Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản
Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản
“Bản đồ tri thức”, BOT cho sách, Việt Nam phải có vài doanh nghiệp xuất bản đạt doanh thu nghìn tỷ mỗi năm… nằm trong số những kiến nghị của một CEO về Chương trình Sách Quốc gia nhằm thay đổi văn hóa đọc, phát triển nguồn lực xã hội.

Tôi có 15 năm gắn bó và chứng kiến nhiều đổi thay của ngành xuất bản.

Nhận rõ tầm quan trọng của hoạt động xuất bản, ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW “về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, trong đó chỉ rõ 1 trong 6 nhiệm vụ của Chính phủ và các cơ quan ban ngành chức năng là: xây dựng Chương trình Xuất bản Quốc gia (CTXBQG) với các loại sách thiết yếu về chính trị- xã hội và văn hóa.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books

Tiếp đó, việc Việt Nam ký kết tuân thủ Công ước Berne về bản quyền và ban hành Luật Xuất bản mới (cho phép tư nhân chính thức tham gia thị trường này) năm 2004 đã tạo sự thay đổi lớn cho ngành xuất bản Việt Nam. Nhờ vậy, những năm 2004-2007 có một làn sóng các công ty xuất bản tư nhân hình thành. Các công ty này cùng với các NXB nhà nước, đến nay góp phần mang đến cho công chúng hàng chục nghìn tác phẩm có giá trị.

Giờ đây, tôi nghĩ, lại một lần nữa, những vấn đề chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, các thiết chế và luật pháp cần được sửa đổi và đặt nền tảng cho những bước phát triển mới của ngành xuất bản. Để thực hiện được mục tiêu của CTXBQG, chúng ta không chỉ bàn về sản phẩm, mà phải đặc biệt chú ý đến cơ chế và tổ chức. Bởi chỉ có cơ chế, cách thức tổ chức mới, có tính đột phá và kiến tạo thì Chương trình Sách quốc gia & mục tiêu một quốc gia thịnh vượng, văn minh mới có thể đạt được.

Dưới đây là những suy nghĩ, kiến nghị của tôi về vấn đề này.

Sản phẩm cho CTXBQG

Theo tôi, CTXBQG cần xác định các trục sản phẩm chủ chốt bao gồm:

1.  Bách khoa thư về Việt Nam (công việc mà Phó Thủ  tướng Vũ Đức Đam & Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đang thực hiện).

2.   Khai thác và tạo dựng lại Di sản của người Việt (khai thác các tàng thư quý đang nằm im lìm trong các bảo tàng, viện nghiên cứu…

3.  Văn minh thế giới (mục tiêu xuất bản ít nhất 1.000 tựa sách nền tảng, kinh điển trang bị cho thư viện các tỉnh thành, trường đại học lớn trên cả nước).

4.  Hệ thống sách giáo khoa, giáo trình đại học và những công trình khoa học căn bản…

Song song, cần phát triển một số công cụ bổ trợ cho sản phẩm của chương trình, như “Bản đồ tri thức nhân loại”. Một tài liệu index, phải được số hóa vừa giúp người dân và các học giả tra cứu dễ dàng, vừa tận dụng được tri thức và đóng góp của nhiều người, đồng nghĩa tận dụng được mọi nguồn lực xã hội.

Chương trình cũng nên công bố “Bản đồ tri thức cá nhân” để hướng dẫn mỗi cá nhân muốn trở thành người thành công thì cần trang bị kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì, ở mỗi độ tuổi nhất định nên tham khảo cuốn sách hữu ích nào… Bản đồ này sẽ rất hữu ích trong phát triển văn hóa đọc, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực có tài năng, đạo đức, hữu ích cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

Nếu lấy thêm ý kiến đóng góp của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, CTXBQG sẽ có thêm nhiều ý kiến đóng góp cho các trục sản phẩm quan trọng. Song điều tôi muốn nhấn mạnh là: cần phải có cơ chế mới và đột phá thì chương trình mới có thể thực thi.

Cần cơ chế mới và đột phá để thành công

Hiện nay, tổng giá trị cả ngành xuất bản Việt Nam không vượt quá 5.000 tỷ đồng/năm, con số rất thấp so với nhu cầu và thời đại. So sánh với các quốc gia tiên tiến khác, ngành cần đạt được quy mô khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Đó là con số khổng lồ và chỉ có thể đạt được bằng việc tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo những “đại lộ giao thông mới”, để nhờ đó huy động và cho phép các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia phát triển.

Cần một cơ chế mới và đột phá trong ngành xuất bản.

Theo tôi, ngành xuất bản & luật xuất bản có thể học tập ngành giao thông hay giáo dục. Ví dụ, hiện nay nhiều công ty sách gặp khó khăn về mặt bằng. Một NXB, công ty sách cũng không khác một trường học nếu so sánh về ý nghĩa và lĩnh vực hoạt động, nên Nhà nước có thể áp dụng hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” như trong giao thông, dành riêng một khu đất ở ngoại thành Hà Nội, TP.HCM để thành lập một phân khu cho các công ty sách đặt trụ sở hoạt động.

Đổi lại, các công ty sách có nhiệm vụ đầu tư, xuất bản số lượng “x” đầu sách chất lượng, có giá trị tương ứng với thời gian thuê đất được Nhà nước hỗ trợ. Tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã quy hoạch một khu riêng cách trung tâm khoảng 30km, rộng hàng chục hecta (Book City), cho các nhà xuất bản, công ty xuất bản đặt trụ sở với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Việc thực hiện cơ chế đấu thầu các gói sản phẩm cũng cần tổ chức theo cách thức mới, hiệu quả hơn. Ví dụ với 1.000 đầu sách cần thực hiện cho CTXBQG, Nhà nước có thể chia thành các gói nhỏ, sau đó cho tiến hành đấu thầu kép công khai. Ở khâu sản xuất còn gọi là làm bản thảo, đơn vị nào trả thầu thấp sẽ trúng thầu. Ở khâu khai thác thì đơn vị nào trả thầu cao nhất sẽ trúng thầu. Việc này vừa giúp làm bản thảo tốt, vừa khai thác tốt bản thảo; tránh được tình trạng đi đêm gây lãng phí, sách trong dự án in ra vứt lăn lóc trong kho rồi đem thanh lý như đã xảy ra.

BOT cũng là một cơ chế làm thay đổi diện mạo ngành giao thông và tôi cho rằng, cách thức này có thể áp dụng với việc xây dựng các thư viện hoặc thực hiện các bộ sách trong chương trình. Với các bộ sách cần thiết, Nhà nước có thể cho các nhà xuất bản, công ty sách đấu thầu và đảm bảo quyền khai thác trong “x” năm, sau đó bản thảo sẽ được đưa vào hệ thống thư viện quốc gia để mọi người dân đều có quyền khai thác…

Đổi mới trong tổ chức

Cùng với cơ chế, phần tổ chức thực hiện chương trình cũng cần có sự đổi mới. Vì CTXBQG cũng khó lòng đặt lên vai Cục Xuất bản do có rất nhiều ràng buộc, hạn chế cả về con người lẫn kinh phí.

Vì vậy bộ máy tổ chức, vận hành chương trình nên là hình thức Nhà nước và tư nhân cùng làm. Điển hình của mô hình này là “Đường sách” tại TP.HCM. Chương trình thành công được là vì cơ quan nhà nước không trực tiếp vận hành mà thông qua một doanh nghiệp của hội xuất bản vận hành.

Như mục tiêu của Chính phủ đề ra, Việt Nam hướng đến có những tập đoàn lớn mang tầm cỡ khu vực hay thế giới, thì ngành xuất bản cũng cần hình thành những NXB, doanh nghiệp lớn để làm được những dự án lớn. Để thực hiện được việc này, Nhà nước có thể cổ phần hóa một số nhà xuất bản để tận dụng ưu thế của cả khối nhà nước lẫn tư nhân.

Tại Hàn Quốc, có các tập đoàn xuất bản có doanh số trên 500 triệu USD/năm; nhiều nhà xuất bản cỡ trung cũng có doanh thu từ 200-300 triệu USD/năm (tương đương 5.000-10.000 tỷ đồng/năm). Việt Nam cần hình thành được ít nhất vài NXB đạt quy mô 1.000 tỷ đồng/năm; còn trong mảng phát hành, phân phối, cần có những doanh nghiệp đạt được doanh số 5.000 tỷ đồng/năm.

Tôi cho rằng chỉ có cơ chế, cách thức tổ chức mới mẻ thì mới tạo sự đột phá cho ngành xuất bản, người dân và toàn xã hội.

CEO Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books

Tags: