Hiến pháp Việt Nam 1946 được làm ra như thế nào?
Hiến pháp Việt Nam 1946 được làm ra như thế nào?

Ngày 5/9, chỉ ba ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ chủ tịch nghĩ đến việc gấp rút soạn thảo bản hiến pháp cho một quốc gia mới, tự do và độc lập. Ông băn khoăn, liệu có thể giao cho ai bây giờ, chính phủ lâm thời phải lập ngay ban dự thảo gồm vài người. Nếu như Tuyên ngôn Độc lập 2-9 vừa rồi gấp quá, không kịp lập Uỷ ban, nhưng câu chuyện về Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Hiến pháp Mỹ còn rõ ràng trong tâm trí những ngày tháng sống ở Boston thì phải học theo thôi. 

Đầu tiên là phải có một ủy ban dự thảo, nào có thể chọn được ai? Ta phải đứng vào trong ủy ban đó, thứ hai là hoàng đế Bảo Đại để có tính chính danh, thứ ba là mấy đồng chí thân thiết trong Đảng cộng sản chuyên lo toan công tác tổ chức mà việc này chắc phải cần sự cẩn trọng, vậy phải có anh Sao đỏ và đồng chí Trường Chinh.

Nhưng vậy vẫn cần một vài người có khả năng chấp bút, ông Đặng Thai Mai có kinh nghiệm và uy tín khi tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ, chắc hiểu cách thức vận hành nhà nước, tính cách thâm trầm sâu sắc, mà nên mời thêm cả ông lê Văn Hiến phụ trách tài chính cho chính phủ cũng hữu ích. Nhưng vẫn cần người thực sự toàn tâm toàn ý chắp bút, mà có lẽ phải giao chú Vũ Trọng Khánh việc này.

Ngày 15-9, Hồ Chí Minh cho gọi Vũ Trọng Khánh đến phủ Chủ tịch. Hồ Chí Minh bảo "chú Khánh này, chú học luật, chú biết rồi, một quốc gia độc lập, một thể chế mới thì cần có một bản hiến pháp mới. Trong lúc nước sôi lửa bỏng công việc bề bộn thế này, cần một người chuyên tâm cho công việc đó, tôi nghĩ chú là người phù hợp để chấp bút bản hiến pháp này."

Vũ Trọng Khánh nói, "Thưa, nếu Chủ tịch giao tôi sẽ làm nhưng xung quanh chúng ta còn nhiều người giỏi, ông Hoàng Xuân hãn, ông Nguyễn Mạnh Tường học luật Pháp, ông đỗ Đức Dục chủ bút tờ Thanh Nghị đã viết nhiều bài về luật, ông Vũ Đình Hoè, một luật sư có danh tiếng, thực ra chúng ta cũng không thiếu người đâu thưa chủ tịch."

Hồ Chí Minh bảo, "đúng rồi, nhưng nhìn vậy thôi chứ cũng không nhiều người, với lại cũng có chuyện của họ. Tôi thấy chú cẩn trọng, chắc chắn mà không vướng bận gì, có thể chuyên tâm được công việc đó lúc này. Những người khác còn bận rộn công việc khác. Tôi cũng đã nghĩ rồi nên mới gọi chú đến đây và giao việc cho chú. Chú cứ chủ trương, rồi bàn với ông Mai và mấy người nữa. Việc này hệ trọng và cấp bách, tôi cho chú một tháng để hoàn thành."

Vũ Trọng Khánh bảo "Thưa Chủ tịch đây là một việc hệ trọng, một việc lớn mà tôi chưa từng làm, một tháng trời e không đủ. Ở bên Mỹ để soạn bản hiến pháp cần tới bốn mươi, năm mươi người, bàn luận nhiều tháng trời mới xong, nay Chủ tịch giao cho tôi một việc lớn lao như vậy, tôi lượng sức mình không chắc đã làm được."

Hồ Chí Minh bảo, "Tôi cũng biết vậy nhưng thời gian thì không có nhiều, vừa mới tuần trước chúng ta đã tuyên bố độc lập rồi, mà một chính phủ muốn hoạt động được, muốn được người dân tin cậy, muốn tập hợp được các đảng phái và được quốc tế trông vào thì phải có bản hiến pháp. Tôi cũng đã tìm hiểu sơ bộ rồi tôi nghĩ có thể dựa theo bản hiến pháp Mỹ và mô hình nhà nước cộng hòa đệ nhị của Pháp mà soạn, mà rồi chúng ta còn một quá trình dài sửa chữa nữa, còn có thêm một vài vị và nhiều cuộc họp để thông qua nhưng thực sự phải làm nhanh. Các chú khác sẽ tham gia ở mấy khâu đó. Tôi sẽ nhờ chú Đỗ Đức Dục và Vũ Đình Hoè cho công việc kia. Tôi chỉ nói vậy chắc chú hiểu. Thôi, tôi cho chú hai tháng. Chú cố gắng. Chính phủ trông cậy ở chú.

Vũ Trọng Kháng trâm ngâm một lát rồi bảo "Vâng, Hồ Chủ tịch đã nói vậy, tôi xin hứa hết sức. Chủ tịch dặn gì thêm không?"

"Cám ơn chú. Thế là tốt rồi. Chú soạn theo mấy gợi ý này của tôi. Thứ nhất là ngắn thôi, rõ ràng, dân ta ít học, viết phức tạp quá người dân không hiểu nên chú cứ viết đơn giản và rõ ràng. Thứ hai là về mô hình, như tôi nói lúc nãy chú cứ tìm một mô hình vừa phải có thể điều chỉnh linh hoạt, nôm na mô tả những gì chính phủ đang vận hành hiện nay mà soạn, cũng không cần thay đổi gì nhiều lắm. Thứ ba quan trọng nhất chú phải nói về quyền con người và quyền phúc quyết của người dân. 25 năm trướcở bên Pháp, tôi đã đòi cái quyền tự do hội họp, báo chí, lập hội.., nay nhất định phải ghi rõ những quyền đó cho nhân dân ta. Thứ tư, có một cuộc bầu cử Quốc Hội mà có các đảng phái khác tham gia, giữ ghế trong chính phủ - tôi nghĩ năm sau sẽ có chính phủ liên hiệp thì vừa vặn bản hiến pháp này xong. Vừa thuận thực tế, vừa đúng quy định".

Năm ngày sau, ngày 20/9/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Uỷ ban Dự thảo, Vũ Trọng Khánh xếp thứ 4 trong danh sách 7 người.

Theo Nguyễn Cảnh Bình

Có thể bạn quan tâm: Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?

 
Tags: