'Dụ' con YÊU SÁCH trước mê cung mạng
'Dụ' con YÊU SÁCH trước mê cung mạng
TTO - Nhiều ba mẹ đau đầu vì con không mê sách. Bởi trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, trẻ rất dễ bị cuốn vào game, điện thoại, iPad, tivi...

Những lo lắng về clip độc trên mạng chưa bao giờ vơi. Trong khi đó, sách có thể trở thành một loại "vắc xin" bảo vệ con trẻ ở môi trường mạng

Hạnh Thúy và con gái út, bé Đậu Rồng, cùng đọc sách - Ảnh: H.T.

 Anh Ngọc Quang, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết vợ chồng anh khá bận rộn, thường xuyên gởi con ở nhà cho nội. Nhà toàn người lớn nên cậu bé không có bạn để trò chuyện, ngoài giờ học lại tiếp tục với lướt mạng, chơi game, coi tivi. 

"Vợ chồng tôi có đặt mua sách nhưng rốt cuộc cháu cũng để đó vì bảo nhìn quyển sách thấy... chán, trong khi mấy trò chơi game, phim trên mạng sinh động, nhanh, hấp dẫn hơn nhiều lần!" - anh thở dài nói.

Ban đầu tôi còn phải làm mọi cách để bé chịu đọc sách, giờ bé đã tự giác nên mẹ không phải nhắc. Tự nhiên nhìn con đọc sách cảm giác hạnh phúc lắm!". - Nghệ sĩ Hạnh Thúy

Dọa dẫm không ăn thua

Chị Thúy Anh (quận Tân Phú) cũng gặp khó khăn trong việc "dụ" con đọc sách. Chị cho biết dỗ cỡ nào cháu cũng không chịu rớ tới sách. Chị tâm sự: "Tôi nghe nói đọc sách nhiều thì biết cách hành văn, sẽ học tốt môn văn. Nhưng khi ba mẹ mua sách về, con bé nhà tôi lại giãy nảy: Cuốn này dày cui, con đọc không nổi! Nạt nộ, dọa dẫm, năn nỉ cũng không ăn thua!".

Lớn lên trong gia đình có sở thích đọc sách nên chị Thanh Yến (An Giang) đã sớm tiếp xúc với sách và nhận thấy được những điều tích cực mà sách đem đến. Tuy nhiên, chị cũng thấy thời thơ ấu của mình không có loại hình giải trí gì nên sách gần như là sự lựa chọn duy nhất. Còn hiện tại, các bé có quá nhiều sự lựa chọn và sách trở thành cái gì đó hơi... cũ kỹ, tĩnh và mất thời gian để nghiền ngẫm.

Nhìn các bé nhà người quen, chị hết hồn khi thấy bọn trẻ suốt ngày ôm khư khư điện thoại, mê mải thế giới trong đó và không có nhu cầu trò chuyện với người thân trong nhà. Khi bị đề nghị không chơi điện thoại nữa thì trẻ cáu bẳn, thậm chí có trẻ phản ứng rất hung dữ.

Vì nỗi "ám ảnh" đó nên khi có đứa con đầu lòng, chị Yến quyết định phải tập cho con làm quen với sách từ rất sớm. "Vì được đọc sách từ nhỏ nên tôi biết sách có nhiều điều thú vị lắm. Nhiều khi những gì ba mẹ, thầy cô dạy từ lỗ tai này qua lỗ tai kia, chứ đọc quyển sách rồi thì nhớ hoài. Câu cú cứ thấm trong đầu riết rồi ăn nói hay viết văn cũng tự nhiên trơn tru, súc tích hơn!" - chị Yến nói về trải nghiệm của bản thân.

Lúc con gái 2 tuổi, mỗi đêm trước khi ngủ chị đọc vài quyển sách nhỏ cho con. Nghe riết nên bé quen, hôm nào không đọc bé lại nhắc. Cứ thế, chị "nâng cấp" sách lên từ từ. Lúc bé 8, 9 tuổi khi để con ở nhà với ngoại, sợ bé ham chơi, ham tivi nên ngày nào chị cũng để một quyển sách ở nhà dặn bé đọc hết mới được coi tivi. Khi mẹ về thì phải kể lại nội dung trong quyển sách cho mẹ nghe.

Cùng con bước vào trang sách

Chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân, nghệ sĩ Hạnh Thúy cho hay: "Muốn bé mê sách phải "dụ" từ nhỏ, chớ để lớn là khó lắm!". Và chị bắt đầu từ việc cho con đọc những quyển cổ tích chừng 5-7 trang, cứ thế theo thời gian tăng lượng chữ trong mỗi quyển sách lên từ từ. Bí quyết của chị để hấp dẫn con đến với sách là lựa những quyển sách in ấn thật đẹp để bé tò mò, muốn khám phá.

Chị nói: "Đến giờ bé đã chịu làm bạn với sách, mỗi đêm nàng xếp hàng dài những con thú bông ngồi trên giường và cứ thế nàng đọc sách cho các em nghe. Nhờ đọc sách mà trí tưởng tượng của nàng bay bổng lắm. Có khi nàng nói những chủ đề làm mình bất ngờ, rồi nàng nói về khủng long, phù thủy rành rọt. Hỏi sao biết, nàng nói trong sách có viết. Rồi nàng bảo sẽ xây cái nhà khổng lồ cho mẹ, xây cái khách sạn 5.000 phòng cho cả... thành phố ở".

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng kể về con gái Hải Minh hồi 11 tuổi mê mệt truyện tranh Conan. Thấy con mê quá, chị quyết định bỏ 2 tuần vào nhà sách Kim Đồng tìm đọc trọn bộ mấy chục cuốn. Có những chi tiết chị không đồng ý nên viết hẳn danh sách dài ngoằng cái gì được, cái gì không được từ bộ truyện này.

Chị chịu khó ngồi phân tích cho con để bé thấy những điều không tốt nên tránh. Ví như chuyện một nhân vật chỉ một lần bị chỉ trích mà 20 năm sau vẫn còn căm thù là chuyện không nên. "Bé đã mê truyện tranh rồi mà kêu đọc truyện chữ là khó lắm!" - Hải Phượng nói và chị đã "dụ" con đọc truyện chữ khởi đầu bằng những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thỉnh thoảng chị bâng quơ kể một tình tiết nào đó thật thú vị, bé nghe khoái và hỏi ở đâu, chị bảo con đọc truyện này, truyện này của bác Nguyễn Nhật Ánh nè. Tới 15, 16 tuổi, mẹ con cùng đi nhà sách. Mẹ Hải Phượng ra yêu cầu: "Nếu mua truyện tranh thì con tự trả tiền, còn mua truyện chữ thì mẹ tặng".

"Chiêu" của mẹ Phượng tỏ ra hiệu quả khi có thêm những quyển truyện chữ được rinh về nhà vì cô nàng cũng... xót tiền! "Nhưng mà bả cũng khôn lắm. Lúc đi nhà sách, tranh thủ ở lì trong đó đọc truyện tranh, còn truyện chữ để dành về nhà. Mình cũng phải... du di, thỏa hiệp, miễn sao nàng chịu đọc sách chữ, mở mang kiến thức, mở mang tâm hồn là mừng rồi!" - Hải Phượng cười chia sẻ.

Theo Báo Tuổi trẻ

Tags: