Đi tìm BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI bên trong nỗi buồn chiến tranh
Đi tìm BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI bên trong nỗi buồn chiến tranh
Bộ truyện không phải một sự giải trí. Ít nhất vào thời điểm bạn chưa sẵn sàng. Người từng đọc nó bảo họ đã khóc không biết bao nhiêu lần, người lại muốn vứt ngay quyển sách khi đã đọc 5 trên 6 chương vì không thể tiếp tục được. Người lại bình tĩnh lướt qua, nhưng gấp lại quyển sách trong một tiếng thở dài. “Bản chất của người” đáng để đọc, nhưng không phải dạng sách đem ra nghiền ngẫm cả chục lần. Cứ đọc nó, rồi quên.
Bản chất của người
(1 lượt)
Sự tàn nhẫn của con người xuất phát từ đâu? Từ sự chống trả, uất ức, thù hằn đè nén? Từ tranh đấu sinh tồn giành sự sống? Hay phải chăng là từ bản chất. Rằng ngay bên trong, sâu thẳm nơi mỗi con người này đều là sự tàn nhẫn. Chỉ chực chờ cơ hội được thỏa mãn, được thoát ra khỏi vỏ bọc con người rồi lại sẽ quay trở về với bản tính vốn có. Như một bầy thú gầm lên trong đói khát hay như cách gọi của tác giả là một mớ thịt, một đống dịch mủ nhương nhiễu không theo một hình thù. Bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu.

Tôi hoài nghi mọi sự khi đọc xong “Bản chất của con người” do Hang Kang viết. Rằng tại sao con người có thể man rợ đến vậy, câu chuyện trong trang sách này là thật, là những con người ngoài kia mà ta vẫn đối diện mỗi ngày. Hay chỉ là những ảo tưởng điên dại của một gã trầm cảm luôn cố vu những điều tệ hại nhất cho thế giới?

Ảnh: Nhã Nam

Nhưng không, nó ở đó. Sự bạo loạn giống nhau đến trùng hợp từ khắp mọi nơi. Chiến trường Việt Nam, đảo Jeju, Quảng Đông đến cả Gwangju trong bối cảnh câu chuyện. Nó vẫn ở đó, tường minh cho tất cả sự thật này. Vết bầy nhầy trên cổ tử cung người phụ nữ bị thước gỗ đâm vào tra tấn đến hàng chục lần. Ngón tay giữa biến dị lòi cả xương và mủ dịch trắng khi bị hai thanh bút sắt đâm chéo vào nhau xoắn vặn từng chút một. Những câu chuyện hiện lên giữa đời thực, “không thể trốn tránh cũng không thể đi tiếp nếu từ chối nhìn vào”.

Về cốt truyện, “Bản chất của người” xoay quanh cuộc nổi dậy Gwangju 1980 của công nhân Hàn Quốc. Khi người công nhân bị đối xử không khác gì loài gia súc và họ buộc phải đứng lên tìm đừng sống cho mình. Nó khác hẳn với bất kỳ thứ gì ta từng nghe truyền thông kể về lịch sử Hàn Quốc. Và có lẽ mãi về sau, chúng ta sẽ không bao giờ còn tin vào bất kỳ thứ gì truyền thông từng kể nữa. Truyện có 6 chương, mỗi chương rồi lại sắp xếp theo mạch thời gian lộn xộn giữa xưa và nay, giữa mộng (ác mộng) và thực. Có thể bắt đầu đọc từ bất cứ chương nào để thưởng thức bộ truyện rồi sắp xếp lại hay đọc tuần tự theo mạch truyện sẵn có. Cách nào cũng như nhau cả thôi, cũng đều là những ám ảnh.

Tư liệu từ sự kiện Gwangju 1980

Người Hàn Quốc bảo rằng Hang Kang là bậc thầy trong việc tạo ra những vết thương lòng khắc sâu tận đáy. Và chỉ khi vượt qua được những vệt dài đó, con người ta mới được phép đi tiếp để sống một cuộc đời. Thế nhưng tôi lại nghĩ rằng họ đã sai. Chí ít là riêng với “Bản chất của người”, những vết thương trong bộ truyện không phải loại có thể chữa. Nó cứ ở đó, ghim chặt không tài nào thoát ra được. 

Những gã đàn ông cứ đến đêm mùa hè mồ hôi đổ lại bật dậy, mắt trắng dã vì nghĩ đến sâu bọ đang trườn bò trên cơ thể mình từng chút một. Như thể mình chỉ còn là một thứ thịt bẩn thỉu bốc mùi hôi hám mắc kẹt trong chốn lao tù ba mươi năm về trước. Hay cô gái cứ bật dậy lại ôm chặt bụng đầu bổ đầy những viễn cảnh bị lột trần kéo lê trên đường phố vào những năm đôi mươi. Phần bụng bị đấm mạnh bởi quân lính từng phát một đến vỡ cả ruột non. Cứ vậy, mỗi lần nghĩ tới, mật, dịch, bao nhiêu thứ nhầy nhụa trong thực quản lại tự trào lên, đắng nghét. Cứ mãi chìm trong những hồi ức đó, có khi nào dừng lại thì tốt hơn. Có khi nào như người mẹ mất con trong “về nơi hoa nở”, trầm mình về cùng nơi người đã khuất. Để chết đi còn mang dáng hình một con người, để thấy một ngày trời xanh và cỏ cây rất đẹp và còn đủ tỉnh táo để nói “mẹ yêu con”.

Quanh đi quẩn lại, bộ truyện không phải một sự giải trí. Ít nhất vào thời điểm bạn chưa sẵn sàng. Người từng đọc nó bảo họ đã khóc không biết bao nhiêu lần, người lại muốn vứt ngay quyển sách khi đã đọc 5 trên 6 chương vì không thể tiếp tục được. Người lại bình tĩnh lướt qua, nhưng gấp lại quyển sách trong một tiếng thở dài. “Bản chất của người” đáng để đọc, nhưng không phải dạng sách đem ra nghiền ngẫm cả chục lần. Cứ đọc nó, rồi quên.

Thật tình nhiều lúc, tôi vẫn tự hỏi về sự lựa chọn của dàn nhân vật trong quyển sách này. Họ khuyên người khác bỏ trốn, thấy địch thì buộc phải đầu hàng. Vậy mà tại sao lại đi theo những lựa chọn đó. Rồi kể cả khi biết chắc sẽ hối hận và được chọn lại vẫn sẽ lựa chọn như lúc đầu. “Không biết nữa, họ bảo chỉ làm điều đúng đắn”.

Rồi nhiều khoảnh khắc mà tôi mãi không quên về quyển sách này, đoàn người hát to quốc ca trước khúc hành quyết, những bà mẹ không màng sống chết lên thành phố đòi lại “công đạo” cho con trai hay cả cái khí thế hừng hực đầy sự trong sạch và thuần khiết mà tất cả mọi người đều cảm nhận được đó. Nó là gì? Tôi không biết, và có lẽ mãi cũng không bao giờ biết được. Tôi không phải họ.

Nếu bạn còn đem chút hy vọng về tình người vào trong quyển sách này thì quên đi, không gì cả. Không một hy vọng cho bất kỳ ai. Chỉ toàn là những tiếng gào thét kêu vang trời, những tháp xác người, những đầu vú bị cắt, da thịt bị hành hình xoắn vặn ngày một đau. Bởi vì sâu thẳm bên trong, những kẻ đối diện biết, chúng sẽ vui khi làm chúng ta đau nhiều hơn, theo cách này hay cách khác. Phải chăng đây là “bản chất của người”?

Một lần nữa khẳng định “Bản chất của người” do Hang Kang viết là một quyển sách đáng đọc. Nhưng không phải để nhớ, hãy cứ đọc rồi quên. Cất ám ảnh và uất ức vào chiếc hộp thời gian của quá khứ. Đi tiếp và sống một cuộc đời.

Thiên Anh

Tags: