Giải Sách Hay: Quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức
Giải Sách Hay: Quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức
Hằng năm, Giải thưởng Sách hay do Viện Giáo Dục IRED (một viện giáo dục độc lập) đồng tổ chức lấy ngày Tết trung thu để trao Giải thưởng Sách Hay ghi nhận những cuốn sách có giá trị.

Trong bài viết này, Trạm đọc sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin quan trọng nhất về Giải Sách Hay (tên gọi trước đây là Giải thưởng Sách Hay)- một trong những giải thưởng uy tín nhất trong ngành sách hiện nay

Giải Sách Hay là gì?

Giải Sách Hay là một giải thưởng thường niên về sách do Dự án Khuyến đọc Sách Hay (được các trí thức tâm huyết sáng lập kể từ 2007) và Viện Giáo Dục IRED (một viện giáo dục độc lập) đồng tổ chức từ năm 2011. Đây là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách của Việt Nam và cũng là giải thưởng về sách có quy mô rộng rãi bậc nhất hiện nay do học giả (tính chuyên gia) và độc giả (tính đại chúng) bình chọn.

Những cuốn sách từng được trao tặng Giải Sách Hay

Giải Sách Hay với sứ mệnh là góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay.

Mục đích mà Giải Sách Hay là giúp lựa chọn sách hay, quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay, từ đó gợi mởi những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách, làm sách tiến bộ sách.  Ngoài ra, Giải Sách Hay còn tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã tạo nên những cuốn sách giá trị đó.

Tiêu chí xét duyệt Giải Sách Hay

Việc xét duyệt Giải Sách Hay sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần giải thưởng, tiêu chí xét giải và nhưng quy định có trong Điều lệ Giải thưởng. Tiêu chí xét duyệt giả của từng hạng mục giải thưởng cụ thể như sau:

  • Hạng mục sách Nghiên cứu: Sách có giá trị học thuật cao, đưa ra các phát kiến có tính đột phá hoặc góp phần giải mã các vấn đề văn hóa-xã hội của Việt Nam và thế giới trong thời đại hiện nay (Phạm vi đề cử và xét tuyển của hạng mục này chỉ bao gồm sách thuộc các ngành KHXH&NV)
  • Hạng mục sách Giáo dục: Sách có giá trị đóng góp thiết thực vào việc phát triển nghiên cứu giáo dục, xã hội học giáo dục, tâm lý học giáo dục, triết học giáo dục...; phổ biến triết lý/ tư duy/tư tưởng giáo dục, kiến thức giáo dục tiến bộ; phát triển người học, phát triển người dạy, phát triển lãnh đạo giáo dục, phát triển nhà trường; phát triển giáo dục, ngành giáo dục, nền giáo dục.
  • Hạng mục sách Kinh tế: Sách có giá trị góp phần định hình nền tảng về khoa học kinh tế ở Việt Nam và/hoặc mang lại tư tưởng, tinh thần, nhận thức mới, có tính đột phá về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, thế giới.
  • Hạng mục sách Quản trị: Sách có giá trị góp phần định hình nền tảng về khoa học quản trị/kinh doanh ở Việt Nam và/hoặc mang lại tư tưởng, tinh thần, nhận thức mới, có tính đột phá về các vấn đề quản trị/kinh doanh của Việt Nam, thế giới.
  • Hạng mục sách Văn học: Sách chứa đựng những tư tưởng văn hóa sâu sắc, tiến bộ, góp phần phản ánh và/hoặc giải mã được các vấn đề mà xã hội và con người đang phải đối mặt trong thời đại hiện nay, hoặc góp phần đưa ra được những định hướng hay xu hướng mới (Phạm vi đề cử và xét tuyển của hạng mục này chỉ bao gồm sách Tiểu thuyết)
  • Hạng mục sách Thiếu nhi: Sách có nội dung và hình thức phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Cụ thể, đó là những cuốn sách chứa đựng những giá trị phù hợp với quan điểm giáo dục tiến bộ của thế giới và của thời đại, hướng trẻ em đến những giá trị Chân-Thiện-Mỹ và giúp các em phát triển tư duy, phát triển nhận thức về xã hội, con người và khả năng lãnh đạo bản thân và làm chủ cuộc đời của mình (Phạm vi đề cử và xét tuyển của hạng mục này chỉ bao gồm sách Văn học Thiếu nhi)
  • Hạng mục Phát hiện mới: Riêng đối với các hạng mục này thì ngoài các quy định nói trên (cho từng hạng mục giải thưởng) còn phải đáp ứng quy định sau: Sách là những tác phẩm/dịch phẩm được xuất bản chưa lâu (trong vòng 05 năm trở lại đây), có tính mới mẻ, đột phá cao; đại diện cho những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách, làm sách tiến bộ. Lưu ý đối với sách dịch: Phải đảm bảo chuyển thể trung thực nguyên tác trong các vấn đề liên quan đến nội dung, phong cách (đối với các tác phẩm văn học), khái niệm thuật ngữ (đối với các tác phẩm nghiên cứu, khoa học).

Quy trình xét giải

Quy trình xét Giải Sách Hay gồm 3 vòng xét tuyển: Vòng đề cử, Vòng sơ khảo, Vòng chung khảo.

(1)Vòng Đề cử

Thông qua hình thức là website www.SachHay.org để nhận đề cử trực tuyến cho giải Sách Hay từ các thành viên của Hội đồng sáng lập Dự án Khuyến đọc Sách Hay, thành viên Hội đồng Xét giải và Hội đồng Trao giải của năm đó, các tri thức, học giả, nhân sỹ, chuyên gia, nhà giáo, nhà báo… có uy tín, có tâm huyết với sự nghiệp phát triển nền tri thức, văn hóa, khoa học và giáo dục của nước nhà; Các cá nhân là những người điều hành các trang tin, mạng xã hội, cộng đồng về sách; Các độc giả mê sách; Những người am hiểu về sách; Các đối tượng khác.

BTK chịu trách nhiệm sàng lọc và tổng hợp sách đề cử từ các nguồn (trong đó bao gồm cả đề cử từ các Thành viên Hội đồng Trao giải và Hội đồng Xét giải), từ đó hình thành một “Danh sách đề cử” gồm tối đa 15 tựa/cuốn/bộ sách cho mỗi thể loại (tức là, tối đa 30 tựa cho mỗi hạng mục). Việc hình thành “Danh sách đề cử” này được căn cứ trên tiêu chí xét giải và theo các quy định tại bản Điều lệ này.

(2) Vòng Sơ khảo

Nhằm chọn ra một danh sách ngắn để phục vụ cho vòng xét tuyển chung khảo. Vòng Sơ khảo đề ra những nguyên tắc lựa chọn và xếp hạng vòng Sơ khảo đó là:

Trong mỗi thể loại (sách dịch và sách viết), mỗi thành viên Hội đồng Xét giải sẽ chọn ra một danh sách gồm tối đa 10 tựa/cuốn/bộ sách mà mình biết và cho là xứng đáng nhất để đi vào vòng Chung khảo và xếp hạng lần lượt từng tựa/cuốn/bộ sách theo thứ tự từ 1 đến 10 (tức là, theo thứ tự từ cuốn “xứng đáng nhất để vào chung khảo” đến cuốn “ít xứng đáng nhất để vào chung khảo”).

Thành viên Hội đồng Xét giải nên đưa ra càng nhiều lựa chọn thì càng tốt (nhưng tối đa là 10 cuốn) rồi xếp hạng những lựa chọn đó.  Khi xếp hạng theo thứ tự từ cao đến thấp thì cuốn xứng đáng nhất (trong số các sách đề cử) phải xếp hạng nhất, rồi tiếp đó là các thứ hạng tiếp theo (2, 3, 4…). Có thể xếp hai hay nhiều sách đồng hạng với nhau, nhưng cuốn ở hạng tiếp theo sẽ phải xếp nhảy hạng. Tuy nhiên, nếu như không có “đồng hạng” thì không được xếp nhảy hạng.  Những cuốn sách có vị trí chung cuộc từ 01 đến 05 (được gọi là “Danh sách sơ khảo”) sẽ được chọn để đi tiếp vào Vòng Chung khảo. Ví dụ tham khảo về cách xếp hạng, cách quy điểm và cách xác định vị trí chung cuộc

(3) Vòng Chung khảo

Trong mỗi thể loại (sách dịch và sách viết), mỗi thành viên Hội đồng Xét giải sẽ xếp hạng các sách trong “Danh sách sơ khảo” lần lượt từng tựa/cuốn/bộ sách theo thứ tự từ 1 đến 5 (tức là, theo thứ tự từ cuốn “xứng đáng nhất để trao giải” đến cuốn “ít xứng đáng nhất để trao giải”). Việc xếp hạng, quy điểm và xác định vị trí chung cuộc của Vòng Chung khảo sẽ được tiến hành theo nguyên tắc và quy định tương tự như ở vòng Sơ khảo.

Ngoài ra, có một số quy định bổ sung của Vòng Chung khảo như sau: Trong trường hợp thành viên Hội đồng Xét giải không xếp hạng đầy đủ các sách trong “Danh sách sơ khảo” thì những cuốn không được xếp hạng sẽ mặc nhiên được xếp ở vị trí tiếp theo và đồng hạng.  Điểm chung cuộc của mỗi cuốn sách là tổng số điểm từ các thành viên Hội đồng Xét giải chấm cho cuốn sách đó. Cuốn sách được đề nghị trao giải phải là cuốn sách có điểm trung bình chung cuộc cao nhất và điểm trung bình chung cuộc của cuốn sách đó phải trên 6,5 điểm.

Trường hợp một thể loại (thuộc một hạng mục nào đó) không có cuốn sách nào đủ hai điều kiện đoạt giải nói trên thì Hội đồng Trao giải sẽ không trao giải cho thể loại đó (tức bỏ trống giải của thể loại đó).

Trường hợp, có nhiều hơn 01 (một) cuốn sách đủ điều kiện nhận giải (vì đồng hạng nhất và đều trên 6,5 điểm) thì việc trao giải cho cuốn sách nào sẽ do Hội đồng Trao giải quyết định.

Trong trường hợp cuốn sách được đề nghị trao giải có nhiều hơn 1 (một) phiên bản (sách gốc hay sách tái bản, bản dịch lần thứ 1 hay lần thứ n) thì Hội đồng Xét giải có trách nhiệm chọn lựa và đề cử phiên bản xứng đáng nhất lên Hội đồng Xét giải và Hội đồng Trao giải để xem xét và quyết định có trao giải hay không, từ đó chọn đúng dịch giả/ đơn vị xuất bản/ năm xuất bản nào xứng đáng được chọn nhất.

Kết quả chung cuộc ở vòng Chung khảo là căn cứ để Hội đồng Trao giải và Ban tổ chức ra quyết định công bố và trao giải. - Nếu ở một thể loại của một hạng mục nào đó không có tựa/cuốn/bộ sách nào đáp ứng đủ điều kiện đoạt giải thì Ban tổ chức có quyền quyết định sẽ không trao giải cho thể loại thuộc hạng mục đó.

Công bố giải thưởng

Viện IRED (Đơn vị tổ chức giải Sách Hay và cũng là đơn vị điều hành Dự án Khuyến đọc Sách Hay) và Ban thư ký có trách nhiệm tổ chức việc công bố giải Sách Hay hàng năm cho cộng đồng (bằng cách tổ chức Họp báo công bố kết quả giải Sách Hay hay bằng cách tổ chức Lễ công bố kết quả giải Sách Hay).

Lễ công bố giải thưởng Sách Hay

Ngoài ra, kết quả của Giải Sách Hay sẽ được công bố chính thức trên website riêng của Dự án Khuyến đọc Sách Hay, và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù mục đích chính của giải Sách Hay là “lựa chọn sách hay và quảng bá sách hay”, nhưng sau khi công bố kết quả giải thưởng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Ban tổ chức và Hội đồng Trao giải cũng sẽ gửi đến tác giả, dịch giả và đơn vị tổ chức xuất bản có tác phẩm/dịch phẩm đoạt giải Thư chúc mừng kèm với Giấy chứng nhận sách đoạt giải của Ban tổ chức và Hội đồng Trao giải. Việc vinh danh giá trị của các cuốn sách này cũng là cách gián tiếp gửi lời cảm ơn tới các tác giả, dịch giả và đơn vị xuất bản vì đã nỗ lực để mang đến cho mọi người những cuốn sách hay.

Đọc thêm: 11 cuốn sách đạt Giải thưởng Sách hay năm 2011

 Trạm Đọc (Read Station)

Tags: