Đôi điều về văn học dân gian Việt Nam thời COVID-19
Đôi điều về văn học dân gian Việt Nam thời COVID-19
Có thể nói, tính thời sự là một đặc điểm của văn học dân gian đương đại nói chung và văn học dân gian thời COVID nói riêng.

Vài tháng nay, khi dịch COVID hoành hành, lập tức xuất hiện khá nhiều thành ngữ, tục ngữ (Phát xít như con COVID), ca dao (Cúi đầu dâng nén hương xa/ Quốc Tổ phù hộ nước nhà an yên/ Đẩy lùi COVID khắp miền/ Con dân về với Tổ hiền Hùng Vương), truyện cười (Corona giống gì), vè (Yêu Tổ quốc/ Yêu đồng bào/ Ngồi một chỗ/ Đừng lao xao/ Chỉ ước ao/ Mau hết dịch/ Đừng rậm rịch/ Mua tích trữ/ Nghe tin dữ/ Hãy bình tâm/ Cứ âm thầm/ Giữ sức khỏe). Và không ít hình thức biến tấu (nhại) các thể loại khác nhau. Nhại hịch (Hịch toàn quốc kháng dịch COVID-19). Nhại lý lịch trích ngang (Lý lịch trích ngang của em Vy). Nhại dân ca quan họ (bài Còn duyên, Kyo York ca sĩ người Mỹ hát). Nhại hề chèo (bài khoảng 50 câu): Loa, loa, loa, loa/ Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ tây đông/ Phụ nữ đàn ông/ Đồng lòng chống dịch/ Tạm dừng sở thích/ Đừng đi du lịch/ Hãy ở một nơi/ Đừng ra khỏi ngõ/ Ở đâu yên đó/ Đừng có đi xa/ Vi rút cô na/ Vô nhà thì khốn... Nhại thần chú: Nam mô cô rô na/ Xa ta ra/ Xa thiệt xa/ Xa bà ra… Nhại bài khấn trong nghi lễ thờ cúng (bài khoảng 50 câu): Cẩn tấu… Cẩn cẩn tấu!/ Con lạy chín phương trời/ Con lạy mười phương đất/ Con lạy chư vị mười phương/ Con lạy từ biên cương/ Con lạy ra hải đảo/ Con lạy thần cảnh báo/ Con lạy chúa đừng lây/ Lạy từ Đông sang Tây/ Tao lạy mày COVID/ Này cái đồ chết tiệt/ Sao dám đến Việt Nam/ Từ Trung Quốc tràn sang/ Rồi lang thang nước Nhật/ Mày hành khất nước Hàn/ Gây hoảng loạn Iran/ Làm điêu tàn nước Ý/ Lại tàn sát nước Mỹ…

Có thể nói, tính thời sự là một đặc điểm của văn học dân gian đương đại nói chung và văn học dân gian thời COVID (chữ dùng của T.T.T) nói riêng.

 

Một bức tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19

 

Áp sát cuộc sống, những tác phẩm văn học dân gian đã phản ánh một cách vô cùng sinh động bức tranh toàn cảnh của xã hội thời COVID với những nỗi lo trĩu nặng (Nghe tiếng ho lo hơn nghe tiếng súng). Nhịp điệu sống bỗng như chậm lại, nhu cầu con người trở nên tối giản: Chẳng mong sung sướng cao sang/ Chỉ mong cuộc sống bình an mỗi ngày.

Văn học dân gian cũng cho thấy sự nhanh nhạy (Vạn sự như Lào), tài ứng phó, cách tư duy, bản lĩnh, kinh nghiệm ứng xử của một dân tộc luôn phải đối diện với chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh: Tiếng hát át tiếng ho hay

 

 

Chống giặc thì phải xông pha
Chống dịch thì phải ngồi nhà nhớ không?

 

 

Bao trùm trong toàn bộ văn học dân gian thời COVID là tinh thần chống dịch như chống giặc. Tin tưởng vào chủ trương sáng suốt của Đảng và Chính phủ, đặt quyền lợi cộng đồng lên trên hết, toàn dân một ý chí cùng nhau quyết tâm vượt qua đại dịch; chung sức, đồng lòng, nguyện sẻ chia khó khăn với những người ở tuyến đầu chống dịch: 

 

Thương Chính phủ, thương ngành y
Thương người lính chống cô vi đêm ngày
Chúng ta cố gắng chung tay
Chớ quên phòng dịch ở ngay trong nhà.

 

Rõ ràng, nhờ phát huy tối đa sức mạnh của một sân chơi văn hóa mang tính dân chủ cao, nhờ biết tận dụng được ưu thế của công nghệ hiện đại, văn học dân gian đã nhanh chóng trở thành một kênh truyền thông ích dụng, hấp dẫn với những đóng góp độc đáo và hiệu quả cho chiến dịch chống dịch COVID hôm nay.

Một bức tranh cổ động công tác chống dịch từ Bored Panda

Nếu trước đây Miệng thế gian như làn sóng bể thì giờ đây những tác phẩm văn học dân gian mộc mạc được ra đời trên cơ sở của quan niệm mỹ học cái đẹp nằm trong cái giản dị vẫn đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển tải kịp thời những nội dung quan trọng: chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, những kịch bản và biện pháp phòng chống dịch của ngành y tế bằng một cách thật gần gũi, tự nhiên nên dễ dàng thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Đang ở chỗ nào ngồi nguyên chỗ đó; Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào/ Yêu nước xin chớ đi vào đi ra/ Yêu nước xin hãy ở nhà/ Khẩu trang sát khuẩn nhắc ta nhắc mìnhMuốn cho COVID tránh xa/ Xin hãy ở nhà đừng có ham vui…

Mặt khác, do tận dụng thời gian rảnh rỗi, lực lượng trí thức có nhiều điều kiện để tham gia vào quá trình sáng tạo và tiếp nhận vì thế văn học dân gian đã phát triển nhanh hơn cả về số lượng và chất lượng; chất trí tuệ, chất hài không ngừng được gia tăng.

Riêng cái tên COVID viết tắt, sang tiếng Việt đã được cắt nghĩa một cách đầy sáng tạo:

 

COVID = Cắt giảm chi tiêu + Ổn định cuộc sống + Vệ sinh sạch sẽ + Ít tụ tập + Đầu tư sức khỏe và trí tuệ.

Nhìn chung tiếng cười trong văn học dân gian thời COVID nghiêng về tính giải trí, nhằm giúp con người giảm stress, giảm bớt áp lực khi phải đối diện với đại dịch đáng sợ: Phát xít như con COVID (thành ngữ), Đứa nào tính trốn cách ly/ Bà cho một phát, hết đi hết bò (ca dao), Nhầm vợ (truyện cười)… Khá nhiều tiếng cười khôi hài kiểu nói vần vè: Tôi là Lê Phương Liên/ Tôi vẫn sống bình yên/ Ăn vừa và ngủ đủ/ Tinh thần vẫn vô biên… Hay Tôi là Sường/ Năm trên giường/ Không ra đường/ Miễn lên phường… Hay trong truyện cười Nhầm vợ: Một anh chồng chở vợ ra siêu thị mua đồ. Giữa thời COVID ai cũng đeo khẩu trang kín mít. Lúc lâu sau thấy một người phụ nữ khệ nệ xách hàng ra và nhảy lên ngồi sau xe mình, người chồng nọ bèn nổ ga phóng ngay về nhà. Đến khi dừng xe cả hai mới biết là họ đã bé cái nhầm.

Song có thể nói, giọng điệu chủ âm của văn học dân gian thời COVID là khẳng định ngợi ca, là tiếng nói của mặt trận kêu gọi toàn dân đoàn kết tương thân tương ái yêu thương thiêng liêng hai tiếng đồng bào: Một yêu đừng có ra ngoài/ Hai yêu đừng có rủ ai vào nhà/ Ba yêu tỉa lá chăm hoa/ Bốn yêu giữ dáng điệu đà như xưa/ (…)/ Mười yêu biết sống thảnh thơi mỗi ngày.

Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi thấy, đóng góp của văn học dân gian cho cuộc sống thời COVID độc đáo, thú vị và không phải không quan trọng. Công đầu thuộc các tác giả lớn tuổi, những người từng trải có đủ bản lĩnh, bình tĩnh đón nhận và dám mỉm cười trước những thử thách cam go. 

PGS. TS. Trần Thị Trâm.

Tags: