Dù đã có Google rồi, nhưng chúng mình vẫn phải dùng não chứ?
Dù đã có Google rồi, nhưng chúng mình vẫn phải dùng não chứ?
Chúng ta có những gì mà Google không thể thay thế?

 

Hầu hết chúng ta khi nhớ lại những gì mình được học ở trường như tên các con sông hay định lý Pytago, sẽ có lần ta tự hỏi mình rằng “Sao mình phải học mấy thứ này nhỉ? Mình có bao giờ dùng đến nó đâu”. Jonathan Rochelle, giám đốc dự án phát triển ứng dụng giáo dục của Google trong một hội nghị công nghệ đã nói rằng ông ấy không thể trả lời chính những đứa con của mình rằng tại sao chúng phải học phương trình bậc hai. Ông tự hỏi rằng sao chúng  nó không đi mà “hỏi Google” ấy. Nếu ông ấy không thể trả lời được câu hỏi của bọn trẻ, thì để tôi trả lời hộ vậy.

Google là một nơi rất tốt để tìm kiếm thông tin, nhưng não chúng ta dễ dàng đánh bại được nó theo hai cách. “Nhà vô địch” Google của chúng ta đánh giá quá thấp nghĩa của từ và câu thay đổi theo hoàn cảnh. Hãy xem xét vấn đề về mặt từ vựng. Giáo viên nào cũng biết rằng một đứa học lớp 6 được trang bị một từ điển thesaurus, sẽ gửi bài luận của mình với những từ được dùng hoàn toàn không chính xác, giống như một học sinh tìm từ “tỉ mỉ”, thấy nó có nghĩa là “rất cẩn thận”, và viết “Tôi rất tỉ mỉ khi ngã khỏi vách đá.” (thay vì "Tôi rất cẩn thận nhưng vẫn bị ngã khỏi vách đá").

Với tri thức đủ dùng trong trí nhớ, bộ não sẽ khéo léo xếp các từ vào đúng ngữ cảnh. Ví dụ như trong câu “Trisha làm đổ cà phê”. Câu tiếp theo ngay sau đó sẽ là “Dan nhảy phắt dậy để kiếm cái giẻ lau”, và não chúng ta sẽ ngay lập tức làm nổi bật một nét nghĩa của từ “đổ” — làm mọi thứ trở nên lộn xộn. Nghĩa của từ “đổ” phụ thuộc vào ngữ cảnh, nhưng các loại từ điển (cả từ điển trên Internet) thường mang tới những nghĩa không nằm trong hoàn cảnh nào cả. Đó là lí do tại sao “nhà em có nuôi một ông nội.”

Có lẽ một ngày nào đó tìm kiếm trên Internet sẽ có thể nhạy cảm hơn với ngữ cảnh, nhưng cho tới khi não chúng ta có thể kết nối trực tiếp với các con chip vi xử lý bán dẫn kia, có một vấn đề khác nữa đó là tốc độ.

Truy cập nhanh lẽ ra phải là một ưu điểm tuyệt vời trong việc sử dụng Internet. Học sinh luôn có thể tra cứu công thức giải phương trình bậc hai thay vì ghi nhớ nó, nhưng việc mở một tab trình duyệt mới sẽ mất vài khoảnh khắc, có thể nhanh hơn thời gian cần thiết để tìm đúng trang trong đúng cuốn sách. Nhưng thế vẫn còn chậm hơn nhiều so với tốc độ bộ não hoạt động.

Tốc độ chỉ có ý nghĩa hơn khi phương trình bậc hai là một phần nằm trong bài toán lớn hơn. Hãy thử tưởng tượng việc tính 397.394x9 nếu bạn không nhớ bảng cửu chương. Dĩ nhiên là bạn có thể nhớ được 4x9 nhưng có lẽ bạn quên mất ngay đoạn sau của phép tính. Đó là lí do tại sao Hiệp hội Tư vấn Toán học Quốc gia ghi nhận rằng “việc nhớ lại nhanh và dễ dàng” là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong dạy toán.

Vấn đề về tốc độ đọc cũng vậy. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng độc giả cần phải biết ít nhất 95 phần trăm của các từ trong một văn bản để dễ dàng hiểu được nó. Tạm dừng để tìm định nghĩa từ sẽ gây rắc rối không nhỏ. Khi đọc online, sự hiện diện của các hyperlink làm gián đoạn việc đọc  hiểu vì người đọc phải cân nhắc quyết định có nên nhấp chuột vào hyperlink đó hay không.

Có được kiến thức sâu hơn về từ ngữ cũng sẽ có lợi. Tầm hiểu biết của bạn về nghĩa của từ, cách viết từ đó và nó đọc như thế nào thực ra nằm phân biệt ở các vùng khác nhau trong não bộ. Đó là lí do tại sao có lúc bạn chỉ có thể nhớ một thứ nhưng lại quên mất những cái khác, khi bạn muốn nói gì đó (“một người đi vay tiền”) nhưng không thể nhớ ra từ dùng để chỉ nó (“con nợ”). Người đọc hiểu tốt có những liên kết cực kì vững chắc và tốc độ trong việc đánh vần, âm thanh và ngữ nghĩa trong não bộ. Tốc độ rất quan trọng bởi vì nó giúp não tiến hành các việc quan trọng như phân tích nghĩa của câu.

Sử dụng kiến thức trong đầu cũng là việc tự duy trì trí nhớ, trong khi việc sử dụng kiến thức trên mạng thì không như vậy. Mỗi lần bạn tìm kiếm thông tin trong trí nhớ, sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn muốn nhớ lại lần sau. Đó là lí do tại sao các sinh viên ôn bài kiểm tra sẽ thực sự nhớ được nhiều hơn nếu tự kiểm tra bản thân thay vì học như bình thường bằng cách đọc lại sách giáo khoa hay ghi chú. Điều này cũng tương tự như việc bạn không thể nhớ được đường đi quanh thành phố nếu dùng Google Maps, nhưng bạn sẽ nhớ được nếu cố gắng nhớ lại lần cuối cùng bạn đi những đường nào.

Não bộ dễ dàng đánh bại Internet ở trên phương diện bối cảnh và tốc độ, nhưng Internet lại chứa đựng được nhiều thứ hơn rất nhiều bộ não của chúng ta. Bạn có thể tìm thấy bất kì tri thức nào trên internet, nhưng ngược lại thì bộ não của chúng ta lại bị hạn chế rất nhiều, vậy nên học cái gì? Và học như thế nào?

Chúng ta nên thu nạp các thông tin mà nguồn Internet khó có thể thay thế. Việc tìm kiếm thông tin trên Internet cần có thời gian, vì vậy ta nên học các thứ cần dùng thường xuyên và nhanh chóc. Một ví dụ như các công thức tính toán sơ cấp và cách đọc các chữ cái là những lựa chọn hiển nhiên, cũng như bất kì tri thức nào chúng ta dùng nhiều với tần suất cao, trong đó phương trình bậc hai là một đại diện tiêu biểu khác trong lĩnh vực toán học.

Internet thật sự yếu kém trong việc đặt thông tin vào đúng bối cảnh của nó. Những đứa trẻ con tìm kiếm phương trình bậc hai có thể sẽ giống như đứa trẻ tìm kiếm từ “tỉ mỉ”. Chúng biết được định nghĩa, nhưng không đủ kiến thức nền tảng để hiểu đúng và dùng đúng. Học sinh cần phải học không chỉ công thức mà còn phải hiểu tại sao công thức đó lại đúng và nó kết nối với những phần khác như thế nào. Đó là cách mà các tri thức theo bối cảnh nảy nở trong não và đó là lí do tại sao việc giảng dạy từ vựng hiếm khi dựa vào việc chỉ ghi nhớ định nghĩa - học sinh được yêu cầu sử dụng từ trong nhiều câu khác nhau.

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng Google có thể nhớ thay bạn. Nó chỉ có thể bổ sung cho não, và chỉ khi ta hiểu được khi nào thì Google làm được những gì.

Trạm Đọc

Dịch từ "You still need your brain" trên NyTimes.

Tags: