Đừng kể tên tôi - Phan Thúy Hà
Đừng kể tên tôi - Phan Thúy Hà
Những chia sẻ của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về cuốn sách lấy đề tài hậu chiến - "Đừng kể tên tôi" và tác giả Phan Thúy Hà.
Họ là những trai làng ra lính đánh trận may mắn sống sót trở về mang theo ám ảnh cái chết của đồng đội, những vết thương trên thân thể, những đau đớn trong tâm hồn, những dằn vặt day dứt trong tâm trí.

 

Họ là những gái làng đi thanh niên xung phong, đi hỏa tuyến, làm cứu thương may mắn sống sót trở về với số phận không an lành, bình yên.

Họ là những phụ nữ nông dân chết chồng ở mặt trận, chết con ở hậu phương, mòn mỏi chờ người trở về mang đầy thương tích, bệnh tật.

Họ là số đông trong mỗi làng quê ta, "xả hết mình khi nước gặp tai ương" (Nguyễn Duy).

Họ là số đông thương binh, cựu binh bị lãng quên vì "mất hết giấy tờ" không đủ "thủ tục làm người còn sống" cho chính mình trước bộ máy quan liêu vô cảm của hôm nay.

Họ là số đông hàng ngày vật lộn với những vết thương trên người, với những đứa con sinh ra nhiễm độc da cam, với cảnh sống nghèo túng, khốn khó.

Họ là số đông thầm lặng, không muốn kể tên mình.

Nhưng cuộc đời họ, câu chuyện của họ thời chiến tranh đã được nghe kể lại, được ghi lại từ một cô gái sinh ra trong hòa bình, từ một làng quê ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), và đã được in thành sách với cái tên như câu cửa miệng chân thật của người dân quê - Đừng kể tên tôi. Cô gái đó là Phan Thúy Hà, người mà đọc xong cuốn sách, ta có cảm tưởng chính cuộc đời đã chọn cô để khơi lại ký ức một thời hào hùng đau thương cho những con người bình dị tưởng đã bị mang theo cả vinh quang và đau đớn của mình vào quên lãng.

Cuốn sách viết về những nỗi đau thời hậu chiến - Đừng kể tên tôi

Thúy Hà đang làm biên tập viên văn học ở NXB Phụ Nữ thì xin nghỉ việc, về quê, và như được một linh cảm tâm linh đạo đức dẫn dắt cô đã tìm đến gặp các bác các chú các bà các cô ở làng mình gợi chuyện, nghe chuyện chiến tranh. Và viết. Một cách viết giản dị trần trụi như sự thật, ngổn ngang như đất ruộng được xới lật lên, tiết chế tối đa những văn vẻ màu mè, để cuộc đời mỗi con người hiện lên như nó vốn thế và đã thế. Chính cái viết đó đã buộc người đọc phải sống cái sống của mỗi người trong từng câu chuyện. Nước mắt chảy ra và lòng quặn thắt. Đừng kể tên tôi - chúng ta đã quên họ.

Khoảnh khắc giản dị khi Phan Thúy Hà tặng sách cho nhân vật

Nhà văn Belarusia Svetlana Alexsievich được giải Nobel văn học 2015 về những tác phẩm phi hư cấu viết từ những câu chuyện của các nhân chứng đi qua chiến tranh đã nói trong diễn từ nhận giải của mình: "Tôi quan tâm đến con người nhỏ bé. Con người nhỏ bé to lớn, tôi những muốn nói vậy, bởi vì những nỗi đau khổ làm cho họ lớn ra. Trong các cuốn sách của tôi, họ kể lại những câu chuyện (lịch sử) nhỏ của mình và cùng với đó là câu chuyện (lịch sử) lớn. Những cái đã và đang xảy ra với chúng ta mà chưa được suy xét, cần phải được nói ra. Để bắt đầu thì hãy nói ra đã. Chúng ta sợ điều này thì sẽ không thể nào thanh toán được với quá khứ của mình. Trong tiểu thuyết Lũ người quỷ ám của Dostoevsky, Shatov nói với Stavrogin lúc bắt đầu câu chuyện của hai người: “Chúng ta là hai sinh vật gặp nhau ở cõi vô thủy vô chung… Đây là lần cuối cùng ở thế giới này. Hãy để giọng nói của anh lại và nói bằng giọng con người! Hãy nói dù chỉ một lần bằng giọng người.”

Những cuộc trò chuyện của tôi với các nhân vật của mình cũng bắt đầu kiểu như vậy. Tất nhiên, con người nói từ thời của mình, hắn không thể nói từ chỗ trống không. Nhưng để đến được tâm hồn con người thật khó, bởi nó đã bị ngập trong rác rưởi những điều cuồng xiên của thế kỷ, những thiên kiến và dối lừa. Do truyền hình và báo chí."

Cám ơn Phan Thúy Hà đã thầm lặng làm việc này không nhân danh lớn tiếng điều gì và đã tự bỏ tiền ra in hai ngàn bản sách và tự mình phát hành.

Ngày 22/12 hôm nay việc thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để tri ân những người lính là hãy đọc cuốn sách này - Đừng kể tên tôi. Và hãy góp phần ủng hộ cho Phan Thúy Hà để cô tiếp tục công việc của mình vì cô cho biết còn hàng ngàn trang tư liệu ghi chép và ghi âm cần được viết tiếp.

"Ở đây chú muốn nói rằng một cái chết quá đau thương khác hẳn với những hình ảnh ôm bộc phá hay giương cao nòng súng và gục ngã oai hùng. Trong chiến tranh có những cái chết không theo quy luật. Nếu tô vẽ về hình ảnh anh dũng ngã xuống trong một trận đánh ác liệt so sánh với cái chết kể trên thì cái chết đó có dũng cảm không, đã có sách vở nào ghi chép hình ảnh của cái chết bi thảm vậy không. Các cháu đang cầm bút hãy giúp các chú nhìn nhận một cách khách quan hơn để làm rõ và hiểu thêm về những bi kịch của chiến tranh."

(Thư của một cựu chiến binh gửi cho Phan Thúy Hà được tác giả lấy thay lời kết cuốn sách, trang 333)

 

Phạm Xuân Nguyên

Tags: