Để văn học Việt Nam
Để văn học Việt Nam "ra khơi" cùng thế giới
Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi và nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân với chủ đề “Ra khơi” của văn hóa nói chung và văn chương Việt Nam nói riêng.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Hai năm qua, nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được tặng giải thưởng văn chương quốc tế. Riêng năm 2018, Nguyễn Ngọc Tư nhận giải Liberaturpreis của Đức; Bảo Ninh - Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award); Nguyễn Quang Thiều giải Changwon KC International Literary của Hàn Quốc... Trước đó, năm 2017, Mai Văn Phấn nhận giải Cikada của Thụy Điển. Phải chăng văn học Việt Nam đang ngày càng được thế giới biết đến và vinh danh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NQT): Những giải thưởng gần đây của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn... cho thấy, mỗi ngày sự hiện diện của văn học Việt Nam trên thế giới càng rõ nét hơn, được đánh giá cao hơn. Với những tổ chức quốc tế, họ không trao giải hay dịch tác phẩm của chúng ta như một cử chỉ ngoại giao mà trước hết vì nhu cầu tìm hiểu các nền văn học thế giới của bạn đọc nước họ, nhu cầu tiếp cận vẻ đẹp văn chương từ những nền văn hóa, chính trị khác nhau trên thế giới qua từng giai đoạn. Bảo Ninh là một thí dụ. Nhiều năm nay, tác phẩm của anh đã đi xuyên qua biên giới hàng chục quốc gia, được dịch ra hàng chục thứ tiếng.


Phố sách Hà Nội. Ảnh | Duy Linh

HV: Đất nước chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta đang “ra khơi” trên con tàu mang tên toàn cầu. Theo quan sát của ông, nếu so sánh với các lĩnh vực khác, thì văn hóa nói chung và văn chương nói riêng của chúng ta đã hội nhập như thế nào?

NQT: So sánh sự hội nhập trong lĩnh vực kinh tế hay thể thao (sở dĩ nói tới thể thao vì năm nay chúng ta thu được nhiều thành tích rất đáng tự hào, đặc biệt là bóng đá), thì sự “ra khơi” của văn hóa và văn học còn khá khiêm tốn. Vấn đề không nằm ở chất lượng tác phẩm mà do cách truyền bá và dịch thuật tác phẩm của chúng ta chưa tốt. Chúng ta đã làm, nhưng chưa làm một cách da diết; chưa có một chiến lược bài bản, đồng bộ như nhiều nước trên thế giới trước một công việc vô cùng nghiêm túc và quan trọng. 

HV: Có lần ông từng nói, các nhà văn Việt Nam nếu muốn được thế giới biết đến thì phải viết bằng tiếng Anh. Ông còn giữ quan điểm này không? hay đây chỉ là cách nói rằng: văn học của chúng ta cần được dịch sang những ngôn ngữ nhiều người biết trên thế giới?

NQT: Anh hoàn toàn hiểu ý tôi. Thật ra đó chỉ là cách nói hơi giễu nhại, bởi các nhà văn lớn trên thế giới không phải ai cũng viết được bằng tiếng Anh. Những bản dịch tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn hay của tôi ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn hay tiếng Thụy Điển thì cũng đều phải dựa vào những dịch giả là người bản ngữ.

Chúng ta đã từng đón nhận những vẻ đẹp, tư tưởng của nhân loại qua các bản dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt. Vì vậy, các nhà văn Việt Nam hãy viết bằng tiếng Việt một cách tinh tế nhất, đẹp nhất, hay nhất, sẽ có những dịch giả giỏi nhất làm nhiệm vụ chuyển ngữ. 

Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm dịch văn học Việt Nam, nhưng chúng tôi mới chỉ làm được một vài việc nhỏ. Muốn hoạt động thì cần phải có tài chính, nhưng tiền lấy ở đâu? Nếu mỗi năm chúng ta dịch được mươi cuốn sách hay của văn học Việt Nam, thì cũng phải mất vài chục năm mới hết. Một cuốn tiểu thuyết ba, bốn trăm trang, sẽ cần chi phí khoảng mười nghìn đô-la để có được một bản dịch tốt. Chưa kể việc biên tập, hiệu đính, in ấn..., như vậy theo tôi tính toán, ít nhất chúng ta phải đầu tư khoảng 25 nghìn đô-la cho một cuốn sách. Đây là một món tiền không nhỏ, nhưng khi tôi nói chuyện với các dịch giả nước ngoài thì họ bảo rằng đấy là giá quá rẻ để quảng bá. 

HV: Là người hoạt động văn học lâu năm, có nhiều mối quan hệ với các nhà văn và tổ chức văn học quốc tế, theo ông, kinh nghiệm quảng bá của những nước nào có nền văn học tương đồng mà ta có thể học hỏi được?

NQT: Hàn Quốc là một trong những nước cho thấy tấm gương về hội nhập và quảng bá văn hóa. Từ lâu họ đã có cả một chiến lược và hiện đã từng bước chiếm lĩnh những vị trí rất đáng kể trên thế giới không chỉ ở kinh tế, thời trang, điện ảnh, thể thao, văn hóa, ẩm thực mà đặc biệt là văn học. Chưa bao giờ số lượng các tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và giới thiệu ở Việt Nam nhiều như bây giờ. Ngoài lý do văn học Hàn Quốc dễ hòa đồng với bạn đọc nhờ sự tương đồng về văn hóa và đã đạt đến chất lượng tương đối tốt thì điều quan trọng hơn là những chiến dịch truyền bá quá xuất sắc. Trước kia họ hỗ trợ cho bất cứ dịch giả Việt Nam nào có ý định dịch văn học Hàn Quốc, dù dịch từ ngôn ngữ nào. Còn bây giờ họ chỉ tài trợ cho tác phẩm dịch từ tiếng Hàn như là một cách nâng vị thế ngôn ngữ. Ngôn ngữ song hành với các thương hiệu khác, đây là chiến lược mà nhà nước và các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc phối hợp đồng bộ, đồng nhất để truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Trả lời câu hỏi của anh, chúng ta muốn thế giới đọc nhiều văn học Việt Nam thì không còn cách nào khác là phải dịch tác phẩm và đưa ra thế giới. Các tạp chí của Uganda, Ai Cập... đã dịch, in tác phẩm văn học bằng tiếng Anh, tiếng Pháp rồi gửi cho tất cả các hội nhà văn, thư viện lớn, các trường đại học trên thế giới; đăng trên website để giới thiệu với thế giới về nền văn học của họ. Một cách làm khác của Colombia. Hằng năm vào tháng bảy, họ tổ chức Liên hoan thơ quốc tế. Hàng trăm nhà thơ thế giới tham dự và ở đó những tác phẩm thơ hay của Colombia được phát tặng cho khách là các nhà thơ, giám đốc nhà xuất bản, các quỹ dịch thuật, hay người có vị trí trong tổ chức văn chương các nước. Những tác phẩm tốt của Colombia đến được nơi cần đến bằng con đường ngắn nhất. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể học theo cách của các nước trên, mà chưa cần sáng tạo gì thêm. 

HV: Tôi nhận thấy những sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc thường trực tiếp hoặc gián tiếp truyền bá ra nước ngoài cùng với sự thâm nhập các sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn lớn, theo nguyên tắc win-win. Phải chăng, để thực hiện chiến lược ấy cần có sự chỉ huy, điều phối của một nhạc trưởng là Nhà nước?

NQT:
 Thuật ngữ “nhạc trưởng” mà anh nói, tôi cho là câu trả lời xác đáng nhất trong chiến lược truyền bá của họ. Với Việt Nam, chúng ta không những cần một nhạc trưởng mà cần cả một thuyền trưởng để đưa văn hóa “ra khơi”, hội nhập vào đại dương toàn cầu. Nhà nước sẽ chỉ huy, định hướng, tạo cơ chế như một thuyền trưởng và nhạc trưởng; còn các nhà văn, dịch giả, nhà xuất bản, hội đồng tuyển chọn, các quỹ tài chính là các nhạc công trong một dàn nhạc, các thủy thủ trên con tàu lớn đó. 

Chúng ta đã tổ chức hai Liên hoan thơ; ba Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Năm 2019, chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan thơ quốc tế chứ không phải Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương như hai lần trước, đối tượng được mở rộng ra. Và Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư. Hội Nhà văn đang tiến hành dịch một tuyển truyện ngắn hay và một tuyển thơ chọn lọc của Việt Nam để phục vụ cho dịp này. Các vị khách quốc tế khi cầm trên tay những quyển sách ấy và đọc, sẽ hình dung được những nét cơ bản về văn học Việt Nam; và họ có thể phát hiện ra những tác giả, liên hệ với tác giả đó để hợp tác dịch tác phẩm.

HV: Ông từng cho biết một số tập đoàn có tiềm lực tài chính của Việt Nam đang quan tâm tới việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Phải chăng trong lúc chúng ta chờ đợi Nhà nước đầu tư, thì những tập đoàn nói trên có thể hợp tác với Trung tâm dịch văn học, các nhà xuất bản để tiến hành ngay việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới?

NQT: Đúng, lúc này điều đó vô cùng cần thiết. Hiện đã có một tập đoàn lớn mà tôi xin miễn nêu tên đã chấp nhận xem xét dự án dịch và quảng bá văn học Việt Nam do chúng tôi đề xuất. Nếu được đồng ý thì theo chúng tôi, có thể coi đó là một dự án lớn nhất về dịch thuật từ trước đến nay. Đây sẽ là nơi hiện diện của văn chương thế giới và Việt Nam đầy khả ái. Và khi đó, văn học Việt Nam sẽ được giới thiệu đồng bộ, bài bản trong một chiến lược nhất quán. Nếu Nhà nước đứng ra cầm chịch, kêu gọi thì tôi nghĩ sẽ còn nhiều tập đoàn hưởng ứng ngay. Những tác phẩm hay nhất của Việt Nam được dịch một cách tốt nhất, được truyền bá một cách bài bản nhất ra thế giới thì việc “ra khơi” của chúng ta sẽ thành công.

Hữu Việt (thực hiện)

Báo Nhân Dân

 

 

Tags: