Xin đừng bỏ ngang những cuốn sách còn dang dở!
Xin đừng bỏ ngang những cuốn sách còn dang dở!
Khi bạn bỏ ngang một cuốn sách, cả bạn và văn học đều chịu thiệt.
Với bất cứ tiểu thuyết nào, tôi cũng đọc hết từ đầu đến cuối. Nếu tôi bắt đầu đọc một cuốn tiểu thuyết dài 1000 trang, tất nhiên tôi cũng sẽ ngại phải đọc đến kết thúc. Nhưng nguyên tắc của tôi là một khi tôi đã đọc cuốn sách nào, tôi sẽ đọc hết nó.

 

Sau một khoảng thời gian dài, tôi nhận ra rằng nhiều người sẽ cho rằng tính kiên nhẫn (hoặc cứng đầu) của tôi là kì cục. Tôi biết khá nhiều người có thể vô tư bỏ lửng một cuốn sách chỉ bởi họ thấy nó chán, hoặc đã đoán được cái kết, hoặc là quên béng mất và thế là họ bắt đầu đọc một cuốn khác.

 

Đây không phải điều lạ, nhưng đối với tôi như thế thể hiện sự lười nhác. Thậm chí là sai. Một khi bạn đã bắt đầu đọc một cuốn sách, bạn nên hoàn thành việc đó.

 

Tôi nhận ra rằng những tư tưởng kiểu này không còn được chấp nhận rộng rãi. Có lần, Ruth Graham đã viết trong tờ Slate rằng người lớn nên cảm thấy xấu hổ khi đọc văn học thiếu nhi và cô đã bị gọi là kênh kiệu và cổ hủ. Các nhà phê bình lớn tiếng rằng người thời nay chỉ làm những gì người ta thấy vui mà thôi. Vậy nếu một người đàn ông 45 tuổi thích đọc Harry Potter thì Ruth Graham chẳng có tư cách gì để nói rằng ông ta “nên” thấy xấu hổ hết! (Tôi đang châm biếm, nhưng chỉ một chút thôi.)

 

Để tránh động chạm đến chủ nghĩa “không phán xét” này, tôi sẽ trình bày ý kiến như sau.

 

Thứ nhất: Sự thoả mãn. Khi bạn bỏ lửng một cuốn sách, bạn có thể đã bỏ qua một tuyệt phẩm. Có vô vàn cuốn sách nếu chỉ đọc 100 trang đầu thì chán ngắt, nhưng qua được ngưỡng đó thì sẽ thấy nó thực sự tuyệt vời. Tiểu thuyết đầu tay của Charles Dickens (The Pickwick Papers) dài dòng và lạc hậu. Những cuộc phiêu lưu của Samuel Pickwick, dù có lẽ là vô cùng thú vị đối với độc giả của thế kỉ 19, nhanh chóng chở nên nhàm chán đối với tôi. Nhưng như thường lệ, tôi đọc hết toàn bộ, và cũng vì tôi tin tưởng vào khả năng của người đã viết nên không ít tuyệt tác. Tôi mừng là mình đã làm thế.

 

Khi đọc sâu hơn đến đoạn ngài Pickwick bị bắt giam tại Nhà tù Fleet vì vấn đề hành chính, Pickwick Papers bỗng nhiên không hề tẻ nhạt mà trở thành một tác phẩm châm biếm xã hội, phán xét sự quá quắt đến vô lý của những kẻ cho vay. Dickens quan tâm sâu sắc đến chủ đề này và còn quay lại với nó rất nhiều lần nữa trong sự nghiệp của mình. Điều này khiến tôi như được chứng kiến Dickens trở thành nhà văn Dickens mà tôi được biết đến. Cảm xúc đó thừa đủ để bù đắp cho một vài tiếng đồng hồ nhàm chán lúc trước.

 

Một ví dụ khác: tất cả các tác phẩm của Henry James mà tôi đã đọc qua, trừ Portrait of a Lady, đều thử thách tính kiên nhẫn của tôi. Nhưng lần nào sự khó chịu cũng được bù đắp bởi một món quà tinh thần.

 

 

Thứ hai: Tính kiên cường. Khi một cuốn sách khiên tôi thấy khó chịu, tôi thường nghĩ đến thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng của Stanford (Stanford marshmallow experiment) vào thập niên 60. Nói ngắn gọn thì những đứa trẻ đợi lâu hơn trước khi chén đống kẹo có xu hướng học tốt hơn ở trường và có cơ thể khoẻ mạnh hơn khi trưởng thành.

 

Có thể nhiều người không đồng tình với việc khổ sở đọc một cuốn sách mình chẳng có hứng thú sau 50 trang, nhưng đó là biểu hiện của sức mạnh. Chính việc đấu tranh chống lại mong muốn bỏ lửng cuốn sách sẽ dạy bạn về sức mạnh: ý chí sắt đá.

 

Tôi thấy phần I của Atonement (Ian McEwan) khá hay nhưng lại không chấp nhận nổi những phần còn lại. Phần I khiến bạn phải giở trang liên tục để theo dõi bữa tiệc tối kiểu nông thôn vô cùng gay cấn qua góc nhìn của một đứa trẻ. Nhưng phần II, III và Ngoại truyện - một chuỗi sự kiện xuyên suốt Thế chiến II và kết thúc ở London - lại quá ướt át. Các cảnh chăm sóc các thương binh như được cắt từ phim truyền hình dài tập hơn là đời thực.

 

Dù vậy, tôi không hề tiếc nuối thời gian mình đã bỏ ra, bởi chúng tạo cho tôi khả năng vượt qua sự tra tấn về kiến thức này (một điều rất có ích cho công việc biên tập của tôi). Bài viết này quá tệ - tôi tự nhủ - nhưng mình đã đọc hết được Atonement. Mình sẽ hoàn thành được bất cứ việc gì. Độc giả với nghề nghiệp khác cũng nhận được lợi ích tương tự. Thí dụ một anh bồi bàn sẽ nghĩ: Mấy nhóc teen châu Âu không biết đưa tiền boa, phục vụ chúng thật mất công, nhưng mình đã đọc hết Atonement, mình có thể hoàn thành bất cứ thứ gì.

 

Thứ ba: Sự tôn trọng. Bất cứ nhà sản xuất nào cũng sẽ nói với bạn rằng bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết và hoàn thành nó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Các tiểu thuyết gia nghiệp dư đơn giản là không thể đưa ra một sản phẩm hư cấu (fiction) hoàn chỉnh. Chính vì vậy mà các nhà xuất bản chỉ kí kết hợp đồng khi học thấy được một cái kết. Sự khác biệt căn bản nhất giữa một nhà văn chuyên nghiệp và nhà văn nghiệp dư là khả năng viết được 50 trang hay một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh.

 

Khi bạn bỏ một cuốn tiểu thuyết chỉ sau vài chương có nghĩa là bạn đã chối bỏ một tác phẩm nghệ thuật và coi nó không khác gì tập giấy trong ngăn bàn. Ngày nay, các tác giả và sách của họ rất cần sự ủng hộ. Nếu bạn quan tâm đến văn học và những người tạo nên nó, bạn nên làm một cách nghiêm túc. Cảm giác học thức khi bắt đầu một cuốn sách dễ làm bạn lầm tưởng mình yêu văn học. Thực chất so với việc nói: “Tôi nói nghe tới nhà văn đó rồi" thì không hơn là bao.

 

Cái cớ người ta hay sử dụng cho việc bỏ lửng một cuốn sách là có quá nhiều sách để đọc, thế nên dành thời gian vào những cuốn tiểu thuyết tẻ nhạt và không thoả mãn là một điều ngu ngốc. Nếu cuốn sách thực sự không ra gì thì đó là lý do chính đáng.

 

 

Nhưng tôi cho rằng cuốn sách thoạt tiên rất hay rồi lại trở nên dở tệ sẽ cho ta nhiều phát hiện thú vị, như là nó có tốt lên không hay tác giả đã đi sai hướng ở đâu; còn nếu cuốn đó ngay từ trang đầu tiên đã không thể chấp nhận được thì chẳng cần phải suy nghĩ nhiều về việc bỏ nó. Cách tốt nhất để tránh mất thời gian là không tiếp xúc ngay từ đầu, tức là đừng đọc nó. Như thế chẳng khó khăn gì. Bạn có thể đọc vài bài đánh giá, hỏi bạn bè, đọc thử chương đầu tiên trước khi ngấu nghiến cuốn sách.

 

Còn nếu bạn lỡ ngấu nghiến nó thật thì hãy đọc hết cả cuốn.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Atlantic 

Tags: