Khi con vật nhìn ta - Triết học về các loài động vật
Khi con vật nhìn ta - Triết học về các loài động vật
Loài người đã lãng quên sự thật rằng mình chỉ cũng là một phần của thế giới động vật

Bé Théodora yêu quý của bà,

Như bố mẹ cháu từng nói, bà lui về nông thôn, nơi bà sống với những con vật – cuối cùng thì không chỉ với những con vật! – sau khi đã sống một cuộc đời trọn vẹn với việc dạy triết học.

a

Bà bận bịu một chút với những con vật trong cái cơ ngơi be bé để làm nông nghiệp, bên cạnh ngôi nhà của chúng ta, bởi những người chủ trang trại này đôi khi cần sự giúp đỡ. Bà đến để lau rửa vú của những con bò cái, trước khi người ta vắt sữa chúng, bởi vì bà đã học làm việc đó từ hồi còn nhỏ, và kỳ cọ cho ngựa. Bà rất thích thấy chúng đang chờ đợi và hài lòng khi bà thay rác độn chuồng hay cho chúng ăn.

Bỗng một hôm, đúng lúc bà đang chải lông cho Papillon, con ngựa giống Perse của bác hàng xóm, bà phát hiện hai động từ “penser” (suy nghĩ) và “panser” (kỳ cọ cho ngựa) phát âm giống y như nhau, điều đó làm bà xao động trong lòng. Và khi đó, giữa các con vật ấy, triết học lại làm vướng bận tâm trí bà.

Những ý tưởng chợt đến với bà, bà muốn được chia sẻ với cháu và truyền chúng cho cả những đứa trẻ khác nữa.

Hy vọng rằng trong kỳ nghỉ tới, cháu sẽ tiếp tục suy nghĩ cùng với bà

Âu yếm hôn cháu của bà,

Elisabeth

 

 

Ngỡ ngàng

 


Bạn đang tự hỏi tại sao bộ sách mà trong đó có cuốn sách này lại mang tên Thú vui tư duy, với hình con cú mèo phải không? Chắc hẳn bởi vì chúng tôi, những nhà triết học, hy vọng rằng các bạn trẻ thích đọc điều mà chúng tôi viết cho chúng, và chúng sẽ thấy những cuốn sách này mới thú vị, mới “tuyệt cú mèo” làm sao, như người ta vẫn thường nói.

Nhưng có thể còn một lý do khác nữa, đó là: Biểu trưng cho nữ thần thông tuệ của người La Mã, thần Minerve, là một con cú. Một triết gia vĩ đại thế kỷ 19, Hegel, đã viết rằng con chim của
thần Minerve chỉ hót về đêm. Ông muốn nói rằng suy tư triết học dĩ nhiên là một lối tư duy đến muộn, vào lúc chiều hôm, trong trường thiên lịch sử nhân loại cũng như trong cuộc đời mỗi chúng ta

Vậy nhưng, nên biết rằng những người xuất bản bộ sách này không tán đồng với Hegel, bởi chúng tôi không chỉ tin rằng các bạn trẻ có thể đọc và hiểu triết học, mà các em có thể làm điều đó ngay từ lớp Sáu, vì ở tuổi này, các em chú ý đến các vấn đề siêu hình thường nhiều hơn những học sinh cuối cấp, vốn chỉ chăm chăm nghĩ đến việc nhận được bằng tốt nghiệp và ít suy tư theo cách không vụ lợi, cho thú vui thuần túy khám phá thế giới của tư duy và tham gia vào thế giới đó.

Hơn nữa, hai nhà triết học, Platon và Aristote, cũng quan trọng vào thời Cổ đại như Hegel đối với thời Hiện đại, đã khẳng định rằng họ bắt đầu trở thành nhà triết học vào thời điểm họ ngạc nhiên trước cái hiện tồn. Còn ai hơn là trẻ em có thể ngạc nhiên, thắc mắc trước sự tồn tại của các sự vật trên thế giới? Khi người ta biết được mối quan hệ thân thuộc của trẻ em dành cho những con vật cũng như những con vật dành cho trẻ con, nghĩ kỹ lại, người ta sẽ hiểu được sự ngỡ ngàng trước bí ẩn của cuộc sống mà một con vật có thể mở ra cho các bạn trẻ. Bí ẩn ấy nảy sinh ngay khi bạn bắt gặp cái nhìn của một convật thân thuộc, và bạn nhận ra rằng mình chẳng biết gì cả, hoặc gần như không biết gì, về thế giới của chính nó và cảm giác của nó về sự tồn tại của chính nó, bởi vì nó không nói được. Những động vật bậc cao, đặc biệt là động vật có vú như chó, ngựa, mèo, bò, chuột, và cả dơi, nhím (có chứ, nhím cũng là động vật có vú), và tất nhiên, cả khỉ nữa, có vẻ rất gần với chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả khi ngủ với mèo và chơi với con chó của mình thì bạn cũng chỉ biết rất ít về những gì diễn ra trong thế giới của nó, về những gì thực sự đang xảy ra trong con tim và khối óc người bạn nhỏ của mình, nói gì tới những con dơi.

Nỗi băn khoăn mà sự pha trộn của cái quen thuộc và cái lạ lẫm này gợi lên và thúc đẩy nhân loại phóng chiếu tư tưởng, tình cảm của mình vào các con vật, cứ tưởng chúng cũng giống như mình, diễn giải thái độ của chúng, dạy chúng nói năng, đối xử với chúng như là những con người... rốt cuộc là xem chúng như trẻ con vậy. Nhưng làm như vậy, người ta đã xóa đi những bí ẩn của loài vật. Những con vật ở trong tình trạng được nhân hóa, điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là chúng ta đã dứt bỏ quá nhanh để khỏi phải ngạc nhiên trước chúng.

Chính vì vậy, khi đề cập ở góc độ triết học tới vấn đề loài vật, chúng ta không nên nhân hóa những con vật, làm chúng gần với chúng ta đến nỗi quên đi rằng sự im lặng và sự có mặt của chúng đang tra vấn chúng ta. Và chúng ta lại càng không nên vật hóa chúng. Tuy nhiên, cần phải nhanh chóng bổ sung một chi tiết quan trọng liên quan đến bí ẩn này, đến câu đố này: Những bước tiến trong khoa học không những không làm giảm đi sự ngạc nhiên trước sự xa lạ của những con vật, mà còn khiến cho sự xa lạ ấy trở nên khó lý giải hơn. Chẳng hạn, khi ta biết được
rằng tinh tinh có 98,5% gen giống với gen của con người thì điều này làm tăng thêm ấn tượng về quan hệ họ hàng đáng lo ngại mà chúng ta cảm thấy khi ngắm chúng trong vườn bách thú. Có thể nào những sinh thể trên đời này lại biểu hiện vừa giống nhau vừa khác nhau đến thế?

Tập tính học, môn khoa học nghiên cứu những con vật trong môi trường tự nhiên thay vì bắt chúng về làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, và khoa linh trưởng học, nghiên cứu loài
linh trưởng, nghĩa là những con khỉ vốn gần gũi với con người nhất, tất nhiên cho phép chúng ta hiểu hơn về các loài vật bằng cách giải thích thái độ của chúng. Tuy nhiên, những môn khoa học ấy không thể giải đáp được câu hỏi đặt ra cho chúng ta khi một con vật nhìn vào chúng ta.

Chắc chắn bạn muốn hỏi làm thế nào người ta có thể gọi những sinh thể khác với con người này vừa là con vật (bête), vừa là động vật (animal). “Animal” là một từ đa nghĩa, bởi vì từ nguyên học chỉ ra rằng những sinh thể mà từ này định nghĩa có một linh hồn: anima trong tiếng Latin. Đến thế kỷ 18, ngoại trừ Descartes và các môn đệ của ông, mà chúng ta sẽ nhắc lại sau, người ta nghĩ rằng động vật có một linh hồn ít nhiều phức tạp, và bởi thế có một cấp bậc linh hồn các động vật thuộc những loài khác nhau, và thang bậc này, hoặc tôn ti trật tự này, đến bậc cao nhất là linh hồn con người – linh hồn hoàn hảo nhất.

Từ “animal” hẳn buộc chúng ta bỏ qua niềm tin vừa mang tính triết học vừa mang tính tôn giáo vào linh hồn của động vật, và cấm đối xử với những sinh thể mà tổ tiên chúng ta xem như những người anh em của mình, như những đồ vật vô tri vô giác, như những đồ vật không có sự sống. Từ “con vật” (bête) phức tạp hơn nhiều, bởi vì trong tiếng Latin, “bestie” chỉ động vật, đối lập với con người: ngày xưa, người ta cũng nói tới những “con vật còn giữ nguyên tính chất vật”. Từ “bête” nhấn mạnh sự to lớn, tính hung dữ hoặc sự tối dạ. Tuy nhiên, người ta cũng sử dụng từ này theo cách thân mật hơn, để nói về những vật nuôi trong nhà. Vào thời xa xưa, ở nông thôn, khi người ta nói: đã đến lúc những con vật về chuồng rồi, nghĩa là trời đã tối.

Về phần tôi, tôi sử dụng từ “động vật” và “con vật”, mà không phải băn khoăn về một sự phân biệt nghĩa, đồng thời không bao giờ quên rằng đó có nghĩa là những sinh thể sống, những sinh thể có hoạt động.

 

Linh hồn con người trong thể xác con vật?

 

Không cần phải là một triết gia mới kể được những câu chuyện. Ấy thế mà từ thuở ban đầu triết học không đến nỗi khô khan như ngày nay. Platon cũng như Pythagore và Empédocle, hai triết gia còn xa xưa hơn nữa, sống ở thế kỷ 6 trước cái mà ta gọi là Công nguyên, không ngần ngại nuôi dưỡng tư duy bằng huyền thoại, những truyện kể giải thích thế giới được sinh ra như thế nào, cây cối, động vật, con người xuất hiện ra sao.

Và điều mà những huyền thoại kể lại, bao giờ cũng là chuyện về những vị thần, con người và động vật, mà ở đó, người ta thực sự không biết ai là động vật, ai là thần, ai là người. Chẳng hạn, nhiều dân tộc tưởng tượng rằng trước khi bắt đầu lịch sử của họ, đã tồn tại một thiên đường hoặc một thời đại hoàng kim kéo dài, khi đó, con người và động vật sống yên bình bên nhau, thậm chí còn trò chuyện với nhau. Bởi vì huyền thoại kể lại rằng có điều gì đó bỗng xảy ra, một sự bất tuân Thượng đế, đã làm hỏng sự cân bằng hòa hợp. Thế là thời huyền thoại kết thúc,
thay vào đó là lịch sử, vốn bao giờ cũng là một câu chuyện về chết chóc, bất công và bất hạnh, ít ra là những câu chuyện này đã kể như thế. Chính vì vậy, con người thường cảm thấy điều mà người ta gọi là nỗi hoài nhớ về một thiên đường đã mất, về hạnh phúc hoàn hảo ấy, sự thân mật tuyệt vời ấy, đã đi vào truyền thuyết giữa các con vật với chính họ.

Một niềm tin lớn lao mang tính huyền thoại, sự đầu thai của những linh hồn, ám ảnh những phát ngôn đầu tiên về triết học. Câu chuyện mà huyền thoại kể lại giúp giải thích tại sao các sự vật của tự nhiên lại như bây giờ, làm thế nào trật tự của thế giới lại được sắp đặt. Thế nên thuyết về sự đầu thai dạy rằng, thực ra sự khác biệt giữa động vật và con người chỉ là tạm thời mà thôi, bởi vì tâm hồn một con người, sau khi chết, có thể nhập vào thể xác của một con vật và đôi khi thậm chí nó có thể đi theo con đường ngược lại (linh hồn con vật nhập vào thể xác của con người).

Quá trình đi từ cơ thể người sang cơ thể con vật ấy thường được xem như một thử thách, một sự trừng phạt vì những tội lỗi mà người ta đã phạm phải trong suốt đời người: Nếu một con người ăn ở một cách ô nhục hoặc độc ác, tâm hồn anh ta sẽ sống trong thể xác một con lợn hoặc một con sói. Bài học khủng khiếp, phải chịu sự thú vật hóa sẽ khiến cho một số linh hồn tự thanh
lọc, một ngày nào đó sẽ tìm lại được sự lớn lao của linh hồn con người. Cuộc giải phóng ấy sẽ diễn ra sau cái chết của con vật mà linh hồn đã cư trú trong thể xác của nó, và khi đó có sự hóa kiếp mới, nghĩa là một sự phục sinh. Truyền thống của nhiều dân tộc phương Đông tin vào sự đầu thai. Nhưng những tôn giáo có kinh sách, những tôn giáo bắt nguồn từ Kinh thánh, khẳng
định rằng có một Thượng đế duy nhất, lại không mảy may thích ý tưởng này.

Họ cho rằng, ý tưởng đó làm tổn hại đến tính duy nhất và phẩm cách mà mỗi cá nhân con người sở hữu, dù họ đức hạnh hay xấu xa thế nào chăng nữa. Có một hậu quả nghiêm trọng cho những ai tin vào sự qua lại này của những linh hồn. Họ có thể luôn tưởng tượng, khi đối diện với một con vật, rằng con vật này là sự hóa kiếp của một cụ cố hoặc của một người nào đó được yêu mến đã qua đời. Khi đó người ta nhìn những động vật này hoàn toàn khác không phải như những sinh thể xa lạ, hạ đẳng, mà như những người thân và những người bất hạnh, gợi lên tình đoàn kết và lòng xót thương. Chính một số người Hy Lạp cổ đại, những người chay tịnh, đã đưa ra lý lẽ như vậy để từ chối ăn thịt, thậm chí cả cá. Bởi sợ mình ngốn mất ông bà tổ tiên hoặc bạn bè, nên người ta cần phải kiêng hoàn toàn thức ăn từ thịt, cấm tiệt việc giết thịt để ăn.

Tuy nhiên hãy chú ý, ta có thể thừa nhận linh hồn ở động vật như là những triết gia Kitô giáo, những môn đệ của Aristote từng thừa nhận, mà không cần tin vào sự hóa kiếp! Trong toàn bộ lịch sử tư tưởng phương Tây, người ta đã phê phán quan niệm đầu thai của những linh hồn, bởi vì dù sao nó cũng đặt những sinh vật là người và những sinh vật không phải là người trên cùng một mặt bằng, từ đó mà ngăn cản chúng ta coi động vật như những phương tiện do tự nhiên hoặc Thượng đế ban cho để ta tùy ý sử dụng.

Nếu tin vào sự đầu thai, làm sao ta có thể tiếp tục khiến những con vật làm việc, giết thịt chúng để ăn; làm sao đi săn, câu cá, tổ chức những trò chơi mạo hiểm [với chúng] hay nhốt chúng lại cho được? Để kết thúc những niềm tin mà ông thấy là phi lý và nguy hiểm đối với việc tạo ra sự sung túc cho con người, Descartes, một triết gia người Pháp thế kỉ 17, đã quyết định xây dựng một phương pháp tư duy giải phóng con người, cải thiện cuộc sống của họ và làm cho họ hạnh phúc bằng cách cho phép họ, mà không e sợ, trở thành những người chủ và người sở hữu tự nhiên. Vì thế triết gia vĩ đại này cho rằng, cách duy nhất để dẹp bỏ việc gán linh hồn cho con vật và niềm tin vào sự đầu thai là cứ cho rằng những con vật chẳng là gì hơn, hoặc chẳng là gì khác những cỗ máy cơ giới rất phức tạp, và chúng chẳng nhận được từ Tạo hóa bất cứ loại linh hồn nào, nên chúng chẳng có tình cảm và tư tưởng cũng không nốt.

Giả thuyết này đã sinh ra một cuộc cách mạng lớn trong cách lý giải về những sinh vật, nó cho phép khoa học và kỹ thuật thực hiện những bước tiến rất lớn. Nhưng một số người, trong đó có những người yêu mến các con vật thì lại phẫn nộ trước một giả định như vậy, và họ cho rằng giả thuyết đó ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ của chúng ta với động vật. Chúng có nói năng không? Điều duy nhất chắc chắn, đó là chúng không nói được như chúng ta, với những lời lẽ phức tạp tạo thành bởi từ và câu. Vậy còn con vẹt thì sao? Đó đúng là một câu hỏi thú vị. Nhưng không, con vẹt và con yểng cũng không nói được, bởi chúng không tư duy về điều chúng nói trước khi nói hoặc vào thời điểm nói như chúng ta vẫn làm. Chúng chỉ nhắc đi nhắc lại cùng một điều, chúng bắt chước lời nói của con người, như Descartes từng nói.

Trong khi chúng ta, những con người, chúng ta có khả năng phản ứng tức thời. Khi một tình huống mới xuất hiện, chúng ta có thể tìm thấy những từ ngữ để hiểu tình huống đó hoặc báo cho những người khác biết. Không cần thiết phải bàn luận lâu hơn nữa, bởi vì điều đó hiển nhiên đến nỗi phản đối chuyện này sẽ là ngu ngốc thực sự. Nhưng điều đáng để tranh luận nghiêm túc chính là vì những động vật không có lời nói được cấu âm, liệu có phải vì thế mà có thể cho rằng chúng không có tư duy? Liệu chúng ta có chấp nhận ý kiến của Descartes rằng, làm
gì có tư duy của loài vật khi không có ngôn ngữ của loài vật? Chúng ta thấy rằng, triết gia này đã không thừa nhận chút xíu nào linh hồn ở những con vật, và ông xem chúng như những cỗ máy.

Dẫu sao, vẫn cần phải công nhận rằng học thuyết của ông có ích. Vào thế kỷ 17, nó đã thúc đẩy các công trình của các nhà khoa học, bằng cách loại bỏ thứ khoa học dựa trên niềm tin vốn ngăn cản việc tiến hành những thí nghiệm y học trên sinh vật. Nhưng đương thời, học thuyết ấy tỏ ra thiếu lương tri, và nó đã bị La Fontaine phê phán. La Fontaine phủ nhận việc so sánh một con chó với một cái đồng hồ vận hành được nhờ hoạt động của những cái lò xo đơn giản. Những mưu mẹo tài tình của con hươu để thoát khỏi người thợ săn đang cưỡi ngựa đuổi theo; Kỹ thuật mà gà gô thực hiện sự giả vờ nhằm đánh lạc hướng kẻ nào đến gần ổ gà con: Nó bay lên rồi đậu xuống đất và chạy cứ như nó bị thương, trước khi lại bay lên vào lúc người ta tưởng rằng sắp bắt được nó; Sự khéo léo của những con hải ly khi chúng giúp nhau xây dựng các con đập thực sự trên dòng nước; Tất cả những câu chuyện thật về các kỳ tích được động vật hoàn thành chứng tỏ rõ rằng, như La Fontaine nói, con vật có thể thông minh và bởi vậy chúng có một dạng tư duy nào đó

“Chuyện loài vật rành rành ra đó
Vẫn có người quả quyết với tôi:
Mấy con vật ấy đáng gì
Chỉ là cầm thú, chẳng đầu óc chi
Giá như tôi được làm thầy
Dạy cho chúng biết lẽ thường điều hay
Thì bọn chúng khác nào bọn trẻ
Biết nghĩ suy khi mới nhóc tì.”
(Trích từ bài ngụ ngôn Hai con chuột,
con cáo và quả trứng của La Fontaine)

Nhà thơ (La Fontaine) có thể trích dẫn từ một triết gia Hy Lạp, Porphyre, người đã khẳng định rằng mỗi loài động vật có một ngôn ngữ riêng. Có nhiều ngôn ngữ động vật, ông nói, ngôn ngữ của bò, chó, ngựa, chim, cũng như có nhiều ngôn ngữ loài người: Tiếng Hy Lạp, tiếng Ấn Độ, tiếng Scythe, tiếng Syrie. Và giống chúng ta “lơ ngơ như vịt nghe sấm” khi nghe người khác nói
một thứ tiếng nước ngoài mà mình không biết, chúng ta cứ tưởng rằng những con vật không có ngôn ngữ, bởi vì ta không hiểu những tiếng kêu của chúng. “Giống như những con quạ khẳng định rằng chẳng có ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của chúng, và tuyên bố với chúng ta rằng chúng ta thiếu lý trí bởi vì những gì chúng ta nói là vô nghĩa đối với chúng.”

Thực ra, mọi cuộc tranh cãi như vậy giữa các triết gia đều xoay quanh chuyện lý trí: Người này nói rằng con vật có một chút lý trí hoặc thậm chí rất nhiều, người khác thì nói rằng chúng chả có chút lý trí nào. Nhưng lý trí mà chúng ta rất ư tự hào đó là gì? Nó cho phép chúng ta thống trị tự nhiên và cải thiện hoàn cảnh sinh hoạt của con người, bằng cách chăm lo cho họ khi
họ đau ốm, giảm bớt sự lao lực của họ, dự đoán tương lai. Tuy nhiên, sự làm chủ tự nhiên ấy làm tổn hại nhiều đến các loài động vật, và đôi khi nó quay sang chống lại chính con người. Chính vì vậy chúng ta sẽ thống nhất, ít ra tôi hy vọng như vậy, rằng cuộc tranh luận liên miên giữa các triết gia thuộc các thời đại khác nhau, về chủ đề tư duy và ngôn ngữ, là một cơ hội tuyệt vời để
chúng ta hết tự cao tự đại về sự siêu việt của mình; cho dù điều đó [sự khác biệt của con người] là rõ ràng, nhưng đây cũng là cơ hội để suy nghĩ về cách thức sao cho chúng ta có thể sử dụng tốt hơn quyền lực của con người. Chẳng hạn, chúng ta hãy tự hỏi xem điều gì đang diễn ra trong đầu con vật này hoặc con vật nọ đang sống cùng chúng ta, hoặc đang bị chúng ta sử dụng khả năng. Tuy vậy, tôi khuyên các kỵ sĩ và những người đang muốn làm kỵ sĩ, để đặt ra câu hỏi siêu hình như vậy thì cần phải xuống ngựa và nhất là không thắc mắc như vậy vào lúc thắng yên, đóng cương hoặc đưa chân vào bàn đạp!

Điều cho phép vứt bỏ hẳn học thuyết về những con vật–máy, đó là những tiến bộ kỳ diệu trong nhận thức về loài linh trưởng. Bởi người ta có thể dạy cho những con khỉ, tinh tinh, đười ươi và những con khỉ bonobos nhỏ giao tiếp bằng ngôn ngữ của chúng ta, mặc dù chúng không bao giờ có thể nói được như chúng ta do cấu tạo thanh quản không cho phép. Người ta dựa trên khả năng của khỉ để tạo ra các cử chỉ, và người ta dạy chúng ngôn ngữ Ameslan (viết tắt là ASL) – ngôn ngữ dành cho người câm điếc Bắc Mỹ.

Một con tinh tinh cái chín tháng tuổi tên là Washoe, được các nhà nghiên cứu nuôi dạy, đã có thể học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ. Sau ba năm, nó đã có một vốn từ vựng 68
dấu hiệu, và đạt được tới 150 từ, tiến tới tạo câu. Nhưng có ba sự khác biệt quan trọng giữa việc học của những con khỉ ấy với việc học của những đứa trẻ. Trước hết, việc học của những con khỉ chậm hơn nhiều. Sau nữa, bắt đầu từ ba tuổi, tập hợp các cử chỉ tương ứng với các từ ở trẻ sẽ nhiều hơn gấp bội so với ở khỉ. Cuối cùng, khỉ chỉ sử dụng những cử chỉ
mà người ta dạy cho chúng để yêu cầu điều gì đó cụ thể, trong khi trẻ nhỏ dùng cử chỉ để tìm hiểu về thế giới.

Chúng ta sẽ thâu tóm vấn đề bằng cách nói rằng có ngôn ngữ loài vật, cho phép những con vật biểu lộ cảm xúc của chúng và trao đổi thông tin, nhưng những ngôn ngữ ấy rất hạn chế, giống như việc những con tinh tinh, khỉ gorilla và bonobos học tiếng người vậy.

 

Chúng có đau khổ không?

 

Thỉnh thoảng khi chăm sóc con Papillon, con ngựa kéo xe, hoặc khi quan sát người ta vắt sữa, vắt bằng tay, tất nhiên rồi, chứ không phải bằng máy, ba con bò cái láng giềng của tôi, tôi thấy dường như chúng hài lòng, tôi bỗng thấy công phẫn trước các nhà siêu hình học, ít ra là phẫn nộ trước các nhà siêu hình rất có hệ thống đến độ ngu dốt, phủ nhận việc động vật có thể biểu lộ sự
thích thú và nỗi đau. Descartes vĩ đại của chúng ta là một trong những kẻ “có hệ thống” như vậy. Bởi vì ông khẳng định rằng, một cỗ máy không thể cảm thấy gì (và, về điểm này, tất cả những người biết lẽ phải trái sẽ đồng ý với ông), nhưng ông bổ sung rằng những con vật là những cỗ máy và kết cục là chúng không cảm thấy gì hết (và, về điểm này, cũng những người biết lẽ phải trái đó sẽ không chấp nhận lý lẽ của ông).

Nhưng một học trò của ông là Malebranche còn “hậu sinh khả úy” hơn. Ở một trong những đối thoại triết học, nhà triết học này đã dựng cảnh hai người đối thoại. Người thứ nhất nói: “Nếu tôi đâm vào cẳng con chó này, nó sẽ rụt cẳng lại ngay lập tức. Tôi kết luận rằng nó có một linh hồn và nó cảm thấy đau”. Người thứ hai (chính là người phát ngôn cho Malebranche) bác bẻ rằng
con chó rụt chân lại một cách máy móc, nhờ vào cái lò xo ở bên trong nó. Người thứ nhất nhấn mạnh: “Nhưng con chó này kêu, nó than, chứng tỏ chắc chắn rằng nó đau”. Người thứ hai trả lời: “Đó là một bằng chứng chắc chắn rằng nó có phổi và không khí thổi qua đó hẳn là mạnh lắm, thế thôi.”


Nhiều nhà bác học tiếp tục tư duy theo lối tàn nhẫn như vậy, bởi vì họ được lợi. Sẽ lợi hơn khi không đặt ra những câu hỏi về điều gì diễn ra bên trong một con vật khi ta thực hiện những thí nghiệm tàn nhẫn, như giải phẫu sống chẳng hạn. Ngày nay vẫn còn những nhà nghiên cứu làm thí nghiệm trên động vật, hoặc các nhân viên lò mổ, thay vì thú nhận rằng mình chẳng biết gì, nhất là chẳng tưởng tượng gì, họ lại khẳng định rằng động vật không cảm thấy gì bởi vì nó không cảm nhận được như chúng ta. Cách đây vài năm, người ta đã bao biện với cùng lập luận ấy việc phẫu thuật cho trẻ sơ sinh mà không gây tê.

Họ khẳng định rằng chúng không cảm nhận được gì bởi vì chúng không ý thức được điều mà chúng cảm thấy và không thể nói ra điều đó. Cứ như thể bằng tiếng kêu, tiếng rên rỉ của mình, những con vật chẳng phàn nàn gì về nỗi đau thể xác, ngay cả khi chúng bị bỏ rơi, bị nhốt, bị sập bẫy, bị cách ly với con cái, chịu những nỗi đau tinh thần. Cứ như thể tiếng nói của
chúng chẳng biểu đạt điều gì. Cứ như thể chúng không cảm thấy lo âu: hãy thử nhìn một con chó trong phòng đợi của bác sĩ thú y xem và ta sẽ hiểu! Không, đâu phải chỉ riêng con người mới ốm đau bệnh tật, hơn nữa, khả năng trao đổi lời nói cho phép chúng ta chia sẻ và đôi khi vượt lên cảnh khốn quẫn của mình. Một con vật, chẳng gì có thể an ủi nó, trừ phi, trong một số trường hợp, có được sự vuốt ve của một bàn tay yêu thương.

Đau đớn, im lặng, cô đơn, đó là số phận của nó khi nó hoàn toàn ở trong tình cảnh bị khuất phục, bởi cuộc tấn công không thể chịu đựng nổi đến từ những bộ phận cơ thể bị bệnh hoặc từ
bạo lực bên ngoài. Và nó không thể chạy trốn bởi đó là cơ thể của riêng nó, cơ thể ấy phải chịu đựng sự đau đớn không thể hiểu nổi này, cái cơ thể mà, thực sự, nó không thể từ bỏ. Ngược lại, dĩ nhiên, những con vật cảm nhận được sự thoải mái và tất cả các loại thú vui, thậm chí cả niềm vui, chí ít là ở những con vật không bị nuôi hoặc nhốt trong những điều kiện khiến cho chúng thà chết còn hơn là sống.

Thực ra, điều mà nhiều nhà tư tưởng và nhà nghiên cứu phủ nhận ở những con vật đó là tính nội tâm, việc chúng có một mối quan hệ với bản thân, đồng thời quan hệ với hoàn cảnh xung quanh hoặc với thế giới của chúng. Họ khẳng định rằng, những ai thừa nhận năng lực cảm giác ở những con vật đều bị rơi vào nhân hóa luận – họ tìm kiếm sự tương tự giữa các con vật với con người – và cách tư duy ấy chẳng dẫn đến cái gì là khách quan cả. Chính họ mới là những con vật thô lậu! Và ngay khi bắt đầu chia sẻ với bạn suy tư của mình, tôi đã bảo chúng ta cần đề phòng việc nhân cách hóa một cách thái quá những con vật bao nhiêu thì giờ đây, khi gặp phải sự phủ nhận nỗi đau của chúng, tôi nghĩ rằng một chút đồng nhất kẻ kia với con vật cũng chẳng hại gì đến tư duy hay công lý.

Thực ra, cái thiếu ở họ, những con người lạnh lùng vớinhững gì không liên quan tới mình, họ và những cái thuộc về họ, chính là sức tưởng tượng cho phép họ đặt mình vào địa vị kẻ khác, vào một thực thể sống khác và cảm nhận được điều mà chúng cảm nhận. Một nhà văn thế kỷ 18, Karl Philipp Moritz, nhân đề tài về một cậu thiếu niên, kể lại rằng “Cậu thường ngồi suốt cả giờ đồng hồ để nhìn kỹ, chẳng hạn, một con bê, ngắm nghía cái đầu, cái tai, cái mõm và lỗ mũi của nó; cậu đến gần nó nhất có thể, sờ vào nó, cứ như cậu chưa hề biết, và đôi khi cậu miên man đến mức tự nhủ rằng chẳng biết mình có thể bằng tư duy, dần dần thâm nhập vào thực thể sâu kín của con vật ấy không nhỉ. Mọi nỗ lực của cậu là để cố hiểu sự khác biệt vốn chia cắt cậu với con vật và, ở một số thời điểm, cậu cũng đã đắm chìm vào việc quan sát con vật ấy đến mức cậu thực sự tin là mình đã sống trong một khoảnh khắc ngắn ngủi cuộc đời bí mật của tạo vật này”.

 

Ta có quyền đòi công bằng cho chúng không?

 

Gần như mọi nhà triết học đều nhất trí không cho những con vật các quyền như những quyền mà ta đã biết ở con người. Lý lẽ của họ cũng dễ hiểu: Những con vật không nhận thức được sự khác biệt giữa thiện và ác, và hơn nữa, không có ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ cho phép chúng ta thảo ra các hợp đồng, cam kết với nhau về những điều ràng buộc, chúng không can dự vào cái mà ta gọi là luật pháp.

Tuy nhiên, một số triết gia và nhiều nhà văn đã chống lại kiểu chỉ giành quyền cho con người đầy bất công như thế. Và lý lẽ của họ không kém phần nặng ký so với lý lẽ của các đối thủ. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là phải lật lại các vụ án thời Trung cổ, vào giai đoạn mà người ta coi những con vật cũng phải chịu trách nhiệm về các hành động của chúng, và người ta đưa chúng ra trước tòa nếu chúng làm bị thương, làm chết người hoặc làm hư hỏng tài sản của họ. Ngược lại, vấn đề là nhận thức được mối liên hệ đó có tính chất một chiều, không hề có đi có lại. Từ đó ta sẽ tự hỏi phải chăng, dù có thế nào thì luật pháp cũng không được coi là có chức năng bảo vệ những con vật và cấm chúng ta đối xử với chúng một cách tùy thích khi mà những kẻ độc ác không thấy nguy cơ bị trừng phạt.

Trước hết, những triết gia tốt bụng và độ lượng ấy cho rằng không phải vì sự thiếu ý thức, thiếu ngôn ngữ, hoặc thiếu sự phân biệt thiện với ác của động vật mà chúng ta được quyền tước đi của chúng một sự bảo vệ bằng luật pháp. Bởi vì động vật cảm nhận được ý muốn và nỗi đau, chúng thích sự thoải mái và cũng biết đau khổ khi bị đối xử tồi tệ, và thực sự, đó là điều duy nhất quan trọng đối với chúng. Tiếp nữa, thậm chí ngay cả khi chúng không thể bắt chúng ta phải hứa hẹn cho chúng các quyền, thì chẳng phải người ta vẫn nói rằng, hoàn cảnh của chúng giống như hoàn cảnh của trẻ nhỏ và tất cả những người ốm đau bệnh tật, không thể quyết định bằng tâm hồn và ý thức của mình đó sao?

Những con người mong manh ấy thực ra bị cấm đoán, khi cần, bởi những người giám hộ. Thế nên trong nền luật pháp của các nước phương Tây, pháp luật đã đưa ra một sự bảo lãnh tương tự đối với các con vật. Các hội bảo vệ động vật thực thi sự giám hộ bằng cách yêu cầu quan tòa trừng phạt các tội danh, thậm chí rất nặng, dành cho những người gây đau đớn cho những con vật. Chính những nhà văn đồng thời là nhà dân chủ vĩ đại, vào thế kỉ 19, đã giành được các quyền cho động vật, bởi vì họ coi đó là phần bổ sung cần thiết cho quyền con người. Những người tử tế đó mang tên Michelet, Victor Hugo, Victor Schoelcher.

Nhưng nếu ta muốn đi xa hơn, làm tốt hơn nữa, ta sẽ vấp phải những vấn đề rất khó rạch ròi. Chẳng hạn, chỉ cần dừng lại ở những con vật trong trang trại thôi, thì cần một quyền đặc thù đối với mỗi loài: Ta không thể bảo vệ những con bò cái theo cách bảo vệ những con gà mái. Mặt khác, nhờ có khoa tập tính học và khoa di truyền học, càng có những hiểu biết về thói quen của
một loài, ta càng khám phá ra những cách hiệu quả hơn để chăm lo cho sự thoải mái của những con vật thuộc loài đó: trong suốt cuộc đời của chúng và ở thời điểm mà ta cần giết mổ. Vì thế trước hết luật pháp phải tính đến những đặc thù, mà điều đó lại chống lại tinh thần luật pháp, vốn áp đặt chỉ một quy tắc duy nhất và cùng nhau cho tất cả. Tiếp đó, với sự tiến bộ của tri thức, cần phải sửa đổi luật. Bởi vậy, sự tương đối ấy của một điều luật thuận theo sự đa dạng của các loài động vật thật khó mà hợp với những quyết định pháp lý, nói chung vốn thường không tính đến những khác biệt. Tuy nhiên, khó khăn ấy không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ ý tưởng về quyền cho loài vật, và trước hết, một quyền cho những con khỉ gần gũi với con người nhất, những con tinh tinh, khỉ gorilla, đười ươi, tinh tinh lùn, những sinh vật có con mắt nhìn chúng ta với một sự tò mò, lo âu, và đôi khi có một sự thân ái gần như con người vậy.

Còn những con vật hoang dã thì sao? Người ta nói với chúng ta rằng những con khỉ lớn, voi, hà mã, tê giác, nếu không trông chừng, chúng sẽ sớm biến khỏi bề mặt Trái đất. Nhưng một sự bảo vệ mang tính pháp lý chăm lo cho gia súc gia cầm (những con vật nuôi do con người thuần hóa, sống với con người hoặc sống gần chúng ta), là cần thiết bao nhiêu, thì hệ thống ấy cũng mất đi ý nghĩa bấy nhiêu, khi đó là những con vật hoang dã. Tuy vậy, cần phải đặt ra một rào cấm giữa những con vật bất hạnh ấy với các cư dân khốn khổ, những người giết động vật để nuôi sống bản thân hoặc buôn bán. Và chính vì thế, người ta đã có ý tưởng đưa động vật hoang dã vào di sản của nhân loại và bảo vệ chúng như bảo vệ những công trình hoặc những thành phố cổ: lúc đó sẽ không ai có quyền tiêu diệt, mua bán chúng. Chẳng phải vì chúng là một trong những di sản mà chúng ta không được phép phung phí và có nghĩa vụ phải truyền lại nó cho con cháu mình từ đời này sang đời khác đó sao?

Các bạn hãy đọc và suy ngẫm những ý kiến sau:

“Vậy mà học trò của Pythagore và của Empédocle lại tuyên bố rằng tồn tại không chỉ có một sự đồng nhất của những con người với nhau, của con người với các vị thần, mà còn có một sự đồng nhất của con người với các con vật còn giữ nguyên tính chất vật. Bởi vì có một tinh thần duy nhất, nó thẩm thấu, theo cách của một linh hồn, vào toàn bộ cuộc sống này và liên kết chúng ta với thần linh và con vật.” Sextus Empiricus (nhà triết học Hy Lạp theo chủ nghĩa hoài nghi sống khoảng thế kỷ thứ 3 sau CN)

Người ta kể rằng một hôm, lúc đi ngang qua một người đang ngược đãi con chó của mình, đầy lòng trắc ẩn, ông thốt lên thế này: “Đừng đánh nó nữa! Ta đang nghe thấy linh hồn nó, linh hồn của một bằng hữu mà ta có thể đã quen qua âm thanh giọng nó.”” Xénophane, về Pythagore (Xénophone, nhà triết học Hy Lạp, 570–475 trCN và Pythagore, nhà triết học và toán học Hy Lạp, sinh khoảng 570 trCN)


“Khi con người không cưỡng lại xung động trắc ẩn trong lòng mình, thì anh ta sẽ chẳng bao giờ làm hại người khác, thậm chí cũng chẳng bao giờ làm hại một sinh thể có cảm giác nào khác. [...] Thực vậy, dường như nếu tôi bị buộc không được làm hại đồng loại của mình, thì chẳng phải vì đó là một sinh thể có lý trí, mà lý do nhiều hơn là vì sinh thể ấy có cảm giác – phẩm chất mà cả con vật và con người đều có, nó khiến cho kẻ này có quyền không bị kẻ kia ngược đãi một cách vô lý.” Rousseau (nhà triết học Pháp, 1712–1778)

“Một sự tôn trọng nhất định và một nghĩa vụ chung của nhân loại gắn kết chúng ta không chỉ với những con vật vốn có cuộc sống và tình cảm, mà còn với cả cỏ cây. Chúng ta cần công lý cho con người, và cần thiện ý cũng như sự nương nhẹ đối với các tạo vật khác, vốn cũng có khả năng như vậy. Có một mối liên hệ nào đó giữa chúng và chúng ta, một sự ràng buộc lẫn nhau nào đó. Tôi chẳng ngần ngại nói về sự tử tế trong bản chất của tôi, nó trẻ thơ đến mức tôi không thể khước từ con chó của mình khi nó dành cho tôi hoặc yêu cầu tôi một sự vui vẻ không đúng lúc.” Montaigne - (Michel de Montaigne, nhà triết học Pháp, 1533–1592)

“Nếu mang ra so sánh thì một con ngựa, hoặc một con chó trưởng thành, là một sinh thể có lý tính và hóng chuyện nhiều hơn một đứa trẻ mới chào đời một ngày, một tuần hoặc thậm chí một tháng. Tuy nhiên, giả định rằng nó là một con vật khác, thì điều đó thay đổi được gì? Vấn đề không phải là chúng có thể lập luận hay nói năng hay không, mà là: CHÚNG CÓ ĐAU KHỔ KHÔNG?” Jeremy Bentham (Luật gia và nhà triết học Anh 1748–1832)

Các bạn hãy thảo luận:
1. Cuốn sách Khi con vật nhìn ta nói về đề tài con vật, hay nói về các sinh thể nói chung? Mỗi bạn chọn trích một câu văn hoặc một chi tiết để chứng minh ý của mình.
2. Tình yêu với động vật hoặc với các sinh thể có thể dựa trên cơ sở mê tín không? Nó phải dựa trên cơ sở gì thì mới chắc chắn?
3. Cuốn sách nói đến con vật nhìn ta hay ta nhìn con vật hay là cả hai bên nhìn nhau? Từ “nhìn” ở đây có thể thay thế bằng những từ nào có chứa đựng cùng ý nghĩa?
4. Các bạn quan sát lối sống hiện thời liên quan đến cách đối xử của con người với môi trường và tự rút ra bài học gì?
5. Hãy chọn một ý kiến của một nhà tư tưởng được dẫn bên trên và cùng phân tích xem ý đó sai đúng tới đâu? Ý kiến đó dẫu sao vẫn đem lại bài học gì trong cuộc sống hiện thời?

Viết tiểu luận:
1. Mời các bạn tự chọn một đề tài vừa thảo luận và viết ý kiến của bạn xoay quanh điều bạn thấy thú vị hơn cả.
2. Hãy chọn một ý kiến của một nhà tư tưởng dẫn bên trên làm gợi ý và viết cảm nghĩ hoặc nhận thức của bạn.
3. Cuốn sách Khi con vật nhìn ta gợi cho bạn ý nghĩ gì liên quan đến việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta hiện nay?

 Hoàng Thanh Thủy dịch

Trích Dẫn Từ Cuốn Sách Tiếng Việt 9, Thuộc Dự án Sách Mở của nhóm Cánh Buồm

Tags: