Khi bạn cần
Khi bạn cần "deep": 7 bộ phim triết học nên xem cho kì nghỉ lễ
Học triết học qua phim. Tại sao không? Read Station xin giới thiệu 7 bộ phim mang đậm tính triết học, được đề cử bởi 7 giáo sư triết học hàng đầu thế giới hiện nay, bàn luận về 7 câu hỏi triết học cốt lõi của mọi thời đại, như: Làm sao để thực hiện điều đúng đắn? Một cuộc đời tươi đẹp là như nào? Cái “tôi” có thực sự tồn tại?...

Học triết học qua phim. Tại sao không? Read Station xin giới thiệu 7 bộ phim mang đậm tính triết học, được đề cử bởi 7 giáo sư triết học hàng đầu thế giới hiện nay, bàn luận về 7 câu hỏi triết học cốt lõi của mọi thời đại, như: Làm sao để thực hiện điều đúng đắn? Một cuộc đời tươi đẹp là như nào? Cái “tôi” có thực sự tồn tại?...

 

Giữa một xã hội ngày càng bấn loạn, việc cố giữ cho tâm mình không bấn loạn theo là một điều vô cùng quan trọng. Và cá nhân Read Station thấy một trong những cách hữu hiệu để làm được điều đó là hãy quay sự chú ý của tâm trí vào bên trong và tự vấn bản thân bằng những câu hỏi triết học. Chúc mọi người có một kì nghỉ lễ vui vẻ và “sâu sắc”. P.S: Các bạn “mọt phim” có thể chia sẻ thêm cho các bạn “mọt sách” những bộ phim đáng giá để xem trong kì nghỉ lễ 4 ngày sắp tới được không?

Tôi xem phim nên tôi tồn tại: 7 bộ phim dạy chúng ta những bài học triết học cốt lõi

 

Làm sao chúng ta có thể thực hiện điều đúng đắn?

1. Bất khả kháng (Force Majeure)

 

 

Nếu bạn sống ở Đức những năm 1939, liệu rằng bạn sẽ giúp đỡ, bảo vệ những người Do Thái hay sẽ thuận theo hệ thống triệt tiêu họ? Nếu bạn từng ở Nghị viện Anh 10 năm trước, liệu rằng bạn có lạm dùng công quỹ vào việc tư lợi? Và nếu bạn và gia đình mình đối mặt với mối nguy hiểm, liệu rằng bạn có bảo vệ họ hay chỉ cứu bản thân mình?

 

Tất cả chúng ta đều thích nghĩ rằng trong những tình thế đó, sự tử tế thiết yếu sẽ bộc lộ, nhưng chúng ta có thể không bao giờ biết được. Đây là đề tài trọng tâm của bộ phim Bất khả kháng (Force Majeure), trong đó kể vê một trận lở tuyết bất ngờ đe dọa một gia đình người Thụy Điển đang thưởng thức bữa trưa trên tầng thượng của khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sang trọng. Người chồng và người cha, Tomas, thất bại trong bài kiểm tra này. Thay vì cố gắng che chở vợ và con, anh ấy đã bỏ chạy, lại còn không bỏ quen chiếc điện thoại thông minh quý giá của anh ta.

 

Sau thảm họa, một vài nhân vật khác cố để biện hộ cho anh ấy. “Trong những tình thế như vậy, bạn không phải lúc nào cũng nhận thức được bạn đang làm gì,” một người nói. “Bạn cố gắng để sống sót.” Aristotle sẽ không thỏa mãn với những lời bào chữa nhằm bảo vệ cho Tomas. Ông ấy sẽ khăng khăng rằng chính trong những giây phút đó, Tomas bộc lộ nhân cách của anh ta.

 

Aristotle thấu hiểu rằng chúng ta hiếm khi có thời gian hoặc cơ hội để ngồi lại và suy nghĩ xem điều tốt nhất để làm trước khi hành động. Thực ra, một người tốt không bắt buộc phải làm việc này. Để trở thành người tốt bạn phải thực hành sự tốt đẹp bằng việc nuôi dưỡng những thói quen tốt. Chỉ sau đó, bạn mới tự tìm thấy bản thân mình làm điều đúng đắn một cách gần như là tự nhiên. Nếu bạn thực hành suy nghĩ về việc bạn muốn trở nên thế nào và làm những điều cần thiết để trở thành người như vậy, thì khi được “kiểm tra”, bạn sẽ có thể làm điều đúng đắn mà không cần suy nghĩ.

 

Chúng ta có thể cho rằng Tomas chỉ có một khoảnh khắc điên rồ khi bản năng sinh tồn nguyên thủy trỗi dậy, nhưng vợ anh ta, Ebba, thực sự mới là người hiểu biết rõ hơn, và chúng ta cũng thế. Những việc anh ấy làm là vì anh ấy yêu bản thân và chiếc điện thoại nhiều hơn yêu gia đình mình. Chúng ta có thể bắt gặp điều này ngay trong chi tiết nhỏ nhặn của cuộc sống thường ngày.

 

Chẳng hạn, trước khi xảy ra biến cố bất ngờ, Ebba hỏi anh ấy từ trong phòng tắm liệu có phải anh ta đang hí hoáy với chiếc điện thoại không thì anh ta nói dối là “Không”. Việc này tự nó chẳng phải là tội ác kinh khủng, nhưng Aristotle chắc hẳn sẽ nói rằng đó chỉ là một phần đóng góp nhỏ vào khuôn mẫu hành vi khiến anh ta trở thành 1 kẻ ái kỉ hèn hạ. Mỗi khi anh ấy chọn nói dối thay vì tự thú nhận với bản thân và những người khác rằng mình quá bị ám ảnh với chiếc điện thoại, anh ta lại trở nên ích kỷ hơn một chút.

 

Bất khả kháng cho chúng ta thấy những gì Aristotle đã nói từ lâu: những sự kiện không ai lường trước xảy ra, “những hành động của Chúa” đến ngẫu nhiên mà không ai chủ đích. Nhưng cách chúng ta phản ứng lại với chúng thì không ngẫu nhiên, và trách nhiệm với những việc đó được chia đều lên đôi vai của tất cả chúng ta.

Người đề cử: Julian Baggini, triết gia người Anh. Ông có viết nhiều cuốn sách triết học dành cho đại chúng, và là tổng biên tập của The Philosophers' Magazine.

 

Điều gì khiến cuộc sống trở nên đáng để sống?


2. Đó là một cuộc sống kì diệu (It's A Wonderful Life)

 

 

Nhiều bộ phim khám phá câu hỏi, “Điều gì khiến cuộc sống của con người tốt đẹp?” Đó là một cuộc sống kì diệu (It’s a Wonderfull Life) của Frank Capra, tác phẩm Giáng sinh cảm động kinh điển được mọi người yêu thích, đối mặt với câu hỏi một cách trực tiếp, với cả những kết quả có thể dự đoán cũng như nằm ngoài mong đợi.

 

Bắt đầu với kết quả có thể dự đoán đầu tiên: câu hỏi muôn thuở rằng liệu một cuộc sống đạo hạnh cũng tốt đẹp theo nghĩa là nó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc được trả lời một cách dứt khoát. Nhân vật James Stewart, do George Bailey thủ vai, có được một cuộc đời tươi đẹp như trong tên phim bằng việc hy sinh những dự định và tham vọng của chính anh ấy cho lợi ích của gia đình mình và những thành viên nghèo khó hơn trong cộng đồng. Theo bộ phim, điều tốt đẹp về cuộc sống đạo đức tươi đẹp chính là cách mà nó kết nối bạn với những người khác.

 

Nhưng ở một cấp độ sâu sắc hơn một chút, bộ phim đưa ra nghi vấn nổi tiếng của Socrate – rằng một cuộc sống không suy nghiệm thì không đáng để sống – có thể là đúng. Bởi vì thứ cứu vớt Bailey khỏi việc tự sát là cơ hội để suy sét lại cuộc sống của anh, bằng phương pháp triết học của một thử nghiệm giả tương: “Cậu đã có được một năng lực thiên phú, George. Một cơ hội để nhìn xem thế giới sẽ ra sao mà không có cậu.”

 

Bộ phim gợi ý rằng nếu anh ta không được cho cơ hội đó, anh ấy có thể sẽ tự sát. Nhưng nếu anh ấy làm thế, cứ tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu anh chưa từng được sinh ra, thì liệu chúng ta, khán giả theo dõi, có vẫn phán xét xem cuộc sống của anh ấy có tuyệt vời không? Và nếu chúng ta không làm thế, thì liệu bộ phim có cho chúng ta thấy rằng cuộc sống con người không thể tốt đẹp trừ khi người đang sống nghĩ về điều đó và biết được cuộc sống có tốt đẹp thực sự không?

Người đề cử: Christine Korsgaard, giáo sư triết học tại đại học Harvard.

 

Liệu điều gì cũng có thể thực sự giải thích được?

3. Ida

 

 

“Rồi sao nữa?” Ida hỏi. Người yêu đã rủ cô bỏ đi thật xa cùng anh ấy. “Thì,” anh ấy nói, “chúng ta sẽ mua một chú chó, kết hôn, sinh con, mua một ngôi nhà.” Nhưng câu hỏi của Ida, lại nữa, tiếp tục là, “Và rồi?” Tất cả những gì anh ấy có thể nói là: “Lẽ thường. Cuộc sống.”

 

Ida là một nữ tu sĩ trẻ tuổi. Trước khi thề nguyền, cô ấy đã được trở lại thế giới và gặp người cô ruột, là người thân còn sống sót duy nhất của cô ấy. Trong suốt bộ phim, cô biết rằng mình là người Do Thái và khám phá rằng cha mẹ mình đã bị sát hại thế nào trong chiến tranh. Người cô ruột là một ủy viên công tố thạo đời, là người xúi giục Ida bỏ làm nữ tu và sống cuộc đời trọn vẹn, nhưng cũng là người chịu đựng gánh nặng từ chính quá khứ của bản thân.

 

Khi người cô ruột tự sát, Ida đã thử hút thuốc lá, uống vodka, đi giày cao gót, nghe nhạc jazz và cuối cùng làm tình với một nghệ sĩ saxophone trẻ tuổi mà cô mới kết bạn. Nhưng như kết thúc của phim, chúng ta thấy cô trở lại với thói quen của một nữ tu, trở lại với tu viện.

 

Nghệ sĩ saxophone ướm lời yêu, về cuộc sống gia đình, về sự mãn nguyện. Với những lần lặp lại “rồi thì sao?” Ida đẩy đến giới hạn của các câu hỏi: “Điều gì khiến một cuộc sống trở nên đáng sống?”

 

Người tình của cô bị đặt vào tình huống khó xử. Và thực ra, sẽ rất khó phải đưa ra câu trả lời thế nào khi mà yêu cầu giải thích được đẩy xe tới mức này. Chúng ta thấy Ida từ chối một cuộc sống của hôn nhân trần tục và chọn một kiểu sống khác về bổn phận đời mình. Cô không giải thích về lựa chọn này.

 

Người tình của cô trả lời rằng: “Cuộc sống”, là từ cuối cùng của bộ phim, tiếp theo chỉ là một bản nhạc của Bach, khi Ida lê bước chậm chạp trở lại nhà tu, ngược lại dòng đời. Khán giả bị bỏ lại tự hỏi rằng liệu sự lựa chọn cuối cùng như thế có thể được giải thích hay biện hộ thỏa đáng được không. Liệu rằng có một câu trả lời sau chót cho câu hỏi của Ida, “Rồi sao nữa”, và nếu vậy, câu trả lời đó sẽ trông như thế nào?

Người đề cử: Ursula Coope, giáo sư triết học cổ đại tại đại học Oxford

 

Liệu chúng ta có là gì hơn những cỗ máy sinh học?

4. Gattaca

 

 

Khi Gattaca được phát hành năm 1997 thì cừu Dolly, con cừu nổi tiếng nhất trong lịch sử và là động vật cú vú đầu tiên được nhân giống từ một tế bào trưởng thành, chỉ mới một tuổi. Dự án gen con người, được hoan nghênh như không kém gì ý nghĩa của việc đưa du hành gia lên mặt trăng, đang được tiến hành khẩn trương nhằm đạt được mục đích lập bản đồ và sắp xếp bộ gen con người. Những phát triển này làm nổ ra những tranh luận đạo đức phổ biến về chủ nghĩa định mệnh qua bộ gene.

 

Liệu những bản sao của một nhà khoa học nổi tiếng hoặc một vận động viên xuất sắc đạt được sự kỳ vọng rằng họ sẽ đạt được những thành quả giống như những người chủ của bộ gen mà họ thừa hưởng, hay chính những kỳ vọng quá lớn ấy sẽ là gánh nặng gây tổn thương tâm lý? Liệu rằng công việc sắp xếp bộ gen người có thể giúp chúng ta nhận biết những gen đem lại trí thông minh cao hơn hay những đặc điểm đáng mơ ước và liệu rằng điều đó ngược lại sẽ dẫn đến sự kỳ thị chống lại những người không có chúng?

 

Có một bộ phim về vấn đề dữ dội này, được lấy tên theo những ký tự đầu tiên của 4 khối cấu trúc cơ bản của ADN. Gattaca miêu tả một tương lai mà ở đó các cha mẹ có thể lựa chọn từ gen của mình để tạo ra những đứa trẻ có gen tốt nhất có thể. Những đứa con này, được coi là “những người hợp lệ”, có được những chỗ đứng tốt trong xã hội. Cốt truyện của phim tập trung vào nỗ lực của Vincent, một “đứa không hợp lệ” đầy tham vọng và được thụ thai theo kiểu cũ, nhằm thoát khỏi định mệnh từ bộ gen là phải trở thành một lao công chứ không phải một phi hành gia.

 

Vincent chiến thắng nhờ sức mạnh tuyệt đối của ý chí. Trong một đoạn phim, anh ta thách thức người anh em trai có bộ gen ưu việt Anton để xem ai có thể bơi ra biển xa hơn. Vincent chiến thắng, vì anh ta không giữ sức để bơi lại vào bờ. Có lẽ nhiều khán giả sẽ đồng ý với điểm quan trọng của bộ phim rằng “không có gen quy định tinh thần con người”.

 

Câu này thì cần được xem kỹ lưỡng. Nếu “tinh thần con người” ám chỉ sự quả cảm và quyết tâm của một người hùng, thì giả sử cũng có thể có những gen quy định điều đó, và nếu chúng ta hiểu biết đủ về gen của chúng ta, đó cũng sẽ là một phần trong hồ sơ gen cho một con người. Nếu “tinh thần con người” không có nghĩa như thế, thì nó là gì, và làm sao chúng ta có được những tính cách mà gen không quy định?

Người đề cử: Ursula Coope, giáo sư triết học cổ đại tại đại học Oxford

 

 Liệu những gì chúng ta tưởng tượng có thật không?

5. Cuộc thám hiểm giải ngân hà (Galaxy Quest)

 

 

Sau một buổi học về triết học và văn học, trong đó chúng tôi tìm hiểu xem cách tiểu thuyết “Những người bạn tưởng tượng” của Alison Lurie thể hiển sự tương phản, và cả những mối quan hệ qua lại giữa thực tế và tưởng tượng như nào, một sinh viên cho tôi xem đoạn phim của bộ phim Cuộc thám hiểm giải ngân hà (Galaxy Quest). Đây là tác phẩm hài hước nhẹ nhàng, những nó cũng đầy những đoạn xoắn và bước ngoặt thuộc kiểu bản thể học như cuốn sách của Lurie, và cũng hài hước như thế.

 

Trong những phút đầu tiên, chúng ta như thể chứng kiến một tập phim nhàm chán từ một TV show thuộc thể loại Star Trek: tàu vũ trụ lướt đi trong dải ngân hà như nổ bỏng ngô; nội thất bên trong dường như làm từ gỗ dán và chất liệu nhôm; diễn xuất thì chán chết, và hội thoại thì cũng chẳng hơn… Nó là một phần trích từ một series cũ rích đã bị hủy từ lâu, giờ đem chiếu lại cho các fan hâm mộ của thể loại khoa học viễn tưởng.

 

Nhưng trong số những fan hâm mộ ăn mặc như người ngoài hành tinh thì có cả những người ngoài hành tinh thực sự, được ngụy trang như con người trong bộ đồ phi hành gia. Nhầm lẫn tập phim trên TV với “phim tài liệu lịch sử”, họ đã đến Trái Đất để đưa thủy thủ đoàn can đảm lên tàu vũ trụ của họ - một phiên bản gỗ-dán-và-lá-kim-loại thực sự và chạy được có tên là Protector– để giúp họ chiến đấu chống lại ác quỷ Sarris.

 

Và thế nên một đám diễn viên nghiệp dư cuối cùng cũng được đưa lên vũ trụ thật, và thực sự chiến đấu chống lại người ngoài hành tinh với, như phần giới thiệu của video cho biết, “không một kịch bản, không có đạo diễn, và chẳng cần lý do”. Trong một khoảnh khắc sáng suốt kỳ diệu, Thuyền trưởng Taggart cố gắng giải thích cho thủ lĩnh Thermian rằng TV series không thể là một bộ phim tài liệu, mà là để giải trí: các thành viên phi hành đoàn là các diễn viên, không phải là các phi hành gia, chỉ giả vờ là người du hành không gian. Thủ lĩnh Thermian lúng túng: họ đã nghe về trò lừa bịp; có phải người thuyền trưởng đang nói rằng TV show chỉ là một trò nói dối ? Nhưng không biết làm sao mà “những người hùng” trên TV nhập vai được vài vị trí thực sự của họ, bảo vệ những người bạn ngoài hành tinh khỏi thảm họa và trở thành những anh hùng thực sự.

 

Khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng là gì? Có phải là tàu vũ trụ đó, sau tất cả, là một tàu vũ trụ tưởng tượng, mặc dù nó không phải là một tàu vũ trụ có thật? Câu chuyện giả tưởng thực sự chỉ là lời nói dối hay, bất chấp cái dối lừa phàm tục của nó, là một thứ gì khác? Đôi khi, cho đến bây giờ, tôi dùng bộ phim này như một cách để gợi ý cho các sinh viên suy nghĩ về những câu hỏi triết học như vậy.

Người đề cử: Susan Haack, giáo sư triết học và luật tại trường đại học Miami

 

Bản ngã bền vững là gì?

6. Memento

 

 

Bộ phim Memento là một khám phá triết học về bản chất của bản ngã, và vai trò của trí nhớ trong việc tạo ra và xóa bỏ nhân dạng. Vai chính trong phim, Lenny Shelby, dành mọi khoảng thời gian tỉnh táo cho cuộc truy-đuổi-đến-cùng để tìm và giết kẻ đã sát hại vợ của anh. Anh ta phải chịu đựng một cơn chấn thương trên đầu nghiêm trọng đến nỗi khiến anh không thể chuyển hóa những trải nghiệm ngắn hạn thoáng qua vào trí nhớ dài hạn.

 

Anh ta chẳng thể nhớ điều gì đã xảy ra kể từ vụ giết người. Trong mỗi khoảnh khắc, anh ấy bị bao vây bởi những câu hỏi – những câu hỏi gây sốc với chính anh ta, vừa luôn mới và cũng vừa khẩn cấp. Tôi đang làm gì ở đây? Tôi đến đây thế nào? Tôi đang cố để giành lấy thứ gì?

 

Phần xuất sắc của bộ phim không chỉ là nó gợi lên những câu hỏi về trí nhớ và bản ngã, mà còn là buộc chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của Lenny đóng vai anh trong gần như cả bộ phim. Nó đan xen hai phần tưởng như tách biệt, mà ruốt cuộc lại đan xen lẫn nhau – một phần đi ngược lại về quá khứ, phần kia tiến về phía trước. Như Lenny, chúng ta phải bằng cách nào đó phải tìm ra, mà không có sự giúp đỡ của trí nhớ, cách chúng ta có mặt ở hiện tại khó hiểu này, chúng ta đang làm gì ở đó, và tại sao điều đó lại quan trọng.

 

Chỉ đến khi hai câu chuyện hợp nhất lại thì chúng ta mới thấy được “sự thật” đầy đủ hơn về Lenny. Hóa ra anh ấy thực sự lần theo dấu vết của kẻ giết vợ anh ta và đã từng báo thù hắn trước đây – mặc dù, tất nhiên, anh ấy cũng quên việc đó ngay sau đó. Chúng ta nhận ra rằng chính Lenny đã tự sắp xếp cho bản thân mà không hề hay biết, để săn đuổi và giết kẻ kia thành công.

 

Sự tự thao túng chính bản thân mình của Lenny chứng tỏ một mức độ độc lập nào đấy phản bội là sự đổ vỡ của anh ấy. Dù anh ta rõ ràng không phải kiểu người cứng rắn, tự chủ, hiểu rõ bản thân mình mà tất cả chúng ta thường và dễ dàng giả định “cái tôi” của chúng ta như thế, rõ ràng anh ấy không chỉ là một sinh vật bị hủy hoại và tan vỡ cõi lòng.

 

Những mảnh vỡ của nhân dạng anh ấy luôn luôn kiếm tìm một sự tự-sửa-chữa. Có thể chúng ta nên nói rằng sau tất cả thì một cái bản ngã bền bỉ không phải là một thứ cố định và nhất quán, giành giật một lần và cho tất cả. Có thể rằng cái tôi luôn luôn trong quá trình được tạo ra, bị hủy diệt và được tái tạo. Nếu thế thì có thể là Lenny khác với phần còn lại của chúng ta không quá nhiều, chỉ là ở một mức độ mạnh hơn mà thôi.

Người đề cử: Kenneth Taylor, giáo sư triết học trường Stanford

 

Liệu cuộc tìm kiếm cái thiện có là con đường dẫn tới cái ác?

7. Xuân, hạ, thu, đông…và lại xuân (Spring, Summer, Autumn, Winter… and Spring)

 

 

Bộ phim Xuân, hạ, thu, đông…và lại xuân (Spring, Summer, Autumn, Winter… and Spring) của Kim Ki-duk bắt đầu với một nhà sư theo Phật giáo thông thái và một cậu bé nhỏ tuổi ngây thơ, học trò của ông. Một vài năm sau, một phụ nữ trẻ đến để được chữa lành, và tình thế hỗn loạn xảy ra: người phụ nữ và cậu bé – giờ đã là một thanh niên – làm tình, và cậu ta đi theo người phụ nữ đến thành phố, bỏ lại chỗ ở hiu quạnh của nhà sư bên hồ trên núi.

 

Một vài năm sau đó, chàng trai, giờ là một người đàn ông gần 30 tuổi, trở lại, bị truy đuổi bởi hai thám tử. Anh ta đã giết người phụ nữ do ghen tuông, vì vậy do nhận ra lời tiên tri của nhà sư già, người đã cảnh báo anh ta rằng tình yêu dành cho phụ nữ sẽ dẫn đến sự gắn bó, thứ mà sẽ kết thúc bằng chính sự tiêu diệt đối tượng gắn bó đó.

 

Điều đầu tiên để nói ở đây là hãy chấp nhận vòng lặp luẩn quẩn của bộ phim theo đúng nghĩa đen: tại sao người đàn ông trẻ giết người tình của mình khi cô ta bỏ anh ấy để theo một người đàn ông khác? Tại sao tình yêu của anh ấy lại quá ích kỷ đến thế? Một người đàn ông bình thường không theo đạo cũng có thể chấp nhận điều đó, dù nó đau đớn đến đâu.

 

Vậy: Nếu như chính cách dạy dỗ của sư thầy đã khiến anh ta làm như thế thì sao? Nếu như người phụ nữ chỉ xuất hiện như một đối tượng của dục vọng và chiếm hữu , thứ cuối cùng thúc đẩy anh ta giết cô ấy, từ quan điểm Phật giáo về sự buông bỏ. Để từ đó toàn bộ vòng tuần hoàn của tự nhiên mà bộ phim dàn dựng, kể cả án mạng, là một phần của thế giới Phật giáo?

 

Trong tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần, Hegel viết rằng cái ác cư ngụ trong cái nhìn đăm đăm, thứ mà cảm thấy tội lỗi xung quanh nó. Liệu có phải bộ phim của Kim Ki-duk đưa ra một trường hợp hoàn hảo cho cái nhìn sáng suốt này? Tội lỗi không chỉ là dục vọng ích kỷ của con người; tội lỗi còn là cả những cái nhìn thờ ơ của nhà sư coi dục vọng ích kỷ là tội lỗi. Trong triết học, đây là điều chúng ta gọi là sự phản thân: quan điểm mà chúng ta phán xét về vạn vật có thể tự nó là một phần của vạn vật.

Người đề cử: Slavoj Žižek, giám đốc quốc tế của Birkbeck Institute for the Humanities

Tham khảo thêm: 44 bộ phim thiết yếu dành cho sinh viên ngành triết.

 

Trạm Đọc (Read Station) 

Tags: