Khi kết thúc có hậu chỉ là kết thúc đúng lúc
Khi kết thúc có hậu chỉ là kết thúc đúng lúc
“If you want a happy ending, that depends, of course, on where you stop your story.” — Orson Welles
1. Đôi khi cách tốt nhất để giữ một thứ là từ bỏ nó. Giống như nhiều bộ phim sẽ mãi hay nếu không ra thêm phần mới, nhiều cuộc tình vẫn sẽ đẹp nếu nó được dừng lại đúng lúc. "Mùa yêu này đừng cố làm đến phần 5 nữa, nếu không muốn 4 mùa trước chỉ là những kỷ niệm đáng phải quên".
 
Nhớ nghĩa là quên bớt đi: 80% những nội dung thừa bị gạt ra lề và chỉ 20% được đọng lại. Và cách cuộc tình kết thúc thế nào sẽ quyết định cái gì được nhớ lại: toàn chuyện vui, nếu chia tay trong thanh thản hay toàn nỗi buồn, nếu chia tay trong thù hận. Trong tình yêu, không có sự thật, chỉ có những gì người ta muốn nhớ và không thể quên.
 
Có lẽ thứ tử tế nhất mà người yêu nhau có thể làm cho nhau (và cho mình) là tự thổi còi dừng cuộc chơi khi họ không còn muốn chơi. Nếu không muốn làm sai với ai, cách tốt nhất là đừng tạo cơ hội cho mình làm việc đó: Hoàn cảnh sinh hành động.
 
Chẳng mấy ai quan trọng bộ phim hay bắt đầu như nào, nhưng nếu nó có một kết thúc dở, họ sẽ khó có thể nhớ lại rằng nó không dở.
 
2. Mọi kết thúc đều khó hơn sự bắt đầu: chào thì dễ, chào tạm biệt thì rất khó. Vì thế mà chúng ta thường phải hy vọng vào một bên thứ ba (thời gian, biến cố, ông trời) để giúp cả hai bớt khó xử. "Muộn rồi, mình về thôi nhỉ", dù bạn muốn đứng dậy từ cả tiếng trước.
 
Vì không thể dứt khoát, vì không muốn làm ai buồn, vì không biết làm sao để tốt nhất cho cả hai (tốt nhất cho 1 trong 2 thì dễ) nên bạn trông chờ vào thứ gì đó xảy ra để mình không phải là thủ phạm của nỗi buồn.
 
Yêu nhau không cần lý do thuyết phục, nhưng hết yêu thì luôn cần một lý do hợp lý. Chúng ta rất thẳng thắn khi nói yêu, nhưng hiếm khi thẳng thắn khi hết yêu. Dũng cảm thực sự không chỉ là dám làm, mà dám không làm nữa.
 
Chúng ta tin vào vô thường, nhưng chẳng ai muốn tin vào vô thường trong tình yêu: rằng người đó sẽ không thay đổi, tình cảm sẽ tồn tại lâu bền, và một khi đã thoả mãn, thì suốt đời có thể thoả mãn. Mọi thứ đều có hạn sử dụng, chỉ là trong tình yêu, người ta không muốn nói về nó, để rồi họ vẫn phải đối mặt với nó.
 
3. Trong một tương lai khác, khi mà sự kết thúc cũng được chào đón như sự bắt đầu, khi mà tiệc ly hôn cũng linh đình như đám cưới, khi mà chia tay cũng đầy sự tử tế khi nhận lời yêu, có lẽ những cuộc yêu sẽ ngắn hơn, nhưng bớt bi thương hơn. (Biết là sẽ buồn, nhưng có cần phải buồn đến như vậy không?)
 
Tất nhiên, có những khách trọ bạn muốn giữ lại mãi (Đừng làm khách, hãy làm chủ) và sự ra đi của họ khiến bạn cũng chỉ muốn bỏ quán mà đi.
 
Không hẳn là có những người không thể thay thế (bởi ai cũng là duy nhất), mà bởi lòng bạn quá hẹp để có chỗ chứa thêm người khác. Suy cho cùng, bạn luôn có lựa chọn: giữ một thứ hoặc vẫn giữ thứ đó, nhưng mở rộng lòng để có thể giữ những thứ khác. Câu hỏi là "Lòng ta cạn hay đời quá hẹp"?
 
Đôi khi, kết thúc có hậu chỉ là kết thúc đúng lúc.
 
Trạm Đọc
Tags: