Đan Mạch - Quốc gia hạnh phúc nhất liệu có hạnh phúc thực sự?
Đan Mạch - Quốc gia hạnh phúc nhất liệu có hạnh phúc thực sự?
Sự đồng tình nhất trí thật quá rõ ràng: nếu bạn muốn biết đâu là nơi để tìm kiếm mô hình vững chắc cho một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, cân bằng, khỏe mạnh và tân tiến, bạn nên hướng mắt về khu vực nằm ở phía bắc nước Đức, và ngay bên trái nước Nga.
Bộ Sách Lịch Sử & Văn Hóa Bắc Âu (Boxset 3 Cuốn)
(3 lượt)
Vào một buổi sáng sớm tháng 4 vài năm trước, khi trời còn tối, tôi đang ngồi trong phòng khách nhà mình nằm tại trung tâm Copenhagen, cuộn mình trong một tấm chăn và mong mỏi mùa xuân, tôi mở trang báo của ngày hôm đó và biết được rằng những người đồng hương trên đất nước nơi tôi sinh sống đã được lựa chọn là những người hạnh phúc nhất so với giống loài của họ, thể hiện qua Chỉ số Hài lòng với Cuộc sống, do Khoa Tâm lý học của Đại học Leicester biên soạn.

Tôi kiểm tra ngày báo ra: đó không phải là ngày 1 tháng 4. Một cái nhìn lướt qua trên mạng thực sự đã xác nhận đây là tin tức trang đầu trên toàn thế giới. Tất cả mọi người từ Daily Mail đến [Công ty truyền thông] Al Jazeera đều đưa tin về chuyện này như thể nó là một điều chắc chắn. Đan Mạch là nơi hạnh phúc nhất trên thế giới. Hạnh phúc nhất ư? Đất nước nhỏ bé, bằng phẳng, nhàm chán, ẩm ướt, tối tăm, nơi mà bây giờ tôi gọi là nhà này, với một nhúm những con người khắc kỷ, biết điều, và mức thuế cao nhất thế giới này ư? Vương quốc Anh xếp hạng thứ 41  trong danh sách này. Một giáo sư đại học đã nói như thế, vì vậy nó chắc hẳn phải đúng.

[...]Tôi nhớ lại những trải nghiệm đầy mệt mỏi của ngày hôm trước trên quê hương nơi tôi bắt đầu sinh sống mới gần đây. Vào buổi sáng, cứ hai lần mỗi tuần, tôi lại chạm mặt với cô gái thu ngân ủ rũ ở siêu thị trong khu vực, người mà theo thói quen, nhập giá những sản phẩm cấp thấp, đắt đỏ tôi mua nhưng không đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi. Bên ngoài, những người đi bộ khác rõ ràng thể hiện sự không bằng lòng nhưng đành bỏ qua khi tôi sang đường lúc còn đèn đỏ; khi ấy không có xe cộ chạy qua, nhưng việc đi trước đèn xanh ở Đan Mạch là một sự vi phạm đầy khiêu khích trong lối hành xử xã hội. Tôi đã đạp xe về nhà trong cơn mưa phùn để tìm một tờ hóa đơn thuế giúp giảm nhẹ khoản thuế đáng báo động từ thu nhập trong tháng đó của tôi. Trên quãng đường ấy, tôi đã kích động sự giận dữ của một tay lái xe, anh ta dọa sẽ giết tôi bởi vì tôi đã vi phạm quy định không-rẽ-trái (chính xác là, anh ta hạ cửa kính xe xuống, với thái độ và giọng điệu của một nhân vật phản diện điển hình của phim Bond, hét lên, “Tao sẽ giết mày”). Chương trình giải trí trên tivi vào khung giờ vàng buổi tối bao gồm một chương trình về cách xử lý xơ cứng bầu vú ở bò, theo sau là một tập phim Taggart chiếu đã được mười năm, và tiếp tục với Ai là triệu phú? – lối nói hoa mỹ kiểu thay đổi cuộc đời của chương trình này bị giảm nhẹ đôi chút bởi thực tế là một triệu krone chỉ đáng giá khoảng 100.000 bảng Anh, ở Đan Mạch sẽ chỉ đủ để bạn thưởng thức một bữa ăn ở nhà hàng cùng chút tiền lẻ còn lại để đi xem phim.

[...]Người Đan Mạch về bản chất là những người theo Đạo Tin lành nhánh Luther, nếu không muốn nói là tuân thủ nghi lễ: họ tránh xa sự khoe khoang, không tin tưởng những biểu hiện chứa chan thuộc về cảm xúc, và giữ khoảng cách với nhau. So với, ví dụ, người Thái hoặc Puerto Rico hay thậm chí là người Anh, họ  là một nhóm người lãnh đạm, nghiêm nghị. Tôi có thể nói rằng trong số khoảng 50 quốc tịch mà tôi đã gặp trong những chuyến đi của mình cho đến thời điểm đó, người Đan Mạch có lẽ nằm trong nhóm phần tư cuối cùng trong số những người rõ ràng ít vui vẻ nhất trên trái đất này, cùng với người Thụy Điển, Phần Lan, và Na Uy.

 Có lẽ tất cả những loại thuốc chống trầm cảm họ tiêu thụ đã làm mờ đi nhận thức của họ, tôi tự nhủ. Tôi đã đọc một báo cáo gần đây có nói rằng, ở châu Âu, chỉ có người Iceland tiêu thụ nhiều “thuốc hạnh phúc” (happy pills) hơn người Đan Mạch, và với tỉ lệ ngày càng tăng. Liệu rằng sự hạnh phúc của người Đan Mạch chẳng là gì ngoài sự lãng quên do Prozac (là thuốc chống trầm cảm của nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)) tài trợ?

Trên thực tế, khi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng hạnh phúc của người Đan Mạch, tôi đã phát hiện ra rằng báo cáo của Đại học Leicester không có gì đột phá như những gì nó thể hiện. Người Đan Mạch đã đứng đầu bảng trong khảo sát về mức độ hạnh phúc đầu tiên của EU – Eurobarometer – từ những năm 1973, và vẫn giữ vị trí ấy cho đến hôm nay. Trong khảo sát gần nhất, có hơn hai phần ba trong hàng ngàn người Đan Mạch tham gia khảo sát đã tuyên bố rằng họ “rất hài lòng” với cuộc sống của mình.

Năm 2009 đã diễn ra chuyến thăm viếng như-của-giáo- hoàng của Oprah Winfrey đến Copenhagen, Oprah Winfrey đã trích dẫn thực tế rằng “mọi người để con cái của mình nằm trong chiếc xe đẩy đặt bên ngoài quán cà phê mà không lo lắng chúng có thể bị bắt cóc… nghĩa là mọi người không chạy đua chạy đua chạy đua để đạt được thêm nhiều và nhiều và nhiều hơn nữa” là bí quyết thành công của người Đan Mạch. Nếu Oprah đã ca ngợi Đan Mạch, điều đó chắc chắn là sự thật.

Vào thời điểm mà Oprah bước xuống từ thiên đường, tôi thực ra đã rời khỏi Đan Mạch, khi đã đưa người vợ của mình đến những giới hạn chịu đựng cuối cùng bởi sự than vãn không ngừng về quê hương của cô ấy: thời tiết khắc nghiệt, mức thuế kinh khủng, sự độc canh có thể dự đoán, sự cứng nhắc ngột ngạt về sự đồng thuận chung nhỏ nhất, sự sợ hãi về bất kỳ một ai hoặc một điều gì đó khác biệt với quy tắc chung, sự ngờ vực về tham vọng và không chấp nhận thành công, những quy tắc ứng xử nơi công cộng đáng sợ, và chế độ dinh dưỡng tàn nhẫn của thịt mỡ lợn, món kẹo đen mặn vị cam thảo, những loại bia và bánh hạnh nhân rẻ tiền. Nhưng tôi vẫn giữ một cái nhìn thận trọng, có chút hoang mang về hiện tượng hạnh phúc của người Đan Mạch.

Tôi lắc đầu không tin khi, ví dụ, đất nước này đứng đầu trong Khảo sát Toàn cầu Gallup, 1.000 người từ tuổi 15 trở lên trên 155 quốc gia đã được hỏi để đánh giá, trên thang điểm từ 1 đến 10, về cuộc sống hiện giờ cũng như sự kỳ vọng vào tương lai của họ. Gallup cũng đưa ra những câu hỏi về sự hỗ trợ xã hội (“Nếu bạn gặp rắc rối, bạn có thể dựa vào bất kỳ người thân hay bạn bè nào để được hỗ trợ bất kỳ lúc nào bạn cần không?”); sự tự do (“Ở đất nước của bạn, bạn có hài lòng hoặc không hài lòng với sự tự do được lựa chọn điều mình làm với cuộc sống của mình không?”); và tham nhũng (“Tham nhũng có diễn ra rộng khắp trong những lĩnh vực kinh doanh trên đất nước của bạn không?”). Những câu trả lời đã hé lộ rằng 82% người Đan Mạch đang “phát triển thịnh vượng” (điểm số cao nhất), trong khi chỉ có 1% là đang “chịu đựng đau khổ”. Điểm trung bình về “trải nghiệm hằng ngày” của họ là cao nhất trong số các quốc gia, ở mức 7,9 trên 10. Để so sánh, ở Togo, quốc gia xếp hạng thấp nhất, chỉ có 1% được coi là phát triển thịnh vượng.

“Có lẽ họ nên hỏi những người Somali nhập cư ở Ishøj về mức độ hạnh phúc của họ”, tôi tự nhủ mỗi khi nghe đến những cuộc khảo sát và báo cáo này, mặc dù tôi thật sự nghi ngờ rằng liệu đã có bất kỳ chuyên gia nghiên cứu nào từng đánh liều đi ra ngoài những vùng ngoại ô thịnh vượng của Copenhagen chưa.

Và rồi cũng đến khoảnh khắc huy hoàng cuối cùng trong câu chuyện hạnh phúc của người Đan Mạch: năm 2012, Báo cáo Hạnh phúc Toàn cầu đầu tiên của Liên Hợp Quốc, do các nhà kinh tế John Helliwell, Richard Layard và Jeffrey Sachs thực hiện, đã tổng hợp kết quả của tất cả những nghiên cứu “hạnh phúc” gần đây – những Khảo sát Toàn cầu Gallup, những Khảo sát Giá trị Châu Âu và Thế giới, Khảo sát Xã hội Châu Âu cùng những tài liệu tương tự. Và, thử đoán xem? Bỉ xếp vị trí đầu tiên! Không, tôi đùa đấy. Đan Mạch một lần nữa được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, theo ngay sát là Phần Lan (2), Na Uy (3), và Thụy Điển (7).

Diễn giải lời của Lady Bracknell thì giành vị trí đầu bảng trong một cuộc khảo sát hạnh phúc có thể được coi là một sự may mắn, giành vị trí đầu bảng trong tất cả những cuộc khảo sát kể từ năm 1973 là những nền tảng đầy thuyết phục cho một luận đề nhân học vững chắc.

Trên thực tế, Đan Mạch không phải là không có những đối thủ cạnh tranh cho danh hiệu nơi đáng sống nhất. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi quốc gia Bắc Âu đều giành được danh hiệu cụ thể cho riêng mình khi nói đến chất lượng cuộc sống. Không lâu sau khi báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố, Newsweek đã tuyên bố rằng Phần Lan, chứ không phải Đan Mạch, sở hữu chất lượng cuộc sống tốt nhất, trong khi Na Uy giữ vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc, và một báo cáo gần đây cho rằng Thụy Điển là quốc gia tuyệt vời nhất để sinh sống nếu bạn là phụ nữ.

Như vậy, Đan Mạch không phải luôn luôn giữ vị trí đầu bảng trong tất cả những phân nhóm của các khảo sát về tình trạng khỏe mạnh, sự thỏa mãn và hạnh phúc, nhưng nó vẫn xếp hạng loanh quanh vị trí đó, và nếu Đan Mạch không giữ vị trí số một, thì gần như chắc chắn sẽ là một quốc gia Bắc Âu khác. Đôi khi, New Zealand hoặc Nhật Bản có thể nhảy vào bức tranh đó (hoặc có thể là Singapore, hoặc Thụy Sĩ), nhưng nhìn chung thông điệp từ tất cả những báo cáo này, điều đã được chia sẻ một cách nhiệt huyết và mù quáng trên truyền thông châu Âu và Hoa Kỳ, rõ ràng như một ly rượu schnapps mát lạnh: người dân Scandinavia không chỉ là những người hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống nhất trên thế giới, mà còn là những con người thanh thản, khoan dung, theo chủ nghĩa quân bình, tiến bộ, thịnh vượng, hiện đại, hào phóng, tự do, được giáo dục tốt nhất, tân tiến nhất về phát triển công nghệ, và có nền nhạc pop hay nhất, những chương trình trinh thám trên tivi thú vị nhất, và thậm chí, trong những năm gần đây, những nhà hàng tuyệt vời nhất để gây ấn tượng. Ở họ, năm quốc gia này – Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Iceland – còn thể hiện một nền giáo dục tốt nhất trên thế giới (Phần Lan); một ví dụ sáng ngời về xã hội công nghiệp hiện đại, lâu đời, đa văn hóa (Thụy Điển); một cường quốc dầu mỏ, đầu tư vào những điều hợp lý, phù hợp đạo đức, lâu dài hơn là những tòa nhà cao tầng ngu ngốc hay ngành công nghiệp tình dục tại khu đường Park Lane (Na Uy); đất nước với một xã hội bình đẳng giới nhất trên thế giới, những người đàn ông sống lâu nhất, và rất nhiều cá tuyết (Iceland); và những chính sách về môi trường đầy tham vọng cũng như những hệ thống phúc lợi quốc gia được đầu tư đáng kể tiền bạc (cả năm quốc gia).

Sự đồng tình nhất trí thật quá rõ ràng: nếu bạn muốn biết đâu là nơi để tìm kiếm mô hình vững chắc cho một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, cân bằng, khỏe mạnh và tân tiến, bạn nên hướng mắt về khu vực nằm ở phía bắc nước Đức, và ngay bên trái nước Nga. [...]

 

Bài viết được trích lược từ cuốn Những người gần như hoàn hảo của tác giả Michael Booth, nằm trong Bộ sách Lịch sử và Văn hóa Bắc Âu do Omega+ phát hành tại Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách tại đây
Tags: