Điều ít ai biết về “minh tinh điện ảnh” nhà văn Kim Lân
Điều ít ai biết về “minh tinh điện ảnh” nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân sinh năm 1920, cùng tuổi với Tô Hoài, Chế Lan Viên, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Xanh. Cuộc đời văn chương của ông không đồ sộ nhưng với “Vợ nhặt”, “Làng”, Kim Lân đã tạo dựng được cho mình một tượng đài nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, có thể đứng vững trong nhiều bảng xếp hạng văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ra ở mảnh đất Phù Lưu (Bắc Ninh). Ông chọn bút danh Kim Lân vì mê nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng “Sơn Hậu”. Kim Lân đã sống với nghề văn, làng văn một cách đĩnh đạc và nhanh chóng xác lập, định vị cho mình một chỗ đứng trên văn đàn. Những tác phẩm của ông cho thấy Kim Lân là một nhà văn rất tinh tường, am hiểu tới tận gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân. 

Kim Lân là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn chương cốt ở sự tinh cứ không cốt ở sự nhiều. Trên đường văn, ông để lại 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám.

Cũng từ rất sớm, Kim Lân gác bút. Ông cảm thán: “Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm…”.

Không muốn mình viết khô, viết giả, tránh xa những tranh luận, thị phi, Kim Lân nghĩ nhiều viết ít. Có lúc có đoạn, chỉ thấy ông viết những bài báo nhỏ, về một cuốn sách, về một kỷ niệm với bạn văn. Như thể không viết không được, thì ông mới viết. Có lúc có đoạn, ông lại tìm mình, làm mới mình qua việc đóng phim.

Không chỉ là nhà văn sâu sắc và đa tài, mà nhà văn Kim Lân còn để lại trong lòng khán giả những vai diễn ấn tượng trong làng điện ảnh. Một văn sĩ - nghệ sĩ được nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhớ tới. Kim Lân có vị trí và chiếm được nỗi nhớ của khán giả nhiều đến mức các diễn viên chuyên nghiệp, có tiếng cũng khát khao. Cũng như viết văn, ông đóng phim rất ít, nhưng vai nào cũng gây được cảm hứng nghệ thuật tốt cho người xem. Sự “ít” mà “tinh” trong sáng tạo đa dạng của Kim Lân khiến ông thành của hiếm.

Ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực của nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến. Từ Lý Cựu trong “Chị Dậu” dựa theo tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, ông đã đóng rất đạt vai chức dịch trong làng. Vai diễn của ông cùng vai diễn của nhà văn Nguyễn Tuân ở trường đoạn “việc làng ngày đất thuế” đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Đến Pụ Pạng trong “Vợ chồng A Phủ” một nhân vật vừa hèn, vừa ma quái, vừa gây ấn tượng trong phim khiến các diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo ở trường ra cũng nể phục, rồi tới lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, đều thành vai diễn để đời. NSND Phạm Văn Khoa quả tinh đời khi mời Kim Lân vào vai Lão Hạc. Không ai hợp hơn và thay thế được Kim Lân. Nhân vật ốm yếu vẻ gày gò, khắc khổ, thương xót vật nuôi, đó là con người Kim Lân. Cảnh Lão Hạc dỗ con chó vàng để nó chịu bán đi, vỗ về nó ăn bữa cuối, khiến triệu người rơi nước mắt.

Có lẽ, sự sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận của một Kim Lân trong văn học đã góp phần làm nên một vị thế riêng của một Kim Lân trong điện ảnh.

Theo Báo Đại Đoàn Kết và Thông Tấn Xã Việt Nam

Tags: