Hậu Scandal Nobel 2018: Chỗ đứng nào cho Giải thưởng Văn học?
Hậu Scandal Nobel 2018: Chỗ đứng nào cho Giải thưởng Văn học?
Liệu các giải thưởng văn học có còn là công cụ tốt nhất giúp chúng ta định hướng chọn nên đọc gì trong bể mênh mông sách?
Các tổ chức trao giải thưởng văn học đã góp phần định hướng cho độc giả với nhiều lựa chọn trong nhiều thập kỷ, định hình thể loại nổi bật qua từng năm, và thay đổi bối cảnh văn hóa trong môi trường học thuật lẫn thương mại bằng cách quảng bá một số tác phẩm nhất định trong khi làm lu mờ nhiều trang viết không nổi bật. Vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề liệu các giải thưởng văn học tạo ra hiệu ứng tích cực hay tiêu cực, nhưng một điều không phải bàn cãi là người đọc cần được định hướng để chọn đọc gì ngay từ đầu. Việc đọc tất cả các loại sách trên đời là không thể, và không chỉ về mặt thể chất, mà về mặt trí tuệ, rất khó để một người tự chọn ra được những cuốn sách phù hợp nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài.

 

Các giải thưởng văn học, hệ thống đánh giá, danh sách những cuốn bán chạy nhất và cả những câu lạc bộ sách đều cạnh tranh nhau trong việc cung cấp những định hướng nói trên, và thường đóng vai trò quyết định sự thành công của các tác giả và nhà xuất bản. Trong khía cạnh đánh giá chất lượng của bất cứ hình thức biểu đạt sáng tạo nghệ thuật nào mà không thể đo lường trên một thang đo quy chuẩn, các giải thưởng văn học vẫn duy trì vai trò nổi bật để xác định những gì nên và không nên đọc. Các giải thưởng như Pulitzer, Nobel, National Book Award, Man Booker Prize có thể sẽ bị chỉ trích (có lẽ) bởi cách tiếp cận hướng đến thể loại hàn lâm và không đại trà, nhưng trong bài tiểu luận này, tôi sẽ lập luận để chứng minh các giải thưởng này vẫn là công cụ tốt nhất chúng ta có được để tìm định hướng đọc trong bể mênh mông sách.

 

Liệu các giải thưởng văn học có còn là công cụ tốt nhất giúp chúng ta chọn nên đọc gì?

 

 

 

Các giải thưởng văn học vs. Danh sách các Cuốn bán chạy nhất (bestseller)

 

 

Bản liệt kê các cuốn sách đang bán chạy nhất là một ngoại lệ trong xếp hạng văn học. Trong khi các hệ thống xếp hạng khác chỉ dựa vào đánh giá của độc giả, danh sách các cuốn bestseller phân loại sách dựa trên dữ liệu cứng, với số liệu thống kê đáng tin cậy để liệt kê những sách gì mọi người đang mua nhiều và thích đọc. Mặc dù cả nhà xuất bản và phương tiện truyền thông đều tận dụng vị trí mà các tác giả và tác phẩm được xếp hạng trong các danh sách đó để củng cố giá trị văn học, qua việc hiểu chức năng của danh sách bestseller, rõ ràng rằng giả định doanh số có liên quan đến chất lượng là sai lệch.

 

Danh sách bestseller này hoạt động như một vòng tương hỗ lẫn nhau: sách đạt đến đỉnh bằng cách bán được nhiều bản hơn, và chúng cũng bán được nhiều bản hơn bằng cách đạt đến đỉnh. Độc giả có thể gây ảnh hưởng lên danh sách, giống như danh sách ảnh hưởng đến độc giả, dẫn đến sự biến động về số lượng ở cả hai phía. Mặt khác, giải thưởng văn học không tính đến số lượng bản sao được bán để cho vào danh sách lựa chọn và sau đó là danh sách đề cử giải, mà hướng đến phân loại tác phẩm dựa trên nội dung của chúng hoặc dựa trên nội dung chúng thể hiện trong bối cảnh chúng được viết ra.

Mặc dù các số liệu thống kê nhìn có vẻ rất hấp dẫn và thuyết phục (hơn là một nhóm các nhà phê bình có trình độ học vấn cao xác định những cuốn sách nào là phù hợp về mặt văn hóa), các danh sách bestseller dường như dễ bị thao túng hơn các chuyên gia thẩm định của các tổ chức giải thưởng văn học. Trường hợp gần đây nhất là gian lận trong thứ hạng bestseller của The New York Times cho cuốn tiểu thuyết Cẩm nang cho Người trần thế (Handbook for Mortals), cuốn sách đã giành vị trí đầu bảng bằng cách giả mạo doanh số. Theo báo cáo của The Guardian, Geek Nation, đơn vị xuất bản cuốn Cẩm nang cho Người trần thế đã nắm được thông tin mật về các cửa hàng sách báo mà tờ The New York Times thu thập số liệu và sau đó đã đặt hàng số lượng lớn khiến cuốn sách này – cuốn sách đầu tiên của Geek Nation - được đưa lên vị trí cao nhất bảng xếp hạng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Alan Sorenson đã chỉ ra rằng với một tác giả lần đầu tiên xuất hiện, danh sách bestseller của The New York Times có thể đóng góp mức tăng doanh số lên đến 57%, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xuất bản sử dụng các chiến lược gian lận để có được vị trí bán chạy nhất.

 

Các cuốn sách được xướng tên trong danh sách Bestsellers liệu có thật sự xứng đáng?

Phải nói rằng các danh sách bestseller đã được lập ra, ví dụ như danh sách được xuất bản bởi tờ The New York Times hoặc Wall Street Journal, cũng nhận thức được các chiến thuật mà người ta có thể sử dụng để gian lận và chiếm thế chủ động trong việc xử lý tất cả các dữ liệu về tác phẩm, do đó, mặc dù có nhiều tranh cãi, chúng vẫn được coi là đáng tin cậy. Tuy nhiên, với các trang web thương mại điện tử như Amazon chiếm lĩnh thị trường sách, các danh sách bán chạy online tự động đã ra đời và do đó việc trở thành một tác giả được đánh giá hàng đầu chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Tự mua sách của mình đã trở thành một chiến thuật phổ biến, đặc biệt đối với các nhà văn tự xuất bản, và việc trở thành một cuốn sách bán chạy nhất cho một thể loại cụ thể nào đó hiện nay đã rẻ mạt đến mức bản thân thuật ngữ bestseller đã mất hết ý nghĩa vốn có của nó.

 

 

Các giải thưởng văn học vs. Hệ thống nhận xét đánh giá

 

 

Các hệ thống đánh giá, cũng như danh sách bestseller, thường được coi là một cách dân chủ để nhận định giá trị tác phẩm so với giải thưởng văn học, và với sự phát triển của các nền tảng truyền thông trên mạng xã hội dành riêng cho văn học như Goodreads hoặc Anobii, độc giả đã tìm thấy không gian nơi ý kiến ​​không chỉ có thể được sẻ chia mà còn có thể có ảnh hưởng đến quyết định mua sách của những người khác. Khi so sánh các trang đánh giá này với giải thưởng văn học, vấn đề đầu tiên lại nằm ở độ tin cậy của người dùng. Sự thật là các chuyên gia của tổ chức giải thưởng có thể thiên vị khi trao giải cho một cuốn sách, và nếu ý đồ đó bị phát hiện thì sự nghiệp của họ sẽ bị tổn hại và một vụ bê bối chắc chắn sẽ nảy sinh. Trái lại, Internet cho phép chấm điểm ẩn danh và không phải lúc nào cũng yêu cầu bất cứ kiến ​​thức gì về tác phẩm để có thể xem xét nó.
 

Hầu như bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào được bán qua thị trường trực tuyến ngày nay đều dựa vào trải nghiệm tích cực của người tiêu dùng trước đó để thuyết phục khách hàng tiềm năng. Các điểm số và đánh giá công khai có thể không có tác động lớn như một vị trí cao trong danh sách bestseller nổi tiếng, nhưng việc giả mạo chúng dễ dàng và rẻ hơn nhiều. Một ví dụ điển hình cho việc này là thí nghiệm thực hiện bởi nhà báo Oobah Butler, người đã biến một địa điểm không có thật thành nhà hàng được xếp hạng hàng đầu ở London trên TripAdvisor hoàn toàn nhờ vào những đánh giá ảo.

Các hệ thống đánh giá như Goodreads hay Anobii được coi là những cách dân chủ hơn để đánh giá tác phẩm văn học

Tuy vậy, rõ ràng Internet không chỉ là một nơi cho những kẻ lừa đảo hoành hành. Hầu hết người dùng đều để lại ý kiến ​​chân thực về những cuốn sách họ đọc (và sản phẩm họ sử dụng), tuy nhiên có vẻ khá khó để khẳng định rằng khi đánh giá một sản phẩm trừu tượng như tác phẩm văn học, mọi ý kiến ​​đều có giá trị như nhau. Ngay cả khi các đánh giá là trung thực, chúng bắt nguồn từ những người có thị hiếu, hiểu biết nền tảng và kỳ vọng khác nhau, một tình trạng có vẻ không phù hợp để thiết lập một thang so sánh. Mặc dù nghe có vẻ phiến diện khi nói rằng đánh giá công khai dân chủ không phải là hệ thống lý tưởng để quyết định giá trị sản xuất nghệ thuật, nhưng các chuyên gia hoạt động trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu cũng đồng ý rằng mức độ tận hưởng sản phẩm không phải lúc nào cũng ngang bằng với chất lượng và ngược lại. Theo nghĩa này, những người trao thưởng cho các tác giả, trong khi vẫn dựa vào ý kiến chủ quan, có nhiều khả năng cũng xem xét một tập hợp các ý kiến rộng hơn trước khi đưa ra quyết định. Hệ thống đánh giá từ người đọc và chấm điểm trực tuyến có thể hữu ích trong việc xác nhận xem một cuốn sách có phù hợp với thị hiếu của một nhóm người hay không, nhưng không hiệu quả trong việc xác định xem một tác phẩm thật sự có chất lượng tốt hay không.

 

 

Các giải thưởng văn học vs. Câu lạc bộ sách và Những người có sức ảnh hưởng

 

 

Việc những người uy tín có sức ảnh hưởng giới thiệu sách đã có từ lâu trước khi phương tiện truyền thông mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, đứng đầu là Oprah Winfrey với câu lạc bộ sách được đánh giá cao của cô. Winfrey đã được ghi nhận có công lao ”hồi sinh ngành công nghiệp bán sách” và được coi là một “nhà tài trợ văn hóa” vì đã quảng bá văn học như một phương pháp mà người đọc có thể áp dụng để tự khám phá và thay đổi bản thân. Trong những năm gần đây, các câu lạc bộ tương tự đã xuất hiện, với Kệ sách Sẻ chia (Our Shared Shelf) của Emma Watson cùng một lượng đông đảo người theo dõi. Câu lạc bộ sách được tạo ra chỉ một phần nhỏ để thảo luận văn học; mục đích thường xuyên hơn là bàn về các vấn đề xã hội và cho phép mọi người mở rộng thế giới quan của họ thông qua tiếng nói của những người thường ít được chú ý tới trong giới văn học.

 

Kệ sách sẻ chia (Our Shared Shelf) của Emma Watson có rất đông người theo dõi

Các câu lạc bộ sách nổi tiếng và giải thưởng văn học có nhiều điểm tương đồng - cả hai thường có mục đích chính trị, cả hai đều tung hô các tác giả có số lượng độc giả gia tăng - nhưng có một điểm khác biệt: trong khi giải thưởng văn học được trao bởi một nhóm các nhà phê bình, câu lạc bộ sách được điều hành bởi các cá nhân đơn lẻ, mà bằng cách quảng bá sách, họ cũng đang quảng bá hình ảnh của chính bản thân mình. Các câu lạc bộ sách dành riêng cho từng thể loại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tác giả ít được biết đến với công chúng và có thể có ích trong việc hiểu sâu hơn về một chủ đề cụ thể, nhưng với quy trình lựa chọn không thể kiểm tra, thảo luận hoặc sửa đổi thì người ngoài không thể nhìn ra được các lý do chính đáng hay không đằng sau sự lựa chọn đó. Nếu danh sách bestseller và hệ thống đánh giá quá dân chủ, thì các câu lạc bộ sách lại quá chủ quan và độc đoán.

 

 

Lời kết

 

 

Với hàng trăm ngàn cuốn sách mới được xuất bản mỗi năm, hiển nhiên cần có một hệ thống hướng dẫn để giúp người đọc chọn những gì nên và không nên đọc. Ảnh hưởng từ bên ngoài trong các lựa chọn của người tiêu dùng là không thể tránh khỏi, do đó, điều quan trọng là xem xét cách thức truyền tải của các nguồn ảnh hưởng đó, thay vì đắn đo liệu một hình thức hoạt động quảng cáo nên hay không nên tồn tại. Câu hỏi ở đây không phải là liệu các tổ chức giải thưởng văn học có phải là hệ thống tối ưu để quyết định những tác phẩm văn học nào có thể được coi là tốt nhất ngày nay hay không – dựa trên nguy cơ chủ quan, thiên vị và mục đích chính trị, cộng với sai sót của con người, thì rõ ràng là không. Câu hỏi chúng ta cần quan tâm là: một tổ chức độc lập, tách khỏi ngành xuất bản, có thể được coi là đáng tin cậy hơn các hình thức cạnh tranh khác hay không, và quy trình chọn có thể đảm bảo an toàn không bị gian lận hay không.

 

Như chúng ta đã thấy, giải thưởng văn học, danh sách bestseller, hệ thống đánh giá và câu lạc bộ sách đều có thể có tác động sâu sắc đến sự thành công của các tác giả và nhà xuất bản. Trong bối cảnh này, giải thưởng văn học dường như là hình thức tổ chức duy nhất không thể tiếp cận với những người sẽ có xung đột về lợi ích. Rõ ràng, không phải tất cả các giải thưởng đều giống nhau và cần chú ý đến các hoạt động đằng sau việc lựa chọn từng người đạt giải, nhưng trong khi các tổ chức được thành lập có thể dễ dàng bị đặt câu hỏi thắc mắc, bảng xếp hạng dựa trên thông tin thu được từ quần chúng lại có thể che giấu các chiến lược tiếp thị cho mục đích thao túng thông tin và dữ liệu.

Các giải thưởng văn học vẫn là công cụ đánh giá sách đáng tin cậy nhất chúng ta hiện có

Vì một hệ thống hoàn hảo được xây dựng để nhận định một cách khách quan nhất những cuốn sách nào là tốt nhất từ ​​góc độ văn học sẽ (có khả năng là) không bao giờ tồn tại, chúng ta luôn mong muốn có được lời khuyên không bị ràng buộc từ phía những người đã đọc trước đây. Dưới góc nhìn này, giải thưởng văn học có thể không hoàn hảo, nhưng vẫn là công cụ đáng tin cậy nhất chúng ta có hiện nay.

 

Theo Medium

Thảo Tâm (biên dịch)

Tags: