là lựa chọn khôn ngoan, vì theo Alexievich: “Phụ nữ kể chuyện theo nhiều cách hấp dẫn hơn nhiều. Họ sống với nhiều cung bậc cảm xúc hơn, họ quan sát chính bản thân họ và cuộc đời của họ. Đàn ông thì hay ấn tượng với hành động hơn – đối với họ thì chuỗi sự kiện mới quan trọng.” Tiếng nói của phụ nữ cũng chiếm thế thượng phong trong tác phẩm sau này của bà.

 

Cuốn sách “Chiến tranh không có gương mặt một phụ nữ”, (War Has Not a Woman’s Face) được xuất bản dạng rút ngắn năm 1984 trong chuyên đề về Moscow Oktyabr, sau khi bị từ chối bởi các nơi khác ở Belarus vì “theo chủ nghĩa hòa bình và tự nhiên”. Tập hợp nhiều đoạn độc thoại của những người phụ nữ còn sống sót, sách kể chuyện đại thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một đỉnh cao hoang đường được vẽ ra bởi chính sách tuyên truyền Xô Viết, và công việc của các tác gia Xô Viết là tô hồng ý chí quân sự và tâng bốc người dân Xô Viết. Thay vào đó, những người phụ nữ này kể lại thảm họa đẫm máu và tàn khốc họ nhìn thấy trong dân chúng.

 

 

Ảnh: @The New Yorker

 

Theo lời Alexievich, Mikhail Gorbachev đã đọc cuốn sách, sau đó dùng tựa đề sách trong một bài diễn văn để biến nó một thành đường lối chính đảng đúng nghĩa. Đó là khoảnh khắc hoàng hôn của chính phủ minh bạch ở Nga, một khởi đầu mới trong đời sống văn chương và trí thức, và người dân Xô Viết đã chuẩn bị hướng đến lịch sử của đất nước theo một cách ngắn ngủi và đau thương. “Chiến tranh không có gương mặt một phụ nữ” được xuất bản dưới dạng sách hoàn chỉnh năm 1985 và cuối cùng được bán hơn hai triệu bản bằng tiếng Nga, mang về cho Alexievich một trong những vinh dự cao quý nhất của công dân Xô Viết – giải Lenin Komsomol. Một phiên bản không kiểm duyệt được xuất bản mãi sau đó khi nước Nga Xô Viết sụp đổ sáu năm sau đó.

 

Trong sách “Những nhân chứng cuối cùng” (The last Witnesses), viết sau “Chiến tranh không có gương mặt một phụ nữ” nhưng xuất bản cùng năm, Alexievich trò chuyện với những người trải qua Thế chiến II khi còn là những đứa trẻ. Không như những người phụ nữ trong cuốn đầu tiên của bà, đa phần những người kể chuyện này đều không từng làm lính. Perestroika bắt đầu năm 1985, cùng năm đó Alexievich trở thành tác giả nổi tiếng toàn quốc. Bỗng nhiên người ta có thể tự do nghi ngờ thuyết âm mưu về chính sách của Liên bang Xô Viết, và Alexievich sử dụng danh tiếng mới đạt được để tìm đường đến Afghanistan, nơi Liên bang Xô viết giằng co với phe nổi loạn người Afghanistan và những chiến binh tham gia thánh chiến (Mujahideen) từ năm 1979.

 

“Quan tài kẽm” (Boys of Zinc) có mặt những người lính Xô viết, mẹ và vợ góa của họ, được xuất bản năm 1989, năm mà Liên bang Xô viết rút khỏi Afghanistan. (Tựa sách của bản dịch sang tiếng Anh hiện nay, “Zinky Boys” là hơi không thích hợp: từ này để chỉ những kiện quan tài đóng kín trong đó cơ thể người được chuyển lại về U.S.S.R – Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết). Alexievich đã chọc thủng một điều huyễn hoặc nữa của ý chí quân sự Xô Viết: bà cho thấy những người lính sợ sệt, hoang mang, bị đẩy đến mức những cậu trai nghèo khổ và bị làm nhục. “Đó là lần đầu tiên tôi có mặt ở một cuộc chiến,” bà bảo tôi. “Tôi đã rất hoảng sợ bởi những gì tôi nhìn thấy – cái chết, họ giết người thật đơn giản, ngay sau đó họ uống vodka, bán vodka, cười nói và mặc cả. Đó là thời Xô viết và họ muốn mua quà lưu niệm cho mẹ nhưng tiền kiếm ở đâu? Họ bán đạn, những viên đạn mà ngay ngày hôm sau sẽ được dùng để giết họ.”

 

Năm 1992, một vài chủ đề trong “Quan tài kẽm” cùng với một tổ chức đại diện cho các bà mẹ của những người lính chết trong chiến tranh đã kiện Alexievich vì tội vu khống quân đội Xô Viết. Một bà mẹ của một người lính với vai trò nhân chứng nói, “Bà đang nói rằng tôi nên căm ghét Đất nước và Đảng. Nhưng tôi tự hào về con trai tôi! Nó đã chết như một sĩ quan trong trận chiến. Các đồng chí đều yêu nó. Tôi yêu đất nước chúng tôi từng sống, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, vì con trai tôi đã chết vì điều đó. Và tôi căm hận bà! Tôi không cần sự thật đáng sợ của bà.”

 

Alexievich áp đảo trên tòa, nhưng dù sao phiên tòa xử đã đưa đến một bước ngoặt lớn. Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, mang theo nó ý tưởng “cải tổ” chế độ (nghĩa đen của từ perestroika). Ở nhiều nơi, những nơi đã từng là Liên bang Xô Viết, phản ứng đến từ từ - công cuộc lật lại sự hoang đường mang tên Xô Viết bắt đầu có vẻ xa vời hay thậm chí lăng mạ với những người giờ đây cảm thấy mất mát khi nó mất đi. Trong những năm gần đây khi Vladimir Putin nắm quyền, hệ tư tưởng chính thống là bài trừ dân chủ, chủ nghĩa dân tộc và coi những phần tử như Alexievich là đáng ngờ. Danh tiếng của bà tiếp tục gia tăng ở nước ngoài và suy giảm tại Nga.

 

Trước thềm trao giải Nobel, Colta, một học giả tự phong người Nga chuyên thảo luận ấn phẩm trên mạng, đã đăng một bài ngắn với tựa: “Tại sao bạn cần biết Svetlana Alexievich là ai.” Bài viết này có một điểm then chốt: người Nga nên quan tâm đến tác giả này vì người nước ngoài cũng thế.

 

Truyền thông được chính phủ quản lý chặt chẽ tại Nga chào đón giải Nobel lần này bằng một cơn mưa axit gợi người ta nhớ đến cách các nhà báo Xô Viết phản ứng với đa số các giải Nobel viết bằng tiếng Nga ngày trước. Gần như không đổi, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tôn vinh các tác giả chống đối chế độ Xô viết. Năm 1933, giải thưởng thuộc về nhà văn lưu vong Ivan Bunin, người được Literaturnaya Gazeta dành tặng lời khen “con sói trưởng thành của cuộc phản cách mạng.” Năm 1958, Boris Pasternak là người được chọn sau khi “Bác sĩ Zhiyago” được tuồn đến phương Tây với sự trợ giúp của CIA. “Ông ấy được tưởng thưởng vì đã sẵn lòng đóng vai mồi câu trên cái cần câu cũ kỹ tuyên truyền tư tưởng chống Xô Viết,” Literaturnaya Gazetaviết. Pasternak đã bị buộc phải từ chối giải thưởng. Khi  Aleksandr Solzhenitsyn chiến thắng năm 1970, sách của công bị cấm tại liên bang Xô Viết. Sau khi tập đầu của “Quần đảo ngục tù” (The Gulag Archipelago) được xuất bản tại phương Tây năm 1973, Solzhenitsyn bị tước quyền công dân Xô Viết và bị buộc lưu đày. Joseph Brodsky đã bị đá khỏi đất nước vì khăng khăng muốn làm thơ thay vì làm một công việc bình thường trong xã hội Xô viết, mười lăm năm trước khi ông nhận giải Nobel năm 1987.

 

Năm nay, trong Izvestia, Zakhar Prilepin, một trong những tác giả danh tiếng nhất của Nga, nói rằng Alexievich “không phải là nhà văn”, và rằng bà được chọn chỉ vì bà chống đối điện Kremlin – và vì không phải là một người Nga thực thụ. “Chúng ta thấy được bức tranh lớn: Bunin, Solzhenitsyn, Pasternak, Brodsky,” ông viết. Đại diện của Alexievich, Galina Dursthoff sống ở Cologne, bảo tôi rằng cô đã tập hợp được một mớ bom thư từ Nga so với thư chúc mừng từ bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhiều tác giả nguyền rủa Ủy ban Nobel vì trao giải cho “một kẻ kì thị Nga” (Russophobe), “một người đồng tính nữ Do Thái.” (Alexievich không phải người Do Thái và chưa bao giờ lên tiếng về đời sống cá nhân).

 

Alexievich nhắc đến từ “thông tin” với một loại chán ghét giống như những người Belarus khác chán ghét từ “tư bản”. Thông tin trong góc nhìn của bà thống trị thế giới trong khi không có giá trị gì. “Tôi chỉ không cho rằng ‘những sự thật mới’ có thể giúp ta hiểu thêm bất cứ cái gì”, bà nói với tôi, nhắc đến lượng sách ào ạt gần đây về nước Nga và Liên bang Xô Viết khi xưa. Bà thường dẫn trong sách của mình chỉ có tên, tuổi và nghề nghiệp đối tượng. Bà nói những điều này quan trọng vì chúng thể hiện “thời gian trên Trái Đất của chúng ta” và “góc nhìn mà từ đó ta nhìn cuộc sống”. Thỉnh thoảng bà sẽ miêu tả một cách ngắn gọn nhất để khẳng định lời của đối tượng, giống như trong mẩu hội thoại này giữa bà và một nhà văn năm mươi bảy tuổi – một người sống sót sau khi bố mẹ qua đời vì một cuộc lưu đày tại quê hương. Mẩu chuyện này xuất hiện trong “Thời gian dùng lại” (Second-hand time) năm 2013, lịch sử hậu Xô Viết qua lời kể:

 

Tôi đang đi bộ với Vladya... Chúng tôi đang mang một khăn choàng lông... một thứ đẹp đẽ cho một vài thế giới khác, được làm để ra lệnh. Vladya biết cách đan và chúng tôi sống nhờ vào đó. Người phụ nữ đó trả tiền cho chúng tôi và nói, ‘Tôi cắt vài bông hoa cho các bạn thì thế nào?’ Một bó hoa cho chúng tôi ư?... Chúng tôi đã chỉ nghĩ đến bánh mì, nhưng người này thấy chúng tôi có thể nghĩ đến những thứ khác nữa. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không khác với những người khác. Bạn đã bị nhốt, bị cách ly, và một cánh cửa đã được mở ra... Cô ấy sẽ không nhặt hoa hoặc hái hoa, cô ấy sẽ cắt chúng cho chúng tôi trong chính khu vườn của cô ấy. Khoảnh khắc đó... có thể đó chính là chìa khóa...tôi đã được trao chìa khóa... Nó khiến tôi thay đổi... Tôi nhớ những bông hoa đó... Một bó lớn cúc tây... Tôi luôn luôn trồng chúng tại nhà tôi bây giờ. (Chúng tôi tình cờ nói chuyện tại nhà cô ấy, thứ duy nhất được trồng ở đó là hoa và cây cỏ.)

 

Người phụ nữ này tả cảnh sống sót qua những thứ bi kịch, khủng khiếp và đáng sợ hơn nhiều người đọc có thể tưởng tượng ra: bị lưu đày, sống trong một cái túp lều bằng bùn, mất cha mẹ và chị gái. Nhưng Alexievich trả lời câu hỏi của kết quả - Người này có sống sót không? Cô ấy có thấy gia đình nữa không? Sự thật có được khám phá không? – không phải theo cách một nhà báo đặt câu hỏi khi chúng tự nhiên xảy đến với độc giả mà theo cách một tiểu thuyết gia: khi nhân vật của bà nhắc đến chúng tức có thể là không bao giờ nhắc đến. “Tôi là một nhà văn tình cờ dùng công cụ báo chí.”

 

Khi bà bắt đầu ghi chép phỏng vấn, tầm năm 1980, Alexievich nhận ra bà không thể chép bằng tay. Bà cần giữ lại từng từ một của người được phỏng vấn kể cả sự im lặng. “Khi con người cất tiếng nói, cách họ đặt từ nọ cạnh từ kia rất đáng chú ý,” bà nói. Một máy ghi âm băng từ ở Belarus giá khoảng năm trăm rúp tương ứng tầm ba tháng lương – bà vay tiền của Adamovich và nhiều nhà văn lớn tuổi khác. Bà thiết kế một trình tự đến giờ vẫn dùng: ghi âm trò chuyện, sau đó ghi lại bằng văn bản chữ, rồi viết từ văn bản đó bằng chữ thường mà không tốc ký, thường đem những đoạn độc thoại đọc lại thật lớn. Viết một cuốn sách mất khoảng từ năm đến mười năm và chứa đựng tiếng nói ở bất cứ đâu từ ba trăm đến năm trăm đối tuộng phỏng vấn. Có khoảng một trăm người trong đó mười đến hai mươi được bà gọi là “trụ cột”, những người bà sẽ phỏng vấn tối đa hai mươi lần một người. “Giống như vẽ chân dung vậy”, bà nói. “Bạn cần quay lại, tiếp tục gọi và thêm đường nét từng chút một.”

 

Alexievich bảo tôi rằng “Tiếng vọng từ Chernobyl” là cuốn sách dễ viết nhất của bà: chưa có sự kiện nào giống thế xảy ra trước đây, “nên chẳng ai có thói quen bảo vệ chúng.” Bà bắt đầu tìm hiểu viết sách gần như ngay sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra năm 1986, nên bà có thể nắm bắt cảm xúc chân thật nhất trên trang giấy. “Tôi nhận ra là bạn cần phải theo dòng lịch sử”. “Loại hình này chỉ phục vụ những chuyện bá đạo nhất thôi.” Dù vậy, những sự kiện này thẳng hướng đến trái tim. “Tôi làm việc để tạo dựng một thời gian, một người sống tại thời gian đó.”

 

Trong khi Alexievich viết sách, bà nhận ra bà đang viết một cái vòng tròn về người mà bà gọi là người Đỏ - người Xô viết. Mọi thứ khởi đầu với sự kiện mị dân nhất trong quá trình hình thành con người màu Đỏ - cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại – và kết thúc với sự sụp đổ của Xô Viết. “Tiếng vọng từ Chernobyl” là cuốn sách thứ tư trong series. Cuốn thứ năm và cuối cùng. “Thời gian dùng lại”, là tác phẩm tham vọng nhất của bà: rất nhiều phụ nữ và vài người đàn ông nói về sự biến mất của tư tưởng Xô viết, những chiến tranh tinh thần hậu Xô viết, di sản của Gulag, và nhiều khía cạnh khác của những trải nghiệm Xô viết. Alexievich nói, “Chúng ta bị bao vây bởi nạn nhân. Ai đã làm những điều này với họ? Người ngoài hành tinh? Những câu hỏi như vậy tiếp tục hiện ra, nhưng chúng tự vận hành – tôi chỉ cần đặt chúng trong một quá trình.”

 

 

Ảnh: @The New Yorker

 

Alexievich hiện đang viết hai cuốn – một về tuổi già và chết, một về tình yêu. Cả hai đều không có trọng tâm là một sự kiện lịch sử, và cả hai đều đang không tiến triển tốt: “Khi tôi bắt đầu ghi âm, tôi phát hiện ra tôi có một vấn đề. Thế hệ bao trùm tất thảy là thế hệ Xô Viết. Họ phải nói về bản thân họ với kinh nghiệm bằng không. Bạn nói với họ về tình yêu, họ nói với bạn họ đã xây dựng Minsk ra sao. Bạn nói với họ về tuổi già, họ nói với bạn đời sống hậu chiến tranh khó khăn thế nào. Giống như họ không bao giờ sống đời sống của chính mình vậy.”

 

Perestroika (Cải tổ) là thời gian hạnh phúc, Alexievich nói: “Người ta trở nên thú vị hơn. Họ bắt đầu chú ý đến tiểu tiết trong quá khứ - họ là những người thuộc loại khác.” Khi bà đang viết “Thời gian dùng lại”, bà có cảm giác rằng những đối tượng của bà không thấy bọn họ có gì mới trong quá khứ hay hiện tại. Hy vọng được perestroika tạo nên đã không còn, và người ta bắt đầu tái sử dụng những ý tưởng và tình cảm cũ. Nỗ lực này tuyệt vọng đến nỗi có một lúc Alexievich nghĩ bà đang viết sách về tự tử. Năm 1993, bà xuất bản một cuốn sách nhỏ về chủ đề này. Gọi là “Cái chết quyến rũ” (Enchanted by Death), những câu chuyện này về sau có mặt trong “Thời gian dùng lại”.

 

Alexievich giữ liên lạc với rất nhiều người bà phỏng vấn, họ thường kể bà nghe nhiều chuyện mới. Một cuộc gọi điện thoại, bà nói, có thể “làm nổ tung những gì bạn đã biết”. Bà thường mở rộng những cuốn sách của mình mỗi lần tái bản. “Chẳng hạn, một con người nào đó là người thế nào?” bà hỏi. “Dựa vào tâm trạng anh ta, vào bạn bè anh ta, vào những cuốn sách anh ta đọc, và cả vào bạn đang thăm anh ta lúc sáng hay tối. Mọi thứ đều có ý nghĩa.” Vậy một người thì như thế nào? “Tất nhiên bạn không bao giờ đối mặt với sự thật – chúng ta không thể biết – nhưng bạn có thể nắm bắt được một thứ gì đó chắc chắn.” Bà đối mặt nhiều nhất với nỗi đau. Rất nhiều người được bà phỏng vấn nói về “chịu đựng” nỗi đau hoặc “chuyển giao” nỗi đau, như thể họ nghĩ đó là quan hệ của họ với người phỏng vấn – là quá trình chuyển giao nỗi đau.

 

Alexievich quyết định rời Belarus, một phần để phản đối quyết định chính trị của Lukashenko, một phần để giữ năng lượng viết lách. “Không ai đuổi theo tôi với một khẩu Kalashnikov nữa”. Không giống nhiều trí thức Belarus bị bắt hoặc “biến mất”, Alexievich được bảo vệ bởi danh tiếng quốc tế của bà. Cùng lúc đó, với vai trò một người nổi tiếng, bà cảm thấy bà cần góp giọng vào dàn hợp xướng yếu ớt của phe đối lập. Năm 2000, bà đồng sáng lập một nhóm bảo vệ nhân quyền gọi là Helsinki XXI. “Nhưng tôi đã mệt vì cứ đứng sau rào chắn,” bà nói. “Tôi nhận ra rằng tôi đã nhượng bộ cho nhiệt huyết của trận chiến. Đó là điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra cho một nghệ sĩ” cách mạng nguy hiểm, rào chắn nguy hiểm. Đó là những cái bẫy trí tuệ. Văn hóa Nga là một văn hóa rào chắn. Tôi cần phải giải thoát bản thân khỏi nó, và tôi nhận ra trong thế giới tôi đang sống không có tấm gương nào để noi theo – không có ai tự giải thoát.” Một lối thoát mà trí thức đã sử dụng từ những năm 1970 là tôn giáo (Lyudmila Ulitskaya và bạn của Alexievich, Olga Sedakova là hai tác giả chọn con đường này), nhưng Alexievich không thấy hứng thú. “Khi tôi nhìn thấy khu vườn trong bông hoa, tôi đã tin vào Chúa trong một giây”, bà nói. “Nhưng những lúc còn lại thì không.”

 

Bà di chuyển đến Tây Âu, nơi bà có thể tiếp tục yên ổn với học bổng nghiên cứu sinh (Writing fellowship) thêm một hoặc hai năm. Bà đã sống ở Ý, Đức, Pháp và Thụy Điển, chưa bao giờ học từ nào của bất cứ ngôn ngữ nào. Bà kết bạn với những người phiên dịch, bà thấy những vở kịch dựa trên sách của bà – với sự nhấn mạnh vào ngôn luận, chúng trở nên thích nghi với ánh đèn sân khấu. “Thế giới trở nên nhiều tầng lớp, nhiều màu sắc”. Bà hy vọng trong thời gian bà ra nước ngoài, thời kì Lukashenko tại vị sẽ chấm dứt. Nhưng cuối cùng, bà nói, “Tôi đã sai khi nghĩ rằng tôi có thể đợi được.” Bà thấy bản thân vướng trong một cái bẫy trí thức khác: sống tại nơi có thể viết tự do nhưng không thể dùng những phương pháp thâm nhập cũ. Bà đã đi rất nhiều tháng giữa những chuyến quay lại Liên bang Xô Viết cũ và thấy ngôn ngữ của các đối tượng đang thay đổi. Một vài năm trước đây, bà trở lại Minsk.

 

Quyết định này còn dẫn đến nhiều cô đơn hơn Alexievich tưởng tượng. Những người thầy đã qua đời, những cộng sự đã lưu vong hoặc biến mất khỏi tầm nhìn. Ở Tây Âu, bà nói, bà có những người bạn thú vị ở tầm tuổi bảy mươi, nhưng ở Belarus những người quá năm mươi đã tin rằng đời thế là hết. Kể cả những mối quan hệ thông thường cũng đã biến mất. “Tôi thấy, khi tôi bay đi đâu đó, tôi không còn gặp người của thế hệ mình tại sân bay nữa”, bà nói. “Không ai còn đi đâu nữa.”

 

Những cách thông thường để mở rộng vòng quan hệ xã hội không hấp dẫn bà. “Tôi không thể dạy vì không muốn lặp lại chính mình”, bà nói. “Hơn nữa, có rất ít người trẻ tuổi tài năng”. Giờ đây khi sách của bà được bán công khai tại Belarus, bà có độc giả, nhưng “độc giả không thể cho bạn gì hơn ngoài sự tầm thường.” Không phải bà không thích những độc giả của mình – bà chỉ không muốn nói chuyện với họ. “Tôi không hứng thú với con người đến mức đó”. “Một cuộc chuyện trò với ai đó, một người đối thoại nào đó, một sự trao đổi thực sự nào đó – nhưng cái đó quá hiếm.” Bà đến Moscow để xem triển lãm nhiếp ảnh. Những hình ảnh ở lại với bà rất lâu và trợ giúp công việc rất nhiều. Âm nhạc cũng vậy: Alexievich lắng nghe các nhạc sĩ đương đại hậu Xô viết như Valentin Silvestrov người Ukraina, Arvo Pärt người Estonia, và Sergei Nevsky người Nga.

 

Bà không còn có kiên nhẫn cho tiểu thuyết, kể cả những thứ bà từng yêu thích: “Tôi đã thử đọc Platonov, nhưng loại kỳ dị đó không hợp với tôi nữa. Kể cả Tolstoy – tôi đọc ‘Sevastopol’ nhưng không thể chịu nổi những sự mê tín nam tính đó nữa.” Bà hứng thú nhiều hơn với thể loại không giả tưởng, nhưng khi nước Nga tiếp tục tách mình với thế giới, càng ngày càng ít sách hay được dịch.

 

Dù vậy, bà vẫn có mọi thứ cần thiết để viết: thời gian và cô đơn. Alexievich nghĩ rất nhiều về sự riêng tư của chính mình và của những người được phỏng vấn. Câu chuyện cuối cùng trong “Tiếng vọng từ Chernobyl” được trần thuật bởi một người phụ nữ chăm sóc chồng đang chết.

 

Đây có phải thứ gì tôi có thể nói không? Đây là bí mật – tôi đến giờ vẫn không hiểu đó là gì. Thậm chí trong tháng cuối cùng, anh ấy vẫn tiếp tục gọi tôi đến vào buổi tối. Anh ấy thấy khát vọng, thấy yêu tôi nhiều hơn anh ấy từng yêu. Trong ngày tôi sẽ ngồi nhìn anh ấy và không thể tin nổi chuyện gì đã xảy ra đêm trước. Chúng tôi không muốn cách xa. Tôi vuốt ve anh, vỗ về anh... Tôi có cần phải nói về điều đó không? Tôi có thể không? Chính tôi đến với anh ấy theo cách một người đàn ông đến với một người đàn bà. Tôi có thể cho anh ấy gì ngoài thuốc? Hy vọng gì mới được? Anh ấy không muốn chết.

 

Nhưng tôi không nói gì với mẹ tôi hết. Mẹ tôi sẽ không hiểu, bà sẽ đánh giá tôi và nguyền rủa chúng tôi. Vì đây không phải ung thư bình thường tất cả mọi người đều sợ mà là ung thư Chernobyl, thậm chí còn tệ hơn thế. Các bác sĩ bảo tôi nếu các khối u gây di căn trong cơ thể anh, anh ấy sẽ chết nhanh, nhưng thay vào đó chúng dần bò lên khắp người anh ấy, bò lên đến mặt. Trên người anh ấy có đốm đen. Cằm và cổ anh ấy biến mất, lưỡi rơi ra, động mạch vỡ ra – anh ấy bắt đầu chảy máu. Máu tuôn ra từ cổ, từ má và tai đến mọi phía. Tôi mang nước lạnh, mang khăn ẩm nhưng chẳng có ích già cả. Đó là thứ gì đó rất kinh khủng thấm ướt cả gối. Tôi sẽ mang một cái bát từ phòng tắm và những dòng chảy từ cơ thể sẽ tuôn vào đó như dòng sữa. Cái âm thanh đó nghe thật yên bình và đậm chất thôn quê – đến giờ tôi vẫn nghe thấy hàng đêm.

 

Khi Alexievich xuất bản một đoạn trích từ trong cuốn sách, bà đã đổi tên cho người này. “Hai ngày sau đó, cô ấy gọi tôi và hỏi, “Sao lại đổi tên của tôi?” Bà đã bảo cô ấy, “Tôi không muốn để cô không được bảo vệ trước bất cứ thứ quái quỷ gì!” Cô ấy nói, “Tôi đã khổ sở quá nhiều, anh ấy đã khổ sở quá lâu, tôi không muốn có bất cứ thứ gì không phải là sự thật.”

 

Alexievich giữ ẩn danh cho người nói. Bà đã khuất phục những người khác, những người bà cho là sãn sàng chấp nhận rủi ro lớn như thế. “Đám đông chấp nhận nghệ thuật nhưng chia rẽ con người.” Những đối tượng của bà thỉnh thoảng lùi lại vì chính những gì họ từng chia sẻ. Những người phụ nữ trong “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” muốn viết lại cuốn sách để thay thế nỗi đau với những gì rất tầm thường chính Alexievich muốn loại bỏ. “Tôi nghĩ, cái đó giống như những người trong ’Quần đảo ngục tù’ đang cố gắng viết lại sách vậy”.

 

Giải Nobel được trao cho Solzhenitsyn bốn mươi lăm năm trước bà. Giờ đây, bà nói, bà cảm thấy bị vây kín bởi “những cái bóng vĩ đại” của các tác gia người Nga từng đoạt Nobel, trong đó có Bunin, Pasternak, and Solzhenitsyn. “Tôi cần phải làm việc”, bà nói.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The New Yorker

Tags: