"Cô là ai, cháu không biết, cô đi ra đi": Làm sao để bắt chuyện với người bạn chưa từng gặp trong đời
Hay nghệ thuật làm quen với người lạ để họ không bị sốc.
Bạn sẽ mất gì khi nói lời chào với bất cứ người lạ nào ngang qua bạn mỗi khi ở trên đường? Hay làm thế nào để sự tương tác đó được tiếp tục? Ở những nơi nào bạn dễ bắt chuyện với người bạn không biết hơn? Làm thế nào để ngắt một cuộc trò chuyện? Những câu hỏi này tưởng chừng như đơn giản. Nhưng thực tế thì chúng không như vậy.

Mỗi cuộc phương pháp dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một cấu trúc cụ thể kèm theo sự khéo léo giúp bạn khám phá thế giới con người  bạn không hề hay biết ngoài kia. Chúng sẽ cho bạn cách thực hiện hoặc lý do để nói chuyện với người lạ, và những vấn đề cần giải quyết.

Bạn có thể thực hành một mình hoặc cùng với một người bạn. Nếu làm việc theo cặp, hãy làm riêng lẻ trước rồi sau đó đối chiếu với nhau. Hãy ghi chép lại cẩn thận. Hãy chia sẻ những ghi chú của bạn trên blog hoặc trên mạng xã hội, hoặc bất cứ nơi nào bạn thường dành để viết về trải nghiệm của mình. Biết đâu bạn có thể khai sáng cho lũ bạn thân của mình và cả những người đọc khác bằng chính quan sát của mình. Bạn có thể yêu thích một trong những phương pháp sau và cứ làm đi làm lại nó. Hoặc bạn đã cố gắng thử nhưng thấy chúng chẳng có ích lợi gì cho bạn. Điều gì cũng có thể xảy ra.

Nguyên tắc cơ bản của những phương pháp này là tôn trọng người khác, và mỗi người cần phải đặc biệt chú ý đến cách cư xử của mình. Nếu bạn là nam giới, hãy cẩn thận và thể hiện thái độ tôn trọng khi bắt chuyện với phụ nữ, bởi bất cứ hành động bất cẩn nào cũng có thể bị hiểu nhầm là đe dọa và xâm phạm. Hãy lịch sự, giữ khoảng cách nói chuyện xa hơn một chút, và nếu đối phương có có ý tiếp chuyện với bạn thì cũng đừng cố chèn ép họ.

Hãy nhớ sự khác biệt văn hóa lớn nhất nằm ở giao tiếp bằng mắt và những cử chỉ ngoài đường phố. Hãy lưu ý cả nội dung trò chuyện. Những phương pháp này không phải đúng hết ở bất cứ hoàn cảnh nào mà bạn gặp phải. Vì vậy, để tránh bất đồng văn hóa, tôi cực kỳ khuyên bạn không nên thực hành những phương pháp này nếu như bạn không thân thuộc tại nơi đó, hay không phải dân bản địa ở vùng đó (ngoại trừ phương pháp cuối).

Những phương pháp này được sắp xếp theo thứ tự độ khó tăng dần, sự phức tạp tăng dần, rủi ro về cảm xúc tăng dần, tiềm năng tương tác gần gũi cũng tăng dần. Phương pháp đầu tiên chỉ là để khởi động, giúp bạn giảm tốc độ lại và chú ý đến mọi người xung quanh, rèn luyện kỹ năng quan sát hành động của cộng đồng và định hình trong đầu một khuôn mẫu đúng đắn. Tôi cực kỳ khuyên bạn nên áp dụng cách này ít nhất một lần cho dù bạn có chọn bất cứ phương pháp nào phía sau đi chăng nữa.

 

1. Quan sát và học hỏi

 

Bạn sẽ cần một cuốn sổ tay cho phương pháp này. Hãy dành khoảng một tiếng đồng hồ ở ngoài đường, hoặc nơi công cộng nơi mà bạn không biết rõ hầu hết những người ở đó. Đó có thể là công viên, một quán café, một trung tâm thương mại, hoặc một địa điểm du lịch, nhà ga hoặc bến xe bus. Bất cứ nơi nào bạn có thể nán lại lâu và quan sát những người đang không quá vội là tốt nhất. Chọn một chỗ ngồi tốt và bạn có thể nhìn được hàng tá người ở những vị trí khác nhau. Ngồi yên lặng. Tắt điện thoại đi. Chỉ mất có một tiếng, và tôi tin bạn có thể làm được. Một phần của thử thách là sự hiện diện đầy đủ của mọi người.


Hãy bắt đầu nhìn xung quanh bạn. Đầu tiên, miêu tả từng vị trí được sắp đặt. Bạn đang ngồi ở đâu? Có điều gì thú vị nhất ở nơi ấy? Nó để làm gì? Mọi người ở đó đang làm gì? Có những loại người nào? Hãy ghi lại hết xem họ trông như thế nào, họ ăn mặc ra sao, họ làm gì và không làm gì, họ tương tác với người khác ra sao. Nếu đó là một đám đông, bạn chỉ cần tập trung vào một vài người mà bạn muốn. Giả như bạn muốn sáng tác ra câu chuyện về bất cứ người nào, hãy chắc chắn chỉ ra những đặc điểm của họ khiến bạn nghĩ như vậy. Ví dụ, bạn kết luận rằng ai đó có sự tự tin hoặc giàu có, vô gia cư hay e ngại, là dân du lịch hay dân bản địa, điều gì đã cho bạn biết họ là như vậy? Điệu bộ của họ, màu da, quần áo họ mặc? Cứ từ từ mà suy nghĩ cho đến khi những ý tưởng đến với bạn.

 

2. Nói lời chào

 

Hãy đi bộ tại những nơi nhiều người qua lại như công viên hay dọc theo vỉa hè thành phố. Hãy chỉ rõ đoạn đường bạn đi như thế nào: Có phải bạn đang đi quanh vài tòa nhà? Từ cây sồi đến ghế đá? Hãy cho bạn một quãng đường cụ thể để băng qua, quãng đường mà mất ít nhất là năm đến mười phút để đi hết. Chọn một vị trí có tương đối nhiều người qua, nhưng đừng chọn nơi nào quá đông người. Đi chầm chậm. Nhiệm vụ của bạn là nói lời chào với mỗi người đi ngang qua bạn. Ý tôi là tất cả mọi người bạn gặp ấy. Cố gắng nhìn thẳng vào mắt họ, và đừng bận tâm khi họ không nghe thấy bạn, hay cố ý phớt lờ bạn. Bạn mới chỉ đang khởi động chút xíu thôi. Giờ thì cố gắng khi nói lời chào thì hãy kèm theo vài câu xã giao như kiểu “Con chó xinh quá!” hay “Tôi thích cái mũ của chị” hoặc “Trời hôm nay lạnh nhỉ!”. Những hành động chú ý này có thể phá vỡ sự xa cách giữa mọi người và tạo ra không gian thân thiện trong chốc lát.

Bạn đang hành xử hơi lạ giữa đám đông, vậy nên hãy lưu ý xem cách mọi người phản hồi ra sao. Bạn có thể khiến một vài người cảm thấy không thoải mái, nhưng vì bạn làm điều đó với tất cả mọi người và không có ý định dừng lại, sự không thoải mái đó có vẻ dần giảm bớt đi. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn chào hỏi mọi người? Họ có mỉm cười không? Hay họ cười phá lên? Họ tỏ vẻ ngạc nhiên hay khó chịu? Họ quay sang hỏi người bạn đồng hành rằng chuyện gì đang xảy ra thế? Camera ẩn chăng? Nếu bạn vẫn còn lo lắng về sự thoải mái, bạn có thể rủ thêm một người bạn đi cùng. Người bạn đó chẳng cần phải nói điều gì với bất cứ ai, họ ở đó là để bạn cảm thấy an toàn.

 

3. Bị lạc đường

 

Phương pháp này gồm những lời thỉnh cầu, nhờ vả nối tiếp, thường sẽ có khả năng thành công cao nếu như bạn có khả năng đi hết qua từng bước. Hãy cất điện thoại của bạn đi, và chỉ cầm trên tay một cuốn sổ kèm một cây bút. Bước đầu tiên là hỏi ai đó hướng đi. Nếu ai đó dừng lại và chỉ đường cho bạn thì hãy nhờ người đó vẽ cho bạn luôn bản đồ ra địa điểm đó. Và nếu họ đồng ý vẽ bản đồ, hãy cẩn thận hỏi số điện thoại của họ phòng trường hợp liên lạc lại nếu như bạn bị lạc đường. Nếu như họ đồng ý cho bạn số điện thoại, hãy gọi thử cho họ. Thật ngạc nhiên khi một vài người sẵn sàng cho bạn biết số điện thoại của họ. Một vài năm trước khi tôi sử dụng bài thực hành này trước lớp, chỉ một học sinh duy nhất cuối cùng đã gọi điện thoại. Cô ấy nói với tôi rằng: “Em thực sự ngạc nhiên khi thấy bước cuối cùng đáng sợ ra sao. Chúng ta đã dành cho người khác sự xa cách như thế nào trong cái thành phố đông đúc như thế này.” Tôi cũng khuyên bạn hãy can đảm như cô ấy.


Hãy cẩn thận khi chọn địa điểm ban đầu và điểm bạn muốn đến, nếu có thể thì hãy thử phương pháp này một vài lần trước để tìm cặp địa điểm phù hợp. Đừng chọn con đường dễ đi quá, hay việc dùng bản đồ chẳng có chút ích lợi gì. Nhưng cũng đừng chọn quãng đường khó đi quá vì thực sự rất khó cho người lạ để họ giải thích cho bạn. Tôi đã nghĩ ra cách này khoảng gần một thập kỷ trước, và nó càng ngày càng khó thực hiện được khi điện thoại thông minh dường như có mặt khắp mọi nơi. Bạn phải tỏ vẻ thực sự mù đường nếu không được chỉ dẫn hay có bản đồ đi kèm.

Đương nhiên phương pháp này yêu cầu bạn phải nói dối. Vậy nên hãy lưu ý đến cảm giác của họ nữa nhé.

 

4. Đặt câu hỏi

 

Mọi người sẽ nói chuyện nếu như bạn cho họ cơ hội để làm điều đó. Họ nói khi có người lắng nghe. Phương pháp này đơn giản là bạn hỏi một người lạ về một câu hỏi thân mật, và sau đó là lắng nghe những gì họ nói. Ý tôi là những câu hỏi thân mật đó không nhất thiết phải là thật và về vấn đề cá nhân. Chỉ cần là một câu hỏi mà biến người khác trở thành trung tâm. Và đó cũng nên là câu hỏi không bắt họ phải suy nghĩ quá nhiều, hoặc mất thời gian để nhớ lại. Bạn muốn điều gì đó mà họ có thể đi thẳng vào vấn đề ngay lập tức. Câu hỏi ưa thích của tôi là “Bạn sợ điều gì nhất?” Một vài người nói là nhện, chuột và tránh né đi sâu vào cảm xúc của họ, nhưng đa số mọi người đều thành thật trả lời về nỗi sợ thực sự của họ: sợ chết, sợ thất bại, cô đơn hay lạc lối. Và kèm theo đó là những điều tuyệt vời để bạn lắng nghe và chia sẻ. Bạn cũng có thể nghĩ ra câu hỏi của chính bạn và hãy cố gắng thử nó với nhiều người.

Bạn cũng có thể dùng mẹo sau. Cầm theo máy quay hoặc điện thoại thông minh, bạn tiến đến gần một ai đó đang không vội và hỏi họ liệu bạn có thể hỏi họ một câu hỏi và quay lại không. Có vài người sẽ sẵn lòng, nhưng nhiều người thì không muốn bị quay lại. Không sao cả, mục đích chính của bạn là cuộc trò chuyện chứ không phải ghi hình. Họ có thể đặt điều kiện là sẽ trả lời câu hỏi của bạn miễn là không ghi hình. Và sau khi đặt câu hỏi, hãy giữ yên lặng. Nếu họ muốn hỏi lại bạn để làm rõ ý hỏi, cứ trả lời họ, nhưng đừng đưa ra bất cứ ví dụ gì, hay gợi ý cho câu trả lời đó. Nhiệm vụ của bạn là lắng nghe. Nếu ai đó có vẻ thoải mái trả lời, bạn có thể hỏi thêm một vài câu bổ sung, nhưng đừng thúc ép quá. Cho họ cơ hội để tự họ lấp đầy khoảng thời gian trống. Và sau đó điều kỳ diệu sẽ thực sự xảy ra.

 

5. Lạc lõng

 

Phương pháp cuối này buộc bạn phải đào sâu hơn một chút, vì nó khá là phức tạp và cũng nhiều rủi ro. Chọn một nơi mà bạn không biết, không thuộc về, nơi mà bạn chỉ là thành phần thiểu số trong cộng đồng đó. Nếu bạn đã từng dành phần lớn thời gian sống và hoạt động như những người thiểu số, bạn có thể thấy điều này quá quen thuộc và muốn bỏ qua nó. Bạn có thể bị lạc lõng vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, độ tuổi, khả năng, tính thành viên, vẻ bề ngoài hay bất cứ sự khác biệt nào. Mục tiêu ở đây đơn giản là quan sát: Mọi người ở đó đang làm gì? Họ phản ứng thế nào với sự hiện diện của bạn? Bạn có thể thử làm gì đó lôi kéo sự chú ý của mọi người và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy cẩn thận, hãy quan sát kỹ lưỡng, và xem liệu bạn có thể hiểu được cách tương tác cộng đồng của đám đông tại đây không.

Đương nhiên là hãy tránh mọi nguy hiểm có thể xảy đến, đừng chọn chỗ nào mà bạn nghĩ có thể gặp một vài thành phần quá khích, hung hăng. Rồi bạn sẽ có cho mình một trải nghiệm tuyệt vời để mở rộng quan hệ. Nhưng cũng nên tự chuẩn bị cho chính mình cảm giác tồi tệ có thể đến sau khi việc này xảy ra. Và nếu có cảm giác đó, bạn đã tự trải qua một sự đồng cảm cần thiết: cảm giác khi bị đối xử như một kẻ vô hình hay kẻ không được chào đón. Tôi không mong muốn điều này sẽ xảy đến với bạn, nhưng nếu bạn thực cảm thấy như thế, tôi hy vọng chúng sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn về thế giới xung quanh.

 

 

Trạm Đọc 

Theo Kio Stark - Ideas Ted