Đừng sợ lỡ cuộc chơi – Dân chơi học cách vượt qua nỗi lo tụt hậu so với xã hội
Đừng sợ lỡ cuộc chơi – Dân chơi học cách vượt qua nỗi lo tụt hậu so với xã hội
Có một câu nói rất nổi tiếng của Paulo Coelho là “Tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ biết bao, chỉ vì tôi sợ bỏ lỡ chúng”. Nghĩa là, không cần bàn cãi nhiều, để thoát khỏi cái bẫy của FOMO và FOBO, bạn buộc phải trở nên quyết đoán: hoặc là bạn phải lựa chọn những thứ bạn thật sự muốn hoặc là bạn phải loại bỏ những thứ dư thừa.
Đừng Sợ Lỡ Cuộc Chơi (FOMO)
(23 lượt)

 

 

Bí quyết để đạt được sự vĩ đại chính là tính thiếu quyết đoán.

Vậy sao?

Không, đương nhiên là chẳng có ai nói như vậy cả, tôi chỉ đùa thôi.

 

 

Tôi tin chắc là bạn đã từng, giữa cuộc sống với vô vàn lựa chọn này. Mỗi sáng quay ra quay vào chỉ để quyết định xem sẽ khoác lên mình bộ đầm cánh tiên hay bộ vest công sở đã được là thẳng thớm. Thi thoảng bạn mất vài giờ đứng chôn chân trong một quầy hàng trong trung tâm thương mại để tìm được mẫu mã ưng ý, bạn sợ không mua đợt giảm giá này thì sẽ uổng lắm, bạn cũng sợ biết đâu nhãn hàng vẫn còn đợt giảm giá sâu hơn... Và kết quả là dù bạn vẫn phải lựa chọn, nhưng trong lòng vẫn còn nhiều nuối tiếc. Chúng ta liên tục lướt facebook vì sợ bỏ lỡ những thông tin sốt dẻo, những trào lưu (chẳng quan trọng mấy) mà chỉ cần bẵng đi một chút thôi là đã thành “người tối cổ”. Chúng ta không ngừng mở điện thoại, kiểm tra hộp thư trong vô thức. Chúng ta trở thành một quân bài bị điều khiển bởi các nỗi sợ.

Bạn không cô đơn, một lần nữa, tôi tin là như vậy. Hội chứng tâm lý này hóa ra có cơ sở khoa học và phổ biến hơn ta tưởng. Thuật ngữ FOMO (Fear Of Missing Out) – FOBO (Fear Of Better Option) lần đầu tiên được gọi tên bởi cậu sinh viên đại học Harvard Patrick J. McGinnis vào năm 2004. Patrick J. McGinnis được biết tới với tư cách một nhà văn, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm, đồng thời là nhà sáng lập kiêm người dẫn chương trình của podcast FOMO sapiens, bàn về bản chất của FOMO và cách mỗi người có thể thoát khỏi nỗi sợ này để sống một cuộc đời thanh thản, tự do. Cũng là cha đẻ của cuốn sách này “Đừng sợ lỡ cuộc chơi” do First New phát hành tháng 3/2021. 

Ấn bản Đừng sợ lỡ cuộc chơi được First News chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam

Một báo cáo thống kê rằng, FOMO và FOBO được đưa vào từ điển Oxford năm 2013, và cho đến nay, hội chứng này tác động đến 70% người trưởng thành thuộc thế hệ Millennials. Một tỉ lệ thật đáng báo động với sự xoay vần mỗi ngày của thông tin và truyền thông.

 

Hiểu đúng về FOMO – FOBO

FOMO là gì?

\fo- mo\ là cảm giác lo lắng do áp lực xã hội tác động vì nhận ra rằng bạn sẽ bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ

FOBO là gì?

\fo- bo\ là cảm giác sợ có sự lựa chọn tốt hơn. Nó thôi thúc bạn luôn tìm kiếm và bảo toàn các phương án dẫn đến việc trì hoãn ra quyết định hoặc ngưng thực hiện vô hạn định.

Đây là lúc bạn phải thừa nhận rằng khi sống với những ảnh hưởng của cả hai FO, bạn có nguy cơ phá hỏng sự nghiệp của mình, hủy hoại nhiều mối quan hệ xung quanh. Tin xấu là FOMO và FOBO bất chấp những hệ lụy lâu dài ấy, vẫn sẽ ăn sâu vào tận ngóc ngách tâm trí bạn, thậm chí bạn sẽ rơi vào tình trạng tệ hại nhất đó chính là FODA (Fear Of Doing Anything – Làm cái gì cũng sợ). Nhưng tin tốt là cuốn sách này “Đừng sợ lỡ cuộc chơi” sẽ đưa cho bạn giải pháp, một giải pháp duy nhất và có sức mạnh nhất, xóa tan mọi nỗi sợ. Bạn cũng có thể đá quả bóng trách nhiệm khi lí giải về FOMO và FOBO cho cấu trúc sinh học, tập tính văn hóa và sự phát triển của công nghệ. 

FOMO và FOBO khiến bạn luôn thấy lo sợ bỏ lỡ điều gì đó

Trong tác phẩm này, Patrick đã vô cùng tỉ mẩn trình bày mọi khía cạnh xoay quanh FOMO và FOBO. Cuốn sách được chia làm bốn phần. Hai phần đầu sẽ lí giải cho bạn: nguồn cơn của FOMO và FOBO, giúp bạn hiểu ra rằng những nỗi lo sợ này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn ở mức độ nào. Phần thứ ba sẽ trao cho bạn những “công cụ tối tân nhất” để đẩy lùi những nỗi sợ. Và phần thứ tư, sẽ giúp bạn thay đổi tư duy về FOMO và FOBO, điều khiển chúng theo hướng có lợi cho bạn. 

Thoát khỏi hội chứng FOBO – FOMO – Để không trở thành linh dương đầu bò

Có một câu nói rất nổi tiếng của Paulo Coelho là “Tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ biết bao, chỉ vì tôi sợ bỏ lỡ chúng”. Nghĩa là, không cần bàn cãi nhiều, để thoát khỏi cái bẫy của FOMO và FOBO, bạn buộc phải trở nên quyết đoán: hoặc là bạn phải lựa chọn những thứ bạn thật sự muốn hoặc là bạn phải loại bỏ những thứ dư thừa.Tuy nhiên, về mặt lý thuyết thì như vậy song thật khó để thực hành một sớm một chiều. Vì vậy, tác giả tiếp tục xoáy sâu trong các chương kế tiếp về những góc tối bán phải đối mặt, bạn cần thừa nhận bản thân, học cách đối diện với nỗi sợ mới có thể kiểm soát chúng.

Tác giả đi theo một hướng tiếp cận rất mượt mà bởi các ví dụ thực tiễn, các con số biết nói trong các báo cáo khoa học. Xuyên suốt tác phẩm của mình, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của bạn gồm ba nhóm: giá trị cao, giá trị thấp và không có giá trị. Nhờ đó mà quá trình đưa ra quyết định của bạn đẩy nhanh hơn, và đẩy xa FOMO, FOBO ra khỏi cuộc sống của bạn. Bạn là cá thể duy nhất, bạn không bị thao túng bởi ai. Khác với đàn linh dương đầu bò luôn sống theo tâm lý bầy đàn, bạn không cần phải như thế.

Trong tất cả những lựa chọn bạn phải đối mặt, học cách quyết đoán có lẽ là điều quan trọng nhất, thậm chí mất cả đời để học. Bạn cần kiên định hơn, nhất là trong cuộc chiến đánh bại FOMO và FOBO. Bạn sẽ được mở rộng tầm nhìn, bạn sẽ không còn cố gắng dành giật trong một cuộc sống đầy rối ren này nữa. Những lựa chọn không còn cân não bạn, những điều diệu kỳ chẳng thể trôi khỏi kẽ tay. 

 

Bạn đọc quan tâm cuốn sách  Đừng sợ lỡ cuộc chơi (FOMO) của tác giả Patrick J.McGINNIS do First News phát hành, có thể đặt mua tại: http://ldp.to/dungsolocuocchoi . Nhập mã TRAMDOC0421 để được giảm thêm 10% khi mua sách do Tiki Trading phân phối. Thời hạn sử dụng đến 30/4/2021.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Hội chứng FOMO: Nỗi sợ bỏ lỡ cuộc chơi và tại sao FOMO không phải lỗi của bạn?

“ĐỪNG SỢ LỠ CUỘC CHƠI”: Tạm biệt FOMO - Nỗi sợ thiên hạ đang có trải nghiệm tốt đẹp hơn mình

Và sau này, thì không còn sau này nữa

Dân mạng có thể thấy Trường Giang vô duyên, tôi thì thấy anh ấy là một minh chứng hoàn hảo của thời đại FOMO, Nỗi sợ bị bỏ rơi

Tags: