Dịch giả Trần Trọng Hải Minh: Người Việt quan tâm tới một lịch sử đa chiều…
Dịch giả Trần Trọng Hải Minh: Người Việt quan tâm tới một lịch sử đa chiều…
Cuốn sử đồ sộ "Những con đường tơ lụa" (tựa gốc: The silk roads) của Peter Frankopan - từng được dịch và ấn hành tại Việt Nam gần hai năm trước - được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt, tái bản nhiều lần.

Nhân cuốn Cuộc Thập tự chinh thứ nhất (tựa gốc: The First Crusade - The Call from the East) của Peter Frankopan, cũng do Trần Trọng Hải Minh (hiện là biên tập viên của Tuổi Trẻ Cuối Tuần) dịch, vừa ra mắt, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với dịch giả về tác phẩm và dòng sách sử học đầy thú vị này.

Cái nhìn mới về phương Đông

* Là dịch giả của hai tác phẩm dày dặn và không dễ "nhằn" của Peter Frankopan, điều gì ở phương pháp và lối viết sử của sử gia hiện đại này mang lại cho anh nguồn hứng thú khi chuyển ngữ sang tiếng Việt?

- Vốn cũng là một người đam mê lịch sử, dù chỉ ở mức độ nghiệp dư, tôi nhìn nhận lịch sử với các ngành khoa học xã hội cũng ít nhiều giống với toán học với các ngành khoa học tự nhiên.

Dữ kiện và diễn giải lịch sử sẽ là nền tảng và quyết định nhiều diễn giải trong các ngành khoa học xã hội khác, lấy ví dụ như nhân học, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học… Tôi cho rằng xuất phát từ góc nhìn đó sẽ có thể hiểu hơn sự đặc sắc trong phương pháp luận sử học của Frankopan.

Về mặt phương pháp luận, có thể nói ông là một trong những sử gia tiên phong thực sự kết hợp được các nghiên cứu đa ngành để vẽ ra một bức tranh toàn cảnh, dựng nên một quan điểm nhất quán, logic - cả trong những tác phẩm có thể tạm gọi là "tiểu sử" về một giai đoạn, một khu vực, một vấn đề, như Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, lẫn "đại sử" với không gian bao quát và nhằm trả lời những câu hỏi tối hậu như "Những con đường tơ lụa".

Trong đó, ta thấy có sự xuất hiện của các ngành khoa học quân sự, kinh tế học, khảo cổ học, tư liệu học… được vận dụng nhuần nhuyễn và hết sức tự nhiên. Frankopan cũng có ưu thế của một học giả uyên thâm nhiều ngoại ngữ, bao gồm cả những cổ ngữ Hy Lạp, Latin và Ả Rập, giúp ông thực sự có cái nhìn đa chiều gần như là kính vạn hoa trong các tác phẩm của mình.

Về mặt phong cách, lối dựng truyện, cách kể và lối viết hấp dẫn, được phổ thông hóa cao độ nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác lịch sử, cùng diễn giải lịch sử tuy khác lạ nhưng tự nhiên, hợp logic đã khiến tác phẩm của ông dễ đọc, đến được với đại chúng và là điều các sử gia có thể học hỏi.

* Tiếp cận lịch sử toàn cầu trong quá khứ từ trục phương Đông, đi ngược với tinh thần "Đông phương luận" không phải là điều mới mẻ. Vậy theo anh, trong cuốn sách này, yếu tố nào khiến Peter Frankopan chinh phục được số đông độc giả hàn lâm lẫn đại chúng?

- Tôi cho rằng một yếu tố quyết định là Frankopan có lẽ đã đặt những dữ kiện lịch sử vào lại đúng chỗ của chúng hơn.

Trong ít ra là hơn hai thế kỷ của thế giới Âu tâm, đến tận ngày nay, trong khi phương pháp luận về khoa học lịch sử của phương Tây vẫn là điều tốt nhất chúng ta từng có, việc diễn giải lịch sử bằng chính phương pháp ấy vẫn còn những thiên lệch nhất định do cả khách quan (như sự tiếp cận tư liệu hay khác biệt văn hóa) lẫn chủ quan (như quan điểm cho rằng phương Tây là nghiễm nhiên đại diện cho sự tiến bộ).

Frankopan đã cố gắng một cách có chủ đích, và cho tới giờ rất thành công, để nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía, ở đây là Đông và Tây, nhấn mạnh hơn vào phương Đông - cũng là mạch ý tưởng xuyên suốt trong cả sự nghiệp của ông.

Do góc nhìn phương Tây trong các tương tác lịch sử mang tính "quốc tế" hoặc toàn cầu đã được thảo luận rất nhiều, thậm chí tới mức trở thành mặc định, một góc nhìn phương Đông thật sự đầy đủ trở nên hấp dẫn là điều không khó hiểu.

Quan trọng hơn, đó là một gợi ý đắt giá cho các sử gia Việt Nam về việc nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía. Điều này hiện đang được bước đầu thực hiện, nhưng theo tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm, nhất là bởi mối quan tâm của người Việt với một lịch sử thực sự đa chiều là rất lớn.

Hiểu thế giới từ sử học

* Với Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, có vẻ như anh khá thuận tay bởi lĩnh vực nghiên cứu cao học của anh tại Đức có liên quan tới lịch sử Kitô giáo? Theo anh, có thể định vị cuốn sách của Peter Frankopan vào đâu trong dòng sách về tôn giáo toàn cầu (khi đây là một vấn đề mấu chốt để hiểu thêm về căn nguyên các xung đột đương thời, như cuộc khủng hoảng Israel - Hamas đang diễn ra)?

- Tôi không tự tin là mình đã đọc đủ sách về tôn giáo toàn cầu để định vị cuốn sách của Frankopan trong một nền tảng rộng như vậy, nhưng Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, như chính tác giả nói, có ý định cung cấp một góc nhìn khác, một sự diễn giải và lý do hoàn toàn khác - bắt nguồn từ phương Đông, cho cuộc Thập tự chinh đầu tiên - biến cố sẽ mở ra hàng thế kỷ xung đột nữa, và đúng là kéo dài tới tận ngày nay.

Biết đâu đã có một tác giả Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria từng tiếp cận đề tài theo hướng này, nhưng ta không được biết. Tôi tin chuyện này là có khả năng cao, vì Đế quốc Byzantium là một phần cơ hữu với lịch sử các quốc gia hiện đại đấy.

"Góc nhìn mới", do đó, chỉ được biết đến rộng rãi hơn qua tác phẩm của Frankopan, một bằng chứng nữa về một thế giới Âu tâm. Nhưng như vậy không có nghĩa là giá trị của tác phẩm giảm đi, bởi quả thật nhờ Frankopan mà những nhìn nhận mới đã được phổ biến rộng hơn hẳn.

Cuốn sách quả còn giúp ta hiểu hơn về các mối quan hệ tôn giáo và lịch sử cả khu vực, và do đó là về xung đột Israel - Palestine, nhưng còn cả cuộc chiến Syria hiện tại lẫn những xung đột giữa các nhánh Hồi giáo khác nhau trong vùng…

* Ngoài những gì thuộc về phương pháp, tinh thần nghiên cứu và kỹ thuật thể hiện đã nêu, theo anh còn điều gì cốt lõi làm nên thành công của thế hệ các sử gia "best-seller" như Yuval Noah Harari, Peter Frankopan hay Jack Weatherford… ?

- Tôi nghĩ việc dành cả một cuộc đời để trả lời chỉ một câu hỏi tối hậu hẳn đã là điều làm nên sự khác biệt cho họ.

Cuốn Những con đường tơ lụa là một bức tranh đa văn hóa, đầy yếu tố du hành cổ xưa phương Đông. Nhưng đó không phải là một phương Đông tĩnh tại và bất động.

Khi con đường giao thương mở ra, các vùng văn minh phương Đông đã cung cấp sản vật, văn hóa, tôn giáo, chiến tranh và cả những trận đại dịch kinh hoàng làm biến đổi gốc rễ phương Tây…

Còn trong cuốn Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, người đọc hiểu cách giáo hoàng Urban II hiệu triệu một cuộc viễn chinh đầy kịch tính từ châu Âu đến Jerusalem (1095) cũng chỉ để đáp lời kêu cứu của Byzantium - đế quốc Đông La Mã lung lay trước sự trỗi dậy của người Thổ Hồi giáo. Cuộc Thập tự chinh thứ nhất đã định nghĩa thời Trung cổ phương Tây.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Tags: