Khi những người thông minh lại tin vào những thứ rất “linh tinh”!
Khi những người thông minh lại tin vào những thứ rất “linh tinh”!
Những người sở hữu trí tuệ có vẻ hiển nhiên không cần bàn cãi, đôi khi lại khiến người khác sửng sốt, vì họ thực sự tin theo những tư tưởng hoàn toàn vô căn cứ, hoặc gắn với những lý thuyết xa vời viển vông.
Kẻ khôn cũng có khi khờ
(32 lượt)
Đúng là không hề tồn tại một định nghĩa phổ quát nào về trí thông minh. Nguyên nhân có thể là vì từ “trí thông minh” gợi lên các khả năng khác nhau. Lịch sử cung cấp rất nhiều ví dụ về những cá nhân được công nhận rộng rãi là thông minh trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học tới công nghệ, đến nghệ thuật hay triết học.

Dựa vào một định nghĩa về trí thông minh, như là “khả năng suy luận, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng, hiểu được các khái niệm phức tạp, học tập nhanh và học hỏi từ kinh nghiệm, một phân tích tổng hợp, đánh giá 63 công trình đã kết luận rằng những người thông minh có khuynh hướng tôn giáo ít hơn so với người khác.

Vì vậy, có vẻ hợp logic khi kết luận rằng những người có trí tuệ siêu việt bẩm sinh có khả năng tự bảo vệ bản thân trước các tín điều tôn giáo cao hơn.

Để định nghĩa trí thông minh ở cấp độ rất cao, thì một việc hữu ích là xét tới năng lực siêu hạng mà một số nhân vật đã thể hiện, để bỏ lại phía sau những lối mòn hỏng hóc, các hình mẫu chiếm thế thượng phong trong thời đại của họ, để cách tân, chứ không hài lòng với những giả định đang thắng thế đương thời. Galileo, Darwin, Einstein, Kant và Decarte đều có năng lực tư duy khác biệt so với những người cùng thời. Họ đưa ra nghi vấn về những quan điểm của số đông và các cách lý giải quá đơn giản. Trong trường hợp của họ, trí thông minh song hành với tư duy phê phán, năng lực “cự tuyệt” về trí tuệ những thảo luận đang áp đảo, tức một kiểu “nhồi sọ”, và tổng quát hơn, là tình trạng giáo điều dưới mọi hình thức.

Tuy vậy, một bài viết của Heather A. Butler, giáo sư kiêm nhiệm tại khoa tâm lý học, Đại học Tiểu bang California, đã mổ xẻ một hiện tượng gây bất ổn như sau: những người thông minh có thể làm ra và nói ra những thứ ngu ngốc, hoặc tin vào những điều nhảm nhí. Bà viết: “Dù thường bị nhầm lẫn với trí thông minh, nhưng tư duy phê phán không phải là trí thông minh. Tư duy phê phán là một tập hợp các kỹ kiểu định hướng theo mục tiêu, cùng khả năng tùy nghi vận dụng các năng nhận thức cho phép chúng ta suy nghĩ một cách sáng suốt theo kỹ năng ấy vào những thời điểm thích hợp. Những người tư duy phê phán là những người tư duy... linh hoạt, đòi hỏi phải có bằng chứng để hậu thuẫn cho niềm tin của mình, và [họ] nhận ra những nỗ lực lầm lạc nhằm thuyết phục mình. Tư duy phê phán đồng nghĩa với vượt qua mọi loại thiên kiến nhận thức (chẳng hạn: thiên kiến nhận thức muộn hoặc thiên kiến xác nhận).

[…]

 

Jimmy Carter và lá thư gửi tới sự sống ngoài vũ trụ

 

Năm 1976, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai, Jimmy Carter đã tuyên bố: “Nếu trở thành tổng thống tôi sẽ công khai tất cả những thông tin mà đất nước này nắm trong tay

về các quan sát UFO (Vật thể bay không xác định) với công chúng và các nhà khoa học.” Ông nói thêm một câu gây sững sờ, một ví dụ tuyệt hảo về thiên kiến xác nhận: “Tôi tin chắc UFO tồn tại vì tôi từng nhìn thấy một lần.”

ke-khon-cung-co-khi-kho

Sau khi thắng cử, hành động theo đúng niềm tin của mình, Tổng thống Jimmy Carter đã gửi một bức thư tới sự sống ngoài hành tinh thông qua tàu thăm dò vũ trụ không người lái Voyager 1, vào ngày 5 tháng 9 năm 1977. Sau khi giới thiệu tàu thăm dò và Trái đất, Tổng thống Carter chào hỏi [sự sống ngoài hành tinh] theo lối này: “Đây là một món quà từ một thế giới nhỏ bé, xa xôi, một dấu hiệu đại diện cho các âm thanh của chúng tôi, khoa học của chúng tôi, hình ảnh của chúng tôi, âm nhạc của chúng tôi, suy nghĩ của chúng tôi và cảm xúc của chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực để vượt qua thời gian của mình, từ đó có thể vươn tới thời gian của quý vị. Hy vọng một ngày nào đó, khi đã hóa giải được những vấn đề mình đương đầu, chúng tôi sẽ có thể gia nhập một cộng đồng gồm các nền văn minh trong dải Ngân Hà. Bản ghi âm này thể hiện hy vọng và quyết tâm của chúng tôi, cùng thiện chí của chúng tôi trong một vũ trụ bao la và tuyệt diệu.”

Thực tế là Jimmy Carter, tác giả của nhiều cuốn sách về chủ đề chính trị, người thắng giải Nobel Hòa Bình năm 2002, lại có sự ngây thơ để gửi những thông điệp tới sự sống ngoài hành tinh (những thông điệp sẽ không đến đích trong vòng 40.000 năm, và dù ra sao đi nữa, chúng ta cũng không hay biết chút tăm tích gì về việc đó, vì tàu thăm dò sẽ ngừng truyền thông tin sau năm 2025) khiến ta phải rối trí.

Nhưng Carter đâu phải là người duy nhất gửi thư đến sự sống ngoài hành tinh. Vào ngày 19 tháng 11 năm 2017, Science Post tuyên bố một đội các nhà thiên văn học từ Viện SETI (Tìm kiếm Trí thông minh ngoài Trái đất) đã gửi tín hiệu vô tuyến chứa thông tin về các hành tinh trong hệ Mặt trời của chúng ta, về cấu trúc ADN, một bản vẽ hình con người cùng các thông tin cơ bản khác về Trái đất và các cư dân nơi này, trực chỉ một hệ Mặt Trời láng giềng của chúng ta – một trong những hệ gần gũi nhất được biết là có chứa một hành tinh hứa hẹn có thể có sự sống, đủ gần đến mức ta có thể nhận được tín hiệu phản hồi trong khoảng thời gian dưới 25 năm, một khoảng trễ hợp lý hơn nhiều, có thể thừa nhận là như vậy, dù không phải ngay ngày mai.

Thậm chí còn sửng sốt hơn thế: các nhà khoa học như nhà vật lý Stephen Hawking và nhà thiên văn học Dan Werthimer, nhà nghiên cứu SETI tại Đại học California, Berkeley, đã cảnh báo giới cầm quyền  về những hệ lụy khả dĩ nảy sinh từ việc giao tiếp với sự sống ngoài hành tinh, như một “nền văn minh có năng lực tiếp nhận và hiểu được các thông điệp này chắc chắn tồn tại lâu đời hơn, tiên tiến hơn chúng ta rất nhiều, xét về khía cạnh công nghệ.” Dan Werthimer lưu ý: “Làm vậy giống như là la hét ầm ĩ trong một khu rừng trước khi ta biết ở nơi đó liệu có hổ, sư tử, gấu hay những loài động vật nguy hiểm khác tồn tại hay không.”

Việc này thật nhức nhối làm sao...

Không liên quan lắm, nhưng những người rất thông minh lại có thể bị niềm tin của mình làm mờ mắt đến nỗi họ từ bỏ tư duy phê phán, hy sinh hạnh phúc và thậm chí cả tính mạng bản thân.

 

Steve Jobs, một nhà tư tưởng mờ mắt bởi những niềm tin của mình

 

Với biệt danh iGod, tức “chúa tể công nghệ cao”, Steve Jobs thường khơi dậy “tư duy kỳ diệu,” ý tưởng rằng ông có thể bẻ cong thế gian theo ý chí của mình. Tư tưởng đó đơm hoa kết trái khi Jobs đưa những ý tưởng tuyệt vời của mình trở thành hiện thực, nhưng lại tỏ ra bất lực trước bệnh ung thư.

ke-khon-cung-co-khi-kho

Theo quan điểm của hai tác giả viết tiểu sử của Jobs là Daniel Ichbiah và Walter Issacson, đồng thời dưới ánh sáng của mọi sáng tạo mà ông đã khởi sinh, Steve Jobs cực kỳ thông minh, thậm chí là siêu việt. Daniel Ichbiah, một ký giả người Pháp, tác giả cuốn Les Quartre Vies de Steve Jobs: Biographie de Steve Jobs (tạm dịch: Bốn cuộc đời của Steve Jobs: Tiểu sử Steve Jobs), miêu tả ông như sau: “Một người cầu toàn bị giằng xé, đày đọa gánh lấy thiên tài và được trời phú cho cảm nhận bẩm sinh về cái đẹp, Jobs có những giấc mộng lớn lao và sở hữu tài năng khiến người khác cùng chia sẻ những giấc mộng đó với ông... Ông không phải là một CEO điển hình, mà là một nghệ sĩ đích thực, mải miết kiếm tìm Chén Thánh, một người duy mỹ được thôi thúc bởi một ham muốn duy nhất: thay đổi thế giới.”

Walter Isaacson, cựu tổng biên tập của tạp chí Time, cựu chủ tịch hãng tin CNN, tác giả tiểu sử của Albert Einstein, Henry Kissinger và Benjamin Franklin, đã nhấn mạnh trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs một câu ngắn được phóng đại trong chiến dịch quảng bá “Think Different” (Hãy suy nghĩ khác biệt) của Apple: “Những người đủ điên để nghĩ họ có thể thay đổi thế giới chính là những người làm được việc đó.”

[…]

Sau khi phát hiện một khối u ở tụy vào tháng 10 năm 2002, các bác sĩ phát khóc vì xúc động khi khám phá ra khối u này có thể mổ được. Nhưng Steve Jobs từ chối phẫu thuật. Vốn là Phật tử và một người ăn chay, Jobs hoài nghi về y học và dốc lòng tin tưởng các liệu pháp thay thế, mỗi liệu pháp lại càng xa xôi diệu vợi hơn. Ông tham vấn những bậc thầy chữa lành, chuyên gia trị bệnh tự nhiên, thầy thuốc châm cứu, nuốt các viên thảo dược, uống nước ép trái cây và tiến hành những đợt ăn kiêng kéo dài để thanh lọc cơ thể. Năm 2004, những lượt xét nghiệm mới cho thấy món rau bồ công anh trộn xa-lát không có mấy tác động tới tế bào ung thư: khối u đã lan ra khỏi tụy. Ông đồng ý phẫu thuật, nhưng đến lúc ấy đã là quá muộn. Tháng 4 năm 2009, ông trải qua cuộc phẫu thuật ghép gan tại Viện Ghép tạng Giáo lý hội ở Memphis, bang Tennessee. Ông tiếp tục làm việc tại Apple cho đến khi qua đời vào tháng 10 năm 2011, chỉ mới 56 tuổi.

Các cây bút tiểu sử và bạn bè đã đồn đoán về những điểm trái ngược trong tính cách của Steve Jobs. Một nhà phát minh lỗi lạc có thể dời non lấp biển, nhưng ông không có khả năng tự giúp mình tháo gỡ những quan điểm lừa mị chỉ càng thúc đẩy sự suy tàn chóng tới. Liệu có phải suy nghĩ ám ảnh “bị chính cha mẹ đẻ bỏ rơi” đã tạo ra một khoảng trống vắng mà Jobs lấp đầy bằng khát khao truy vấn hiếm người hiểu được? Hồi 7 tuổi, cậu bé Jobs đã vô cùng buồn bã khi một cô bạn gái mà cậu tâm sự rằng cậu là con nuôi đã nói với cậu: “Thế là bố mẹ không yêu bạn à?” Bố mẹ nuôi của Jobs đã vỗ về cậu bằng tấm lòng nhạy cảm thường trực ở họ. Không nghi ngờ gì, môi trường phản-văn-hóa kiểu hippie của Khu Vịnh hồi thập niên 1970 càng tiếp thêm nhiên liệu cho tinh thần nôn nóng kiếm tìm niềm cảm hứng ở nơi nào đó của Jobs.

 

“Galileo sai rồi: Giáo hội đã đúng”

 

ke-khon-cung-co-khi-kho

Mười năm trước, vào ngày 6 tháng 11 năm 2010, một đại hội được-cho-là khoa học với chủ đề “Galileo Sai rồi: Giáo Hội Đã Đúng” được tổ chức tại khách sạn Hilton Garden ở South Bend, bang Indiana, cách Chicago chưa đầy 160km. Mười đại biểu tham luận được giới thiệu là “chuyên gia.” Họ cố gắng chứng minh Mặt trời quay xung quanh Trái đất, theo hệ thống địa tâm, cho dù khoa học kể từ thời Copernicus, Galileo, Kepler và Newton đã chứng minh Trái Đất và các hành tinh khác quay xung quanh Mặt trời, theo hệ nhật tâm. Phụ đề đầy hứa hẹn; đó sẽ là hội thảo Công giáo thường niên “đầu tiên” về thuyết địa tâm. Tiến sĩ Robert Sungenis khai mạc hội thảo bằng một bài phát biểu với tiêu đề “Thuyết địa tâm: Họ biết rõ, nhưng họ giấu nhẹm”, nắm bắt một khuynh hướng lặp đi lặp lại: thuyết âm mưu. Những diễn giả khác, chẳng hạn Tiến sĩ Robert J. Bennett và Tiến sĩ John Salza, tuyên bố những chủ đề gây chấn động tương tự: “Bằng chứng khoa học: Trái đất chính là trung tâm của vũ trụ,” “Giới thiệu các cơ chế của thuyết địa tâm,” và “Các thực nghiệm Khoa học chứng tỏ Trái đất đứng tại chỗ ở trung tâm vũ trụ.” Bằng cấp, danh xưng của họ rất mơ hồ: chẳng hạn Robert J. Bennett, đồng tổ chức hội thảo, tự xưng là Tiến sĩ Thuyết tương đối Rộng. Robert Sungenis là chủ tịch hội gì đó tên là Công Giáo Hối Lỗi Quốc Tế, là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết về thần học, khoa học, văn hóa và chính trị. Ông này dạy vật lý và toán học suốt nhiều năm tại nhiều trường sở khác nhau. Ông ta rao giảng rằng các nhà vật lý như Albert Einstein, Ernst Mach, Edwin Hubble, Fred Hoyle, “và nhiều tên tuổi khác” đã chứng minh, đúng như trong Kinh Thánh đã nói, rằng Mặt trời và tất cả các hành tinh khác đều chuyển động quanh Trái đất, vốn cố định trong không gian, bất động, bất biến. Ông ta nuôi dưỡng hy vọng rằng mọi người sẽ trao cho Kinh Thánh vị trí xứng đáng và hiểu rằng khoa học thực ra không đến nỗi hay họ như người ta vẫn tưởng bấy lâu nay.

Thế nhưng, mỗi khám phá khoa học mới lại mang tới một bằng chứng mới mẻ, cho thấy là thuyết địa tâm không hề phù hợp với hiện thực. Những người cổ xúy thuyết địa tâm không có gì để hậu thuẫn cho mình ngoài Kinh Thánh. Đối mặt với mọi lập luận khoa học, họ đều trả lời: “Kinh Thánh đã nói rằng...” Tấn công Galileo làm hoen ố hình ảnh của một trong những tên tuổi sáng lập khoa học hiện đại, người đã tiến hành một trong những thực chứng đầu tiên cho thuyết nhật tâm của Copernicus, và cũng xóa bỏ một thứ mà có người coi là vết nhơ gây ra bởi lời xin lỗi của Giáo hội Thiên Chúa Giáo vào năm 1992 vì đã buộc tội Galileo.

Đã bao bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời kể từ thời Galileo. Khoa học Copernicus đã phải đối đầu với Kinh Thánh và niềm tin vào Chân Lý Hiển Lộ của Chúa, và gây chiến với sự phi lý trí. Các nhà khoa học đã bị bắt bớ. Ngày nay, có những kẻ theo giản hóa luận và những kẻ lập dị đang cố sức thao túng tâm trí, nhờ đó có thể truyền bá những lý thuyết mù mờ của chúng: cuộc giằng co giữa chính sách ngu đần chống lại chân lý vẫn tiếp diễn.

- Trích dẫn từ cuốn sách "Kẻ khôn cũng có khi khờ" phát hành bởi Alpha Books - 

Tags: