Kể chuyện đời cho thiên hạ nghe: Có hay không giá trị văn học trong những cuốn sách tự truyện của các nghệ sĩ trẻ?
Kể chuyện đời cho thiên hạ nghe: Có hay không giá trị văn học trong những cuốn sách tự truyện của các nghệ sĩ trẻ?
Nếu nhật ký chỉ là viết cho riêng mình thì tự truyện hay hồi ký lại là phơi bày cuộc đời mình trên trang viết để cho người khác đọc. Bởi tính chất cá nhân và cũng là để đảm bảo sự quan tâm của độc giả, đối tượng ra tự truyện thường là những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng đến một bộ phận công chúng. Thế nhưng, thời gian gần đây, dường như thị trường xuất bản sách đang “bội thực” sách tự truyện của những văn nghệ sĩ trẻ - những người tuổi đời còn chưa tới 30.
Người Trung Quốc có câu: "Ngũ thập tri thiên mệnh- 50 tuổi may ra mới đủ để chiêm nghiệm về cuộc đời. Đến một lứa tuổi nhất định, khi con người ta đã trải qua đủ các hỉ, nộ, ái, ố, đủ những thăng trầm trong cuộc đời mới có đủ vốn sống để thông suốt mọi sự, tự vấn bản thân và ngộ ra chân lý cuộc đời.

Bởi thế, ta thường bắt gặp những người ra tự truyện khi tuổi đã ngoài 50. Đó là độ chín trong cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân, khi họ đã định hình được bản thân, có cho mình những thành tựu nhất định và trải qua đủ các cung bậc cuộc đời.

Nằm trong số những cuốn tự truyện nổi tiếng nhất và có lẽ cũng chất lượng nhất đó là cuốn “Tâm thành Lộc đời” của NSƯT Thành Lộc. Cuốn sách kể về những năm tháng nhọc nhằn lăn lộn với đời, với nghề của Thành Lộc dưới ngòi bút nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hai người như đôi bạn thân, nên những trang viết nhà văn Minh Ngọc viết lên như trải nỗi lòng Thành Lộc. 600 vai diễn là 600 lần Thành Lộc hóa thân trọn vẹn cho nghệ thuật, là 600 lần dày vò, trăn trở để đem đến cho khán giả những giây phút thăng hoa nhất. Tự truyện của NSƯT Thành Lộc cũng có đủ những thăng trầm như chính cuộc đời ông, cũng có những góc khuất cuộc đời, những chuyện mà nếu đứng ngoài ta sẽ chẳng thể nào hay biết. Nhưng tuyệt đối ta không thấy những chiêu trò gây sự chú ý hay những màn “bóc phốt” điển hình trong giới nghệ thuật nói chung và giải trí nói riêng. Được xuất bản khi tác giả đã bước sang tuổi 55, “Tâm Thành Lộc Đời” là cuốn sách mang màu sắc tự truyện điển hình và mẫu mực, đủ sức nặng và độ chín trong cả cuộc đời nhân vật cho đến giá trị về mặt văn học.

Thế nhưng, dường như con người ta, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ và những người nổi tiếng khác của Việt Nam không hiểu và trân trọng giá trị của một cuốn tự truyện, không phải cứ là người nổi tiếng, thu hút và hấp dẫn được nhiều người hâm mộ thì câu truyện về cuộc đời của họ cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của mọi người và có những ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Những người chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ vốn sống và độ chính trong nhận thức thì dù có ra tự truyện với ngôn ngữ hấp dẫn như thế nào cũng không thể bù đắp cho sự thiếu sót về mặt nội dung.

Hơn hết, gấp lại một cuốn tự truyện như thế, tất cả những gì bạn đọc đọng lại trong đầu có lẽ cũng chỉ là một bức tranh nhàn nhạt màu sắc và đường nét, quá đơn điệu và chẳng để lại được ấn tượng gì.

A small good thing

Gần đây nhất có thể kể đến cuốn tự truyện “Đức Phúc: I believe, I can fly” của ca sĩ trẻ Nguyễn Đức Phúc. Đức Phúc sinh năm 1996, quán quân cuộc thi Giọng hát Việt – The Voice 2015. Câu chuyện cuộc đời Phúc được biết đến nhiều nhất có lẽ chính bởi việc “lột xác” nhờ phẫu thuật thẩm mĩ. 22 tuổi, Phúc chưa đủ độ dày trong trải nghiệm để đưa được cuộc đời mình vào trang viết. Cuốn sách xét trên khía cạnh giải trí có lẽ đã đáp ứng được những người hâm mộ và quan tâm đến Phúc, nhưng xét về giá trị văn học thì dường như lại quá nông. Việc có tới 10.000 bản được đặt trước không thể hiện được cái tầm của sách dưới góc độ học thuật, đó chỉ đơn giản là độ “hot” của Phúc trên các phương tiện truyền thông mà thôi.

Xa hơn một chút, cũng “kẻ tám lạng người nửa cân” với tự truyện của Đức Phúc đó là cuốn “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng M-TP – một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất trong giới trẻ bây giờ. Cuốn tự truyện được xuất bản khi tuổi đời tác giả mới chưa đầy hai con giáp và tuổi nghề thì cũng chưa lấp đầy hai bàn tay. Sơn Tùng có đời tư kín đáo nên những nội dung về gia đình, bạn bè của Sơn Tùng M-TP trong cuốn sách là tương đối mới mẻ nhưng lại chưa đạt đủ sức nặng lên bạn đọc, tức là người ta sẽ đọc, đọc cho biết, sẽ nhớ, nhưng hầu như ít ảnh hưởng gì từ cuốn sách.

Tự truyện của Sơn Tùng và cả Đức Phúc đều được giới thiệu như cuốn sách “truyền cảm hứng và thúc đẩy các bạn trẻ mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình”. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, chính bản thân Phúc và Tùng đã đạt được ước mơ của mình hay chưa? Một vài năm trong nghề cầm mic là quá ngắn để cả hai có thể đạt được cái gọi là thành công. Ngoài một lượng người hâm mộ nhất định, cả hai đều chưa đạt được những thành tựu hay có những cống hiến, đóng góp nào đáng ghi nhận cho sự phát triển chung của lĩnh vực mình theo đuổi, cũng như chưa có đủ tầm ảnh hưởng đến công chúng một cách sâu sắc đến mức đáng để phát hành tự truyện và trở thành “động lực” hay “cảm hứng”.

Những cuốn sách của hai người, và cả rất nhiều cuốn tự truyện khác nữa, chỉ có thể thỏa mãn đươc một số ít những người hâm mộ và ủng hộ họ mà thôi. Ấy là còn chưa kể đến những cuốn tự truyện thậm chí còn tệ cả về văn phong, ngôn từ và cách xây dựng nội dung, những cuốn sách thật sự “ăn theo phong trào”.

Khác hơn, và cũng khá hơn một chút so với hai cuốn trên là tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” của Hoàng Thùy Linh. Cuốn sách kể về hành trình 10 năm vượt lên bê bối tình dục của diễn viên trẻ Hoàng Thùy Linh khi cô chỉ mới là cô bé Vàng Anh 19 tuổi cho đến từng bước vượt qua, hóa thân và tỏa sáng thành Phượng Hoàng. Trong một cuộc sống nơi mạng xã hội có ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống con người, thậm chí chỉ một sự cố nhỏ bị công khai lên mạng xã hội cũng có thể dẫn đến cái chết của nhiều cô gái trẻ, tự truyện của Hoàng Thùy Linh giống như một lời động viên đến các bạn trẻ đang gặp khó khăn. Cái khác lớn nhất, là Linh dám kể những góc khuất của chính mình, những uất ức, khó khăn và cả những sai lầm. Tuy nhiên, sách của Linh không nói về một đời, nó chỉ nói về một việc, bởi thế cụm từ “tự truyện” có vẻ là tấm áo quá rộng so với quy mô và chiều sâu của cuốn sách.

Xét trên phương diện kinh doanh – truyền thông – giải trí, tất cả các cuốn sách của người nổi tiếng trẻ đều làm rất tốt vai trò của nó với hàng chục ngàn bản được bán ra, cung cấp cho bạn đọc – chủ yếu là người hâm mộ - những thông tin mới mẻ về đời sống của thần tượng của mình và cũng được coi là một hình thức giải trí với những đối tượng độc giả phù hợp. Tuy thế, trên khía cạnh văn học và nhân văn mà nói, những cuốn tự truyện này không có mấy giá trị nổi bật. Ngoài người hâm mộ, những độc giả khác chỉ đọc vì tò mò, vì muốn biết cuộc sống và đời tư của người nổi tiếng là như thế nào.

Cái nhìn của họ dành cho những cuốn sách này không phải cái nhìn trân trọng dành cho một tác phẩm văn học mà phần nhiều là cái nhìn soi mói và hiếu kì mà thôi.

Nói rộng ra, việc tràn lan dòng sách tự truyện của những người non nớt về kinh nghiệm sống và thiếu vắng thành tựu cuộc đời như đã đề cập ở trên chính là đang góp phần vào việc cướp đi cơ hội được biết đến của các tác phẩm xứng đáng cũng như thể hiện thị hiếu đọc sách cáo phần dễ dãi và nông cạn của một bộ phận độc giả Việt Nam.

 

Tags: