Không có khả năng lãnh đạo ư? Tốt. Thế giới cần những người biết làm theo
Không có khả năng lãnh đạo ư? Tốt. Thế giới cần những người biết làm theo
Những năm gần đây, khi các ban tuyển sinh ở trường Đại học ngồi với nhau xét hồ sơ này, duyệt hồ sơ kia, hẳn cũng đã tâm sự với nhau rằng họ đã quá "no" với những lá đơn xét tuyển kể về những thành tích lãnh đạo được đánh bóng kĩ càng quá rồi.

Vào năm 1934, một cô gái trẻ tên là Sara Pollard đã apply vào trường Vassar College. Trong khoảng thời gian chờ xét duyệt, bố mẹ của cô gái được yêu cầu điền vào bản thăm dò, và bố của Sara đã miêu tả con gái mình “thực sự là thuộc tuýp người đi theo hơn là một người lãnh đạo”.

Kết quả là ngôi trường đó đã chấp nhận Sara với lí do là họ đã có … đủ người lãnh đạo rồi.

Thật khó tin khi hình dung điều này đang thực sự diễn ra! Nếu văn phòng tuyển sinh không hỏi bố của Sara, chắc ông ấy cũng sẽ khó mà thừa nhận rằng con gái mình bản chất là một người chỉ biết đi theo vì như thế chắc sẽ có ít trường dang tay đón nhận con bé mất. Ngày nay, chúng ta đề cao khả năng lãnh đạo hơn những kĩ năng khác, đặc biệt là ở các văn phòng tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Penny Bach Evins, Hiệu trưởng trường tư St.Paul’s School for Girls ở Maryland, nói rằng: “Có vẻ như là các trường Đại học luôn tìm kiếm những người xuất chúng dẫn đầu, còn những người thực thi và những nhà tư tưởng thường không nắm giữ vị trí đó.”

Đơn ứng tuyển vào trường Đại học Harvard thường tung hô rằng sứ mệnh của họ là "đào tạo sinh viên trở thành những công dân và hơn cả là những công dân lãnh đạo xã hội. Còn trường Đại học Yale thì quảng cáo trên trang web của trường rằng trường tìm kiếm “những nhà lãnh đạo thế hệ”; ở Princeton thì “những hoạt động mang tính lãnh đạo” là tiêu chí đứng đầu danh sách tuyển chọn sinh viên tương lai. Thậm chí ở trường Wesleyan, nơi được biết đến về văn hóa nghệ thuật, được phát hiện là họ cũng đánh giá các hồ sơ ứng viên dựa vào khả năng lãnh đạo tiềm ẩn.

Nếu các văn phòng tuyển sinh này cho chúng ta biết họ đề cao những giá trị gì, thì ta sẽ có thể nghĩ rằng xã hội lý tưởng là nơi tràn đầy hình mẫu kiểu A. Điều này có thể không ngạc nhiên lắm, nhất là ở những thể chế đậm tính cạnh tranh như nước Mỹ khi mà việc tung hô những con người nổi bật và đặc biệt đã nằm sẵn trong gen rồi. Và trong một vài thập kỉ gần đây, hiện tượng Steve Jobs một thời làm việc trong garage cho đến Mark Zuckerberg trong những ngày tháng ở phòng kí túc xá tạo ra Facebook, đã khiến ước mơ trở thành người dẫn đầu có vẻ khả thi đối với những thanh niên độ 19 tuổi đang bừng khí thế. Thế nên bây giờ ta đã có những học sinh phổ thông ganh đua nhau trở thành chủ tịch của nhiều câu lạc bộ hết mức có thể; làm thành viên trong Hội Sinh viên không còn là đủ nữa, bây giờ bạn phải là người điều hành trường cơ!

Tuy thế, một nhóm học sinh mà muốn hoạt động tốt – chưa tính đến một quần thể nhé – rất cần những đi theo. Nói rõ ràng hơn thì nhóm học sinh đó cần những người đồng đội, cần cả những người có thể hoạt động độc lập, và trên hết cần người chỉ huy sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ hơn là một cái mác bù nhìn.

Các văn phòng tuyển sinh thường nói với bạn rằng tiêu chí dành cho những kẻ lãnh đạo tương lai dựa trên khao khát, mong muốn tạo được thay đổi, tác động tích cực để làm thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ họ nói thế cũng có ý của họ.


Tuy nhiên, nhiều sinh viên tôi từng nói chuyện lại xem “kĩ năng lãnh đạo” tượng trưng cho quyền lực và thế thống trị; và chúng nghĩ những nhà lãnh đạo “có thể ra lệnh với người xung quanh”. Và theo lời một Giáo sư nổi tiếng trong hệ thống Ivy Leaguage, những sinh viên đó không hề sai; vì tính lãnh đạo qua định nghĩa của các văn phòng tuyển sinh “có vẻ toàn hướng về năng lực, sức mạnh chính trị hay thương trường, chứ không hướng đến “tạo ra những bước tiến trong việc giải các vấn đề toán học” hay “trở thành nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỉ”.

Dù chủ đích của các trường Cao đẳng là gì đi chăng nữa, áp lực của người dẫn đầu đã tái định nghĩa và bóp méo thời niên thiếu trưởng thành của thanh niên ngày nay. Một người phụ nữ còn khá trẻ kể với tôi về thời còn bé luôn là một người thích đọc sách, đam mê chơi đàn vi-ô-lông và hăng say học tập. Và khi năm đầu tiên ở trường cấp 3 bắt đầu, khi mà “đơn tuyển sinh vào trường dần hiện ra, và đột nhiên, mọi hoạt động trước đây của tôi đều ngược hoàn toàn so với ‘tính lãnh đạo’". Tất cả mọi người khi đấy đều hiểu rằng: chẳng phải tuýp người thông minh, sáng tạo, cũng chẳng phải người chu đáo hay tử tế sẽ ghi điểm trong lá thư ứng tuyển vào trường hay xin học bổng, mà là những kẻ lãnh đạo. Có vẻ như là những hoạt động bạn từng tham gia hay thành tựu nào đã đạt được trước đây sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó chẳng hề liên quan đến tính lãnh đạo.


Người phụ nữ này đã thử thay đổi tính cách để được nhận vào vị trí lãnh đạo mà nhiều người mong ước “người hướng dẫn sinh viên năm nhất”. Cô ấy đủ điều kiện để được chấp nhận, nhưng ngay sau đó bị loại ngay khỏi chương trình vì không đủ cởi mở. Tại thời điểm đấy, cô cảm thấy rất bất lực. Nhưng thực tế, cô đã được tự do để tìm đến với lĩnh vực mà thực sự hợp với mình: Khoa học. Cô bắt đầu làm việc sau giờ học với người giáo viên dạy môn di truyền học, và vào năm 18 tuổi, cô đã xuất bản được bài nghiên cứu khoa học đầu tiên, sau đấy giành được học bổng lớn nhất của trường, và học chuyên sau ngành Khoa học kĩ thuật y sinh và học đàn cello.

Những ngôi trường tinh tú nhất đã quá đề cao tính lãnh đạo có lẽ một phần vì họ nghĩ họ đang chuẩn bị hành trang cho sinh viên bước vào thế giới hội nhập, và khả năng lãnh đạo chính là điều mà các công ty cần. Nhưng trong tâm lý tổ chức, “tính thi hành kỉ luật” đang ngày một được chú ý. Robert Kelley, giáo sư ngành Hành vi quản lý và tổ chức, đã định nghĩa cụm từ này trong một bài báo trên tờ Harvard Business năm 1988. Ông đã liệt kê ra các phẩm chất ở một người thực thi tốt, như là: khả năng cam kết với “mục đích, nguyên tắc, hoặc người khác”; họ còn “dũng cảm, trung thực, và đáng tin cậy”. Đó là những điều mà quân đội từ lâu đã đào tạo, dạy dỗ các quân lính của mình.

 


Gần đây, những nhà tư tưởng kinh doanh khác đã áp dụng thuyết “tính lãng mạn của lãnh đạo”, khiến chúng ta nhầm tưởng rằng mọi thành bại của một tổ chức đều thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu, và quên mất còn có một nhóm người thi hành công việc ở đằng sau. Adam Grant, người đã viết một số cuốn sách về động lực nào thúc đẩy con người thành công, nói rằng câu hỏi thường gặp nhất từ các độc giả là làm thế nào để đóng góp cho một tổ chức khi mà họ không được phụ trách nhiệm vụ nào cả nhưng lại có ý tưởng, và họ muốn được lắng nghe. Adam nói rằng: “Đây không phải là những câu hỏi đến từ các nhà lãnh đạo mà là những câu hỏi căn bản về tính thực thi”.

Đồng đội luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Các con trai của tôi đều chơi bóng đá rất hăng say, vì thế tôi dành kha khá thời gian xem “những trận đấu đẹp mắt”. Và điều tạo nên một trận đấu đẹp không phải nhờ người đứng đầu nhóm, cũng chẳng phải do những màn ghi bàn đối thủ, mà chính nhờ những cú sút, cú chuyền tinh tế giữa các cầu thủ, người này đoán được và hỗ trợ sức mạnh và ý đồ của người kia, rồi giây phút tỏa sáng ngắn ngủi khi đón được bóng trước khi chuyền cho đồng đội của mình hoặc mất nó vào tay đối phương.

Xã hội mà ta đang sống phụ thuộc vào những người tự tạo con đường của riêng họ. Ta thường thấy những kiểu người này ở mọi lĩnh vực: Các bộ môn khoa học, thể thao tennis, múa trượt băng theo đội hình; và trong cả các loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật và khoa học đã khiến cuộc sống chúng ta thêm nhiều màu sắc và đáng sống hơn bao giờ hết, nhưng xét về cốt lõi, hai lĩnh vực này không mang tiếng nói gì trong tính lãnh đạo. Helen Vendler, giáo sư dạy Tiếng Anh tại Harvard đã viết một bài luận khuyến khích các trường đại học hãy chiêu sinh nhiều nghệ sĩ hơn và đừng đòi hỏi họ “trở thành những nhà lãnh đạo”. Một vài sinh viên trong số đó sẽ trở thành người dẫn dắt trong lĩnh vực nghệ thuật như là chỉ đạo một dàn nhạc, khuyến khích phong trào nghệ thuật ở trường nhưng không thể làm những công việc phục vụ cộng đồng.

 


Có lẽ hệ quả lớn nhất của việc quá tung hô “kĩ năng lãnh đạo” chính là khiến nó tự trở nên méo mó và trống rỗng. Thứ gọi là “kĩ năng lãnh đạo” hấp dẫn những ai thích vị trí nổi bật trước công chúng, thay vì khao khát được cống hiến và đóng góp các ý kiến. Nó dạy cho sinh viên trở thành một nhà lãnh đạo vì mục đích phụ trách, chứ không phải vì một nguyên do hay ý tưởng mà họ quan tâm sâu sắc. Sự khác biệt rõ ràng giữa hai dạng trên là dạng thứ hai thuộc về nhóm lãnh đạo tạo ra những bước chuyển mình lớn trong xã hội như Rev. Dr. Martin Luther King Jr. và Gandhi; còn dạng đầu tiên thì – như các bạn thấy đấy – chính là kiểu lãnh đạo ngày nay đây.

Nếu điều này có vẻ lý tưởng, hãy thử ngẫm về tình trạng hiện nay xem: các sinh viên tranh đua lên chức lãnh đạo để biến nó thành công cụ đánh bóng lý lịch cá nhân. Một cố vấn khoa tại trường  New Jersey nói với tôi: “Tất cả sinh viên đều muốn trở thành chủ tịch của cả 50 câu lạc bộ, thậm chí chúng còn không biết chúng đang chạy đua vì cái gì nữa.”


 

  • Sẽ như thế nào nếu chúng ta nói với các ứng viên vào các trường Đại học rằng phẩm chất mà ta đang tìm kiếm không phải kĩ năng lãnh đạo mà là trí thông minh, niềm đam mê, và khao khát cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Khuôn khổ này sẽ bao gồm những người dẫn đầu nhóm xuất sắc và các lớp trưởng. Nhưng, chắc chắn rằng, nó sẽ không khiến tính lãnh đạo trở thành yếu tổ đầu tiên và duy nhất được nhắc đến.

  • Sẽ như thế nào nếu chúng ta nói với những người lãnh đạo tương lai rằng “Hãy chỉ đứng ở vị trí này nếu bạn thực sự quan tâm đến vấn đề hiện giờ” 

  • Và sẽ như thế nào nếu chúng ta chân thực với bản thân về những giá trị mà ta đã có. Nếu chúng ta đang tìm kiếm những sinh viên hay công dân có khả năng cao gặt hái được quyền cao chức trọng và sự giàu có thì cứ thẳng thắn thừa nhận điều đó. Rồi sau đấy mọi người sẽ cùng nhau tranh luận thẳng thắn xem liệu nó có phải là một ý tưởng tuyệt hay không.

Nhưng, nếu thay vào đó, chúng ta tìm kiếm một xã hội của những con người biết quan tâm lẫn nhau, sáng tạo, có độ cam kết, và những nhà lãnh đạo cảm thấy được phục vụ cho người khác thay vì là cái nhãn mác, vậy thì chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực hơn nữa để đưa xã hội mà ta hằng mong ước này đến gần hơn với tất cả mọi người.  

Trạm Đọc 

Bài gốc: Nytimes