Khát vọng, học hỏi, hành động - chúng ta sẽ thành công: Câu chuyện từ cuốn sách “Khát vọng Việt”
Khát vọng, học hỏi, hành động - chúng ta sẽ thành công: Câu chuyện từ cuốn sách “Khát vọng Việt”
Năm 2017, cuốn sách “Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?” - đã có tiếng vang lớn với nhiều người đọc mọi tầng lớp xã hội. Rất nhiều bài viết trong đó đã có tác động không nhỏ tới tâm lý của lớp trẻ, theo chiều hướng tích cực. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của Đỗ Cao Bảo, nhà đồng sáng lập, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh tập đoàn FPT.

Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông mang trong mình “khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, khát vọng rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, khát vọng vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường, sánh vai bạn bè quốc tế, được bạn bè quốc tế nể trọng”.

 Ông đã nói: “Khát vọng Việt từ anh Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, các thành viên sáng lập FPT, các cộng sự, đồng nghiệp, bạn hàng, đối tác kinh doanh, gia đình và bạn bè của tôi … đã được tôi tiếp nhận và viết ra trong những lúc rảnh rỗi, giữa những chuyến bay, giữa những thương vụ kinh doanh; viết ở nhà, viết trên ô tô, viết ở sân bay, viết ở bãi biển, viết ở bất cứ nơi nào mà tôi có cảm xúc.

Một trong những thông điệp chính của tác giả trong cuốn sách này là kêu gọi tinh thần học hỏi không ngừng của giới trẻ, thông qua đọc sách. Vừa qua, Trạm Đọc đã trò chuyện với ông Đỗ Cao Bảo về cuốn sách của ông.

Thưa ông, lý do gì khiến ông quyết định xuất bản cuốn sách này?

Thú thực tôi không có ý định viết sách và xuất bản sách. Tôi chỉ viết các status trên facebook khi có cảm xúc về một vấn đề, một chủ đề nào đó trong cuộc sống và trong công việc. Việc xuất bản sách bắt đầu từ đề nghị của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books về việc xuất bản cuốn sách, trong đó tập hợp các bài viết được lựa chọn từ các bài đăng trên facebook cá nhân của tôi. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng thì nhiều bài viết trên facebook cá nhân của tôi sâu sắc, có chất lượng, có tác động tốt và thu hút được nhiều bạn đọc.

Nhiều bài viết trên facebook cá nhân là những trăn trở của tôi về cách nghĩ, cách tư duy, về các nguyên lý cơ bản về kinh doanh, quản lý, lãnh đạo, về các vấn đề cốt lõi trong cuộc sống, đặc biệt là những bài đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: "con đường nào đi đến thành công, hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi cá nhân?", "tại sao đất nước ta còn nghèo?", "con đường nào để đất nước ta thoát nghèo?"...

Cuốn sách ra đời từ đó, và tôi rất vui vì được bạn đọc đón nhận và chia sẻ quan điểm với mình.

Nếu tóm tắt về cuốn sách trong vài câu, thì vài câu đó theo ông là gì?

Tựa đề cuốn sách "Khát vọng Việt" chính là thông điệp xuyên suốt cuốn sách. Tôi cho rằng trong sâu thẳm trái tim mỗi người Việt Nam đều có chung một khát vọng vươn tới, khát vọng xoá nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, vì vậy tôi muốn ngọn lửa khát vọng ấy được lan toả, được truyền từ người Việt Nam này sang người Việt Nam khác, từ thế hệ Việt Nam này sang thế hệ Việt Nam khác.

Không chỉ truyền ngọn lửa khát vọng vươn tới của người Việt, cuốn sách cũng đưa ra các gợi ý về cách nghĩ, cách tư duy, cách hành động cho mỗi cá nhân sao cho mỗi cá nhân thành công hơn trong sự nghiệp và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tôi đã viết như thế này trong lời đề tặng cuốn sách cho rất nhiều bạn: "Nghĩ đúng, tư duy đúng, triết lý đúng, dẫn đến hành động đúng, để nhận được kết quả tốt".

Trong chương 1: “Vì sao nước ta còn nghèo”, ông đã phân tích rất nhiều nhược điểm của người Việt trong kinh doanh, đồng thời cũng kể nhiều bài học kinh doanh. Theo ông, ngoài phát triển phần mềm và một số ngành công nghệ tương lai khác, thì có những lĩnh vực nào có thể giúp Việt Nam thoát nghèo?

Theo tôi để Việt Nam có thể phát triển và thịnh vượng thì ngoài phát triển phần mềm và cách lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam chúng ta có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Với kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, hang động Quảng Bình, danh thắng Tràng An, bãi biển miền trung, Phú Quốc, Côn Đảo và nhiều địa danh khác, chúng ta có thể đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào tổng GDP quốc gia.

Với lợi thế về nguồn đất đai, khí hậu, con người, chúng ta có thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông hải sản, rau củ quả. 

Trong cuốn sách, ông đã kể lại rất nhiều câu chuyện về FPT, ông có thể tóm lược lại một vài điều mà ông học hỏi được nhiều nhất trong quá trình hình thành và phát triển cùng đội ngũ FPT?

Khi gia nhập FPT tôi là chuyên gia phần mềm và tôi đã có những thành công nhất định trên cương vị chuyên gia phần mềm. Chính FPT đã giúp tôi khám phá ra các khả năng tiềm ẩn của bản thân, đã đẩy tôi sang lĩnh vực kinh doanh, quản lý và lãnh đạo, đã tạo điều kiện cho tôi được thử sức mình để tìm ra tố chất kinh doanh, quản lý và lãnh đạo, giúp tôi phát huy hết tố chất và năng lực của bản thân, giúp tôi thành công không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà cả trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý và lãnh đạo.

Ông có viết trong sách: 85% thành công trong kinh doanh là nhờ các mối quan hệ. Điều này khá nhạy cảm ở Việt Nam, vì không ít các mối quan hệ bị coi là “không rõ ràng”. Ông có phải đối đầu với việc này khi làm việc với đối tác?

Câu nói "85% thành công trong kinh doanh là nhờ các mối quan hệ" là câu nói của Tiến sĩ Walter Doyle Staples một chuyên gia người Mỹ. Ai cũng biết nước Mỹ quan hệ "không rõ ràng" không có đất để tồn tại. Thế nên đừng hiểu quan hệ ở đây theo nghĩa hạn hẹp là chạy chọt, là lobby, là biếu xén. Quan hệ ở đây chính là quan hệ đồng nghiệp, quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, quan hệ bạn bè, chiến hữu, quan hệ đối tác làm ăn, quan hệ giữa người cung cấp và khách hàng. Các quan hệ đó đều cần sự chân thành, hiểu biết sâu sắc, tin cậy, bền vững, lâu dài, có trước, có sau, đồng cam, cộng khổ, cùng gánh trách nhiệm, cùng hưởng vinh quang.

Ai cũng biết dù có là thiên tài thì thời gian và sức người cũng chỉ là hữu hạn. Vì vậy nếu chỉ dựa vào công sức của cá nhân mình thì chỉ thành công ở mức nhỏ, muốn thành công lớn thì phải kết hợp, cộng hưởng công sức của nhiều người, của cộng sự, đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, khách hàng... Người thành công lớn là người nhận được sự giúp đỡ, cộng tác của rất nhiều người, là người biết gắn kết, biết cộng hưởng sức mạnh của nhiều người.

Ông được biết tới là một người thích đọc và học hỏi, ông có thể chia sẻ là loại sách nào ông thích đọc và những cuốn nào ông tâm đắc và nghĩ là người trẻ Việt nên đọc?

Tôi rất thích đọc các cuốn sách giúp chúng ta có tư duy đúng, cách nghĩ đúng, giúp chúng ta tìm ra những nguyên lý, những triết lý sống, triết lý đối nhân xử thế, triết lý kinh doanh, quản lý và lãnh đạo, giúp chúng ta hiểu đúng năng lực, sở trường của bản thân, của dân tộc Việt, giúp chúng ta có hành động đúng.

Một trong những cuốn sách tôi thích nhất là cuốn "Think and Grow Rich" (tiếng Việt: cách nghĩ để thành công), ngoài ra còn có các cuốn sách của các tác giả Clement Stone, Brian Tracy, John Maxwell, Steven Scott và Donald Trump.

Xin cảm ơn ông!

Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

Độc giả có thể tìm đọc bài review sách "Khát vọng Việt" của ông Đỗ Cao Bảo tại đây.
Hãy bình chọn cho cuốn sách khiến bạn cảm thấy được truyền cảm hứng tại đây. Cổng bình chọn online đã bắt đầu mở từ ngày 30/3/2018 và sẽ chính thức đóng vào ngày 15/4/2018.

Bạn đọc có thể tìm đọc bản ebook hoàn toàn miễn phí trên Waka tại: https://waka.vn/khat-vong-viet-vi-sao-dat-nuoc-ta-con-ngheo-do-cao-bao-brX2gW.html 

Tú Anh (thực hiện)

Tags: