Để thành công thì nên loại bỏ điểm yếu hay phát triển điểm mạnh?
Để thành công thì nên loại bỏ điểm yếu hay phát triển điểm mạnh?
Một câu hỏi cơ bản khi làm việc với bản thân là: Bạn có nên tìm mọi cách để loại bỏ điểm yếu của mình hay không? Hay bạn nên tập trung phát triển điểm mạnh và tạm quên đi điểm yếu? Hoặc thậm chí bạn có thể làm cả hai? Đoạn trích dưới đây từ cuốn sách "Refresh! 20 ngày làm mới bản thân" sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Refresh! 20 Ngày Làm Mới Bản Thân
(9 lượt)
Vấn đề là nguồn lực của bạn bị hạn chế do đó bạn không có đủ thời gian để làm mọi thứ. Một ngày của bạn chỉ có 24 giờ. Tính thời gian bạn rời khỏi giường ngủ, ăn uống, tắm rửa, làm việc, sinh hoạt trong gia đình, thì cuối cùng bạn thường không còn nhiều thời gian. Bộ não con người cũng chỉ có khả năng hấp thụ hạn chế. Vì vậy, bạn phải bảo tồn tài nguyên của mình và sử dụng chúng một cách tối ưu nhất. Nhưng tối ưu là gì? Rõ ràng là bạn không thể làm mọi thứ cùng một lúc. Bạn phải đặt thứ tự ưu tiên cho các công việc của mình, dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu.

Tập trung vào “xử lý” điểm yếu hay tăng cường điểm mạnh là một câu hỏi luôn được tranh luận sôi nổi trong Triết học. Một số người nói rằng, bạn phải loại bỏ các thiếu sót trước khi bắt đầu phát triển cái lớn. Tôi đưa ra hình ảnh cái bồn tắm: Nếu bạn không đóng nút thoát nước (= điểm yếu /thiếu hụt), bạn có đổ bao nhiêu nước vào bồn tắm cũng như không. Mực nước trong bồn không dâng lên là mấy. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào kích cỡ của nút thoát nước và lượng nước không ngừng đổ vào bồn. Những người khác cho rằng, bạn phải chấp nhận những điều mà bạn không thể thay đổi. Khắc phục điểm yếu tốn nhiều thời gian hơn là cải thiện điểm mạnh. “Tập trung vào những gì bạn có thể làm!” Là khẩu hiệu của nhóm thứ hai.

 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐIỂM YẾU NHỎ VÀ ĐIỂM YẾU LỚN

 

Cá nhân tôi nghĩ rằng cả hai bên đều đúng, trong đó một bên nên được nhấn mạnh hơn. Ý tôi là gì? Hiện nay, có những điểm yếu, giống như nút thoát nước của bồn tắm, có tính quyết định đối với sự phát triển bản thân. Những điểm yếu này thực sự có thể đóng lại cánh cửa thành công. Điều tốt đẹp chỉ đến khi một số điểm yếu thật sự được loại bỏ. Ví dụ, nếu bạn – cũng như tôi – không giỏi môn Hóa ở trường, đó là một điểm yếu, nhưng đó không phải là vấn đề nếu như bạn và tôi, muốn làm về lĩnh vực quảng cáo. Bạn có thể bỏ qua một điểm yếu như vậy mà vẫn an toàn.

Tuy nhiên, có một điểm yếu tối kị là khi bạn có thể lực kém và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể cản trở bạn nhiều trong công việc, hãy tưởng tượng bạn đang chịu nhiều áp lực trong công việc với cương vị là người quản lý mới, sẽ ra sao nếu bạn làm điều đó với cơ thể mỏi mệt. Một điểm yếu chí mạng khác nữa là nghiện. Bất kể là bạn nghiện rượu, ma túy hay mạng xã hội, quan trọng là bạn có thể nhận ra và phải khắc phục những điểm yếu đó. Bạn cần phải loại bỏ nhanh chóng được 2 loại điểm yếu trên. Đối với những hoạt động không quá quan trọng đối với mục tiêu hiện tại của bạn, hãy chấp nhận tạm gác sang một bên và có thể tiếp tục sau khi bạn đã hoàn thành, hoặc khi bạn nghỉ hưu mà bạn vẫn muốn làm.

sach-refresh-20-ngay-lam-moi-ban-than

Hãy tiếp tục với điểm yếu không thể bỏ qua. Có một thứ sẽ giúp bạn ứng phó với những điểm yếu này, đó là sử dụng sức mạnh của thói quen. Nếu bạn làm điều gì đó trong 30 ngày liên tiếp, nó sẽ trở thành một thói quen. Điều này cũng bao gồm những thói quen xấu. Nếu bạn bắt đầu hút thuốc mỗi ngày và liên tục trong 30 ngày, bạn có thể trở thành một người nghiện thuốc lá. Xin đừng “đóng đinh” con số 30, một số người cần nhiều hơn 30 ngày, trong khi một số cần ít hơn để hình thành một thói quen. Điều chắc chắn là hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến hình thành thói quen.

Bây giờ bạn hãy sử dụng quy tắc này tốt hơn. Hãy từ bỏ một thói quen xấu ngay hôm nay, ngày mai, và một lần nữa vào những ngày tiếp theo... Bắt đầu tập thể dục hoặc dậy sớm đi bộ vào mỗi buổi sáng. Làm điều đó hôm nay, hôm sau, và một lần nữa vào ngày tiếp theo. Trong thời gian đầu, điều này chắc chắn sẽ khó khăn. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn đã làm điều đó trong 30 ngày liên tục, bạn sẽ cảm thấy trống vắng nếu không lặp lại điều này nữa. Bạn đã phát triển một thói quen tốt và biến điểm yếu thành điểm mạnh. Bản thân tôi đã có thói quen tập gym hàng ngày, chỉ ăn sô cô la đen ít đường thay vì sô cô la sữa, ăn ngũ cốc mỗi bữa sáng và uống nước trái cây không đường thay vì nước ngọt có ga. Bây giờ tôi sẽ cảm thấy khó chịu nếu tôi không thực hiện những thói quen tốt này. Tôi của trước đây khác nhiều.

 

CHUYÊN MÔN HOÁ ĐIỂM MẠNH

 

Bạn nên tập trung vào điểm mạnh hơn là cố gắng loại bỏ mọi điểm yếu, đặc biệt là những điểm yếu không liên quan. Tại sao vậy? Rất đơn giản, bởi vì chính điểm mạnh mới khiến bạn thành công và khác biệt so với những người khác. Bạn chỉ thực sự đạt được hiệu suất làm việc từ điểm mạnh. Tuy nhiên, với một số điểm yếu, bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều và gặp trở ngại hơn trong quá trình phát triển bản thân. Nhìn theo khía cạnh này, chuyên môn hóa điểm mạnh là chìa khóa thành công. Chuyên môn hoá điểm mạnh là gì? Bạn có thể có nhiều điểm mạnh nhưng bạn phải chuyên môn hóa tức là phân loại điểm mạnh nào bạn không chỉ làm tốt mà phải thật xuất sắc, chứ không phải chỉ đạt mức trung bình mặc dù đã nỗ lực rất nhiều. [...]

sach-refresh-20-ngay-lam-moi-ban-than

Trong hoàn cảnh của bạn, những câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân là: Điểm mạnh của tôi là gì? Tôi giỏi hơn mức trung bình ở một hoặc những điểm nào? Tôi có thể cải thiện hiệu suất làm việc của mình ở những lĩnh vực nào dựa vào thế mạnh của mình? Bạn hát khá hay và bạn nghĩ, đây là điểm mạnh của mình. Bạn tập trung phát triển kĩ năng ca hát thông qua các khóa luyện giọng. Sau 1 năm, bạn hát hay hơn, tuy nhiên nếu so sánh với những ca sĩ khác trong lĩnh vực này, bạn không được đánh giá cao. Nó thực sự đáng giá khi bạn mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc chỉ để trở thành một ca sĩ nghiệp dư trung bình trong một vài năm tới? Tốt hơn hết là bạn nên chọn một thứ mà bạn giỏi hơn những người khác và tập trung tối ưu hoá điểm mạnh đó.

Tuy nhiên, thực tế có những người tìm hoài cũng không thấy mình giỏi điểm nào, mọi mặt đều trung bình. Thậm chí họ không có điểm mạnh nào nổi bật. Vậy họ phải làm sao đây? Nếu bây giờ bạn nghĩ rằng mình không giỏi cái gì, bạn hãy thử kết hợp hai hoặc nhiều kỹ năng trở lên. Ví dụ: bạn có bằng B ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật v.v.) – xếp loại trung bình, bằng đại học ngành marketing – trung bình, cộng với một chút năng khiếu về kỹ thuật. Hãy kết hợp những kỹ năng này với nhau, phát triển chúng và cố gắng tìm một công việc mà yêu cầu chính xác ba điều này, ví dụ như trợ lý cho giám đốc kỹ thuật của một công ty nước ngoài. Tất nhiên, bạn cũng có thể chỉ tập trung vào một kỹ năng tuy nhiên hãy lưu ý rằng, bạn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các chuyên gia cũng chỉ giỏi một kỹ năng. Hãy cân nhắc nếu sự cạnh tranh của bạn là sự kết hợp hài hoà của nhiều kỹ năng, bạn sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn và có thể trở thành một chuyên gia được săn đón. Hãy thử tưởng tượng, ngoài tiếng mẹ đẻ Tiếng Việt, bạn còn có thể nói được tiếng Thái và tiếng Anh, có bằng cử nhân kỹ thuật và là một nhân viên kinh doanh giỏi. Công ty ô tô nổi tiếng Việt Nam sẽ thuê ai khi họ đang tìm kiếm một kỹ sư bán hàng cao cấp cho thị trường Thái Lan? 

Tóm lại, nếu bạn thực sự có điểm mạnh, bạn cần tập trung vào tối ưu hoá điểm mạnh đó. Nhưng nếu bạn không đặc biệt giỏi một lĩnh vực nào hoặc không có điểm mạnh gì nổi bật, bạn nên trang bị nhiều kĩ năng và năng khiếu có thể kết hợp với nhau để trở nên ấn tượng.

—------------------

sach-20-ngay-lam-moi-ban-than
Cuốn sách "Refresh! 20 ngày làm mới bản thân"

"Trong cuốn sách “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân”, Andreas Stoffers cho thấy: những sự kiện xảy ra trong cuộc sống chủ yếu là kết quả của những suy nghĩ. Nếu chúng ta muốn cải thiện cuộc sống của mình, thì chúng ta phải thay đổi cách nhìn và có những suy nghĩ mới mẻ hơn. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình nhưng không sẵn sàng thay đổi suy nghĩ, bạn sẽ thất bại. Đức Phật Thích Ca, người sáng lập Phật giáo dạy rằng: “Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi tâm trí của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ. Thành quả của hôm nay bắt nguồn từ những suy nghĩ của hôm qua. Và những suy nghĩ của hôm nay tạo nên cuộc sống của ngày mai. Cuốn sách của Andreas Stoffers có thể thay đổi cuộc đời bạn.” - Tiến sĩ Rainer Zitelmann - Tác giả cuốn “Quái kiệt làm điều khác biệt”. 

Nếu bạn đang khát khao thay đổi cuộc sống, định vị lại bản thân nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy để “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân” trở thành Coach của bạn. Cuốn sách giống như một cuốn cẩm nang, một người đồng hành cùng bạn trong khóa huấn luyện 20 ngày với hệ thống 20 quy luật đơn giản mà hiệu quả, nếu bạn kiên nhẫn áp dụng mỗi ngày.

Cuốn sách là sự đúc kết từ những suy nghiệm phương Tây với hoàn cảnh đặc thù của người Việt Nam. Có nhiều cuốn cẩm nang được dịch từ tiếng Anh, trong đó những ví dụ từ Mỹ, Anh hoặc Đức không hẳn phù hợp với môi trường sống tại Việt Nam. Mặt khác, nếu chỉ nhìn thuần tuý từ nhãn quan Việt Nam cũng chưa hẳn đã đủ hữu ích. Mục đích của tác giả là mang đến cho độc giả Việt Nam một cuốn sách hữu ích được kết hợp từ hai thế giới quan. Do đó, độc giả sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những ví dụ mang màu sắc của Việt Nam và những ví dụ mang màu sắc phương Tây; đồng thời sẽ tìm thấy những công cụ trợ giúp đã được chứng minh là hữu hiệu trong các khoá coaching dành cho người Việt Nam.



 

Tags: