Cuối cùng thì Việt Nam cũng đập vỡ mặc cảm “nhược tiểu” – Cảm ơn U23!
Cuối cùng thì Việt Nam cũng đập vỡ mặc cảm “nhược tiểu” – Cảm ơn U23!
Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy hạnh phúc đến như vậy khi nhìn vào một trận đấu bóng đá. Đó không phải là chuyện kỹ thuật hay chiến thuật, hay chiến thắng của bóng đá - mà là sự báo hiệu bước trưởng thành của một dân tộc Việt Nam mới.

20 năm theo dõi bóng đá Việt Nam, hằn sâu trong tôi ấn tượng là cầu thủ Việt thường xuyên “khớp” khi phải đá với một đội bóng lớn nước ngoài. Chiến thắng luôn là ăn may hoặc là đội bạn cử đội hình hai. Còn cứ cuộc chiến thật thì là thua. Nhiều khi tâm lý chỉ mong “thua làm sao ít nhất là được”. 

Thế nhưng mấy ngày qua, dù không xem trận nào trọn vẹn, nhưng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước sự bình tĩnh, ổn định, không rối loạn đội hình, cộng với thể lực vững vàng của các cầu thủ.

Trận chung kết hôm qua, thật sự vô cùng đáng kinh ngạc, khi các em phải thi đấu trong một điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy mà vẫn duy trì phong độ tới tận phút chót. Không hề có chút nào rối loạn và hoàn toàn không còn kiểu “đi bộ chờ hết giờ” như thường thấy trước đây.
Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy hạnh phúc đến như vậy khi nhìn vào một trận đấu bóng đá. Đó không phải là chuyện kỹ thuật hay chiến thuật, hay chiến thắng của bóng đá - mà là sự báo hiệu bước trưởng thành của một dân tộc Việt Nam mới.

Nhát búa mạnh mẽ đập vào tâm lý nhược tiểu của người Việt

Việt Nam nhiều thế kỷ phải chiến đấu chống lại các cường quốc như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta kiên cường và mạnh mẽ chiến đấu, chiến thắng – nhưng trong chúng ta vẫn hình thành một tâm lý “sợ Tây” (từ chỉ chung các nước ngoài – trừ Lào, CPC). Cái gì của “Tây” hình như cũng hơn ta.
Tâm lý nhược tiểu ấy là rào cản lớn nhất cho chúng ta trên con đường phát triển.

Thử hỏi bạn có dám sáng tạo, dám bay bổng, dám làm không – khi bạn luôn luôn được nhắc nhở rằng: thế giới (Tây) chúng nó đã đi xa hơn mình hàng trăm năm; rồi dân mình chẳng làm được gì đâu bla bla …? Thế hệ 7x – 8x lớn lên trong không khí ấy, mang nặng cái tư tưởng nhược tiểu ấy trong đầu.

Thế nhưng với lứa 9x thì tất cả đã thay đổi. Họ thuộc thời đại Internet, thời đại của công nghệ, du lịch, khám phá, du học, của kết bạn toàn cầu. Những người trẻ ngày nay chẳng hề phải nể nang sợ hãi đám bạn cùng lứa người nước ngoài, thậm chí rất nhiều bạn trẻ Việt kiếm tiền giỏi hơn, làm việc thành công hơn bạn học “dân Tây” của họ. Các bạn trẻ chúng ta nhiều người giỏi lắm rồi.

Nhìn vào các cầu thủ trẻ của U23, nhiều người xuất thân từ nông thôn, gia đình bình thường, nhưng họ có thể nói tiếng Anh tốt, biết cách ăn mặc phong cách chẳng kém gì Tây, biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Đừng coi những điều đó là nhỏ. Người ta chỉ có thể có phong cách khi có sự tự tin vào bản thân, có nền tảng kiến thức nhất định.

Điểm thua kém lớn nhất của người Việt so với “Tây” là vóc dáng, thế nhưng các cầu thủ U23 không ít người trong số họ đã có chiều cao và vóc dáng ngang ngửa với đối thủ. Người Việt đang thay đổi. Thử vào các trường trung học cơ sở và phổ thông, ta sẽ thấy các em ở thế hệ năm 2000, rất nhiều em có chiều cao và thể lực rất tốt, chẳng thua kém gì Tây. Luyện tập thể thao đã trở thành điều khá phổ biến trong giới trẻ, nếu không thì khái niệm “6 múi” đâu có trở thành chuẩn soái ca như hiện nay?

Khi tôi nhìn thấy sự tự tin và thoải mái của các cầu thủ trẻ trên sân đấu châu Á, dù thi đấu với những đối thủ mắt xanh da trắng – trong tim tôi trào lên một niềm vui sướng. Cuối cùng thì một thế hệ người Việt Nam mới đã trưởng thành, một thế hệ tự tin, không còn mang mặc cảm “sợ Tây” nữa.

Hãy ở bên người biết truyền cảm hứng cho bạn

Tôi ngưỡng mộ ông thầy Park Hang-seo, khi đọc về cách ông truyền cảm hứng cho các cầu thủ trẻ.

Ông nói:

"Tôi biết Việt Nam là đội bóng tiềm năng ở Đông Nam Á. Nhưng lần đầu tiên gặp cầu thủ của Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên. Họ có tốc độ, kỹ thuật và thể hình rất tốt. Nhưng dường như họ không biết rằng họ cũng có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Điều đó khiến họ không tự tin.Những gì tôi phải giải quyết là trạng thái tinh thần, họ cần có niềm tin vào bản thân mình. Những gì tôi phát hiện ra sau đó là các cầu thủ Việt Nam cũng giống như bọt biển. Họ tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, luôn có thái độ cầu tiến, thích học hỏi cái mới. Khi tôi nói một cái gì mới, họ hiểu rất nhanh”

Một ông thầy tuyệt vời. Ông nắm được điều mà mọi người thầy thực sự đều biết: Đó là nghệ thuật truyền cảm hứng.

Rất nhiều ông thầy “tây”, nhất là mấy thầy da trắng, muốn hay không cũng “look down” khi nhìn vào trình độ của bóng đá Việt Nam, rồi thâm tâm họ chỉ lấy SEA Games làm mục tiêu – vì cho rằng các cầu thủ cũng chỉ đủ trình độ “ao làng” như vậy. Tâm lý “thực dân” ấy tuy vô hình, nhưng lại có thể cảm nhận rất rõ nếu ai đã từng làm việc với người nước ngoài.

Park không như vậy. Ông đến bằng tình cảm, bằng sự khích lệ, bằng lòng tin vững vàng, bằng cách khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn bên trong, sức mạnh của sự tự tin vào bản thân của các cầu thủ.

Trong khi nhiều HLV “tây” luôn kỳ vọng cầu thủ Việt đá được “gần gần” như Thái Lan, thì ông Park khẳng định họ cũng có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Sự khẳng định này rất quan trọng từ một HLV tầm cỡ như ông, và chắc chắn đã thổi ngọn lửa vào các cầu thủ trẻ.

Khi con người tự tin, họ có thể làm được rất nhiều kỳ diệu.

Tôi nghĩ ông đã làm một điều tuyệt vời. Những người trẻ thế hệ 9x – 2000 đã sẵn có tố chất, thế nhưng họ còn bị rào cản tâm lý do các thế hệ đàn anh đi trước họ nhồi vào họ nỗi sợ “tây”. Ông Park đã mạnh tay đập tan rào cản ấy, thế là các em được tự tin thoải mái chơi thứ bóng đá xứng đáng với trình độ thực sự của mình.
Câu nói của ông với các cầu thủ khi đội thua trận chung kết là: “Chúng ta không phải cúi đầu” rất đẹp. Thắng thua không quan trọng. Bóng đá chỉ là một cuộc chơi, hãy chơi thật vui.
Hôm nay, cả Việt Nam vui mừng. Thật xứng đáng để ăn mừng, vì cuối cùng thì một thế hệ người Việt Nam mới đã trưởng thành!

 

Một thế hệ tự do khỏi tư tưởng thực dân, một thế hệ công dân toàn cầu!

 

Tags: