Khi một đứa trẻ ra đi: Có những sự mất mát không bao giờ gọi được thành tên
Khi một đứa trẻ ra đi: Có những sự mất mát không bao giờ gọi được thành tên
Nếu cha mẹ bạn chết đi, bạn trở thành mồ côi. Nếu vợ hoặc chồng của bạn chết đi, bạn trở thành người góa. Nhưng không có từ nào để nói về việc con bạn chết đi cả. Vì nỗi đau ấy, nỗi đau ấy quá lớn để gọi thành tên, để có thể đặt được cho nó một cái tên.
Tôi nghe ai đó nói rằng, đau buồn không phải là một sự trừng phạt, đó là một thông điệp của cuộc sống, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều sẽ phải trải nghiệm những nỗi đau. Nhưng, sẽ ra sao nếu nỗi đau ấy là từ cái chết của một đứa trẻ? Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác chứng kiến một gương mặt niên thiếu với tương lai rạng ngời bỗng chốc đột ngột ra đi, bạn sẽ hiểu rằng, chẳng có nỗi đau nào hơn thế, dù đó là con, cháu, anh chị em, người thân hay chỉ là một người bạn đi chăng nữa.

Tôi biết nỗi đau ấy, cuộc sống của tôi bốc chốc đảo lộn mà chẳng có lấy một dấu hiệu hay cảnh báo nào cả. Cậu con trai 16 tuổi của tôi từ trường về nhà phàn nàn về việc nó bị đau đầu và sốt. Bác sĩ đã chẩn đoán con chỉ bị cúm nhẹ. Nhưng không. Một đêm nọ, thần chết mang con đi. Buổi sáng ngày hôm sau, con nằm trên giường, im lìm và lạnh lẽo. Con bị viêm màng não, nhưng chẳng có ai nhận ra điều đó.

Bạn đã bao giờ cảm thấy cảm xúc bàng hoàng như vậy khi mất con chưa? Tất cả những người làm cha làm mẹ đều sợ hãi và cảm thấy mất mát không thể tưởng tượng nổi. Không thể tưởng tượng nổi, cho đến khi nó xảy ra. Mọi người gọi nó là "điều tồi tệ nhất có thể xảy ra", và nó chính xác là như vậy.

 

Nếu cha mẹ bạn chết đi, bạn trở thành mồ côi. Nếu vợ hoặc chồng của bạn chết đi, bạn trở thành người góa. Nhưng không có từ nào để nói về việc con bạn chết đi cả. Vì nỗi đau ấy, nỗi đau ấy quá lớn để gọi thành tên, để có thể đặt được cho nó một cái tên.

 

Nhưng… làm sao tôi có thể hạnh phúc một lần nữa đây? Tôi cảm giác như nỗi đau ấy là hữu hình, tôi đang mang nó trên lưng, đeo nó trước ngực, cùm cả vào tay chân, như thể bất kì ai nhìn thấy tôi cũng sẽ thấy tôi đang đeo chiếc bảng hiệu: “Tôi là một người mẹ vừa mất đi đứa con trai của mình”. Đau khổ, đáng thương, tuyệt vọng,... Mọi tia sáng dường như vụt tắt và xung quanh chỉ là hố sâu, mỗi hơi thở đều trở nên khó nhọc, mỗi cốc nước, miếng cơm đều giống như cực hình. Tại sao tôi lại hít thở khi con trai tôi nằm dưới tầng đất sâu? Tại sao tôi có thể ăn, có thể uống khi con mình đã rời xa cuộc sống? Tại sao tôi có thể nhìn ngắm thế giới này khi đôi mắt của con trai tôi đã hoàn toàn khép lại? Tại sao? Tại sao?...

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

Tôi cảm thấy mình ích kỉ, khốn kiếp và nhơ nhuốc. Lẽ ra tôi mới là người nên chết đi. Tôi đã sống hơn 40 năm cuộc đời, đã đi học, có bạn bè, được yêu đương, được đi đây đi đó, được hạnh phúc và sung sướng. Nhưng con trai tôi thì chưa! Đáng ra tôi mới nên là người viêm màng não, đáng ra tôi mới phải là người nằm trên chiếc giường đó, im lìm và lạnh lẽo. ĐÁNG RA NÊN LÀ TÔI!

 

Nhưng ngày tháng trôi qua, tôi phát hiện ra, cho dù tôi mất mát bao nhiêu, hay nỗi đau buồn thế nào, thế giới này cũng không vì thế mà dừng lại.

 

Sau đó, một người bạn đã cho tôi một cuốn nhật ký và nói: “Viết đi. Chỉ cần viết mà thôi.” Trang giấy đầu tiên thật sự khó khăn. Tôi chỉ có thể viết ra một câu duy nhất: “Con trai tôi đã chết và cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ trở về quỹ đạo của nó được nữa.” Ngày hôm sau, tôi viết một đoạn văn, và mỗi ngày sau đó tôi thấy những từ ngữ dễ dàng hơn. Cuốn nhật kí đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho tôi để làm vợi bớt nỗi buồn và san sẻ những giọt nước mắt trên trang giấy. Trong một thời gian ngắn, tôi có thể để cho cảm xúc của tôi nghỉ ngơi.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Tôi phải sống, tôi phải tồn tại. Tôi còn ba đứa trẻ khác cũng đang khao khát tình mẹ. Và tôi chợt nhận ra, mình vẫn cần phải cố gắng. Tôi tiếp tục viết, từ sự gượng ép dần trở thành thói quen. Một ngày nọ, tôi mở những trang nhật kí và nhận ra: đã có những phép màu xảy ra. Tôi đã sống sót, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, và những tia sáng của hi vọng thực sự đã chiếu soi lên qua từng trang giấy.

Chẳng có ma thuật nào trong cuốn sổ, chỉ là cầm bút lên và bắt đầu với những từ đầu tiên, tiếp tục viết, tiếp tục phơi này những góc sâu nhất trong tâm hồn mà ta chẳng dám nói cùng ai. Hàn gắn không phải một quá trình, thời gian chẳng giúp gì trong chuyện này cả. Hàn gắn là tiếp tục đam mê và theo đuổi cuộc sống, rồi khi thời gian qua đi, nhìn lại bạn sẽ thấy mình đã mạnh mẽ đến nhường nào.

 

Hàn gắn không phải một quá trình, thời gian chẳng giúp gì trong chuyện này cả.

 

Tôi từng tin vào câu nói “Mọi chuyện đều có nguyên do của nó”, nhưng với bi kịch này, mọi thứ dường như bị đảo ngược. Nỗi đau này có thể là điểm khởi đầu cho nhiều thứ, và khi bạn nhận ra điều này, đó là thời điểm nỗi buồn sẽ đổi thay. Cái chết của con trai đã biến tôi thành một con người khác, đúng là chẳng thể trở về quỹ đạo ban đầu nữa, nhưng nó là khởi đầu cho những điều mới, có thể tốt hoặc xấu, nhưng nó tạo nên tôi của ngày hôm nay.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Trong những tháng ngày ngập tràn trong nước mắt và cố gắng vực dậy bản thân, tôi đã từng nghĩ rằng: “Mình có thể có được hạnh phúc sau cái chết của con hay không? Mình có thể quên đi được nỗi đau này hay không?”. Và giờ đây hàng thập kỉ đã trôi qua kể từ bi kịch khủng khiếp ấy. Tôi vẫn sống, vẫn hạnh phúc, nhưng tôi không quên điều gì cả. Nhắc đến sự ra đi của thiên thần xinh đẹp ấy, trái tim tôi vẫn quặn đau từng hồi. Hàn gắn trái tim vốn dĩ không có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy buồn đau nữa. Nó giúp bạn sống cùng những nỗi đau ấy, theo hướng tích cực hơn.

Thời gian qua, tôi đã học được rằng tình yêu của một người mẹ không bao giờ suy suyển; trên thực tế, tình yêu của tôi dành cho con trai tôi đã lớn lên, giống như nó vẫn sẽ như vậy nếu con trai tôi còn sống. Tôi vẫn là mẹ. Không đứa trẻ nào chết đi mà mong muốn để lại những đau buồn. Phải sống, phải sống và mãi yêu thương những linh hồn thơ trẻ ấy.

Trạm Đọc.

Tags: