Haruki Murakami: “Khi viết, tôi chạm tới chốn bí mật và kì lạ trong bản thân mình”
Haruki Murakami: “Khi viết, tôi chạm tới chốn bí mật và kì lạ trong bản thân mình”
Trong bài phỏng vấn ngắn, Haruki Murakami sẽ nói về cuốn sách mới - Killing Commendatore và chia sẻ về quá trình sáng tác của ông: sự nghiêm khắc tuân thủ lịch trình hàng ngày giúp ông khai phóng trí tưởng tượng của mình thế nào và tình yêu với việc giặt ủi có liên quan đến việc viết sách của ông ra sao.
Cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami – Killing Commendatore (ban đầu) kể về một chiếc chuông tự rung; một ý niệm trừu tượng đánh cắp thân xác của chàng trai trong một bức vẽ; chuyến du hành kì lạ và thường xuyên tới địa ngục của một vài Ẩn Dụ Kép đáng sợ. Đến một độ, chính tác giả cũng phải nói rằng, “có nhiều thứ không có nghĩa gì cả”.
 

Nhưng đây là Murakami, người viết nên những tác phẩm chơi đùa trên lằn ranh giữa thực và hư, giữa cõi trần và cõi mộng, giữa cuộc sống đời thường và những sự bất thường đặc biệt. Rất khó để diễn tả Killing Commendatore. Cuốn sách quá bao quát và phức tạp, tuy thế nó cũng chứa đựng những yếu tố ta đã quen qua bao tác phẩm của Murakami: sự kì bí của tình yêu, sức nặng của lịch sử, tính siêu việt của nghệ thuật, sự đào sâu tìm tòi về những điều khó hiểu nằm ngoài khả năng lí giải của con người.

Cuốn sách mới của Haruki Murakami: Killing Commendatore

Các tác phẩm của Murakami đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Không chỉ tiểu thuyết, ông còn viết nhiều truyệt ngắn, nonfiction và dịch sách tiếng Anh ra tiếng Nhật. Tuần trước, tôi đã có một cuộc phỏng vấn với Murakami sau khi ông dành một tiếng đồng hồ chạy bộ quanh Công viên Trung tâm. Nhấp một ngụm Starbucks, Murakami bắt đầu nói về những bí ẩn của quá trình sáng tạo, tình yêu của ông với việc giặt ủi và sự nghiêm khắc tuân thủ lịch trình sáng tác hàng ngày giúp ông giải phóng trí tưởng tượng kì lạ của mình ra sao. Dưới đây là tóm tắt cuộc trò chuyện của tôi và vị tác giả nổi tiếng này.

Ông lấy ý tưởng cho cuốn Killing Commendatore từ đâu?

Tôi cũng không biết. Có thể tôi lấy ý tưởng từ đâu đó thẳm sâu trong tâm trí. Một ngày nọ đột nhiên tôi muốn viết một hoặc hai đoạn đầu tiên. Khi ấy tôi cũng không biết câu chuyện sẽ dẫn đến đâu, thế là tôi cất nó vào trong ngăn kéo bàn làm việc và tất cả những gì tôi làm tiếp theo là chờ đợi.

Vậy phần còn lại của cuốn sách thì sao?

Đến một ngày tôi nghĩ rằng mình có thể tiếp tục viết, thế là tôi bắt đầu viết và cứ thế tiếp tục thôi. Ta cứ đợi đúng lúc, không có gì phải vội vã cả. Phải tự tin rằng ta sẽ nảy ra các ý tưởng, và tôi có sự tự tin đó vì tôi đã cầm bút 40 năm nay rồi, tôi biết mình đang làm gì.

Đối với ông quá trình sáng tác có khó khăn không?

Khi tôi không sáng tác thì tôi dịch sách. Dịch sách là một công việc ưa thích trong khi tôi chờ đợi ý tưởng tìm đến với mình: nó cho tôi cảm giác rằng tôi đang viết, dù không phải là đang viết cuốn tiểu thuyết của mình. Cùng với đó, tôi chạy bộ, nghe nhạc và làm việc nhà như ủi quần áo. Tôi yêu việc ủi đồ. Khi ủi đồ, tâm trí tôi thư thái và thoải mái.

Ông có đọc các đánh giá về sách của mình không?

Tôi không đọc các đánh giá. Nhiều nhà văn nói điều này và họ đang nói dối, nhưng tôi thì không. Vợ tôi thì lại đọc tất cả đánh giá, cô ấy đọc to tất cả những đánh giá tệ cho tôi nghe. Cô ấy nói tôi phải chấp nhận những đánh giá không tốt, còn đánh giá tốt thì nên quên đi.

Tôi là một người thực tế, nhưng mỗi khi viết, tôi lại đi tới chốn bí mật và kì lạ trong bản thân mình. Khi viết, tôi đang khám phá chính bản thân, khám phá thế giới bên trong mình. Nếu bạn nhắm mắt lại và chìm vào bản thân, bạn sẽ thấy một thế giới khác. Nó giống như là khám phá một vũ trụ - vũ trụ bên trong bản thân. Bạn sẽ đi tới những chốn khác nhau. Những chốn ấy có thể nguy hiểm, có thể đáng sợ, quan trọng là bạn phải biết đường quay về.

Có vẻ như ông thấy khó khăn khi nói về những ý nghĩa ẩn sâu trong tác phẩm của mình?

Mọi người luôn hỏi tôi về những chi tiết trong sách: “Cái này nghĩa là gì? Cái kia nghĩa là sao?” Tôi không thể giải thích điều gì cả. Tôi nói về bản thân, tôi nói về thế giới một cách ẩn dụ. Bạn không thể giải thích hay phân tích các ẩn dụ được – bạn chỉ cần chấp nhận nó thôi. Một cuốn sách cũng thế - tự nó cũng là một ẩn dụ.

Ông nói rằng Killing Commendatore là cuốn sách ông viết để tỏ lòng kính trọng tới The Great Gatsby – cuốn sách mà ông đã dịch ra tiếng Nhật 10 năm trước. Có thể hiểu The Great Gatsby là một bi kịch về giới hạn của giấc mơ Mỹ. Điều này có liên quan gì đến cuốn sách mới của ông không?

The Great Gatsby là cuốn sách yêu thích của tôi. Tôi đọc nó khi tôi 17 hay 18 tuổi, vừa mới ra trường. Khi ấy tôi bị ấn tượng vì đó là một cuốn sách về giấc mơ và cách người ta hành xử khi giấc mơ tan vỡ. Đó là một chủ đề quan trọng đối với tôi. Tôi không nghĩ nó nhất thiết phải là giấc mơ Mỹ, thay vào đó, nó là giấc mơ của một chàng trai, một giấc mơ nói chung.

Ông thường mơ về điều gì?

Tôi không mơ thường xuyên lắm, một tháng tôi chỉ mơ một hoặc hai lần. Hoặc cũng có thể tôi mơ nhiều hơn thế nhưng tôi không còn nhớ nữa. Dù gì thì tôi cũng không cần mơ, vì tôi có thể viết.

 

Theo Independent.co.uk

Lan Anh (biên dịch)