Khát khao được viết và nỗi cô đơn: Thế giới có tốt hơn nếu văn chương biến mất?
Khát khao được viết và nỗi cô đơn: Thế giới có tốt hơn nếu văn chương biến mất?
Mong muốn được viết khởi nguồn từ những trải nghiệm vui thích hoặc niềm hứng thú trí tuệ vô tư. Nhưng thế là chưa đủ, nó còn bắt nguồn từ nỗi đau, niềm tủi thẹn và tiếng khóc bị kìm nén. Đó là khi chúng ta đã tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ trong một thời gian dài mà không ai xuất hiện. Thế nên thay vào đó, ta bắt đầu viết.
Chưa có thời đại nào mà nhiều người nuôi dưỡng tham vọng mãnh liệt để trở thành nhà văn đến thế. Niềm mong mỏi một ngày có thể xuất bản một cuốn sách - có thể là tiểu thuyết, hoặc ít khả năng hơn, một cuốn tự truyện đã tiệm cận đến trung tâm của những khát vọng đương đại

 

Điều này xét trên một khía cạnh là một sự phát triển đáng hoan nghênh. Nó thể hiện thành quả của một nền giáo dục được phổ biến rộng rãi, những tiêu chuẩn dạy học cao hơn và sự nhìn nhận đúng đắn vào khả năng thay đổi cuộc đời của những cuốn sách. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, nó cũng là hệ quả của một điều đáng buồn: sự cô đơn trên diện rộng. Việc một nhóm lớn các đại diện tác gia, biên tập viên và những người hướng dẫn viết lách xuất hiện không chỉ chứng minh được tình yêu văn học đang nảy nở trong xã hội, mà còn, dù không chủ tâm, thể hiện một làn sóng ngầm của nỗi cô độc nhức nhối. 

Khát khao được viết là hệ quả đáng buồn của nỗi cô đơn trên diện rộng

Đương nhiên có nhiều lí do thôi thúc người ta viết, nhưng lí do đơn giản nhất và cũng phổ biến nhất là: ta viết bởi vì không có ai gần kề chịu lắng nghe. Ta mong mỏi được viết những kỷ niệm và cảm xúc của mình lên giấy và gửi chúng ra thế giới bởi lẽ bạn bè của ta không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, bởi người bạn đời của ta quá bận bịu và bởi đã quá lâu kể từ khi có một ai cho chúng ta một khoảng thời gian không gián đoạn mà ở đó ta được chú ý và tôn trọng. Tóm lại, ta viết vì ta quá cô đơn.

Mong muốn được viết khởi nguồn từ những trải nghiệm vui thích hoặc niềm hứng thú trí tuệ vô tư. Nhưng thế là chưa đủ, nó còn bắt nguồn từ nỗi đau, niềm tủi thẹn và một tiếng khóc bị kìm nén. Đó là khi chúng ta đã tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ trong một thời gian dài mà không ai xuất hiện. Thế nên thay vào đó, ta bắt đầu viết. Viết lách có thể là một giải pháp hiện hữu cho những khát khao tiềm ẩn: khát khao được lắng nghe, được nâng niu, được tôn trọng, được diễn giải cảm xúc, được xoa dịu, được biết tới và trân trọng. Flaubert đã đúc kết một cách dễ hiểu như sau: nếu anh đã hạnh phúc trong tình yêu ở tuổi mười tám, anh sẽ không bao giờ muốn viết.

 

Khi phương Tây bắt đầu cuộc hành trình đi tìm bản ngã, ta bắt gặp nhân vật Socrates, người đưa ra một tuyên bố chắc chắn: viết lách không phải là công việc lý tưởng cho những con người sâu sắc. Đối với Socrates, viết lách là một sự ngụy tạo nhợt nhạt, sự thay thế cho thiên hướng của con người. Những gì thực sự quan trọng là sự giao tế với người khác - những con người bằng xương bằng thịt cùng với một cốc rượu làm vui hay trong khi đi thong dong trên bến cảng. Sự xuất hiện của văn chương dưới nhãn quan Socrates đơn giản là triệu chứng của sự cô lập xã hội và là bản cáo trạng cho xã hội của chúng ta.

Kể cả khi chúng ta thấy văn chương là vật thay thế tốt nhất, tốt hơn bất cứ điều gì từng được phát minh ra, ta vẫn buộc phải nhận ra rằng văn chương từ ban đầu vốn đã là một sự thay thế, rằng viết lách, theo một cách nào đó, là hành động trả thù một cách lịch sự và nghệ thuật tới một thế giới quá xô bồ và bận bịu để lắng nghe và ta sẽ chẳng bao giờ có những khao khát viết lách mãnh liệt tới vậy nếu ngay từ đầu ta không bị những người ta tin tưởng làm cho thất vọng.

Văn chương là một cách trả thù đầy lịch sự và nghệ thuật đến một thế giới không còn lắng nghe

Nhận thức rõ ràng rằng việc viết lách là một sự giải tỏa cảm xúc có thể sẽ khiến ta nhận ra những khao khát thẳm sâu của ta về những kết nối người - người. Việc ngồi viết một mình có thoải mái đến đâu đi nữa thì ta cũng không nên ngừng đòi hỏi ở người khác những sự thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau. Viết một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn là một điều không hề dễ, nhưng có một việc còn khó hơn thế: đó là tìm cho mình những người bạn thực lòng. Tuy khó nhưng những gì nó mang lại thì ý nghĩa hơn gấp nhiều lần.

Theo góc nhìn này thì có lẽ một thế giới tốt đẹp hơn là thế giới mà ở đó không có nhiều người có khao khát trở thành nhà văn, vì trong thế giới đó, ta biết lắng nghe người khác và được người khác lắng nghe tâm sự của mình. Sự mất mát của văn học biết đâu có thể lại là một lợi ích của nhân loại.

 

 

Theo Thebookoflife

Mai Chiêu (biên dịch)

Tags: