Đừng sốc sex sến nữa: Sáng tạo quảng cáo chạm vào mong ước thầm kín của con người
Đừng sốc sex sến nữa: Sáng tạo quảng cáo chạm vào mong ước thầm kín của con người
'Sáng tạo' đã trở thành một trong những slogan được ngợi ca và trọng vọng nhất trong giới kinh doanh hiện đại. Thế nhưng, dường như chúng ta đang làm sai cách hết cả.
Lời dẫn từ Trạm: Sáng tạo hay là chết? Muốn sống tốt trong môi trường cạnh tranh ngày nay, bạn phải sáng tạo? Nhưng bắt đầu từ đâu? Bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất, theo bài viết độc đáo này, là phải thâm nhập vào đầu óc khách hàng, và thấu hiểu những ước muốn thầm kín nhất của họ. Ví dụ, trong ngành du lịch, khi sản phẩm không có nhiều khác biệt, thì bạn phải làm gì để tách mình khỏi đám đông.
 
Bạn cần biết rằng họ không chỉ đến đây để ăn đặc sản hay nằm phòng hạng sang, mà phải tìm xem kì vọng thực sự của họ khi muốn đi du lịch là gì. Bên cạnh túi hành lý, họ mang theo mình một tâm trí sao lãng, những nỗi chán chường của công việc, cảm giác chán ngắt cuộc sống thường ngày đơn điệu, nỗi thù ghét tiếng ồn của Hà Nội không bao giờ chịu im tiếng. Họ ôm theo kì vọng: cuối cùng cũng tìm được được một nơi để tạm gác lại bộn bề nơi công sở, một nơi để thực sự kết nối với các thành viên trong gia đình, một nơi mới mẻ để thức dậy sự lãng mạn tình yêu đã mất đi...
 
Thế nhưng, những sáng tạo của ngành du lịch là gì: cáp treo, công viên nước, sân tenis, bể sục, spa...Họ cung cấp những giá trị vật chất mà khách hàng không thực sự tìm kiếm khi đi du lịch: Cái cần là một cảm giác yên bình, một khoảng thời gian để dừng lại, một chốn yên tĩnh để tìm lại bản thân...thì lại không thấy đâu
 
Bài viết đầy tính nhân văn dưới đây sẽ cho bạn một góc nhìn mới lạ về ngành công nghiệp sáng tạo và khởi sinh những ý tưởng mới lạ để thúc đẩy những đổi mới ý nghĩa, giá trị hơn dành cho khách hàng.
 
Ví dụ liên hệ: Khách hàng thực sự muốn gì khi đi ra rạp xem phim? Và bạn có thể tái sáng tạo ra sao để thực sự chạm vào ước vọng của họ?
 
'Sáng tạo' đã trở thành một trong những slogan được ngợi ca và trọng vọng nhất trong giới kinh doanh hiện đại. Các công ty cực kì quan tâm đến sự phát triển sáng tạo và âu lo bất cứ khi nào năng lượng đổi mới có thể sụt giảm. Một ngành công nghiệp sáng tạo khổng lổ và béo bở đã sinh ra, để kiếm tiền dựa trên những lỗi bất an này của doanh nghiệp. Tệ nhất là, trong nỗ lực tuyệt vọng để cố gắng thúc đẩy sáng tạo, họ lại đi cử một số lãnh đạo cấp cao đi học vài lớp kĩ năng hay cho phép nhân viên ăn mặc tự do hơn, bất kể hiệu quả thực sự của chúng ra sao.
 
Nhưng vấn đề là sáng tạo trong doanh nghiệp có đôi chút khác với sáng tạo nghệ thuật. Một công ty là tập hợp các cá nhân làm việc cùng nhau để giải quyết một vấn đề cho khách hàng. Định nghĩa này giúp vạch ra mục tiêu thực sự mà sáng tạo kinh doanh cần hướng tới: suy nghĩ thật sâu, thật tập trung về những điểm thiếu sót trong cuộc sống của vị khách hàng mục tiêu. Giỏi sáng tạo là nghĩa giỏi xác định và đáp ứng được những nhu cầu (rất nhiều cái không được nói ra và còn mù mờ) của khách hàng một cách có lợi nhuận.
 
Mọi chuyện khác - nhà máy, công nghệ, hậu cần, tài chính - chỉ có tác dụng phụ giúp cho mục đích này. Bất kể công ty có đổ nhiều công sức vào việc thực thi đến đâu, nó sẽ không thể thành công nếu không toàn tâm toàn ý vào việc đáp ứng những đòi hỏi bức bách này của người tiêu dùng.
 
Bản chất của cạnh tranh trên thị trường là các công ty thi xem ai tìm hiểu chính xác hơn những nhu cầu mà khách hàng của họ cần. Một công ty mạnh khi nó hiểu những nhu cầu này tốt hơn các đối thủ của mình. Vì vậy, sáng tạo thực sự có giá trị - và đây là điều mà các công ty nên cố gắng nuôi dưỡng - là thứ sáng tạo giúp một doanh nghiệp thâm nhập vào đầu óc khách hàng của mình một cách chuẩn xác và mạnh mẽ.
 

Bàn về sự chiêm nghiệm

 
Những áp lực của việc điều hành một doanh nghiệp có mức thành công trung bình thôi, ngày nay cũng đã khá hao công tổn sức. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi các công ty không có thời gian để lùi lại và suy nghĩ sáng tạo hơn về sự đổi mới. Chính bởi vậy, năng lực quan trọng này của họ mới yếu dần đi.
 
Chỉ có một vài đại công ty mới có tiền để cử cả một đội đi chiêm nghiệm về mô hình kinh doanh hiện tại ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng, ví dụ như lên Sapa, nhưng chúng ta đều có thể, ngay tại đây, bắt chước được trạng thái suy nghĩ mà những kì nghỉ này muốn khởi sinh. Ta đều có thể tập thói quen "lùi lại" trong suy nghĩ - và tự hỏi liệu tương lai công ty có thể khác biệt một chút, ý nghĩa hơn so với trước đây.
 
Đây là bốn câu hỏi lớn có thể tạo ra hiệu quả tư duy:
 

 

I. Khách hàng của bạn đang thầm mong ước gì?

 

 
Nghe có vẻ lạ nhưng rất nhiều khách hàng đang thầm (và mù mờ) nuôi dưỡng hi vọng rằng công ty kia có thể đi một bước tiến dài so với những gì hiện đang cung cấp. Một cách tuyệt vời để sáng tạo là chạm vào những mong mỏi thầm lặng và xây dựng các sản phẩm và dịch để đáp ứng chúng. Tiềm năng tăng trưởng, nếu làm được, sẽ là vô cùng lớn.
 
Lấy ví dụ về những kì vọng xung quanh ngành công nghiệp không khói. Hãy xem thử khách sạn Mường Thanh tại Sapa. Những dịch vụ khách hàng hiện được hưởng bao gồm: phòng tập tennis, bể sục, tắm hơi, spa...Nhưng rõ ràng các tiện nghi này không bao quát toàn bộ những kì vọng mà các khách hàng mơ tới khi đi nghỉ tại thành phố mù sương này. Người lữ khách cũng có thể hi vọng:
 
- họ cuối cùng cũng có một nơi để tạm gác lại nỗi lo âu của công việc
- mối quan hệ của họ với con cái sẽ được cải thiện
- họ có thể làm sống lại tình yêu với người bạn đời của mình
 
Đây là những kì vọng hiện đang bị bỏ lơ, nhưng nếu ai chịu đánh giá chúng một cách nghiêm túc, họ có thế mở rộng dịch vụ sang 3 nhánh mới (một tư vấn phát triển sự nghệp, một trị liệu các vấn đề gia đình, một tư vấn hôn nhân).
 
Hay hãy xem những thầm ước mà mọi người mang theo khi đi gặp các công ty tài chính. Khi ta lùi lại, ta sẽ thấy một ngân hàng không chỉ là một nơi để cất tiền an toàn, với lãi suất dự trữ cạnh tranh và dịch vụ khách hàng tương đối ổn. Tất nhiên là ta cần những thứ này, nhưng một nhu cầu ít được nói ra hơn là: làm sao để sống tốt với tiền bạc.
 
Về chuyện tiền bạc, ta hay thắc mắc để: làm sao để đối mặt với cảm giác ghen tị những người giàu có, làm sao để biết chi tiêu đúng cách, làm sao để kiếm nhiều tiền hơn và làm sao dạy cho con cái hiểu được giá trị của đồng tiền. Đây là những cơ hội béo bở dành cho ngành tài chính để thấu hiểu chính xác hơn những mong muốn và tham vọng của người dân xung quanh tiền bạc.
 
Một con đường lớn sẽ rộng mở bất cứ khi nào các công ty coi mình là không chỉ người giải quyết các vấn đề nhỏ nhặt như ăn gì, ở đâu, mua gì...mà còn đáp ứng các vấn đề lớn hơn của sự tồn tại.
 

 

II. Có những vấn đề nào liên quan mà bạn cũng có thể xử lý?

 

 
Liệu vấn đề mà bạn đang giải quyết có tồn tại ở đâu đó và liệu bạn có thể xử lý nó ở khu vực bạn sinh sống được không?
 
Nhà thiết kế Giorgio Armani khởi sự doanh nghiệp quần áo của mình năm 1975 và sớm đạt được thành công lớn. Động lực thúc đẩy ông mỗi ngày là ham muốn "sửa chữa" những hỗn loạn và bề bộn của thế giới - và ông thực hiện điêu này bằng cách đem lại trải nghiệm thời trang tinh tế, đơn giản cho khán giả.
 
Nhưng cùng lúc đó, Armani cũng nhận ra các vấn đề tương tự - về sự bừa bộn, hỗn loạn, lộn xộn - có thể thấy trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. 
 
Công ty Armani sau đó mở rộng từ ngành quần áo sang nước hoa tới khách sạn và đồ nội thất.
 

 

III. Bạn có thể đưa Thông điệp của mình sang các kênh truyền tải khác

 

 
Các công ty nhiều khi quá tập trung một kênh truyền tải từ ngày khai sinh ban đầu - và do đó sẽ khó nhận ra rằng thông điệp của mình (một phần rất quan trọng) có thể dịch chuyển sang các kênh khác.
 
Điều này có thể xảy ra với các nghệ sĩ. Andy Warhol bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách vẽ tranh. Các giá trị của anh - một góc nhìn châm biếm, nửa yêu nửa ghét về đời sống của dân Mỹ - dường như chỉ phù hợp hoàn toàn với loại tranh sơn dầu.
 
Nhưng theo thời gian, Warhol biết lùi lại và giác ngộ. Thông điệp của anh có thể tồn tại trong một cuốn sách, một bộ phim, một bức ảnh hay một tạp chí. Đó là lý do tại sao anh lại làm một bộ phim 2 phút về mình ăn một chiếc hamburger từ hãng Burger King.
 
 
Chiến thuật tương tự cũng có thể áp dụng trong kinh doanh .Từ lâu, công ty của Michael Heseltine, nhà xuất bản Haymarket, tin rằng nó chỉ nên tập trung hoàn toàn vào các tờ tạp chí. Nhưng giữa những năm 1990, Heseltine nhận ra rằng (nghe kể về những giây phút thức tỉnh này thì thấy dễ) rằng ông đã quá trung thành với một phương tiện - và thông điệp của ông (cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp) có thể tồn tại ở nhiều thể loại khác, ý tưởng nằm sau quyết định khởi sự một công ty tổ chức sự kiện, một tạp chí trực tuyến và một dịch vụ tư vấn.
 

 

IV. Quy mô to lớn hơn cho hoạt động hiện tại của bạn là gì?

 

 
Trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào, ta có thể tự hỏi: phiên bản lớn lao hơn của nó là gì? Ta có thể hỏi: Đâu là nguyên lý cốt lõi trong doanh nghiệp này? Và sẽ ra sao nếu triển khai nguyên lý đó với quy mô lớn hơn.
 
Hãy xem một ví dụ rất nhỏ, theo cả nghĩa đen, về một chiếc kẹp giấy - và tự hỏi phiên bản lớn lao hơn của nó là gì.
 
Khi tìm hiểu nguyên tắc nền tảng của một doanh nghiệp, ta không nên nhìn vào những hoạt động hiện tại mà nó đang làm. Vậy nên, giá trị của một doanh nghiệp hạt dẻ không phải là sản xuất hạt dẽ, nó đang tạo ra những đồ ăn vặt lành mạnh. Giá trị của một công ty điện thoại không phải là làm điện thoại, nó là sự kết nối. Điều này cho phép một công ty có thể tưởng tượng ra các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, nhưng vẫn hoàn toàn trung thành với giá trị cốt lõi của mình.
 
Nguyên lý nền tảng của một công ty kẹp giấy là sự ngăn nắp tạm thời. Kẹp giấy là một văn phòng phẩm nhỏ, đẹp, giúp giữ các tờ giấy theo thứ tự, đồng thời cũng có thể buông chúng ra dễ dàng, không như ghim. Phiên bản lớn lao hơn có thể nằm ở các sản phẩm tương tự khác như túi đựng hồ sơ, giá sách, cặp tài liệu, do những đồ dùng này đều áp dụng chung một nguyên tắc. Về mặt logic, một ngày công ty kẹp giấy có thể mở rộng sang cả ngành trông xe.
 
Hay lấy ví dụ một công ty đang làm nút tai. Giá trị cốt lõi của nó là sự yên lặng. Nó chạm vào nhu cầu cần được yên bình: khử đi những tiếng ồn khó chịu của thế giới không ngừng kêu. Nguyên lý này có thế áp dụng sang nhiều thị trường mới như các thiết bị khử tiếng ồn, làm phòng cách âm hay nến thơm để tạo ra sự thành bình. Họ thậm chí còn có thể phát triển một thương hiệu các phòng nghỉ hạng sạng không một tiếng động hay đổi mới các ngôi chùa thành một nơi trốn khởi đời sống ồn ào.
 
Sau một vài phút nghỉ ngơi trên sườn núi tưởng tượng, lùi lại và dành thời gian suy nghĩ, ta có được
 
Hoạt động hiện tại  Hoạt động tương lai
Khách sạn hạng sang tại Sapa Trị liệu tâm lý hôn nhân
Quần áo đen tối giản Khách sạn
Tạp chí kinh doanh Kết nối doanh nhân với thông tin họ cần để phát triển: Tổ chức hội thảo vvv
Ngân hàng: Tăng trưởng danh mục đầu tư lên 5% Giúp mọi người sống tốt với tiền bạc
Sản xuất kẹp giấy Công ty sắp xếp: túi tài lại liệu, bãi đỗ xe
Sản xuất bịp tai Phòng cách âm, nến, thiền viện
  
Hãy xem xét một vài ví dụ thực tế về các công ty gần đây đã lùi lại để tìm ra giá trị cốt lõi của mình và tự hỏi làm sao có thể sáng tạo hơn.
 

 

LinkedIn

 

 
Khi LinkedIn bắt đầu hoạt động năm 2003, nhà sáng lập và đội quản lý hiểu rằng đây đang là nơi trao đổi lý lịch công việc (CV). Các nhà tuyển dụng và ứng cử viên có thể xem CV của nhau và phát triển các mối quan hệ trên mạng cũng như ngoài đời. Tuy nhiên, gần đây, LinkedIn bắt đầu nhìn mình từ một lăng kính rộng hơn. Họ nhận ra một cơ hội kinh doanh cực lớn nằm ở năng lực kết nối tài năng của mọi người với nhu cầu thương mại của thế giới.
 
Vì vậy, LinkedIn tái định nghĩa lại sứ mạnh của mình là giúp ai cũng có thể tìm được một công việc chuẩn, lý tưởng cho mình. Để làm được điều này họ sẽ cần xem xét một loạt các vấn đề lớn hơn, bao gồm: Đâu là tài năng thực sự của mọi người? Làm sao để họ phát hiện ra được thế mạnh của mình? Làm sao tài năng này có thể biến thành kĩ năng? Làm sao có thể biết người nào thực sự có tài?
 
Đây là những thử thách lớn hơn là chỉ đảm bảo CV của bạn có thể đến được đúng tay của phòng nhân sự. Ví dụ, một bạn trẻ có thể đam mê quá nhiều thứ hay phóng đại năng lực thực sự của mình; hoặc họ thiếu bằng cấp tin cậy để chứng tỏ những gì họ có thể làm.
 
LinkedIn cuối cùng đã chạm tới khao khát tột cùng của người dùng: nó sẽ phải là một công ty giúp mọi người tìm được công việc phù hợp với mình. Vì vậy, tương lai rộng mở của LinkedIn có thể bao gồm việc mở rộng sang các ngành:
 
Đánh giá sự lựa chọn nghề nghiệp: một vấn đế lớn của chúng ta là không biết mình thực sự phù hợp với công việc gì, mà ta lại rất dễ bị lay động bởi những kì vọng từ gia đình, bạn bè. Những dịch vụ tư vấn nghề nghiệp hiện tại rất đắt đỏ, không tin cậy và không phổ biến. Một cơ hội lớn cho LinkedIn là cung cấp lợi ích này cho tất cả người dùng với giá rẻ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
 
Đào tạo kĩ năng nghề nghiệp: LinkedIn mua lại một công ty đào tạo nghề nghiệp trực tuyến mang tên Lynda.com với giá $1.5 tỷ, dựa trên ý tưởng cho rằng muốn phát triển năng lực của mình để kiếm được công việc mãn nguyện nhất, mọi người cần tôi luyện những kĩ năng của họ. Rõ ràng đây không phải là ý tưởng gì quá đột phá. Tuy nhiên, giáo dục theo nhu cầu (khác với theo nguyện vọng tại các trường đại học và cao đẳng), sẽ giúp mọi người làm việc tốt hơn.
 
Những bước sáng tạo này ngày càng chạm tới nhu cầu thật sự của người dùng: giúp người đi làm tìm được công việc yêu thích và giúp các công ty xây dựng được đội ngũ nhân sự lý tưởng.
 

 

Airbnb

 

 
Thành lập từ năm 2008, những cậu chủ của Airbnb ban đầu cho rằng mô hình doanh nghiệp của họ là cung cấp thêm nhà trọ cho khách du lịch. Công ty tăng trưởng rất mạnh với quy mô toàn cầu.
 
Tuy vậy, gần đây Airbnb đã xem xét lại giá trị cốt lõi của mình để mở rộng hoạt động. Lối suy nghĩ thông thường sẽ khuyên họ nên phát triển sang ngành dịch vụ hàng không (các khách hàng của họ bay rất nhiều) hoặc một ngân hàng (họ rất được tin cậy trong các giao dịch tài chính). Nhưng thay vào đó, họ đã cấu trúc kế hoạch mở rộng của mình để đáp ứng những kì vọng sâu xa hơn của việc du lịch. Không tìm được chỗ ở thoải mãi là một trong những chướng ngại khi xa nhà. Nhưng mà còn nhiều vấn đề khác.
 
Để giải quyết các vấn đề liên quan, Airbnb gần đây đã nghiên cứu những gì các lữ khách thực sự trải nghiệm. Họ theo chân các cá nhân và các gia đình, theo dõi nhịp tim, tâm trạng và mức độ lo lắng của họ. Họ khám phá ra rất nhiều sự cố trong các chuyến đi:
 
Không thực sự biết nên đi đâu hay tại sao: truyền thông hiện đại đã bơm vào đầu người dân ý tưởng "đi du lịch" và những lợi ích lớn lao - dù mơ hồ - mà nó đem lại. Nhưng nói chung, cả ngành công nghiệp này vẫn hoạt động dựa trên giả định rằng mọi người đã biết những gì họ đang tìm kiếm, công việc đơn giản chỉ là vận chuyển họ đến đó. Ấy vậy mà ta vẫn rất nhiều lần đặt chân đến những nơi mà ta chẳng biết phải làm gì để rồi nằm đó ngủ cả ngày.
 
Để giải quyết vấn đề này Airbnb đang tập trung hơn vào "các chuẩn đoán". Thay vì hỏi "bạn muốn đi tới đâu?", họ muốn mở rộng thông qua câu hỏi: "bạn đang kì vọng gì từ việc du lịch?" Họ muốn mang lại một dịch vụ tư vấn du lịch chuẩn xác hơn.
 
Những vấn đề của bản thân: Một người có thể cảm thấy âu lo trên Sapa, chán nản tại Nha Trang, buồn rầu tại Đà Lạt...Vấn đề không nhất thiết lúc nào cũng là đi đâu: biển đẹp đấy, nắng đẹp đây, thiên nhiên đẹp đấy, nhưng ta vẫn sầu. Vấn đề nằm bên trong ta, ta đi với tâm trí sao lãng, nỗi lo lắng và chán chường vẫn còn sống bên trong. Nhưng từ trước đến giờ, cả ngành du lịch chỉ tập trung vào một nửa câu hỏi. Để có thể mở khóa những kì vọng của việc du lịch, Airbnb đang:
 
- Giải quyết sự cô đơn khi du lịch: bằng cách phát triển một dịch vụ hướng dẫn, biến ứng dụng của mình có tính xã hội hơn.
- Sử dụng du lịch như một khoảng thời gian tương tác với những con người lạ và học những điều mới
- Du lịch lãng mạn: giúp các cặp đôi hiểu nhau hơn
 
Đây là những sáng tạo đột phá trong ngành du lịch. Nhưng chúng không phải sinh ra ngẫu nhiên. Chúng là những kế hoạch mở rộng cực kì tập trung nhắm vào những kì vọng căn bản của những người đi lịch, mà khi khởi nghiệp Airbnb mới chỉ tập trung vào một mảng rất nhỏ.
 

Kết luận

 

Phong trào Xanh thường tấn công các doanh nghiệp vì tội lấp đầy thế giới này bằng rác. Thông điệp của nó là con người hiện đại đã có quá nhiều đồ đạc rồi và mục tiêu tập trung vào tăng trưởng của các doanh nghiệp thật đen tối. Nhưng lập luận ở bài viết này là các công ty vẫn thực sự cần phải phát triển (và theo hướng tốt đẹp) vì họ hiện đáp ứng nhu cầu của khách hàng rất tệ. Vẫn có rất nhiều thứ khách hàng muốn và vẫn chưa được đáp ứng. Và đây không chỉ đơn thuần là chuyện tiêu dùng hay đi du lịch. Nó là những mong muốn thật sự của mọi người để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn
 
Sáng tạo là chìa khóa bởi vì - theo nghĩa chúng ta đang khám phá - nó là quá trình tìm ra những giải pháp-doanh nghiệp cho các vấn đề quan trọng nhất với chúng ta. Sản phẩm mà bất kì công ty nào cung cấp có thể chỉ là một phần nhỏ trong những nhu cầu thực sự của khách hàng. Tái định nghĩa sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của một công ty có thể khiến nó từ thất bại trở thành vĩ đại, nếu thực sự hiểu được nhu cầu của khách hàng.
 
Tram Đọc
Theo The Book Of Life