Dịch Cúm - Dino Buzzati
Dịch Cúm - Dino Buzzati
Những nhân viên trong văn phòng chính phủ mỗi ngày lại biến mất vài người do dịch cúm. Nhưng hóa ra bệnh cúm này biết chọn người để truyền bệnh. Chỉ những kẻ có tư tưởng chống đối nhà nước mới bị cúm.

Cứ đúng vào 8 rưỡi mỗi buổi sáng, Đại tá Ennio Molinas ngồi xuống bàn làm việc của mình trong một căn phòng lớn ở Cip (Sở Mật Mã). Giống như những nhân viên khác đang làm cho chính phủ, ông mặc một bộ quần áo bình dân. Là người đứng đầu đơn vị, nên bàn của ông được đặt trên một nền cao hơn để có thể quan sát tất cả nhân viên giải mã của mình: đó là một kiểu bục. Các giá sách cao xếp liền với tường được chất đầy các loại sách và biên bản: từ điển, bách khoa thư, át-lát, danh bạ, báo giấy, tạp chí định kì và tất cả các loại tài liệu tham khảo và nghiên cứu. Cả văn phòng lớn đã được tổ chức để chuẩn bị cho chiến tranh và đến bây giờ thì nó hoạt động một cách chậm chạp; thế nhưng nhân viên ở đây vẫn hoàn thành tốt. Làm việc ở đây là những con người giỏi nhất trong lĩnh vực liên quan. Ở Bộ người ta vẫn gọi đùa họ là “hai mươi tư kẻ thiên tài”.

Ngài Đại tá vuốt thẳng râu, mở bảng chấm công, đọc những ghi chú của thư kí vừa mới được viết ra và chuẩn bị điểm danh. Tám trên hai mươi tư bàn bị bỏ trống. “E hèm”, ông lầm bầm với chính mình bằng cách riêng. Một trong những người giải mã ở hàng đầu tiên bắt được ánh nhìn lo lắng và mỉm cười với ông. Ngài Đại tá, người luôn biết giữ khoảng cách vui vẻ, lắc đầu. Nụ cười của chàng trai trẻ rộng hơn: “Nếu mọi thứ cứ tiếp tục, thưa ngài, thì chỉ dăm hôm nữa thôi là cả đơn vị sẽ trống trơn.” Molinas im lặng gật đầu đồng ý.

Đúng lúc này. Sbrinzel. người thư kí trông có vẻ nham hiểm của Int (đơn vị Đánh chặn và Chiến thuật) tới cùng với một tập tin nhắn cần được giải mã. Mặc dù ở vị trí khiêm tốn nhưng Sbrinzel rất được mọi người nể. Có người nói ông ta có quan hệ với Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, nhưng điều này dường như khá vô lí. Những người khác thẳng thắn nói anh ta là điệp viên. Nói tóm lại là mọi người sợ anh ta. Ai cũng thận trọng khi trò chuyện trước sự có mặt của anh.

Ngài Đại tá khi nhìn thấy Sbrinzel bước vào, suýt nữa đã đứng nghiêm chào theo bản năng như thể Sbrinzel là thượng cấp. Thay vào đó ông nở một nụ cười.

Sbrinzel đi tới cái bục, đặt tất cả tài liệu và chỉ dẫn xuống mấy cái bàn, một phần ba trong số đó trống trơn. Nhát mắt một cái, anh ta nói: “Thưa ngài, hình như có một cuộc thanh trừng hả?”. Vì một lí do nào đó, mấy câu nói đùa của anh ta luôn rất mơ hồ.

“Dịch cúm, Sbrinzel ạ… năm nay nó đúng là một đại dịch… may mà nó hoàn toàn vô hại, chẳng có gì phức tạp cả… chỉ cần nằm bốn ngày trên giường là hết…”

“Eh, bốn ngày! Và có khi là bốn năm, eh!” Sbrinzel nhìn trộm ngài Đại tá, cười rúc rích một cách đầy thù hận, khô khốc, ác nghiệt và hoàn toàn thiếu đi sự vui tưoi bên trong.

Molinas không hiểu. “Bốn năm? Làm gì có ai bị cúm tận bốn năm liền?”

“Eh”—Sbrinzel bắt đầu và kết thúc cuộc nói chuyện với một giọng mũi khó chịu không đổi—”Tôi khá đồng ý rằng tình trạng hiện tại tương đối nhẹ, nhưng theo ý tôi thì tôi vẫn thích loại cúm Tây Ban Nha Hơn, với tất cả những nguy cơ mà nó mang lại… Dịch cúm này không có khả năng đưa mọi người sang thế giới bên kia, nhưng nó cũng khó chịu nhỉ?”

“À, thật ra mà nói thì cúm chẳng bao giờ dễ chịu cả!”
“Eh, thưa ngài, rõ ràng là ngài chẳng biết gì về nó cả.”

“Về cái gì? Tôi nên biết về cái gì?”

Sbrinzel lắc đầu. “Là người đứng đầu Cip, xin ông hãy thứ lỗi cho tôi phải nói thế này, thưa ông, hơi quá đáng một chút nhưng tôi, đã hiểu ra ngay tức khắc mà chẳng cần gợi ý gì cả.”

“Hiểu gì cơ?” Ngài Đại tá lại hỏi, giờ ông cảm thấy hoang mang thực sự.

“Eh, tôi đã có thể tin vào ông, giả sử ông là một người đàn ông có trách nhiệm và kín đáo; ông sẽ gần như không thể đảm nhiệm vị trí này nếu như ông không phải là người như thế”—anh ta dừng một chút để thưởng thức sự lo lắng của Ngài Đại tá, và sau đó nói với một tông thấp và bí ẩn—”Nhưng thưa ngài, ngài không nhận ra rằng…. là bệnh cúm này không chọn nạn nhân của nó một cách ngẫu nhiên à?”

“Tôi thật sự không hiểu, Sbrinzel ạ, tôi không…”

“Eh, thế thì tôi phải nói ra một cách rõ ràng rồi. Những con vi khuẩn, vi rút, người ta gọi nó là gì cũng được… chúng có tài đánh hơi đặc biệt, chúng chọn người như thể chúng thấu hiểu tâm can người ta… và chẳng có cách nào để qua mặt chúng!”

Molinas nhìn anh ta một cách phức tạp. “Này, Sbrinzel thân mến, có thể anh thích nói đùa… nhưng mà anh cứ nói vòng vo tam quốc mãi thì làm sao tôi hiểu được? Chắc là hôm nay tôi hơi chậm một chút… Lúc mới ngủ dậy tôi thấy hơi đau đầu… Tôi hi vọng là mình…”

“Eh, không phải ngài đâu thưa ngài! Ngài không thể bị cúm được! Ngài là biểu tượng của kỉ luật!”

“Kỉ luật thì liên quan gì đến cúm?”

“Eh, tôi phải thừa nhận rằng ngài không khỏe vào sáng nay, thưa ngàu,,,” Anh ta thấp giọng xuống hơn nữa: “Sự thật là, phải nói thẳng ra thế này: nếu ông bị cúm, thì có nghĩa là ông đang chống phá nhà nước!”

“Chống phá nhà nước?”

“Eh, tôi thấy thật khó mà tin được… nhưng sau cùng nó đã thuyết phục được tôi. Tin tôi đi, ngay cả chúng ta cũng không thể tưởng tượng được trí tuệ vĩ đại của Chủ tịch Đảng… Một ý tưởng tuyệt vời để thúc đẩy cả nước vọt lên… Dịch cúm quốc gia! Ông có thấy nó có phi thường không? Bệnh cúm chỉ tấn công những kẻ bi quan, hoài nghi, kẻ thù của quốc gia đang lẩn trốn khắp nơi.. trong khi những công dân hết lòng vì nước, những người lính, những người làm công trung thành thì không bị ảnh hưởng!”

Cho tới lúc này ngài Đại tá mới có thể nói lời phản đối: “Nhưng Sbrinzel thân mến, sao điều đó có thể xảy ra? Ý anh là tất cả những người vắng mặt ở đây đều là kẻ chống phá hay sao?”

“Hãy suy nghĩ cẩn thận nếu ngài không tin, hãy xem xét từng người một… ông sẽ thấy nó phù hợp đến hoàn hảo… ai ngồi ở bàn kia lúc trước?”

“Trung úy Recordini.”

“Eh, có phải ông chuẩn bị thề rằng Recordini không chống lại chế độ? Hãy nghĩ lại một chút… Tôi chắc chắn rằng anh ta đã đánh mất bản thân mình vào lúc nào đó không hay, và anh ta đã tin tưởng ông,..”

“Ôi Chúa ơim Recordini không phải là một người đam mê với chế độ, nhưng điều đó không thể khiến anh ta bị buộc tội…”

“Eh, cho tới tận bây giờ thì Dịch cúm quốc gia chưa một lần phạm sai lầm… cái bàn trống kia là của ai thưa ngài?”

“Đó là bàn của giáo sư Quirico, ông ấy là chuyên gia trong việc giải mã các mã bộ ba… bộ não xuất sắc nhất trong đơn vị.”

“Eh, đây rồi! Ông ta đã dính vài vết với chính quyền, nếu tôi không nhầm… có phải là ông ta suýt nữa đã phải giải ngũ vào năm ngoái?”

“Đúng rồi,” ngài Đại tá đồng ý, nhưng hơi lo lắng… “nhưng… nhưng liệu rằng có ai trong số họ dính vào các bệnh khác không?... Đây là một hệ thống vô cùng nguy hiểm… một người có thể bị oan sai.”

“Eh, đừng sợ thưa ngài, Sở Thông Tin đã lường trước được điều này… hãy nhìn vào bảng chấm công… tên những người bị cúm được đánh dấu bằng một chữ thập nhỏ màu đỏ, hoàn hảo, đúng không thưa ngài?”

Ngài Đại tá vỗ tay lên trán. Nếu mình cũng bị ốm thì sao? ông nghĩ. Mình cũng chửi rủa Chủ tịch vài lần. Sao người ta có thể đàn áp tư tưởng của người khác?

“Eh, một cơn đau đầu, ngài vừa nói thế phải không? Trông ngài có vẻ hơi xanh xao hôm nay đấy thưa ngài!.” Sbrinzel cười nham hiểm.

“Không, không, tôi ổn rồi”, Molinas nói trong khi cố gắng kiểm soát bản thân. “Tôi thấy ổn, tạ ơn trời đất.”

“Eh, vậy thì gặp ngài khi khác vậy.” Anh ta vừa cười vừa rời đi.

Một trò đùa thôi đúng không? Liệu có phải Sbrinzel lấy ông ra làm trò đùa? Hay chính phủ đang cố gắng âm thầm cải thiện các vấn đề về mặt tư tưởng? Molinas suy nghĩ về tám con người vắng mặt. Càng ngẫm thì ông càn phải đồng ý rằng Dịch cúm quốc gia chọn nạn nhân của nó vô cùng chuẩn xác. Vì lí do này hay lí do khác, tất cả tám người này đều nghi ngờ chủ nghĩa yêu nước, tất cả tám người đều rất thông minh, và dĩ nhiên là thông minh và niềm tin vào chính trị thì có liên quan đến nhau. Nhưng rồi ông lại tự hỏi chính mình, “dĩ nhiên là những con vi khuẩn chết tiệt đó sẽ có lúc sai lầm và lây sang cả những người vô tội chứ? Mình chẳng hạn? Chắc chắn rằng tất cả mọi người đều đã từng có ý nghĩ thù ghét hay bất trung với Chủ tịch lúc này hay lúc khác? Nếu mình lăn ra ốm thì họ sẽ làm gì với mình? Đuổi việc mình? Đưa mình ra trước Tòa án binh? Mình sẽ không đầu hàng với bất cứ giá nào, ngay cả mình bắt đầu thấy ốm.”

Và ông thấy mình ốm thật. Cơn đau đầu bắt đầu trở nên tệ hơn. Trong tai có tiếng ong ong. Khát khao được ấm áp và nghỉ ngơi. Với một sự nỗ lực, ông mở tài liệu mà Sbrinzel đã mang tới. Ông nghiên cứu và sắp xếp phân loại chúng. Nhưng chúng cứ như bơi trước mắt ông.

Giả vờ che đậy bằng cách kiểm tra một trang đầy những kí tự khó hiểu, ông kiểm tra nhịp tim của mình, dùng đồng hồ đeo tay để tính giờ: chín mươi tám. Là do sốt? Hay do sợ hãi?

Ngay khi về đến nhà, ông tìm ngay tới cái nhiệt kế. Ông giữ nó trong miệng tới mười lăm phút mới đủ dũng cảm để bỏ ra nhìn, hết hơi luôn: 39 độ C.

Sau khi uống đủ kí ninh, với cái tai vo vo, đầu đau nhức trong từng bước chân, ông quay trở lại văn phòng vào buổi chiều. Điều kì lạ: Sbrinzel đã đứng đó chờ ở bàn ông và nhìn ông với ánh mắt độc ác:”Eh, thưa ngài, xin lỗi khi phải nói điều này, có vẻ ngài uống hơi nhiều vào bữa trưa… mắt ông đang đỏ ngầu kìa!”

“Vài li thôi mà, không nhiều đâu,” Molinas nói để chặn đòn tấn công.

“Eh, thế ngài bị đau đầu thế nào rồi?”

“Hoàn toàn biến mất,” ngài Đại tá nói, tràn đầy lo lắng. Ông làm ra vẻ mình có rất nhiều việc phải làm, quờ quạng lung tung trong tuyệt vọng giữa đống giấy tờ.

Sbrinzel rời đi, nhưng quay lại vào một lát sau đó. Anh ta thích nghĩ cớ để lui tới thường xuyên. Anh ta tiếp tục với những câu hỏi đầy tính suy đoán: Tại sao ngài Đại tá lại quàng khăn quanh cổ? Ông ta lạnh? Hay ông ta bị ho? Hay bị viêm họng?

Molinas tiếp tục tự bảo vệ mình, nhưng ông thấy mệt mỏi. Những câu nói của Sbrinzel cứ vang vang trong đầu ông như một cái chuông. Cổ ông mỏi như đeo chì. Hai tay run rẩy. Cảm giác tức tối thiêu đốt trong ngực. Cúm toàn thân. Và không thể nói với bất kì ai, bởi vì điều đó chỉ làm nó tệ hơn. Và tên điệp viên Sbrinzel chết tiệt kia đã đoán rằng ông không ổn và chờ đợi sự sụp đổ cuối cùng của ông vào bất kì lúc nào.

Không, ông không được đầu hàng. Ngày hôm sau ngài Đại tá vẫn đến văn phòng cho dù thân nhiệt của ông lên tới gần 39 độ và đầu ông nóng như chì nóng chảy. “Sao trông ngài đỏ bừng thế, thưa ngài?”

“Chắc là lạnh,” ngài Đại tá trả lời, quyết tâm không tỏ ra rằng mình đã yếu đi.

“Eh, thưa ngài, tôi tin là ngài đang run. Sao ngài lại run cầm cập như thế?”

“Run ư? Vớ vẩn.”

“Eh, thưa ngài, tôi sẽ rất buồn nếu như ngài thấy không khỏe.”

“Không đời nào, chỉ là tôi thấy hơi vương vướng trong cổ họng thôi…” ba mươi chín phẩy 2 độ, ba mươi chín độ rưỡi. Ngài Đại tá vẫn xuất hiện ở văn phòng như mọi ngày với cử chỉ như robot, chia việc cho cấp dưới và ngồi im trên bàn, chịu sự tra tấn của những tràng ho đến thủng phổi.

“Eh, thưa ngài, có vẻ như ngài bị viêm phế quản thì phải?”

“Không, chỉ là đau họng thôi… Tôi hoàn toàn khỏe mạnh, đảm bảo luôn.”

Vào ngày thứ tư, ông gần như đã gục ngã. “Ra ngoài và làm một cốc cà phê thôi,” Sbrinzel gợi ý, rõ ràng là đang cố thử ông. Bên ngoài lạnh đến cắt da và răng ngài Đại tá đang đánh lập cập vào ngay ngay cả trong văn phòng ấm.

“Thôi cảm ơn, hôm nay tôi uống quá nhiều rồi.”

“Eh, không mất nhiều thời gian đâu: chỉ vài phút thôi.”

“Không cảm ơn ông bạn.”

“Chắc là ngài không được khỏe?”

“Không, tôi ổn mà.”

“Xin lỗi ngài, thưa ngài. Chỉ là ngài trông có vẻ hơi mệt mỏi hôm nay…”

Đến ngày thứ năm, ông gần như không thể đứng lên được. Chẳng có ai trong những người cấp dưới của ông dính cúm đi làm trở lại (giờ đã là mười sáu người). Họ đâu rồi? Các cuộc điện thoại hỏi thăm đều được nghe bởi người nhà với câu trả lời “Anh ấy không có ở đây” mà không giải thích gì thêm. Trong tù? Đang lẩn trốn? Bị trục xuất? Molinas chắc chắn rằng ông bị viêm phổi nhưng không dám tới khám bác sĩ, người chắc chắn sẽ khuyên ông nghỉ ở nhà và báo với Bộ.

Ngày thứ sáu. Cả hai mươi tư bàn đều trống không: những người ngồi đó đều đã bị cúm. Sbrinzel cười nham hiểm hơn bao giờ hết: “Eh, thật khó mà nói rằng Chủ tịch đã sai khi nghi ngờ đám trí thức! Văn phòng Cip còn lại gì? Nhân viên chuyển phát, người gác cổng, người trực đêm, các thư kí, những tâm hồn đơn giản, và họ là những người tin tưởng hết lòng!... Trong khi những thiên tài hết thảy đều nghi ngờ, những thiên tài, những kẻ căm ghét chính phủ!... Eh, thưa ngài, ngài là ngoại lệ duy nhất, vẫn còn giữ mình đứng vững!” Sbrinzel nháy mắt, với ngụ ý “nhưng ông cũng cùng một giuộc, và ông cũng sẽ phải đi thôi!”

Ngày thứ tám. Ngực ông như một đámn than đỏ rực đang cháy và thân nhiệt lên tới gần 40 độ C, ngài Đại tá vẫn tới văn phòng như thường lệ. Ông trông như một bóng ma. Với suy nghĩ là Sbrinzel có thể tới bất cứ lúc nào và phải chống đỡ, ông thấy một cảm giác buồn nôn ngọt ngào đang dâng lên từ sâu bên trong, cứ dâng lên, dâng lên mãi như nước trong một cái bồn rửa tay.

Nhưng sáng hôm ấy Sbrinzel không hiện diện. Molinas nghĩ, có lẽ hắn đã biết mình dính cúm, có lẽ hắn đã đi tố cáo và mình đã bị hủy hoại—và đó là lí do tại sao hắn không xuất hiện.

Một lúc sau đó ông nghe tiếng bước chân dọc theo căn phòng trống im lặng. Không phải Sbrinzel, là một trong những nô lệ của hắn, cùng với tập tài liệu tin nhắn. “Sbrinzel đâu?” ngài Đại tá hỏi.

Người đó chào ông một cách thất vọng: “Hôm nay anh ta không tới. Anh ta không tới nữa đâu. Chắc giờ đang nằm bẹp trên giường.”

“Sao cơ?”

“Anh ta bị sốt cao lắm.”

“Ai? Sbrinzel?”

“Anh ta cũng bị cúm… và chắc là một phiên tòa xét xử nữa.”

“Cúm? Sbrinzel bị cúm á? Chắc anh đang đùa.”

“Sao? Có gì lạ đâu? Hôm qua anh ta cũng không ổn chút nào…”

Ngài Đại tá vươn vai ngồi thẳng trên ghế. Hi vọng và sức sống trào lên trong lòng ông. Ông đã an toàn, an toàn rồi! Ông đã thắng! Tên gián điệp khốn nạn đã gục ngã! Molinas cảm thấy khá hơn ngay sau đó, không còn ốm nữa, không thấy cháy trong ngực, không thấy sốt. Những thứ tệ nhất đã qua.

Ông thở sâu. Lần đầu tiên trong nhiều năm ông hướng mắt ra ngoài cửa sổ và nhìn qua những mái nhà đầy băng tuyết, dưới bầu trời trong veo như pha lê, những ngọn núi phủ tuyết sáng lấp lánh từ phía xa. Chúng trông như những đám mây bạc vui vẻ và chậm rãi trôi phía bên trên những lo âu của trái đất. Ông nhìn chúng: ông đã quên mất sự tồn tại của chúng bao lâu rồi? Ông nghĩ, trông chúng mới khác biệt với con người làm sao, Chúa ơi, thật tinh khiết và đẹp đẽ.

Bản tiếng Anh do Judith Landry dịch.

Truê

Trạm Đọc.

Tags: