“Gió bụi đầy trời” - một góc nhìn hấp dẫn về lịch sử Việt
“Gió bụi đầy trời” - một góc nhìn hấp dẫn về lịch sử Việt
“Gió bụi đầy trời” là tác phẩm đầu tiên trong loạt tiểu thuyết của nhà văn Thiên Sơn viết về con đường lịch sử đầy sóng gió mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ XX. Trong tác phẩm này, tác giả đã cố gắng dựng lên bức tranh đa diện về một giai đoạn phức tạp, nguy nan nhất trong quá trình tranh đấu lập nên nước Việt Nam mới.

Thời gian nghệ thuật được tập trung thể hiện từ khi cách mạng tháng Tám nổ ra cho đến tháng 6 năm 1946 - khi chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đàm phán Việt Nam đang trên đường tới Pháp.

Cuộc cách mạng tháng Tám diễn ra trên toàn quốc, vua Bảo Đại thoái vị và làm cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh. Phía bắc 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tiến vào, theo đó là các lực lượng Việt quốc, Việt cách dựa vào thế lực quân Tàu để gây sức ép, giành quyền lãnh đạo. Phía Nam, quân Anh, quân Pháp tiến vào và cuộc chiến tranh nổ ra ngay cuối tháng 9 năm 1945. Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã phải ứng phó với hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Độc giả sẽ thấy xuất hiện ở cuốn tiểu thuyết này những nhân vật lịch sử tiêu biểu từ nhiều phía, những sự kiện đặc biệt từng chìm khuất trong bóng tối thời gian và định kiến, những vấn đề tư tưởng, những nguyện vọng tha thiết về độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh vượt qua những tình huống hiểm nghèo trước tham vọng thực dân đã được tác giả cố gắng trình bày trong một hình thức khách quan, giản dị.

Cuốn sách góp phần mở ra cái không gian của tâm tưởng các nhân vật lịch sử, khám phá và tái hiện cái hiện thực chìm lấp phía sau các sự kiện lịch sử. Bằng cách này, tác giả hy vọng đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật phong phú với một hiện thực sống động, phức tạp, đầy hấp dẫn. Lịch sử ở đây hiện lên với tất cả các mặt giằng xé, ngổn ngang, vô cùng dữ dội. Những mạch ngầm, những góc khuất chi phối đến diễn tiến lịch sử được tác giả dần dần hé lộ.

Chọn một thời điểm điển hình của lịch sử làm bối cảnh cho cuốn sách, tác giả chủ trương dồn ép thời gian nghệ thuật với độ đậm đặc các chi tiết và kịch tính làm cho tiết tấu câu chuyện vận động nhanh. Hành động kịch được tác giả bố trí một cách hợp lý, liên tục phát triển, chuyển hóa lẫn nhau từ đầu đến cuối. Hay nói cách khác, các sự kiện, các chi tiết nối tiếp nhau, chuyển hóa nhau, tạo nên các tình huống liên tiếp và bùng nổ. Người đọc bước vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm sẽ liên tục bị các hành động kịch cuốn đi từ đầu đến cuối tác phẩm. Hành động kịch càng về sau càng gay cấn, liên tiếp, bất ngờ và hiện thực lịch sử liên tục được khơi mở.

Có thể nói, lần đầu tiên trong một cuốn tiểu thuyết Việt Nam cùng xuất hiện những nhân vật lớn nhất ở các xu hướng chính trị khác nhau, đối lập nhau: Phía các nhà lãnh đạo Việt Minh như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng; phía Việt Nam quốc dân đảng có Nguyễn Tường Tam. Vũ Hồng Khanh; Việt Nam cách mạng đồng minh hội có Nguyễn Hải Thần; phía chính quyền Nam triều có vua Bảo Đại, thủ tướng Trần Trọng Kim; phía quân đội Trung Hoa có tướng Lư Hán, Tiêu Văn; phía Pháp có  Jean Sainteny, Georges Thierry d'Argenlieu,  Leclerc... Nghĩa là tất cả các nhân vật chính chi phối đến thực tế lịch sử đều được tái hiện với những màu sắc riêng, cá tính riêng sinh động. Các nhân vật này tương tác với nhau, hành động của nhân vật này tác động đến nhân vật khác. Đến với “Gió bụi đầy trời” chúng ta như được chứng kiến một bàn cờ thế sự với tất cả những toan tính sâu xa và đấu pháp của các nhân vật lịch sử nhằm khắc phục những hậu quả của những nhân vật khác gây ra.

Nhà văn Thiên Sơn đã dành ra khoảng 20 năm để nghiên cứu tư liệu  và suy ngẫm trước khi bắt tay chính thức vào viết cuốn sách này. Anh cho rằng điều cốt yếu là phải đánh giá được bản chất của lịch sử, lý giải được những mạch ngầm xuyên suốt chi phối đến các sự kiện ở bề mặt, khắc họa được cá tính nhân vật, làm cho nhân vật có đời sống riêng. Đó cũng là điều khó khăn nhất vì với một đề tài nhạy cảm và phức tạp như thế này tác giả phải đối mặt với những định kiến lịch sử, những vấn đề tế nhị về đời sống của nhân vật. Tuy nhiên, nhà văn Thiên Sơn cho rằng, việc của nhà tiểu thuyết là phải biến nhân vật lịch sử thành nhân vật văn học. Nhân vật trong tác phẩm có những sắc thái riêng với nhân vật ngoài đời, bởi ở đó kết tinh những nhận thức và sáng tạo của nhà văn. Vì vậy, nên đọc tác phẩm một cách cởi mở để hiểu thêm những điều mà nhà văn gửi gắm và sáng tạo. Điều đó chỉ làm cho nhân vật lịch sử trở nên phong phú và đa dạng, có sức sống hơn mà thôi.

Có nhà phê bình cho rằng “Gió bụi đầy trời” là cuốn sách thành công nhất, về giai đoạn lịch sử 1945-1946.  Đây cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tham vọng trình bày một bức tranh toàn cảnh về lịch sử hiện đại, đánh dấu một cách nhìn mới và mở ra khả năng các nhà tiểu thuyết có thể khám phá những vấn đề phức tạp mà trước đây chưa có điều kiện thể hiện trong tác phẩm.  

Theo Hoàng Lan - Kinh tế đô thị

Tags: