Hội chứng kẻ mạo danh: Tại sao bạn cứ tự ti và luôn nghĩ mọi người giỏi hơn mình dù bạn có kém cỏi gì đâu?
Hội chứng kẻ mạo danh: Tại sao bạn cứ tự ti và luôn nghĩ mọi người giỏi hơn mình dù bạn có kém cỏi gì đâu?
Nói về hội chứng kẻ mạo danh, tác giả Patrick King đã kể với độc giả câu chuyện về một cô gái có tới bốn bằng đại học và đạt được rất nhiều thành tựu khác trong công việc. Điều khiến tác giả sửng sốt là cô không cảm thấy kiêu hãnh với những gì mình đã làm được mà luôn sống với niềm tin rằng mình không xứng đáng với địa vị của mình.

Không những vậy, mỗi khi nhắc đến các lãnh đạo hay đồng nghiệp của mình, cô luôn xem họ là những mẫu hình lý tưởng mà bỏ qua thực tế là cô cũng hoàn hảo chẳng thua gì họ. Cô ấy không cố tỏ ra khiêm tốn hay nhún nhường mà cô thực sự nghĩ rằng bản thân không thể bằng những người cô làm việc cùng hàng ngày.

Nói một cách chính xác, cô cho rằng, mỗi ngày trôi qua là một bài kiểm tra và cô ấy đã hoàn thành trước khi bị mọi người phát hiện cô không đủ trình độ và bị đá ra ngoài. Đây là một hiện tượng phổ biến đến cả dòng dõi con nhà nòi và những người được trọng vọng, thành đạt trong xã hội. Họ đều là những người gặp vấn đề về việc tự nhận thức bản thân và cách bạn cảm nhận về chính bản thân mình.

Tác giả Patrick King giải thích về kiểu người này như sau: “Họ cảm thấy bản thân không xứng đáng với bất kỳ điều tốt đẹp nào trong cuộc đời và họ đạt được chúng chẳng qua là do những may mắn không ngờ hoặc là sự ảo tưởng về năng lực của bản thân họ. Thường thì càng kiếm được nhiều tiền, quyền lực hay sự kính trọng, họ càng cảm thấy nhỏ bé. Đây chính là nghịch lý của hội chứng kẻ mạo danh”.

Nguyên nhân của hội chứng này là do họ đang so sánh bản thân họ tại thời điểm yếu kém nhất với người khác tại thời điểm đỉnh cao nhất. Đây là một sự so sánh lệch lạc và chúng ta không nên làm như vậy.

Chúng ta nên hiểu rằng, thành công đạt được không phải do may mắn mà do bạn ở vị trí thuận lợi nên bạn đã tận dụng được các cơ hội. Cuối cùng thì bạn càng làm việc chăm chỉ, bạn càng gặp nhiều may mắn. Đây là điểm then chốt dẫn chúng ta đến điểm đầu tiên để chống lại hội chứng kẻ mạo danh.

Bạn nhớ lại những thời điểm bạn đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí xương máu cho một điều gì đó. Bạn toả sáng trên võ trường là nhờ bạn đã dành hàng giờ đồng hồ luyện tập. Mọi người ghi nhận tài năng của bạn là vì bạn đã có nhiều đóng góp đáng kể. Bạn có thể đặt ra câu hỏi, những người khác có thể sánh được với bạn về mặt này không?

Chúng ta dễ rơi vào tình trạng kẻ mạo danh vì chúng ta chỉ để tâm đến những thất bại đơn lẻ. Nhưng bạn hãy tỉnh táo bởi những thất bại đó chỉ là sự kiện bên ngoài, không tính đến những nỗ lực chăm chỉ hàng giờ đồng hồ, đó mới là thứ tạo nên 99% thành công của bạn.

Cùng với việc ghi nhớ những nỗ lực chăm chỉ của bản thân, bạn cần nhớ đến cả bao lần giành chiến thắng, thành tích và lời khen của mọi người. Trên thực tế, chúng ta có thể liệt kê những thành tích này trên giấy.

Hội chứng kẻ mạo danh có thể xuất hiện nhiều lần trong cuộc đời mỗi con người bởi chúng ta không phải là robot vô cảm. Tuy vậy, bạn hãy nhớ đến những thành công bạn đã đạt được. Sự ngờ vực bản thân có thể biến mất rất nhanh nếu bạn hiểu rõ bản thân mình đang đứng ở đâu và những nỗ lực nào đưa bạn tới vị trí đó. Và chính việc này sẽ tạo ra sức mạnh lớn lao cho bạn.

Minh Phương

Tags: